Rèn luyện kỹ năng tiếng Anh để tiếp cận kho tàn kiến thức đầu tư giá trị – The Golden Newsletter Vietnam
6 replies
04/04/2020

Hi SAFE,
Là một đọc giả trung thành của TGN thì chắc hẳn ai cũng nhận ra tất cả các thành viên trong SAFE team đều rất giỏi Anh ngữ và đa phần nguồn tri thức đều tích góp được thông qua Sách, báo, tạp chí, tài liệu tiếng Anh.
Là một người khá tò mò và ham học hỏi thì tôi cũng có khát khao tự mình làm được như các anh. Mặc dù với vốn tiếng Anh khá khiêm tốn nhưng tôi vẫn cố gắng rèn luyện mỗi ngày. Nhân đây tôi có 2 vấn đề nhờ Team hổ trợ:
1. Các anh có thể khuyến nghị các báo, tạp chí, tài liệu hoặc nguồng thông tin tiếng Anh các anh thường xuyên đọc về đầu tư có thể nâng cao kiến thức và lèn luyện khả năng tiếng Anh hằng ngày được không?
2. Các anh có thể chia sẽ thêm về cách các anh đã và đang rèn luyện khả năng tiếng Anh của mình không? (đặc biệt là anh Angelos)
Cảm ơn SAFE team!

6 comments

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  • Chào anh, rất cám ơn anh đã quá khen chúng tôi, thực ra chúng tôi cũng chỉ là “phàm nhân” và chẳng có bí quyết đặc biệt nào ngoài việc bù đắp bằng sự chăm chỉ mà thôi…

    Anh có quan sát rất hay rằng Anh ngữ (English) dường như là chìa khóa để chúng ta có thể tiếp cận nền tri thức vô cùng văn minh về tài chính và đầu tư ở Hoa Kỳ, cái nôi sản sinh những NĐT giá trị xuất chúng nhất! Tuy nhiên riêng tôi thì lại cho Anh ngữ chỉ là thứ yếu, thứ thực sự thúc đẩy tôi chính là niềm đam mê và tò mò học hỏi về đầu tư giá trị. Nếu không có ngọn lửa đam mê ấy, có lẽ tôi đã không thể có kĩ năng Anh ngữ tương đối (tôi không học ở các trường Đại học nước ngoài như các bậc anh tài khác trên phố Wall hiện nay) và chịu đựng qua được các khó khăn trong quá trình học hỏi đầy cam go…

    Xin kể với anh hơi dông dài về câu chuyện của riêng tôi một chút (câu chuyện của các thành viên khác trong BBT cũng không khác mấy), cách đây 8 năm – độ giữa năm 2012 khi tôi bắt đầu con đường đầu tư của mình, trong quá trình ban đầu học hỏi, vô tình đọc được về ngài Graham, Buffett, Irving Kahn và những NĐT huyền thoại thuộc làng Graham-and-Doddsville, dường như ngay lập tức tôi đã tìm được “chân lý” và theo đuổi thứ triết lý đúng đắn ấy suốt từ đó đến nay. Cho nên tôi cảm thấy câu châm ngôn của ngài Buffett về triết lý đầu tư giá trị thật chí lí làm sao: ông nói khi một người hoàn toàn phù hợp với đầu tư giá trị, chỉ cần anh nói đúng 5 phút, anh ta sẽ theo nó cả đời; còn lại đối với những người không phù hợp, anh có thuyết phục họ suốt 50 năm đi chăng nữa, họ cũng sẽ không bao giờ hiểu!

    Trong một dịp tôi có đọc qua quyển “Nhà đầu tư thông minh” của một nhà xuất bản, nhưng chẳng hiểu gì cả vì lối hành văn thiếu phóng khoáng và có lẽ chính người viết cũng chưa từng đầu tư chứng khoán. Tôi hạ quyết tâm phải học thật tốt Anh ngữ, chỉ đơn giản để đọc được quyển The Intelligent Investor, 1949 nguyên bản và thẩm thấu hết. Trong suốt 1 năm rưỡi tiếp theo, mỗi tuần 3 buổi tối, tôi tham gia lớp TOEFL ibt của Đại học Sư Phạm để trau dồi kĩ năng tiếng Anh. Bạn bè ai cũng nghĩ tôi học tiếng Anh để đi du học hay tương tự vậy. Nhưng ít ai biết rằng tôi tham gia khóa đó chỉ đơn thuần đúng 1 mục đích: đó là đọc cho bằng được quyển The Intelligent Investor!

    Ấy vậy mà sau khi đạt điểm số tương đối sau kì thi ấy, tôi bắt đầu háo hức đọc quyển trên nhiều lần vẫn chưa thật sự hiểu dụng ý của ngài Graham do nhiều thuật ngữ chuyên ngành và lối hành văn classic của ông khó hiểu quá. Kẹp theo quyển sách, tôi thường có nhiều tờ giấy A4 list ra chừng 40-50 từ vựng mới mỗi trang và nghĩa của nó để ghi nhớ. Đọc đến lần thứ 7 hay thứ 8 gì đó, kèm theo các bình luận của ngài Buffett, cộng với kiến thức tài chính và kinh nghiệm trên thị trường, tôi bắt đầu dần dần hiểu được 90% ý của ngài Graham.

