Ngài Buffett thời trẻ và hành trình kiếm tìm 174,000 USD đầu tiên – The Golden Newsletter Vietnam
Bài viết trích trong ấn phẩm kỳ XXI, tháng 04.2019: https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-21/
Đặt mua ấn phẩm đầu tư cũ Golden Newsletter Vietnam: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
Trích dẫn, lược dịch từ quyển The Snowball: Warren Buffett and the business of life, 2008 của tác giả Alice Schroeder và vô số các lá thư thường niên của ngài Buffett đến cổ đông Berkshire Hathaway

Ắt hẳn các quý độc  giả thân quen với chúng tôi cũng phải lấy làm lạ rằng tại sao một ấn phẩm đầu tư giá trị tự tin là đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, ấy vậy mà lại chưa bao giờ làm một bài viết đặc biệt về ngài Buffett – một huyền thoại đầu tư giá trị nổi tiếng bậc nhứt toàn cầu?

Sở dĩ chúng tôi ít chú trọng viết nội dung đặc biệt chuyên sâu về ngài Buffett, ấy là bởi vì:

(1) Vị thế hiện tại của ngài Buffett đã rất, rất khác so với những nhà đầu tư cá nhân chúng ta! Ông điều hành tập đoàn Berkshire vốn hóa 500 tỷ USD (bằng non 2 lần GDP nước Việt Nam ta), trực tiếp quản lý danh mục đầu tư chứng khoán niêm yết trị giá ~170 tỷ USD. Có thể nói ông đã trở thành một bậc huyền thoại, một nhà kinh doanh vĩ đại toàn cầu với những lợi thế và quy mô rất lớn – nên một vài quan điểm và phương pháp đầu tư của ông ở tầm nầy sẽ không phù hợp với hầu hết cá nhân.

(2) Cuộc đời và lịch sử đầu tư của ông khá dài, trên dưới 60 năm và được viết lại bởi rất nhiều sách vở nên chúng tôi cho rằng việc viết chuyên sâu thêm như vậy hơi trùng lặp, vừa mất thời gian độc giả lại không hiệu quả.

(3) Cuối cùng, nếu quý độc giả dành thời gian kiểm tra lại toàn bộ các ấn phẩm cũ của chúng tôi, gần như 100% các ấn phẩm chúng tôi đều truyền tải một phần tư duy/triết lý đầu tư giá trị của ngài Buffett vào các trang giấy – lúc thì rõ ràng, lúc khác thì ấn dụ hơn. Vì lẽ đó, tư duy đúng đắn của ông qua ấn phẩm Golden Newsletter chúng tôi được truyền tải tựa như những cơn mưa phùn  vậy – không phải là một cơn bão thoáng qua rồi dứt.

Ấy vậy mà dù ít viết về ngài Buffett, chúng tôi cho rằng giai đoạn mà lẽ ra chúng ta nên tìm hiểu và học hỏi từ ngài Buffett nhất: lại chính là giai đoạn mà ông khởi đầu thời còn trẻ tuổi với vốn liếng ít ỏi, lợi thế kinh doanh hữu hạn, ấy vậy mà tràn đầy sự đam mê và thông minh đến lạ thường (!)

Vì lẽ nầy, cộng với câu hỏi từ các độc giả trẻ tuổi gần đây, kỳ nầy, chúng tôi xin mạn phép được thuật lại câu chuyện của một người trẻ 21 tuổi, với hành trang duy nhất là một ước mơ làm giàu, một tư duy đầu tư giá trị đúng đắn và 10 nghìn mỹ kim làm vốn – đã tạo ra lãi kép khổng lồ như một “cỗ máy tạo tiền” như thế nào…

I. Những thương vụ giúp ngài Buffett kiếm được 174,000 USD đầu tiên

  • Hoàn cảnh ngài Buffett giai đoạn 1951 – 1956:

21 tuổi đời, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ trường Đại học Columbia (ngôi trường huyền thoại ngài Graham giảng dạy ở thủ phủ tài chánh New York, Hoa Kỳ), ngài Buffett cưới cô Susan Thompson – cả hai còn vô cùng trẻ tuổi.

Tuy phải mang trên vai gánh nặng gia đình, ngài Buffett vẫn vô cùng “kén chọn” khi quyết định công việc đầu tiên cho mình. Ông giáo già David Dodd – đồng tác giả của ngài Graham trong quyển Security Analysis, 1934 – đã cố giúp Buffett bằng cách giới thiệu ông chỗ làm trong hãng Value Line Investment Survey, một nhà xuất bản đang muốn tìm chuyên viên phân tích mới. Công việc nầy có mức lương tương đối – 7,000 USD/năm, song Warren đã từ chối vì ông không muốn trở thành một nhà nghiên cứu “vô danh” ngồi bàn giấy (!)

Thay vào đó, ông dũng cảm quay trở lại Omaha, làm nhân viên môi giới cho hãng Buffett-Falk & Associates của cha ông, bán cổ phiếu bảo hiểm GEICO cho những người thân quen, chơi bóng bàn, học cách diễn thuyết, tận hưởng một cuộc sống chậm rãi với vợ & gia đình trong một vài năm. Ấy vậy mà suốt những năm tưởng chừng như vô nghĩa đó, Buffett vẫn đau đáu mong muốn được làm việc cho Graham, ông gởi đến những bức thư, bài báo phân tích cổ phiếu, và thậm chí định kỳ hằng năm đều đi thăm Graham ở New York.

