Vừa rồi LPB ra Báo cáo KQKD quý II không được như kỳ vọng, giá cổ phiếu bị giảm sâu.
Với giá hiện tại loanh quanh 10, thì LPB có đáng để đầu tư hay không khi mà:
– P/E vào khoảng 6 (thấp nhất ngành ngân hàng), P/B vào khoảng 0.77 – liệu đây có phải là một cổ phiếu giá trị tiềm năng đang bị thị trường định giá thấp hay không?
– Tổng tài sản và vốn chủ tăng trưởng liên tục qua các năm, quy mô mở rộng với việc đưa thêm hàng loạt các chi nhánh, PGD vào hoạt động, tuyển dụng thêm hàng ngàn nhân sự, liệu đây có phải là một cổ phiếu tăng trưởng tiềm năng hay không?
– Hệ thống chi nhánh rộng khắp thì liệu đây có phải là lợi thế cạnh tranh của LPB so với các ngân hàng khác hay không?
Mặc dù đã đọc qua bài phân tích ngân hàng của S.A.F.E team, nhưng đối với case LPB này thì tôi cảm thấy khá đặc biệt, nên rất mong được S.A.F.E team giải đáp các thắc mắc cũng như chỉ ra các điểm yếu của LPB so với các ngân hàng khác.
Xin chân thành cảm ơn S.A.F.E team!
Chào bạn Tùng, tôi là Angelos xin mạn phép trả lời thay anh Skopos – chuyên phân tích về ngân hàng – vì đội biên tập đang bận hoàn thành ấn phẩm XIII quá.
Trước hết, như chúng tôi luôn nói, lĩnh vực ngân hàng thực sự không phù hợp với các nhà đầu tư cá nhân – xét đến yếu tố chu kỳ, sự thiếu minh bạch và phức tạp trong hoạt động kinh doanh đòi hỏi lượng thông tin nội bộ, sâu rộng và am hiểu ngành khá lớn. Bạn có thể xem xét lại yếu tố M đầu tiên (meaning) này, nếu bạn vẫn thực sự tự tin vào năng lực của bản thân, thì bạn hãy đi tiếp.
Thứ hai, về case LPB, trong bài viết nhận định về ngành ngân hàng trong ấn phẩm số VIII, tháng 3.2018 vừa qua, anh Skopos và tôi cũng phân loại LPB tương tự như SHB trong nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, nhiều nợ xấu, thương hiệu và mạng lưới phân phối không thuộc top đầu (Link: https://newslettervietnam.com/ban-ve-co-phieu-ngan-hang-voi-muc-dinh-gia-hien-tai/)
Tuy nhiên để nhận định rằng LPB có đáng đầu tư hay tiềm năng tăng trưởng hay không, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào lập luận của riêng bạn. Với vòng tròn hiểu biết hữu hạn, chúng tôi cũng không thể làm điều đó thay bạn được.
Song nếu bạn muốn hỏi về một vài rủi ro, góc nhìn cẩn trọng, của chúng tôi về case LPB, chúng tôi có thể đưa ra một vài điểm như sau:
(1) Về tài chính:
– Bạn có thể xem xét tỷ lệ đòn bẩy (leverage ratio) của LPB bằng cách chia tổng tài sản cho vốn chủ sở hữu, hiện đang khá cao ở mức 18:1. Theo chuẩn của Hoa Kỳ, một ngân hàng tốt chỉ nên có tỷ lệ đòn bẩy tối đa là 12.5:1 – tức tỷ lệ vốn chủ là 8% trên tổng tài sản
– Ngoài ra, một phần mà các NĐT cá nhân thường bỏ sót khi phân tích ngân hàng, chính là các khoản bảo lãnh và cam kết ngoại bảng. Cuối Q2-2018, LPB có 20 nghìn tỷ cam kết giao dịch hoán đổi (swap) và 3,400 tỷ bảo lãnh tín dụng khác, chiếm tỷ trọng khá lớn so với vốn chủ sở hữu xấp xỉ 10,000 tỷ.
(2) Ban lãnh đạo:
Chúng tôi thường thấy các analysts và các tổ chức đầu tư quá chú trọng vào định lượng khi phân tích ngân hàng mà bỏ qua các yếu tố định tính, trong đó quan trọng nhất là ban lãnh đạo.
– Một trong những dấu hiệu cảnh báo là khi ban lãnh đạo chủ chốt bị thay thế, và hàng loạt các ban lãnh đạo khác bán ra cổ phiếu khi công ty vừa lên sàn. Dù việc này có thể do họ muốn chốt lời phần ESOP trong bối cảnh thị trường bull market, song điều này thể hiện thái độ cam kết của ban lãnh đạo chưa tốt trên quan điểm của chúng tôi
– Bạn có thể dò la thêm các tin đồn về các doanh nghiệp liên quan đến LPB – chúng tôi luôn tin rằng không có lửa ắt sẽ không có khói. Khi một doanh nghiệp có những tin đồn xấu, chắc chắn phía sau sẽ có gì đó mà ta chưa biết, dù sai lệch nhiều hay ít. Bạn có thể nghiên cứu thêm về sự liên quan của Him Lam và Thái Sơn đối với ngân hàng này.
https://vietstock.vn/2018/03/ut-troc-la-ai-214-591777.htm
Chúc bạn luôn giữ vững lí trí trên con đường đầu tư của mình!
Angelos
Cảm ơn bạn Angelos, thật sự trong đầu tư có quá nhiều thứ phải học và cũng rất khó để phân biệt đúng sai. Vậy nên việc giữ vững lí trí khi sẽ trở nên vô cùng khó khăn khi không có cơ sở vững chắc để tựa vào.
Rất mong Angelos và ban biên tập có nhiều bài viết mang tính “kim chỉ nam” trên con đường đầu tư đầy gian nan và nhiều cạm bẫy này.
Vâng không có chi bạn Tùng nhé, nhiệm vụ của chúng tôi là giúp nhà đầu tư cá nhân tồn tại được trên thị trường nhiều cạm bẫy này.
Chắc chắn chúng tôi sẽ còn “sản xuất” ra nhiều hơn các triết lý, phương pháp và các ví dụ cụ thể giúp hoàn thiện phương pháp đầu tư của đọc giả thêm bội phần.
Rất mong được phục vụ bạn và các độc giả trung thành lâu dài!
Angelos