…Mà chính vậy! Khi ta đã chịu nhận sự chẳng may nhất thì ta có còn gì để mất nữa đâu, và như vậy tức là ta tự đặt vào một tình thế chỉ có lợi mà vô hại. Có lý lắm phải không bạn? Vậy mà có cả triệu người quay cuồng lo lắng làm hại đời mình, vì họ không chịu nhận sự chẳng may nhất, không chịu rán cải thiện tình thế, không chịu vớt vát những vật còn chưa chìm khi thuyền đắm. Đáng lẽ gầy dựng lại sự nghiệp của mình, họ lại đâm ra “gây lộn một cách chua chát và kịch liệt với số phận”, để rồi khiến cho đời phải tăng thêm số người mắc bệnh trầm cảm, thần kinh, …
Bài học cuộc sống trong ấn phẩm đầu tư giá trị kỳ XII – phát hành tháng 07.2018
Đặt mua ấn phẩm: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
II. Một cách thần diệu để giải quyết những rắc rối
@Ngài Dale Carnegie: Bạn có muốn biết một phương pháp chắc chắn để giải quyết những tình thế rắc rối – một thuật mà bạn có thể dùng ngay bây giờ, trước khi đọc sang những chương sau. Vậy xin bạn để tôi kể phương pháp mà ông Willis H.Carrier đã tìm được.
Ông là một kỹ sư, tiếng tăm lừng lẫy, đã sạng tạo ra kỹ nghệ điều hòa không khí và hiện nay đứng đầu nghiệp đoàn Carrier ở Syracuse. Ấy vậy mà hồi trẻ, lúc làm cho công ty luyện kim Buffalo ở Nữu Ước, ông được giao cho sáng tạo một máy lọc hơi nước – trị giá hàng vạn mỹ kim. Rồi cái máy ông tạo ra chạy cũng được, nhưng không hoàn mỹ như ông cam kết. Khi sự thất bại ấy hiển nhiên, ông choáng váng như một kẻ bị đập mạnh vào đầu vậy: bao tử và ruột ông quặn lại, toàn thân ông lo lắng mất ngủ trong thời gian dài. Sau cùng, lương tri ông nhắc ông rằng lo lắng, ưu tư vậy là vô ích, và ông đã tìm ra một phương pháp thần diệu để hóa giải sự ưu tư đó. Ông kể lại:
“Giai đoạn thứ nhất: Tôi can đảm phân tích tình thế một cách ngay thẳng và tự hỏi nếu thất bại thì kết quả tai hại nhất sẽ ra sao? Không ai bỏ tù hoặc bắn tôi mà sợ. Điều đó chắc chắn rồi. Có lẽ tôi sẽ mất việc, và hãng sẽ gỡ bỏ luôn cái cỗ máy tai hại của tôi.
Giai đoạn thứ hai: Sau khi đã nghĩ đến những kết quả tai hại nhất có thể xảy ra được, tôi nhất quyết đành lòng nhận nó, nếu cần. Tôi tự nhủ: sự thất bại đó là một vố đập vào danh tiếng ta, làm ta mất việc. Nhưng dầu việc này mất, ta vẫn còn kiếm được việc khác, lấy gì mà tai hại cho lắm? Còn về công ty, những ông chủ sẽ coi đây là thí nghiệm và tính sự lỗ 2 vạn mỹ kim đó vào quỹ nghiên cứu vậy.
Giai đoạn thứ ba: Từ lúc ấy, tôi bình tĩnh dùng hết thời giờ và nghị lực để kiếm cách giảm bớt tai hại của những kết quả mà tôi cam lòng chịu nhận. Tôi ráng tìm cách cho bớt lỗ. Tôi thí nghiệm nhiều lần, mà nhận ra rằng nếu bỏ thêm 5,000 mỹ kim nữa, thì máy chúng tôi sẽ hoàn toàn. Chúng tôi làm đúng như vậy, và … hãng chúng tôi không những không lỗ, mà còn lời được nhiều vạn mỹ kim nữa!