Cuối cùng sự kiên trì suốt 2 năm của ông cũng đem lại kết quả: Ben Graham và cộng sự của ông, Jerry Newman đã viết thư lại cho ông, và họ bảo rằng họ đang cần ông. Ngày 01/08/1954, ông chính được nhận vào quỹ hợp danh đầu tư Graham-Newman Partnership. Ở đây, dù phải thuê nhà xa xôi tại ngoại ô White Plains cách phố Wall hơn 30 dặm, vợ con nheo nhút mà tiền bạc lại không có, ông vẫn học hỏi trong công việc chăm chỉ như một “cái máy”, ông làm việc với các bậc siêu hạng như ngài Graham, ngài Walter Schloss, Tom Knapp, Bill Ruane – thậm chí ông còn “vượt xa” họ khi tự tích lũy cho mình những khoản đầu tư với mức sinh lợi phi thường, thứ mà chúng tôi sẽ bàn ở dưới.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi nầy, dù chỉ bắt đầu với khoản tiết kiệm trị giá 9,800USD cuối năm 1951, ông đã mang về lãi kép hơn 61% CAGR mỗi năm trong suốt 5 năm làm việc, chủ yếu nhờ vào tư duy đầu tư giá trị đúng đắn, lối sống cần kiệm cũng như sự chăm chỉ kiếm tìm các cơ hội giá hời của một người trẻ tuổi tràn đầy đam mê và nhiệt huyết…

  • Government Employee Insurance Company (GEICO), 1951-1952:

GEICO, khoản đầu tư thành công vang dội đầu tiên của ngài Buffett thời trẻ – cũng là tiền đề cho đế chế bảo hiểm trị giá 250 tỷ USD ngày hôm nay của ông, vốn là một cơ hội đến với ông tình cờ làm sao!

Vào năm 1951, trong khi đang học khóa Thạc sĩ với ngài Graham, Warren vào thư viện lục tung danh mục các công ty đại chúng, chợt ông vô tình tìm thấy người thầy của mình đang có chân trong HĐQT của GEICO, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ tập trung bán bảo hiểm ô tô cho các nhân viên của Chính phủ Hoa Kỳ. Với bản chất tò mò, ông liền xuống phố, bắt luôn một chuyến tàu lửa đến Washington – trụ sở của GEICO vào ngày thứ 7, và mạnh dạn gõ cửa để trò chuyện với ban lãnh đạo.

Trong sự thất vọng của ông, văn phòng GEICO không mở cửa vào ngày thứ 7, và người duy nhất trong văn phòng lúc bấy giờ là Lorimer Davidson – phó giám đốc (người sau này trở thành CEO của hãng). Không có lí do gì để Davidson tiếp một chàng trai trẻ 21 tuổi vô danh cả, song nhờ sự chân thành, ham học hỏi và mối quan hệ với thầy Graham, vị phó giám đốc điều hành nầy đã không chỉ chịu gặp mặt, mà còn giải thích cho Buffett hẳn 4 tiếng đồng hồ về lợi thế cạnh tranh của GEICO và cấu trúc của ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Mãi sau khi nhớ về kỉ niệm nầy, ông tự thú rằng trước đó 1 tuần, ông dường như là một con số “0” tròn trĩnh với cả GEICO và ngành bảo hiểm nói chung, chỉ sau khi nói chuyện với Davidson và nghiên cứu thêm, ông đã quyết tâm trở thành “một chuyên gia bảo hiểm” – và ông đúng thực đã trở thành như vậy suốt cuộc đời mình.

Sau cuộc gặp gỡ thú vị trên, Buffett mua cổ phiếu GEICO 4 lần suốt năm 1951: ông mua gom được 350 cổ phiếu GEICO đến cuối năm, với giá vốn $10,282 – chiếm 50% tài sản ròng tích lũy từ cả thời niên thiếu đi giao báo Washington Post & The Wall Street Journal của ông. Thậm chí ông còn viết một bài phân tích về GEICO trên tờ The Commercial & Financial Chronicle cuối năm 1951 (quý độc giả nào thạo Anh ngữ có thể đọc ở link sau: https://bit.ly/3LA8Nod).

Thú vị thay, nếu quý độc giả ngẫm kĩ bài phân tích nầy, sẽ thấy rằng từ thuở đó, ngài Buffett đã phân tích đúng theo 4 tiêu chí M rất chuẩn xác: từ ngành bảo hiểm ô tô thiết yếu ra sao, đến lợi thế cạnh tranh chi phí thấp của GEICO, đến đánh giá ban lãnh đạo và cả biên an toàn theo định giá P/E. Quả thực ông đã hình thành cho mình tư duy đầu tư giá trị đúng đắn từ thời rất trẻ và giữ vững nó suốt hơn 60 năm qua.

