Trích đoạn: Thất bại cuối cùng và bài học chân lý về “biên an toàn trong cuộc sống” của ngài Graham – The Golden Newsletter Vietnam

(T7/2022) Với bối cảnh tài sản tài chính tăng vọt rồi lại giảm mạnh trong thời gian ngắn vừa qua – và thậm chí trong giai đoạn tới, rất nhiều người sẽ hối hận về những quyết định cuộc sống trước đây của mình – cũng như ngài Graham, và nếu người nào đó đủ khôn ngoan, họ sẽ ngộ được bài học chân lý về “biên an toàn trong cuộc sống”, thứ mà ngài Graham gọi là “việc duy trì mức sống tối giản (modest standard of living) – thứ có thể đạt được dễ dàng và mất rất ít thời gian/công sức trong mọi chu kỳ kinh tế, thịnh vượng hay khó khăn” là hành trang quan trọng đi theo ta cả cuộc đời đến nhường nào (*)

Trích đoạn về hồi ức cuộc đời ngài Graham trong ấn phẩm kỳ 42 – đã phát hành T1/2021 vừa qua (https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-42/)
Đặt mua ấn phẩm cũ: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
Thất bại đầu đời của ngài Graham & giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc: https://wp.me/pcnhon-1IW
Thất bại thứ hai khiến ngài Graham suýt tự kết liễu đời mình: https://wp.me/pcnhon-1JX

@Ngài Graham: “…Mùa thu năm 1928, gia đình Grahams chúng tôi đang trên đỉnh vinh quang muốn di chuyển đến một nơi sang trọng hơn, đó là căn hộ hai tầng (duplex apartment) được xây dựng lại từ khách sạn Beresford cũ đối diện công viên trung tâm Central Park Manhattan. Nằm trên tầng 18th và 19th, căn hộ có 10 phòng ngủ và Chúa mới biết có bao nhiêu nhà tắm, nó còn có phòng cho người ở gần sân thượng. Tiền thuê là 11 nghìn mỹ kim/năm, hợp đồng kéo dài 10 năm (@S.A.F.E: tương ứng tiền thuê 322 triệu VND/tháng ngày nay. Các NĐT như ngài Graham ở Mỹ lúc bấy giờ không có thói quen mua bất động sản mà dành tiền đầu tư chứng khoán, họ chỉ thuê để ở dài hạn).

Chúng tôi không hề cảm thấy khoản tiền trên là lớn lao gì – đây chỉ là khoản nhỏ so với số tiền tôi kiếm được. Khi năm 1928 kết thúc, quỹ của tôi mang về 60% lợi nhuận trên 1,500,000 USD vốn, trong đó lợi nhuận trước thuế của riêng tôi đã lên đến 600,000 USD. Tôi và Newman đã đạt được lợi nhuận trên bằng các hoạt động arbitrage và đầu tư chứng khoán bị định giá thấp (@S.A.F.E: như case Northern Pipeline) với rủi ro tối thiểu, và chúng tôi khá tự hào về điều đó so với hành vi đầu cơ điên rồ của đám đông xung quanh. Song, nào tôi – một gã Wonderkind – có biết rằng khoảnh khắc đặt bút ký hợp đồng thuê nhà đó đã đánh dấu thảm họa ập xuống đầu tôi chỉ sau đó ít lâu!

…Đến đây, để tôi tóm tắt lại các vị thế của Joint Account thời điểm giữa năm 1929: vốn của chúng tôi là 2.5 triệu USD (@S.A.F.E: khoảng 38tr USD ngày nay), trong đó hơn 2 triệu USD là các khoản arbitrage/hedging đối xứng với nhau có rủi ro thấp. Vì nhận thấy các khoản nầy chỉ cần vốn đối ứng danh nghĩa, chúng tôi vay thêm 2 triệu USD margin nữa từ các hãng môi giới để mua vào (long) các cổ phiếu món hời bị định giá thấp. Chúng tôi tính toán thấy rằng tỷ lệ nợ vay margin của chúng tôi lúc bấy giờ đang ở mức 125% vốn chủ, cao gấp 3 lần mức được cho là cẩn trọng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các cổ phiếu mình mua tuy không được “active” trên sàn, nhưng đều thấp hơn giá trị thực đáng kể và có tiềm năng sinh lợi lớn.