Tôi tin chắc rằng không bao giờ tôi nghĩ ra được cách cải thiện đó nếu tôi cứ rối rắm như trước. Vì sự lo lắng có cái khốc hại là nó làm ta mất khả năng tập trung tư duy, mất hẳn năng lực quyết định. Trái lại khi ta can đảm nhìn thẳng vào kết quả tồi tệ nhất, rồi đành lòng chịu nhận nó, thì lập lức ta bỏ ngay những nỗi lo lắng tưởng tượng đi mà tập trung vào vấn đề cần giải quyết. Chuyện tôi vừa kể đã xảy ra lâu rồi. Nhưng phương pháp ấy đã có kết quả mỹ mãn đến nỗi từ đấy tới nay tôi luôn luôn dùng nó và nhờ nó mà đời tôi gần như không biết lo là gì nữa.”
Nhờ đâu mà phương pháp ông của Carrier lại quý báu mà có kết quả thần diệu vậy? Giáo sư William James, người sáng lập ra khoa tâm lý thực hành, cũng từng khuyên học sinh của ông: “An tâm mà nhận cảnh ngộ ấy đi”. Triết gia Trung Quốc, từ nghìn năm trước, cũng đã nói với đời sau: “Nhận chân sự chẳng may nhất đã xảy ra là tìm được sự bình tĩnh chân thực trong tâm hồn rồi.”
Xét về tâm lý, khi ta nhận như vậy, nghị lực của ta không bị trói buộc nữa. Mà chính vậy! Khi ta đã chịu nhận sự chẳng may nhất thì ta có còn gì để mất nữa đâu, và như vậy tức là ta tự đặt vào một tình thế chỉ có lợi mà vô hại. Có lý lắm phải không bạn? Vậy mà có cả triệu người quay cuồng lo lắng làm hại đời mình, vì họ không chịu nhận sự chẳng may nhất, không chịu rán cải thiện tình thế, không chịu vớt vát những vật còn chưa chìm khi thuyền đắm. Đáng lẽ gầy dựng lại sự nghiệp của mình, họ lại đâm ra “gây lộn một cách chua chát và kịch liệt với số phận”, để rồi khiến cho đời phải tăng thêm số người mắc bệnh trầm cảm, thần kinh, …
Cũng gần lúc ông Carrier ngồi lo về cái máy hơi nước, thì ở Broken Bow, có một thanh niên tưởng chừng tương lai sán lạn – đang phải nghĩ đến việc viết di chúc. Tên anh là Fail P. Haney. Anh bị ung thư trong ruột! Bác sĩ dặn anh phải kiêng đủ thứ, rồi đừng lo gì hết, họ cũng khuyên anh lập di chúc đi là vừa. Bệnh anh buộc anh phải bỏ địa vị cao sang. Anh không còn việc gì làm nữa, chỉ còn chờ cái chết nó từ từ tới… Bỗng anh nẩy ra một quyết định, một quyết định lạ lùng và đẹp đẽ. Anh nói: “Chẳng còn sống được bao lâu nữa thì tận hưởng thú đời đi. Từ trước tới nay ta vẫn ao ước đi du lịch thế giới trước khi chết. Giờ là lúc đây.” Rồi anh mua giấy tàu, mua theo một quan tài, thỏa thuận với tàu là để xác anh vào phòng lạnh nếu cần. Thế là anh đi du lịch với tinh thần tự do hơn bao giờ hết.