Cụ thể, ông đánh giá cao ngành bảo hiểm ô tô hậu chiến tranh tại Mỹ lúc bấy giờ như một nhu cầu thiết yếu, bất chấp chu kỳ của nền kinh tế. Ông còn nhận ra được lợi thếcạnh tranh “chi phí thấp” (low-cost service) của GEICO nhờ vào việc bán bảo hiểm qua đường bưu điện mà không cần chi huê hồng cho bất cứ đại lý nào. Hơn thế nữa, GEICO chỉ tập trung vào thị trường ngách (niche) của các nhân viên Chính phủ – những người có thu nhập ổn định, thích tiết kiệm chi phí và có xu hướng lái xe an toàn hơn những tầng lớp khác rất đáng kể.

Nhờ vậy, doanh thu phí bảo hiểm (premium written) của GEICO tăng 36% CAGR suốt 15 năm kể từ ngày thành lập, đồng thời biên lợi nhuận thuần bảo hiểm của công ty đạt 18.0%, gấp gần 6 lần các đối thủ cạnh tranh khác ở mức 3.0% năm 1950. Bên cạnh đó, ông còn đề cập tới ngài Graham – một nhà đầu tư tài năng, liêm chính trong hội đồng quản trị và khả năng lãnh đạo tuyệt vời của chủ tịch HĐQT Leo Goodwin. Cuối cùng, xét đến biên an toàn, ông cho rằng GEICO được bán quá rẻ ở mức 8x P/E năm 1950, xét đến triển vọng tăng trưởng khổng lồ của nó đối với nhân viên Chính phủ ở các bang chưa được tiếp cận. Quả thực là một bài phân tích 4M rất hay mà chúng tôi cũng phải ngả mũ nể phục (!)

Và công lao phân tích nầy đã đem lại cho ông phần thưởng xứng đáng: ông đã bán chốt lời toàn bộ số cổ phiếu GEICO năm 1952 khi đang làm môi giới ở hãng Buffett-Falk, thu về $15,259 – một mức sinh lợi 50%/năm thậm chí chưa tính đến cổ tức. Vậy mà sau này nhìn lại, ông nói rằng nếu ông tiếp tục nắm giữ GEICO, đến năm 1969, số cổ phần của ông có thể tăng gấp 100 lần lên 1.3 triệu mỹ kim (!) Dù vậy, ông giải thích rằng việc “phản bội” trên là do ông đã đắn đo rất kĩ về một cơ hội khác còn hấp dẫn hơn khi ông nhìn thấy P/E của nó chỉ vỏn vẹn dưới 2 lần, đó là một công ty bảo hiểm hấp dẫn khác tên là Western Insurance Securities Co.

  • Western Insurance Securities Co. (Western Insurance), 1952-1953:

Trong giai đoạn làm môi giới chứng khoán tại Omaha, ngài Buffett tiếp tục tìm ra một cổ phiếu “giá hời” khác: đó lại là một công ty bảo hiểm phi nhân thọ (ô tô, cháy nổ) khác tên là Western Insurance Securities Co. Chính vì cổ phiếu đặc biệt nầy, ngài Buffett đã phải bán đi GEICO vì định giá “rẻ mạt” đến khó tin của nó.

Một lần nữa chia sẻ trong bài phân tích “The Security I Like Best” trong tờ Commercial & Financial Chronicle vào tháng 03/1953 thuở ông cư ngụ ở Omaha (quý độc giả thạo Anh ngữ có thể tham khảo link sau: https://bit.ly/3oPv0oG), ngài Buffett thú rằng ông đã vô tình tìm được Western Insurance trong quyển niên giám Moody’s Financial khi nhận thấy cổ phiếu bảo hiểm nầy có vùng giá vô cùng hấp dẫn suốt một năm qua từ [$12-$20], trong khi earnings-per-share năm trước đó đạt tới tận $16, tức P/E chưa được non 2 lần!

Tìm hiểu sâu hơn, ông nhận thấy rằng Western nắm giữ hai mảng kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ khá triển vọng và có nhu cầu ổn định, bao gồm bảo hiểm ô tô (60% doanh thu) và bảo hiểm cháy nổ (40% doanh thu). Bên cạnh việc doanh thu phí tăng đều 15% CAGR suốt 12 năm trước đó, công ty làm ra 1.4 triệu đô la lãi ròng năm 1952 – một năm tệ hại của ngành bảo hiểm – gấp 10 lần chi phí cổ tức ưu đãi (preferred dividends) mà công ty phải chi trả, như vậy còn để lại $24.75 EPS ròng cho cổ đông của cổ phiếu thường. Ông còn đánh giá rằng CEO của công ty – Ray Duboc – là một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành, có năng lực tốt và trung thực trong kinh doanh.

Với mức giá $40 trên thị trường OTC lúc bấy giờ, tương ứng với chưa đầy 2 lần P/E và 0.5 lần P/B (xét đến book value per share của công ty năm 1952 đạt $86 – thậm chí khoản tài sản ghi sổ nầy chưa tính đến các khoản doanh thu chưa hạch toán từ các hợp đồng bảo hiểm mà ban lãnh đạo cẩn trọng đưa ra ngoài), ông mua Western Insurance bằng mọi giá, thậm chí kể cả việc phải bán đi cổ phiếu GEICO ưa thích, và chi tiền đăng quảng cáo trên các tờ tạp chí để kiếm người bán cổ phiếu cho ông!

