Hỏi thêm về định giá – The Golden Newsletter Vietnam
5 replies
25/11/2021

Xin chào BBT và anh chị em trong nhóm ạ.

Hiện tại thì tôi thấy vấn đề về định giá đã được nói rất nhiều trong topic, và BBT cũng cố gắng giải thích rõ ràng cho mọi người được biết.

Mặc dù vậy bản thân tôi vẫn thấy định giá là một tư duy gì đó vẫn còn rất mơ hồ, và chắc chắn rằng vẫn còn rất nhiều độc giả thắc mắc về vấn đề định giá.

Thêm nữa rằng định giá là một kỹ năng cực kỳ quan trọng trong đầu tư ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Vậy thì trong 1 ấn phẩm nào đó trong tương lai, liệu BBT có thể viết về 1 số case study định giá và lí giải tại sao BBT lại định giá ở mức như vậy cho 1 cổ phiếu mà không phải mức giá khác được không ạ.

Mình nghĩ quan trọng nhất là phần lí giải vì sao cá nhân (chủ quan) của BBT định giá ở mức A. Như vậy thì mình và mọi người sẽ hiểu được luồng tư duy định giá là như thế nào, tư duy định giá bắt đầu từ đâu. Để từ đó tự bản thân mình có thể tự tư duy và làm bài tập về nhà.

Mình viết như vậy không rõ BBT có hiểu rõ không ;))).

Xin cảm ơn BBT đã cho nhiều kiến thức rất bổ ích ạ

5 comments

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  • Vâng cám ơn lời ngợi khen của anh, câu hỏi của anh thực sự khó để trả lời. Thôi thì chúng tôi cũng cố gắng làm rõ một chút nữa:

    1. Như chúng tôi nói nhiều lần ở các topic thảo luận về chủ đề định giá doanh nghiệp (value companies) trước, mọi mô hình kinh doanh và sub-industries thì thường cần “insights” để hiểu và cách định giá khác nhau. Nếu bây giờ anh bắt chúng tôi nêu ra hết thì rất khó, vì có 100-150 subindustries ngoài kia, và nó không dừng ở đó mà biến đổi kinh ngạc sau mỗi thập kỷ (!) Chẳng hạn ai mà tự tin, nghĩ rằng mình biết hết rồi 30 năm trước mà không chịu cập nhật, làm mới bản thân, xây dựng “kho insights” của mình mạnh thêm như lời khuyên của Li Lu, thì sẽ không thể nào hiểu được lợi thế cạnh tranh hay biết cách định giá các cty công nghệ như Apple, Microsoft, Google, Amazon, hay một số các cty chip semiconductors, gaming, social networks hay fintech payment chẳng hạn.

    Vì vậy khi đụng đến mô hình kinh doanh nào mà chúng tôi hiểu đôi chút thì chúng tôi mới bàn được, như cty đá xây dựng, hay các công ty chứng khoán kỳ 52 vừa qua, hay tùy case riêng lẻ nào đó mà chúng tôi hiểu chẳng hạn. Anh thông cảm nhé!

    2. Như chúng tôi đã nhấn mạnh, định giá chính xác không quan trọng bằng biên an toàn (margin-of-safety). Vì vậy có một cách rất dễ mà anh chẳng cần phải định giá đúng luôn là mua rất rẻ (buy so cheap) (*) Cách nầy chúng tôi học được từ ngài Graham và ứng dụng nó rất thành công.

    Chúng tôi lấy 1 ví dụ cụ thể luôn là case “Vinataba Cát Lợi” (HOSE: CLC) chúng tôi nói hoài một năm qua. Chúng tôi phân tích công khai xong thì ai cũng chê lấy chê để, nghi ngờ, v.v song chúng tôi biết rằng đã từng nói chuyện với vị CFO và theo dõi quá trình tăng gần 1,000% của cổ phiếu CLC suốt 10 năm qua cùng với đà tăng của lợi nhuận sau thuế nên chúng tôi có insights hơn thị trường rất nhiều. Khi đó chúng tôi biết rằng với một cty tiêu dùng thiết yếu, triển vọng xuất khẩu tăng hai chữ số, nội địa thì giảm thị phần nhập lậu, v.v mà mua được với P/E 4x sau khấu hao, hoặc 4 lần owner earnings thực thì quá rẻ đi, tức nó đem về 25% earnings yield mỗi năm, gấp 5 lần lãi suất tiết kiệm và nó còn tăng trưởng nữa nên chúng tôi chẳng cần phải định giá gì nhiều cũng biết rằng mình sẽ làm tốt trong dài hạn nếu nắm giữ nó (cười).

