Golden Newsletter Vietnam – Ấn phẩm đầu tư giá trị đầu tiên và duy nhất cho các nhà đầu tư cá nhân: https://newslettervietnam.com/ve-chung-toi/
Trong một tuần rời xa thị trường Việt Nam để đi rộng ra thế giới, chúng tôi nhận thấy kể từ khi ngài Buffett công khai chỉ trích giới quản lý quỹ chủ động bằng cách trình chiếu trò thắng cược của ông với các quỹ đầu tư mạo hiểm (hedge funds) và chỉ số S&P 500 trong đại hội cổ đông Berkshire Hathaway 2016, một làn sóng thoái vốn khỏi các quỹ này đã diễn ra ồ ạt trên khắp thế giới…
Theo thống kê của Bloomberg, dòng vốn đổ vào quỹ thụ động (ETF inflows) trong năm 2017 đạt mốc trên 1,100 tỷ USD – cao nhất mọi thời đại – tương ứng với trên một nghìn tỷ USD thoái vốn ra khỏi các hedge funds. Với chi phí cho các trưởng danh mục cao và kết quả đầu tư nhiều năm qua thậm tệ, quả thực làn sóng này là tất yếu trong tương lai xa, và đặc biệt sẽ lan qua các quốc gia mới nổi như Việt Nam trong 10 đến 20 năm nữa.
Ấy vậy mà trong bối cảnh đó, chúng tôi lại nhận thấy có một nhà đầu tư đại tài chúng tôi tin rằng hiếm ai biết đến tên là Christopher C. Davis – quản lý quỹ Davis New York Venture Fund từ 1992. Nếu một nhà đầu tư cá nhân bỏ 10,000 mỹ kim vào quỹ này vào năm 1970, anh ta sẽ nhận được hai triệu mỹ kim năm 2017, gấp hai trăm lần số tiền gốc và hai lần nếu anh ta bỏ tiền vào S&P 500 (US$941,000).
Trong quyển The little book of common sense investing của ngài Jack Bogle – sáng lập quỹ index Vanguard nổi tiếng, ông đã tận danh thống kê rằng trong 35 năm kể từ 1970-2005, chỉ có đúng 3/355 quỹ vượt được chỉ số S&P, trong đó có quỹ Davis New York Venture – đủ để xếp Davis vào bậc xuất chúng trên thị trường chứng khoán.
Tìm hiểu sâu hơn về con người này, chúng tôi thấy khá thú vị khi phương châm đầu tư của ông là đầu tư vào những “cổ phiếu tăng trưởng giấu mặt” (growth stocks in disguised). Phương châm này được truyền lại từ đời ông cha của anh Shelby Davis Sr. & Shelby Davis Jr.,vốn cũng là nhà kinh doanh bảo hiểm và đầu tư, đã mang lại kết quả phi thường nhờ vào sự tăng giá đôi đường (double play): cải thiện cả P/E và tăng trưởng lợi nhuận thực tế từ doanh nghiệp tăng trưởng mà được định giá rẻ. Những khoản đầu tư xuất chúng của Chris Davis bao gồm các công ty tài chính ngân hàng giai đoạn khủng hoảng như Wells Fargo, AIG, American Express hay những công ty công nghệ ông mua thời bong bóng dotcom và nắm giữ hơn 10 năm qua như Alphabet Inc. (Google) và Amazon Inc. – nay trở thành những cổ phiếu nóng nhất thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Những cổ phiếu công nghệ này là thứ đã làm cho Chris Davis khác biệt so với người mentor của mình là Buffett khi anh có tầm nhìn vượt xa thời đại và chịu khó mở mang vòng tròn hiểu biết của mình.
Dù rằng nhiều giáo sư như Burton G. Malkiel và thậm chí chính Jack Bogle đã nhận định rằng những kết quả đầu tư như vậy là may mắn và không bền vững trong 35 năm tới, chúng tôi tin rằng nếu một nhà đầu tư cá nhân chúng ta có thể học được phần nào của Davis và đầu tư thành công xuyên suốt trong 15-20 năm thôi – nhiều khả năng chúng ta đã đủ tự do tài chính và đạt được mục tiêu của mình.
Như vậy, liệu Chris Davis là một hiện tượng may mắn hay một hiện tượng may mắn nhờ có năng lực? Một ngày nào đó, chúng tôi sẽ đi sâu về người này để trả lời câu hỏi mang đậm chất Phillip A.Fisher này. Còn bây giờ, có lẽ chúng tôi nên trở về thực tại thay vì lang thang trong tư tưởng về những nhà đầu tư xuất chúng tại Hoa Kỳ …
Bài viết chi tiết về ngài Chris Davis trong ấn phẩm kỳ V: https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-5/
18/10/2017, Saigon, Angelos