Một lần nữa, sự chăm chỉ nghiên cứu và thông minh nhạy bén của ông đã đem lại thành quả lớn: cuối năm 1953, Western Insurance được bán ở giá $65, tăng gần gấp đôi so với thời điểm ông mua ở quanh vùng ~$30 mỹ kim/cổ phiếu. Đến cuối năm 1954, nó tiếp tục tăng lên $95 và mức P/E của nó dường như vẫn quá rẻ mạt. Dù ông không chia sẻ rằng mình đã chốt lời cổ phiếu nầy khi nào, song chắc chắn nó mang lại một khoản lời ít nhất +200% cho ông trong hai năm ngắn ngủi…

  • Philadelphia & Reading Coal Iron Company (P&R), 1954:

Sau giai đoạn làm môi giới ở Omaha, Buffett được mời gia nhập quỹ đầu tư Graham-Newman. Tại đây, nằm giữa lòng phố Wall – New York, được trang bị bởi phương pháp đầu tư đặc thù của người thầy, cũng như làm việc với rất nhiều nhân vật tài năng cùng công ty, ông “rình” các cơ hội tựa như một con sói đang ở thế thượng phong vậy! Trong 18 tháng làm việc vỏn vẹn, ông lọc được rất nhiều cơ hội và học hỏi được rất nhiều điều hay, trong đó có thương vụ Philadelphia & Reading Coal Iron của ngài Graham.

Khi mới gia nhập công ty, ông tự thú rằng đã được tiếp xúc với thương vụ này một cách vô cùng tình cờ: “Hồi tôi còn là một kẻ sai vặt ở phòng ngoài, có một người tên là Jack Goldfarb bước vào văn phòng tìm Graham và Newman. Ông ta thương lượng với họ và họ đồng ý mua Underwear Union của ông ta để nhập vào Philadelphia & Reading. Đó là bước đi đầu tiên trong chủ trương đa dạng hóa đầu tư của Graham & Newman. Tôi không được phổ biến vụ đó nhưng tôi biết rằng có điều gì đó tốt đẹp đang xảy ra…”

Với bối cảnh ô tô dần thay thế các toa tàu lửa, Philadelphia & Reading Railway cũng như công ty than sắt Philadelphia & Reading Coal Iron lúc bấy giờ bị suy thoái nghiêm trọng. Hoạt động cốt lõi của công ty ngày càng đi xuống và có dấu hiệu thua lỗ, song công ty vẫn trữ cho mình một lượng tiền và trái phiếu khổng lồ – cao hơn cả thị giá. Dù không có nhiều số liệu về công ty này cụ thể, song chúng tôi tìm tòi được rằng ngài Buffett đã nhận thấy một “mẩu xì gà hút dở” kinh điển, và biết rằng người thầy Graham của mình nắm quyền kiểm soát chi phối (>51% cổ phần) công ty, nên đã tin tưởng đầu tư quá nửa tài sản của mình trị giá 35,000 USD vào cổ phiếu này năm 1954.

Song điều đặc biệt về P&R không phải việc nó là một cổ phiếu giá rẻ đơn thuần, mà thay vào đó, điểm ấn tượng nhất với ngài Buffett lại chính là kĩ năng phân bổ vốn (capital allocation skill) của Howard Newman – con trai của ngài đối tác Jerry Newman của Graham. Từ một doanh nghiệp than sắt & tàu hỏa đi xuống, Howard nắm quyền CEO P&R, sau đó ông bán đi hàng tồn kho và các mảng kém sinh lợi, và mua lại hãng sản xuất đồ lót Union Underwear đầy triển vọng của Jack Goldfarb mà ngài Buffett nghe lỏm được ở phía trên (!) 15 năm sau, khi phải xử lý trường hợp của Berkshire Hathaway, ngài Buffett đã bắt chước lại đúng hệt chiến thuật của Howard Newman: đó chính là bán đi các mảng sinh lợi kém như dệt may và đầu tư vào các doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời và khả năng tạo tiền tuyệt vời như bánh kẹo, bảo hiểm, báo chí…

Trong bức thư thường niên năm 2001 gần đây, sau khi thâu tóm hãng đồ lót Fruit of the Loom và hãng giầy Acme Boots (hậu thế của Union Underwear sau nhiều vụ thâu tóm và M&A), ngài Buffett mới chia sẻ lại thương vụ đặc biệt trên kĩ lưỡng hơn: “Niềm tin của tôi đã được đền đáp khi P&R mua lại hãng Union Underwear của Goldfarb với giá 15 triệu mỹ kim. Công ty có 5 triệu đô la tiền mặt, tạo ra 3 triệu đô la lãi ròng mỗi năm, song lại được miễn thuế nhờ ưu đãi của ngành đường sắt từ P&R. Thú vị thay, trong 12.5 triệu đô la tổng nợ phải trả còn lại, có đến 9 triệu USD là tín phiếu không lãi suất dài hạn (từ thời ưu đãi đường sắt). Mỗi lần nhớ về các thương vụ giá hời ngày ấy, tôi cảm thấy nổi da gà làm sao!”

Như vậy, hãng Graham-Newman thông qua P&R đã mua được Union Underwear – một công ty tiêu dùng tạo ra suất sinh lời ROE cao – với P/E 4-5 lần hoặc thấp hơn nếu trừ đi tiền mặt, một món hời khó tin vào giai đoạn thập niên 1950s (!)