    Đến nay sau khi dành gần 10,000 giờ đọc hàng trăm quyển sách, đầu tư nhiều năm, phân tích hàng trăm doanh nghiệp cả trong/ngoài nước, và làm việc ở nhiều tổ chức tài chính chuyên nghiệp khác nhau, bây giờ khi tiếp xúc với bất kỳ quyển sách đầu tư Anh ngữ bản gốc nào (thậm chí nhiều quyển khó như Extraordinary Popular Delusions từ những năm 1800s), tôi cũng có thể đọc và hiểu được 98%+ nội dung trong đó mà không còn sợ sệt hay mất thời gian nữa. Có lẽ một phần do vốn từ vựng về ngành tài chính/đầu tư của tôi tích lũy đã đủ lớn.

    Tương tự với kĩ năng nghe (listening). Vào giai đoạn 2013-2014 cách đây nhiều năm, tôi vô tình tìm ra kênh Youtube và các quyển Audio Books như một kho tàng về kiến thức khổng lồ về kinh doanh/đầu tư từ những bậc huyền thoại. Vài tháng đầu, xin thú thực là mặc dù tôi có điểm số TOEFL ibt tương đối khá (tương đương 8.0 IETLS), song tôi cũng “điếc đặc” và chẳng khác gì một “chú vịt nghe sấm” cả! Điều đó thực sự rất đáng xấu hổ và tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều về trình độ Anh ngữ thực sự của mình không cao như mình nghĩ…

    Ấy vậy mà tôi vẫn kiên trì nghe ngày qua ngày, nghe video clip trong bữa ăn, nghe audio book trong lúc tập thể dục/làm việc nhà, lúc tối trước khi ngủ. Tôi đều nghe cho đến khi tự mường tượng và đoán được từ vựng mà các ông phát âm ra. Đến bây giờ, tôi tự tin có thể nghe được 90%-95% nội dung các video clip phỏng vấn/phát biểu, đối với giọng người Mỹ (American) tiêu biểu, đôi khi tôi có thể nghe được rõ 100% từng chữ mà các ông nói ra. Một số trường hợp đặc biệt như giọng người Anh/người Ấn như ngài Mohnish Pabrai thì tương đối khó khăn hơn và đôi chỗ tôi phải replay để nghe lại.

    Qua câu chuyện rất cá nhân nầy, mong anh không nhìn tôi như một kẻ khoe khoang mà tôi chỉ muốn chia sẻ quá trình vượt khó và kết thúc có hậu sau khoảng thời gian dài cố gắng đó… Có lẽ tôi đã trả lời câu hỏi số (2) của anh mất rồi, còn câu hỏi số (1) thì anh cũng thấy qua câu chuyện của tôi: đó là không có con đường tắt nào ngoài việc giữ vững ngọn lửa đam mê và làm rất, rất nhiều việc mình yêu thích, cho dù khó khăn và chông gai cách mấy thôi anh à ^^ BBT chúng tôi là những người tôn thờ quy luật 10,000 giờ và luôn chăm chỉ học hỏi, làm việc tiến tới dù cho có khó khăn, nhiều người cười chê, chỉ trích hay như thế nào đi chăng nữa…

    Một lần nữa cám ơn câu hỏi hay của anh, chúc anh luôn đam mê và bền chí trên con đường đầu tư dài hạn của mình!

    Angelos

    • Chào anh Angelos kính mến,
      Cảm ơn anh vì những chia sẽ rất tâm huyết và câu chuyện về bản thân cực kỳ truyền cảm hứng, rất khâm phục anh.
      Chúc anh luôn sức khỏe và thành công!

      • Kính gửi anh Tuấn,
        Ngoài các chia sẻ của anh Angelos, tôi có một kinh nghiệm thế này với anh:
        1. Anh nên tìm đọc các quyển sách về đầu tư bằng tiếng Anh kèm với các bản dịch. Như vậy anh sẽ dễ dàng tiếp cận được các thuật ngữ tài chính.
        Tôi muốn recommend anh quyển này:
        https://tiki.vn/bao-cao-tai-chinh-huong-dan-tung-buoc-hieu-va-lap-bao-cao-tai-chinh-p9687412.html?src=search&2hi=1&keyword=b%C3%A1o+c%C3%A1o+t%C3%A0i+ch%C3%ADnh
        Anh có thể tìm bản tiếng Anh ở trang pdfdrive. Đây là 1 quyển sách giải thích rất cặn kẽ cách mà cacs báo cáo tài chính của một công ty được lập như thế nào. Nó sẽ giúp ích cho anh trên con đường đầu tư

        2. Anh nên chăm chỉ đọc trang Investopedia vì các thuật ngữ họ giải thích rất dễ hiểu và công phu.
        Chúc anh thành công

        • Chào anh Nguyen,
          Cảm ơn chia sẽ kinh nghiêm rất hữu ích của anh. Tôi tin nó sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều trong quá trình rèn luyện của mình.
          Chúc anh luôn sức khỏe và thành công!

    • Tôi là độc giả trung thành của TGN từ những kỳ đầu tiên. Rất cảm ơn BBT!

      • Vâng cám ơn anh, hi vọng câu chuyện của anh Angelos giúp NĐT không chuyên chúng ta có thêm nhiều động lực để tự học và phấn đấu!

Ap 79 chính thức phát hành!

Trang “Ap cũ kỳ 78 đến 83”

Trang “Ap cũ kỳ 66 đến 77”

error: Content is protected !!