    Hi vọng chúng tôi giải thích như vậy anh đã rõ hơn rồi. Tóm lại: (1) Đụng đến mô hình kinh doanh nào chúng tôi mới giải thích được chứ không thể liệt kê ra hết mọi thứ vì nó quá rộng và vòng tròn hiểu biết của chúng tôi cũng có hạn, hơn nữa anh cần nhận thức rằng các mô hình kinh doanh luôn biến đổi mỗi thập kỷ (2) Không có gì quan trọng hơn biên an toàn, do đó có một cách định giá rất dễ là anh mua thực rẻ (buy so cheap) đi, thì chiều xuống của anh được bảo vệ trong khi chiều lên sẽ rất nhiều.

    S.A.F.E

    • Cho mình hỏi thêm rằng, với case CLC, thì việc gặp được CFO theo mình biết cũng rất khó, và để họ chia sẻ chiến lược cũng khó vô cùng.

      Nếu như không tiếp cận dc CFO như vậy thì sao chúng ta biết được rằng CLC có tiềm năng xuất khẩu trong các năm tới?

      Mình đã đọc và tìm hiểu 1 số nguồn về CLC và cả báo cáo thường niên, nhưng không hề thấy có mảng nào có đề cập về thị trường xuất khẩu. Nếu có cũng chỉ đề cập chung chung.

  • P/E là lựa chọn duy nhất vì mọi phương pháp định giá cuối cùng vẫn quay về là ta sẽ nhận lại bao nhiêu trong tương lai cho số tiền bỏ ra hôm nay. Cái ta cần quan tâm là tìm ra khoảng earning hợp lý để ra đc P/E

  • Thấy câu hỏi của bạn hay và tâm huyết nên mình cũng chia sẻ thêm vài ý:

    – Trên website và nhiều ấn phẩm đã có nhiều case mẫu. Tuy phần định giá không quá chi tiết nhưng với bản thân mình thấy ổn, một số case mẫu cung cấp góc nhìn mới & cách tư duy thận trọng nhấn mạnh khía cạnh rủi ro. Ở đây mình chia sẻ thêm ý rằng: dựa vào các con báo cáo tài chính sẽ để rồi ra mức định giá thì không bao giờ phản ánh hết giá trị doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp những tài sản vô hình (đội ngũ, hệ thống, thương hiệu, lợi thế cạnh tranh…) giá trị gấp nhiều lần những giá trị trên sổ sách. Không những thế không doanh nghiệp nào giống doanh nghiệp nào (thậm chí cùng một doanh nghiệp sau 2-3 năm đã thay đổi chóng mặt). Thêm nữa thị trường chứng khoán là những con người đặt cược vào tương lai quá khứ chỉ mang tính tham khảo, chúng ta cần phải đào sâu là giá trị hiện tại và hướng về tương lai, những doanh nghiệp tốt chưa chắc là khoản đầu tư tốt và ngược lại. Nhận thức cái này để hiểu rằng mỗi người có cách đặt cược khác nhau, khẩu vị rủi ro khác nhau, vòng tròn hiểu biết khác nhau nên phải tự tìm cho mình mỗi phương pháp định giá vừa hiệu quả vừa phù hợp nhất.
    – Mình đồng tình với ban biên tập rằng, tập trung với biên an toàn là sự lựa chọn thông minh, mình bổ sung ý rằng: những những hiểu biết của mình mang đến sự an toàn cao cho nhà đầu tư. Quá trình nghiên cứu sinh ra biên an toàn về cả mặt con số và trong tâm trí của nhà đầu tư. Nhà đầu tư theo sát và hiểu các bước đi cũng như lợi thế cạnh tranh của khoản đầu tư, đây là những nhân tố quan trọng không có quy ước hay công thức chung nào có thể chỉ dẫn. Những lợi thế của doanh nghiệp xây trong nhiều năm không dễ để thay đổi trong thời gian ngắn.

    Riêng bản thân mình tự thấy nếu chọn mô hình kinh doanh đơn giản, dễ hiểu thì chọn 2 phương pháp định giá P/E, P/B khá ổn; mấu chốt ở đây bạn phải sâu sắc chữ E, chữ B ở trên. Hy vọng vài chia sẻ như vậy giúp bạn có thêm góc nhìn.

    Thân mến,

    Quân

Ap 79 chính thức phát hành!

Trang “Ap cũ kỳ 78 đến 83”

Trang “Ap cũ kỳ 66 đến 77”

error: Content is protected !!