Dù không chia sẻ rõ số lợi nhuận của mình, song tác giả Alice Schroeder của quyển Snowball đã ghi chú rằng tỷ suất lợi nhuận của tài khoản cá nhân ngài Buffett năm 1954 ấy là +144.8% (bao gồm cả P&R, cổ phiếu Rockwood – thứ chúng tôi bàn ở ngay sau đây, và một vài cổ phiếu nhỏ khác), gấp 3 lần mức tăng 50.1% của chỉ số Dow Jones Industrial Average…

(kỳ 2 tiếp tục tại đây)

  • Rockwood & Co. (Rockwood), 1954-1956:

Không lâu sau khi Warren gia nhập quỹ hợp danh Graham-Newman, ông may mắn được giao một dự án mới phức tạp hơn hẳn, nhưng đem lại bước ngoặt lớn cho sự nghiệp của ông.

Tại Brooklyn, New York, một nhà sản xuất sô-cô-la dạng bơ & thỏi tên là Rockwood & Co. đang thua lỗ nghiêm trọng vì không định hướng rõ ràng dòng sản phẩm chủ lực của mình. Tuy nhiên, may mắn cho họ vào năm 1954, do thiếu hụt nguồn cung, giá ca-cao thế giới (hạt màu đen, nguyên liệu chính để sản xuất sô-cô-la) tăng vọt gấp 10 lần từ 5 cent lên 50 cent/pound – đột nhiên khiến họ có một khoản lãi dự thu cực lớn từ số hàng tồn kho trữ trước của mình. Song, nếu ban lãnh đạo quyết định bán số hàng tồn kho này đi và thu về tiền mặt, họ sẽ phải chịu một mức thuế thu nhập rất lớn (@S.A.F.E: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang Hoa Kỳ thập niên 1950s quy định mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp lúc bấy giờ là 50%, một mức nặng đến kinh ngạc!).

Chính vì lí do nầy, các cổ đông lớn của Rockwood tìm đến Jay Pritzker để bán cổ phần – ông là một thiên tài “tránh thuế”, một nhà công nghiệp hùng mạnh chỉ với 32 tuổi hơn. Vô cùng thông minh và nhạy bén, Pritzker nhận ra trong Luật Thuế Liên Bang một kẽ hở rằng các công ty thu hẹp hoạt động kinh doanh của mình sẽ không bị thu thuế trên hoạt động thanh lý hàng tồn kho (*)

Nhờ vậy, ông mua vào nắm quyền chi phối Rockwood từ các cổ đông lớn, sau đó phân bổ một nửa lượng ca-cao tồn kho của công ty sang mảng kinh doanh sô-cô-la bơ mà ông sẽ đóng cửa để tập trung kinh doanh sô-cô-la thỏi. Đúng theo Luật, ông quyết định thanh lý mảng sô-cô-la bơ, và đưa ra một lời đề nghị cho tất cả cổ đông hiện hữu của công ty rằng ông sẽ cho họ hoán đổi 1 cổ phiếu Rockwood của họ để lấy 36 USD giấy sở hữu hạt ca-cao tương ứng. Lúc bấy giờ, cổ phiếu Rockwood đang được bán với giá 15 USD vỏn vẹn, sau đó tăng vọt lên 34 USD nhanh chóng và dao động quanh vùng này…

Ngài Graham nhanh chóng nhìn ra một cơ hội kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) có rủi ro bằng 0 và lợi nhuận 2 USD khá chắc chắn. Ông giao cho Buffett mua vào cổ phiếu Rockwood với giá 34 mỹ kim; sau đó để tránh trường hợp giá ca-cao rớt ngược từ giá 36 USD về dưới 30 USD hoặc hơn, ông hướng dẫn Buffett kí các hợp đồng kì hạn (forward contract), bán chốt số ca-cao trên tại mức giá 36 USD trên thị trường hàng hóa. Nhờ cách làm thông minh này, ông chắc chắn ghi nhận được khoản lãi 2 mỹ kim/cổ phiếu với rủi ro bằng 0. Họa chăng mọi chi phí ông tốn là tiền vé tàu điện ngầm, giấy mực của các hợp đồng kì hạn và mức lương còm cõi của cậu nhân viên Buffett.

Ấy vậy mà trong khi ngài Graham và Newman đang ăn mừng với trận “pháo hoa tài chính” vô cùng thành công kể trên, ngài Buffett – thiên tài trẻ tuổi – lại nhận ra một “tảng băng chìm” khổng lồ phía sau cái bề nổi chắc chắn ấy. Không như Ben Graham, Warren không đi buôn chứng khoán để đổi hạt ca-cao, cũng chẳng cần phải đi kí hợp đồng kì hạn làm gì cho phức tạp cả. Ngạc nhiên thay, ông làm ngược lại tất cả: đặt lệnh mua vào 222 cổ phiếu Rockwood cho riêng mình (!)

Trong khi mọi người hời hợt ăn mừng, Warren đã nghĩ và tính toán rất kĩ về thương vụ này mỗi tối về nhà khi ru con ngủ: khi Pritzker chia một nửa lượng hạt ca-cao trên và đổi lấy cổ phiếu của các cổ đông, thực ra những người giữ lại cổ phiếu của mình sẽ nhận được nhiều hơn lượng ca-cao tương ứng trên mỗi cổ phiếu do Pritzker đã đưa một tỷ lệ hoán đổi tốt hơn cho phía ông. Những cổ đông giữ lại cổ phiếu sẽ hưởng lợi cực lớn vì họ không chỉ nắm lượng ca-cao/cổ phiếu lớn hơn, mà còn cả nhà xưởng, máy móc thiết bị, tiền mặt, phải thu, thương hiệu và lợi nhuận kinh doanh tương lai của Rockwood.

