Quẳng gánh lo đi mà vui sống – Dale Carnegie (Kỳ 1) – The Golden Newsletter Vietnam

…“Chính chúng ta mới đáng thương làm sao!” Cái bề ngoài vui tươi kia chỉ là cái vỏ của một tâm hồn chán nản, phiền muộn, ưu tư, ganh ghét dày vò! Mặt biển phẳng lặng ấy nhưng dưới đáy có những lượn sóng ngầm đủ sức cuốn cát và lay đá. Phải ngăn những đợt sóng oán hờn ấy lại, diệt con sâu ưu tư đi, nếu không, chẳng sớm thì chầy, ta sẽ sinh ra cáu kỉnh, chán chường, đau bao tử, mất ngủ, mất ăn, thậm chí mắc bệnh thần kinh và loạn óc. Ngài Dale Carnegie đã viết cuốn “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” này, chính để chỉ cho ta cách diệt đi những kẻ thù vô hình ấy. Ta thiệt khó thắng vì chúng ngự trị ở thâm tâm ta, nhưng ta phải thắng, vì chỉ có thắng thì ta mới có thể SỐNG đúng nghĩa được…

Bài học cuộc sống trong ấn phẩm kỳ XI – phát hành tháng 06.2018
Đặt mua ấn phẩm: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

I. Đắc nhất nhật, quá nhất nhật

Mùa xuân năm 1871, một thanh niên may mắn đọc được một câu văn ảnh hưởng sâu xa đến tương lai của chàng. Hồi ấy còn là một sinh viên khoa y ở nhà thương Montreal, chàng lo đủ thứ: lo thi ra cho đậu, đậu rồi sẽ làm gì, làm ở đâu, sao cho có thân chủ phù hợp với mình, kiếm cho đủ ăn? Ấy vậy mà, chỉ nhờ câu văn đó thôi, chàng đã trở thành y sĩ có danh nhất thời đó. Chính chàng đã sáng lập trường y khoa John Hopkins nổi tiếng toàn cầu, trưởng ban y khoa của Đại học Oxford. Về sau thậm chí chàng còn được nữ hoàng Anh phong tước và khi mất còn được người ta viết hai quyển dày 1,466 trang kể lại thuở sinh bình.

Tên chàng là William Osler. Còn câu văn mà chàng được đọc mùa xuân năm 1871, câu văn đã giúp chàng quẳng được gánh lo trong đời chàng là: “Những công việc ở ngay trước mắt, thì ta phải coi là quan trọng nhất được, rồi sau đó đừng bận tâm đến những việc còn mờ mờ từ xa.” 42 năm sau, một đêm xuân ấm áp, chính ngài William Osler ấy lại diễn thuyết trước hàng nghìn sinh viên đại học Yale – ông khẳng định rằng thiên hạ đã lầm khi bảo một người như ông, làm giáo sư, sáng lập bốn trường Đại học, tất phải có “bộ óc dị thường”, bởi vì những người thân của ông biết rõ “óc ông vào hạng tầm thường nhất”.

Vậy thì bí quyết thành công của ông ở đâu? Ông đáp bí quyết ở chỗ ông biết chia đời sống ra từng ngăn, cách biệt hẳn nhau, mỗi ngăn là một ngày. Quá khứ đã chết, đừng cho nó sống lại nữa. Để cho gánh nặng của ngày mai đè thêm vào hôm qua và hôm nay, thì kẻ mạnh nhứt tất cũng phải quỵ. Đóng chắc tương lai cũng như đóng chặt dĩ vãng lại. Tương lai của ta phụ thuộc tất cả vào ngày hôm nay. Vậy thì các bạn hãy đóng kỹ bức vách trước và sau đi, và luyện lấy tập quán “Đắc nhất nhật, quá nhất nhật.”