Ở một vị thế arbitrage kinh điển, chúng tôi sẽ mua vào cổ phiếu ưu đãi/trái phiếu có quyền chuyển đổi, sau đó bán khống một lượng cổ phiếu thường tương ứng. Song giai đoạn Q4/1929, sau khi thị trường đổ sập bất ngờ, chúng tôi đã cover khoản short với mức sinh lời khá tốt, nhưng lại không bán đi các chứng khoán ưu đãi chuyển đổi vì cho rằng giá của chúng quá thấp. Chúng tôi giữ lại các khoản “long” để chờ giá tốt hơn và phạm sai lầm lớn vì không giảm nợ vay margin đi (@S.A.F.E: Lí do chúng tôi luôn luôn khuyến nghị các NĐT giá trị chúng ta không bao giờ đụng tới margin và tránh xa vạn dặm như một loại “heroin” vậy. Ngài Buffett đã rất khôn ngoan khi học sai lầm nầy của ngài Graham mà không bao giờ đụng tới margin). Kết thúc năm 1929, Joint Account kết thúc giảm -20% so với mức giảm -40% của Dow Jones Industrial Average (DJIA). Tôi nhớ rằng mình đã được các khách hàng và những người bạn phong là “thiên tài” chỉ vì có mức thua lỗ thấp hơn DJIA đáng kể!

…Nửa cuối 1930, bức tranh kinh tế u ám đã chiến thắng TTCK. Thị trường giảm mạnh -80% xuống mức thấp ai oán 42 điểm, gần như không có sự gián đoạn nào. Năm 1930 được cho là năm tệ nhất trong lịch sử sự nghiệp của tôi, khi mà chúng tôi đã phạm sai lầm lớn và bị kẹt trong các khoản nợ vay margin, thứ làm chúng tôi trở thành nô lệ cho tác động vĩ mô của thị trường chung và các chủ nợ. Mức lỗ năm 1930 của chúng tôi là -50.5%, 1931 là -16%, và 1932 là -3%, tổng cộng sụt giảm lên đến gần -70% đau đớn trên số vốn $2.5 triệu USD đầy tự hào ngày nào…

Một số lượng lớn những nhà đầu tư đã rút vốn toàn bộ giữa 3 năm thua lỗ liên tiếp ấy. Một trong số đó là Bob Marony (@S.A.F.E: CFO cho Milwaukee Railroad kể trên), người đã giải thích với chúng tôi rằng ông đã buộc phải rút vốn để trả nợ cho các khoản vay khác của mình. Fred Greenman, sau nầy đã kể với tôi rằng Bob Marony – một người Irish mạnh mẽ – đã bật khóc ngày hôm đó khi kể rằng ông đã non 1 triệu USD tài sản một cách chớp mắt trong đợt khủng hoảng. Chỉ có đúng 1 người trong giai đoạn ấy đã nộp thêm tiền vào công ty đầu tư chúng tôi, đó là Elias Reiss, bố vợ của Jerry Newman. Ông ta đã rót thêm 50,000 USD vào năm 1931, thời điểm có thể nói là thấp nhất của chúng tôi. Vốn là một người cẩn trọng, logic và khôn ngoan, quyết định đúng đắn của ông đã sinh lợi cho ông đáng kể sau nầy, thậm chí ông còn muốn bán hàng trăm nghìn mỹ kim trái phiếu Chính phủ Mỹ để rót thêm tiền năm 1932 để chúng tôi duy trì hoạt động. Dù từ chối số vốn khổng lồ trên vì thị trường dần hồi phục, chính tôi đã luôn vô cùng biết ơn ông kể từ đó.

Sau nầy mọi người hay đọc về những tay đầu cơ phá sản và nhảy lầu từ Empire State Building hay các hãng môi giới hàng loạt sau đợt khủng hoảng 1929. Song các câu chuyện đó tôi cho là hư cấu và phóng đại, đúng thực là tình trạng tài chính khá tệ hại và mọi người rất tuyệt vọng, nhưng tình trạng của họ không quá tệ như vậy (@S.A.F.E: chính chúng tôi cũng được biết rằng chẳng có ai nhảy từ Empire State cả, báo chí chỉ phóng đại lên để thu hút sự chú ý, tất cả thực ra đều chỉ tương đối mang tính “paper profit” & “paper loss”).