Warren đã tự đặt một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản song lại vô cùng thâm thúy: “Nếu việc hoán đổi có lợi vậy, tại sao Jay Pritzker lại mua vào cổ phiếu rất mạnh? Nếu vậy thì việc ta bán ra có ý nghĩa gì đâu!” Đến cuối năm 1956, hành động đi ngược chiều (contrarian) của ngài Buffett quả chứng minh được sự khôn ngoan vô tận: Rockwood & Co. ngày càng kinh doanh có lãi trở lại, giá cổ phiếu tăng vọt từ 34 mỹ kim lên 85 mỹ kim (chưa tính cổ tức), đem về cho ngài Buffett khoản lợi nhuận ròng 13,000 đô la. Thay vào đó, nếu ông chỉ kinh doanh chênh lệch giá kiểu Graham, ông lãi được ~400 đô la vỏn vẹn, và bỏ lỡ đi một cơ hội sinh lời gấp 30 lần ngay trước mắt (!)

Sau thương vụ nầy, độ tự tin của ngài Buffett ngày càng lớn hơn. Dù thương vụ chỉ nhỏ hơn 100,000 đô la, song nếu duy trì tư duy độc lập với số đông (ngay cả với bậc huyền thoại như ngài Graham), cộng với việc kiên nhẫn “mua & nắm giữ” như vậy, ông có thể mở rộng cơ hội cho chính mình. Điều nầy không giống gì với cách đầu tư của nhiều người đương thời lúc đó, ngồi bàn giấy văn phòng, đọc báo cáo khuyến nghị do người khác viết để thực hiện mua/bán ngắn hạn. Warren Buffett đích thực là một “thám tử” từ trong huyết quản và ông tự nghiên cứu, phân tích, tính toán và ra quyết định cho mình. Và đó chính là thời khắc giúp ông trưởng thành lên một nấc thang mới…

  • Union Street Railway Co. (USR), 1955-1956:

Ấy vậy mà Warren không hề kiêu ngạo, ông cảm thấy thật vinh dự khi được “vay mượn” ý tưởng từ Graham, Pritzker hay bất cứ nguồn thông tin nào hữu ích. Ông gọi đó là trò theo đuôi và không quan tâm một ý tưởng nào đó là cao đẹp hay trần tục. Nhờ vậy, ông tìm được cho mình một cơ hội tuyệt vời cuối cùng trước khi nghỉ khỏi quỹ Graham-Newman: đó là một công ty quản lý xe điện nội đô (“trolley” – dạng xe lửa nhỏ chạy trên đường ray trong thành phố) tên là Union Street Railway Company.

Theo lời kể của ngài Buffett và đoạn tóm tắt ngắn trong quyển Moody’s Financial (quý độc giả nào thạo Anh ngữ có thể tham khảo link sau), tọa lạc ở khu vực xa xôi New Bedford, bang Massachusetts, USR sở hữu 116 xe điện và một công viên giải trí. Đặc biệt thay, nếu phân tích sơ qua bảng cân đối kế toán, ta sẽ thấy họ nắm giữ xấp xỉ 200 nghìn đô la tiền mặt, 800 nghìn đô la trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ, “giấu tài sản ẩn” của mình gần 1 triệu đô la nữa ở các khoản tiền gửi đặc biệt dài hạn và các quỹ tín thác dự phòng trong khi không hề vay nợ một đồng nào!

Như vậy, với chỉ vỏn vẹn 18 nghìn cổ phần đang lưu hành, USR sở hữu gần ~110USD/cp tiền mặt và các trái phiếu thanh khoản cao, trong khi cổ phiếu công ty được giao dịch rẻ mạt ở vùng giá 35-40USD/cp trên thị trường (tức chỉ bằng một phần ba hoặc ít hơn). Ngoài ra, công ty  USR còn mời chào mua lại cổ phiếu quỹ từ các cổ đông – một dấu hiệu tuyệt vời khác, ngài Buffett mua vào tất cả cổ phiếu USR mà ông có thể cho cả quỹ Graham-Newman và chính mình một cách nhiệt thành!

Thăm viếng các ban giám đốc công ty là một phần trong hoạt động kinh doanh của Warren. Ông sử dụng các cuộc gặp gỡ để học hỏi ngày một nhiều hơn về một công ty nào đó. Song ngược lại với Warren, người thầy và ông chủ của ông là ngài Graham lại cho rằng công việc thăm viếng là một dạng “lừa dối”, “mách nước” và ông muốn tự lực cánh sinh, cư xử như một nhà đầu tư cá nhân thông thường, một người ngoài cuộc coi ban lãnh đạo là “kẻ thù” hơn là người đồng hành (!) Dẫu vậy, thay vì cực đoan như ngài Graham, ngài Buffett làm theo bản năng của mình: ông hẹn gặp được ngài chủ tịch Mark Duff của Union Street Railway vào năm 1955. Ông kể lại:

“Tôi thức dậy vào lúc 4 giờ sáng và lái xe đi New Bedford. Mark Duff là một người vô cùng lịch sự và dễ mến. Khi tôi sắp ra về, ông ấy nói: ‘À này, chúng tôi đang nghĩ đến chuyện chia cổ tức cho cổ đông đấy. Nếu anh không biết, có một điều khoản trong luật bang Massachusetts về các công ty dịch vụ công ích (utilities), ở đó nói rằng chúng tôi phải trả cổ tức tối thiểu bằng mệnh giá cổ phiếu công ty (tức 25 đô la). Và hãy nhớ kỹ: chúng tôi đang nghĩ đến con số 2!’