Trong một bức thư tôi còn giữ đây, anh nói: “Tôi uống whisky soda, hút xì gà, ăn đủ thứ, cả những món đặc biệt của xứ lạ, độc có thể giết tôi được. Gặp gió mùa, giông tố, đáng lẽ chết vì sợ, thế mà không – tôi lại phấn khởi bội phần. Tôi bài bạc, ca hát, làm quen với bạn mới, thức tới nửa đêm. Khi tới Trung Quốc và Ấn Độ, tôi mới nhận thấy những lo lắng công việc làm ăn của tôi hồi ở nhà, so với nghèo nàn đói rét phương Đông còn là cảnh thiên đường. Nghĩ vậy tự nhiên tôi hết lo lắng vô lý, khỏe khoắn lạ thường. Khi về tới Mỹ tôi cân thêm bốn, năm kí lô. Gần như quên rằng đã có hồi đau bao tử và đau ruột. Không bao giờ tôi mạnh hơn lúc ấy! Tôi vội bán lại quan tài cho tiệm, trở lại làm ăn. Từ hồi đó tôi chưa hề đau thêm một ngày nào nữa!” Lúc đó anh Haney chưa biết thuật của Carrier, giờ ngẫm lại, anh đã nhận thấy anh theo đúng phương pháp ấy mà không hay. Anh an phận nhận lấy cái sự tai hại nhất có thể xảy ra là cái chết, rồi rán cải thiện nó bằng cách tận hưởng những ngày còn lại!
Vậy thì bạn còn âu lo gì nữa, hãy nhớ lấy định lệ thứ nhì là – nếu bạn gặp một vấn đề rắc rối lớn, thì áp dụng ngay phương pháp của ông H. Carrier: (1) Bạn tự hỏi: Cái tai hại nhất có thể xảy ra được là gì? (2) Nếu không tài nào thoát được cái tai hại đó thì sẵn sàng nhận đi (3) Nhận xong rồi thì bình tĩnh tìm cách cải thiện nó.
@S.A.F.E team: Trong đầu tư cũng vậy, ta khó mà tránh khỏi những sai lầm, dẫn đến ưu tư, phiền muộn khốc hại. Nhiều người giai đoạn qua thua lỗ, đâm chán nản, nếu học được cách thức trên, sẽ áp dụng vào đời mình hay vô cùng:
– Sự thật tai hại nhất là gì? Ta có chết, hay bị bỏ tù được không? Cùng lắm thì ta mất hết vốn liếng. Nếu vậy thì sao? Ta vẫn còn cái đầu “đầy sạn” này. Môn đầu tư đòi hỏi kinh nghiệm và tố chất con người rất nhiều. Những người càng kinh nghiệm, thì càng được trân quý. Không hề có thần đồng, hay thiên tài trẻ tuổi nào trong ngành đầu tư: ấy là bởi vì để thành công, nhất thiết anh phải trải qua hàng chục năm lịch sử sinh lợi bền vững thì may ra mới được công nhận.
– Mất hết vốn rồi, thì sao? Ta phải gắng làm việc, tăng thu nhập, tiêu pha ít đi – có vậy mới dư ra được một chút, rồi ta đầu tư lại khôn ngoan hơn, tránh đi những sai lầm cũ mà phất lên thậm chí còn hơn ngày xưa. Ít ai biết rằng ngài Graham và Munger từng thua lỗ không ít hơn 40%-50%, mất gần sạch vốn liếng vì vay nợ, ấy vậy vẫn làm lại tất cả sau vài năm, cuối đời vang danh sử sách.
– Còn nếu ta còn lại chút vốn, thì mau chóng sửa sai đi! Những cổ phiếu nào ta biết ta đã mua sai lầm, thì mạnh tay bán đi để lấy lại vốn. Rồi ta trau dồi kiến thức cho bản thân, học bộ tiêu chí để phân tích cổ phiếu, học cách đa dạng hóa danh mục, học cách kiểm soát tâm lý, kiên nhẫn đầu tư. Không sớm thì chầy, ta chẳng những lấy lại vốn liếng, mà còn sinh lợi hơn bội phần…
Trích dẫn, bình luận thêm từ How to stop worrying and start living, 1948, Dale Carnegie (bản dịch bởi ký giả Nguyễn Hiến Lê)