Chính tôi dù ở những ngày tháng tệ hại nhất năm 1931-1932 ấy, tôi cũng tự cho rằng mình không đến mức phá sản và tài chính của tôi vẫn tốt hơn nhiều so với 10 năm trước. Tuy nhiên sự giàu có hay nghèo khổ đều là định nghĩa tương đối: một người nghèo ở New York vẫn có thể là người giàu có tại Calcutta, Ấn Độ – và người giàu có cách mấy, khi bị mất -75% tài sản của họ, thì đều cảm thấy như họ đã đi đến bờ vực cùng cực của cuộc đời (!) Dù vậy, tôi phải thú thực rằng nỗi đau lúc ấy rất lớn bởi vì chúng tôi không thể biết được cơn khủng hoảng nầy lúc nào sẽ chấm dứt, cộng với tinh thần trách nhiệm của tôi đối với tài sản của các khách hàng đã tin tưởng vào tôi, cảm giác thất bại và tuyệt vọng đã xâm chiếm lấy tâm hồn tôi!

Tôi tự trách bản thân rằng dù đã đoán định được sự sụt giảm tất yếu của thị trường, tôi lại thất bại trong việc bảo vệ khách hàng & bản thân mình khỏi “cơn sóng dữ”. Tôi đã rất hối hận khi thuê căn hộ duplex Beresford, bởi vì gần như tôi không có một cơ hội nào để tận hưởng sự sang trọng của nó (!) Vừa thuê xong năm 1929, công ty tôi đã chịu sự sụt giảm nghiêm trọng, vì vậy tôi không còn tâm trí đâu để trưng bày cho một căn nhà quá rộng và trống vắng. Chúng tôi còn sở hữu cả một dàn người làm, có cả người làm vườn, đầu bếp và cả một trợ lý chuyên massage cho tôi lúc mệt mỏi – thứ tôi thấy là dư thừa và đã sớm cho anh ta nghỉ việc. Sau đó 1-2 năm, tôi may mắn khi đã cho thuê lại một phần căn hộ để lấy lại vốn và sớm chuyển giao quyền thuê lại cho người khác khi kinh tế hồi phục và chuyển sang căn hộ nhỏ hơn rất nhiều ở El Dorado.

Trong suốt giai đoạn đớn đau 1930-1932, dường như tôi đã tìm ra chân lý cho niềm hạnh phúc bền vững chính là việc duy trì mức sống tối giản (modest standard of living) – thứ có thể đạt được dễ dàng và mất rất ít thời gian/công sức trong mọi chu kỳ kinh tế, thịnh vượng hay khó khăn (@S.A.F.E: rất hay, đáng để chúng ta học hỏi). Suốt 35 năm sau đó, tôi đã không bao giờ lặp lại sai lầm với các loại bất động sản xa xỉ chỉ để hào nhoáng cái tôi bản thân. Thậm chí mẹ tôi cũng luôn trách rằng tôi đã tiết kiệm hơi quá sau trải nghiệm đau đớn ấy, khi tôi luôn chọn sử dụng tàu điện ngầm rẻ tiền thay vì taxi, thậm chí luôn ăn những món có giá thấp nhất trên thực đơn nhà hàng…”

(@S.A.F.E tóm tắt: Về sau 1937-1938, ngài Graham hoàn lại tất cả thua lỗ, sau này 1940s-1950s ông dạy học & tuyển ngài Buffett cùng ngài Walter Schloss vào quỹ partnership của mình, cuối thập kỷ 1950s, quỹ ông đạt quy mô lớn và ông nghỉ hưu trong giầu sang…)

Saigon, đăng lại một chiều mưa 03.07.2022, bởi S.A.F.E team – TGN

 

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

CTKM Xuân Giáp Thìn 2024

Tình cảm quý độc giả 2023

Ap 74 chính thức phát hành!

Ấn phẩm mới phát hành
Ấn phẩm mới phát hành

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!