Tự nhiên tất cả tính toán hiện lên đầu tôi nhanh chóng: vậy là họ sẽ chia cổ tức 50 đô la/cổ phiếu, ấy vậy mà giá mỗi cổ phiếu được giao dịch trên thị trường lúc bấy giờ chỉ vòng quanh 35-40 đô la. Quan trọng hơn hết, sau khi chia cổ tức, các công ty này vẫn còn sinh lợi dài lâu. Các công ty xe điện nội đô thường giấu tài sản của họ qua các quỹ dự phòng, đất đai, nhà kho và các trái phiếu, họ vẫn kinh doanh có lãi nhiều năm qua. Tôi không biết điều gì đã thúc giục Mark Duff chia sẻ với tôi điều này. Nhưng rõ ràng chuyến thăm đó đã mang về cho tôi hơn rất nhiều so với thứ mà tôi mong đợi…”

Hệt như vậy, sau khi chia cổ tức 50USD, cổ phiếu USR vẫn được giao dịch trong vùng 15-20USD/cp, tức đã tăng xấp xỉ +100% so với thời điểm mà ngài Buffett mua vào. Trong vỏn vẹn một năm 1955, khoản đầu tư vào USR cộng cổ tức đã mang về cho ông hơn 20,000 mỹ kim. Không ai trong lịch sử gia đình Buffett kiếm được 20 nghìn mỹ kim nhanh chóng chỉ với một ý tưởng như vậy. Đó là một khoản sinh lợi ngoạn mục trong khi gần như ông không hề chịu bất kỳ rủi ro nào (!)

  • Ngài Graham đóng quỹ, 174 nghìn mỹ kim đầu tiên, kẻ lập di đi ngược xã hội:

Cuối năm 1955, nhân sự trong quỹ Graham-Newman rã dần, trong đó ngài Schloss đã ra lập quỹ riêng. Đến năm 1956, ngài Graham lúc nầy đã 62 tuổi, ai cũng nhận thấy ông dường như đã chán việc đầu tư – nó không còn là trò chơi trí tuệ với ông sau 30 năm đánh bại thị trường nữa… Ông chuyển sang các thú vui khác như phụ nữ, nhạc cổ điển và mỹ thuật. Ông mua vào các cổ phiếu bão hòa như American Telephone & Telegraph (AT&T) để nhận cổ tức, ngặt đến nỗi nhiều khách hàng bên ngoài phải đến thăm quỹ hợp danh xem ngài Graham đang bị làm sao mà lại mua AT&T (?!) Nhìn cảnh ấy, Buffett tuy cảm thấy nghi ngờ rằng Graham sắp đóng cửa công ty, nhưng ông cũng mừng vì anh bạn thân Schloss đã không còn ở đó…

Hệt vậy, đến mùa Xuân năm 1956, Jerry Newman tuyên bố nghỉ hưu, ngài Graham cũng công bố cho các cộng sự của mình ý định của ông. Ông đề nghị riêng với Buffett rằng Mickey Newman (con trai trưởng của Jerry Newman) sẽ lên thay, và Buffett có thể thay thế chính ông. Song, ông đã từ chối lời đề nghị đó. Sau nầy theo lời kể của ngài Chris Browne – điều hành hãng môi giới đầu tư giá trị Tweedy Browne Inc., ngài Buffett từ chối lời đề nghị đó vì 2 việc: (1) Vợ ông không thích sống một mình cả ngày ở New York (2) Buffett chưa bao giờ muốn hợp tác với một người cộng sự trên cơ của mình, đặc biệt không phải là người ông tôn trọng và thân quen như ngài Graham.

Cuối năm 1956, ngài Buffett rời quỹ Graham-Newman, trở về Omaha với 174,000USD trong tay (gần 1 triệu USD tính theo lạm phát đến bây giờ) – hầu hết đến từ những khoản tiết kiệm từ lương, rồi tái đầu tư với lãi kép khồng lồ của ông qua các thương vụ như Rockwood, USR còn sót lại. Ông nói với những người bạn rằng ông muốn “nghỉ hưu”, xét đến việc mỗi năm ông chỉ phải chi tầm ~1000 mỹ kim để thuê nhà, ăn tiêu thì tằn tiện. Ông lập quỹ hợp danh Buffett Partnership Ltd. chỉ với 105,000USD vốn đầu tư từ 7 người cộng sự là gia đình & bạn bè của ông – những người ông biết chắc rằng họ tin tưởng và không bao giờ chỉ trích ông theo giá thị trường.

Thời đó, hầu hết những người Mỹ kiếm được nhiều tiền một cách nghiêm túc đều làm việc ở New York; bỏ lại tất cả và ra đi, nghĩ cách làm giàu ở một vùng phố thị chân quê như Nebraska rõ ràng là một hành động điên rồ và liều lĩnh của ông. Thưở bấy giờ, một người tốt nghiệp đại học, tự trả công cho bản thân (self-employed) và làm việc tại nhà lại là một điều bất thường giữa thập niên khó khăn 1950s. Những người bình thường luôn tìm đường gia nhập các tổ chức lớn, cạnh tranh với nhau bằng tính khốc liệt ẩn đằng sau những khuôn mặt lịch sự hòng chiếm công việc có mức lương tốt nhất, dần dần leo lên bậc thang quyền lực mà không muốn đổ một giọt mồ hôi nào (!) Đó là hình thái tiêu chuẩn của những “gã mặc áo complê xám”, những người cạnh tranh nhau bằng quyền lực thay vì khả năng kiếm tiền giỏi.

Và như thế, một chàng trai trạc 26 tuổi đã quyết định đi ngược lại với con đường vạch sẵn của hầu hết xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Mà thay vì lận đận và buồn chán, ông làm việc hăng hái và thông minh đến lạ thường. Chỉ vài năm sau, ông kiếm được 1 triệu mỹ kim cho mình một cách nhanh chóng và đáng ngưỡng mộ! Song ắt hẳn đó sẽ là câu chuyện tại một ấn phẩm kì khác vậy xin thưa quý độc giả…

II. Kết luận

Nhiều quý độc giả đến đây ắt hẳn sẽ nghĩ rằng “những ngày tháng tươi đẹp nầy đã xa mất rồi”… Thực ra suy nghĩ đó đúng một nửa: những cơ hội giá rẻ P/E <2 lần hay cổ tức cao hơn thị giá quả là không còn nữa, đặc biệt là ở “một cái ao” chật hẹp và cạnh tranh gay gắt như Việt Nam.

Song nhiều năm qua, chúng tôi vẫn quan sát thấy, và từng tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư cá nhân đã sinh lời đáng ngưỡng mộ từ những “món hời” ở quanh ta! Tuy chúng không rõ ràng như những thương vụ của ngài Buffett, nhưng chúng rẻ một cách “ẩn nấp” hơn, chẳng hạn qua giá trị bất động sản, cổ tức tương lai, tiền mặt gởi ngân hàng, khoản đầu tư vào các công ty liên doanh/liên kết tuyệt vời, v.v Đặc biệt trong những thời kỳ suy thoái, nơi mà mọi người ghẻ lạnh cổ phiếu như một cơn bệnh, thì các cơ hội này xuất hiện ngày càng nhiều hơn nếu ta chịu khó tìm tòi với tư duy của một nhà đầu tư giá trị thông minh. Mà để được vậy:

<1> Ta phải tập đức chịu khó, liên tục “lật các viên đá lên”. Sở dĩ ngài Buffett tìm được các cơ hội tuyệt vời vậy là nhờ ông đã lật hàng nghìn trang Moody’s Financials mỗi năm, ông bắt xe lửa tận xuống Washington để gặp GEICO, đánh chuyến xe lúc 4h sáng đến tận Massachusetts để gặp chủ tịch Union Street Railway, suy nghĩ mỗi buổi tối khi ru con ngủ về thương vụ Rockwood và nhận ra tảng băng chìm phía sau của Jay Pritzker một cách đầy “thiên tài”… Vì thế, ông xứng đáng có được lợi nhuận phi thường nhờ sự chăm chỉ của mình.

<2> Ta phải học đức cần kiệm của ngài Buffett: mặc dù mang trách nhiệm phải nuôi vợ (bà Susie chưa bao giờ đi làm kiếm tiền), con gái nhỏ và một bé trai mới sinh lúc ấy, ông vẫn sống cần kiệm, để dành ra được một khoản kha khá để đầu tư bên cạnh mức lương còm cõi của mình. Mặc dù số nầy rất nhỏ vào lúc đó, nhưng mỗi đồng xu đều có giá trị tương lai khổng lồ xét đến tỷ suất lãi kép trong dài hạn mà ông mang về cho mình.

<3> Cuối cùng, ta cần theo đuổi một lợi thế lớn mà ngài Buffett có được chính là việc ông đã đầu tư từ khi còn rất trẻ, với tất cả nỗ lực và vốn liếng! Ngài Buffett không hề “hoãn” việc đầu tư lại, chờ đến khi ông có tiền – đó là bài học quan trọng nhất từ quãng thời gian tuổi trẻ của ông. Sau nầy, mỗi khi nhớ lại về những ngày đầu tiên khởi nghiệp, ông thường trích dẫn câu châm ngôn của những người Do Thái cổ: “Những người thông thái từng dạy rằng: hãy đầu tư khi ta còn trẻ.” Và bài học nầy vẫn muôn đời là đúng vậy…

(hết) Saigon, đăng lại ngày 28.05.2019, bởi S.A.F.E team – Golden Newsletter Vietnam

 

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

1 comment

CTKM Xuân Giáp Thìn 2024

Tình cảm quý độc giả 2023

Ap 74 chính thức phát hành!

Ấn phẩm mới phát hành
Ấn phẩm mới phát hành

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!