Như vậy có phải ngài Osler muốn khuyên ta đừng lên gắng sức một chút nào để sửa soạn ngày mai không? Không. Không khi nào cả. Cách hay hơn hết để sửa soạn cho ngày mai là dồn hết tất cả thông minh, hăng hái của ta tập trung vào công việc hôm nay. Bạn cứ nghĩ về ngày mai đi, cứ cẩn thận suy nghĩ, dự tính, song đừng lo lắng chi hết. Cũng như một câu hát đầy nhân văn trong Thánh ca:

“Xin Chúa dắt con bước. Con chẳng mong được trông cảnh xa xa. Chỉ xin Chúa dắt con từng bước…

Vì bước từng bước một thôi là đủ cho con rồi…”

Bạn có biết tác giả những câu thơ sau này là ai không?

Ai kia sung sướng suốt đời

Vững lòng nói được “Của tôi ngày này”

Ngày mai, mặc kệ mai ngày

Vì tôi đã sống hôm nay, đủ rồi.

Ý thơ nghe mới lắm, tựa như một nhà thơ trẻ đương đại viết ra, phải không bạn? Vậy mà câu đó, ngài đại triết gia của Hy Lạp: Horace – đã viết ra 30 năm trước Công nguyên cơ đấy.

quẳng gánh lo đi

Một trong những điều bi đát nhất là loài người có tánh muốn đẩy bỏ đời sống hiện tại đi. Hết thảy chúng ta đều mơ mộng những vườn hồng diễm ảo ở chân trời thăm thẳm mà không chịu thưởng thức những bông kề bên cửa sổ. Con nít thì nói: “Ước gì tôi lớn thêm được vài tuổi.” Nhưng khi lớn lên vài tuổi nữa thì sao? “Ước gì tôi tới tuổi trưởng thành, đi kiếm tiền.” Đến tuổi trưởng thành thì nói: “Ước gì tôi lập ra gia đình rồi ở riêng, hết phụ thuộc cha mẹ.”  Rồi đến khi thành gia, thì lời ước lại đổi làm: “Ước gì ta già, được nghỉ ngơi.” Và khi được nghỉ ngơi rồi, lại thương tiếc quãng đời đã qua, và thấy như có cơn gió lạnh thổi trên quãng đó. Khi ta biết được rằng đời sống ở trong từng ngày một, thì đã trễ quá rồi mà…

Tại sao hết thảy chúng ta lại điên một cách thê thảm như vậy? Bạn hãy tự hỏi mình ba câu sau: (1) Tôi có cái thói quên hiện tại, lo về tương lai hoặc mơ mộng với “một khu vườn hồng diễm ảo ở chân trời xa xăm” không? (2) Tôi có thường nghĩ tới quá khứ mà làm cho hiện tại hóa ra chua xót không? Quá khứ đó đã qua rồi và thiệt chết mất rồi. (3) Sáng dậy tôi có quyết: “Nắm lấy ngày hôm nay” để tận hưởng 24 giờ đó không? Có sẵn sàng, hăng hái làm lợi cho đời tôi trong 24 giờ đó không?

Nếu sáng nào cũng trả lời được ba câu đó, thì tất thảy bạn đã bắt chước được thành công bí quyết của ngài William Osler rồi…

————————

@S.A.F.E team: Ấy thế mà vì lẽ gì hết thảy các nhà đầu tư cá nhân chúng ta cũng ưu tư một cách điên rồ như vậy?

Những sai lầm trong quá khứ đã là dĩ vãng rồi; tuy nó đau, nhưng để lại cho ta nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích lắm. Còn tương lai, mấy ai biết được VNIndex sẽ ra sao, đường cong lãi suất sẽ ra sao, thậm chí chính giá cổ phiếu mà ta đang nắm giữ sẽ biến động như thế nào? Ngay cả bậc huyền thoại như Graham, Buffett, Greenblatt, Dimon cũng phải thú rằng họ chẳng đoán đúng được chi hết.

Thế thì tại sao ta không tập trung vào những việc hôm nay đi? Tại sao không dành thời gian nghiên cứu, chọn lọc các công ty tuyệt vời, định giá nó để chờ đợi mức giá mua hấp dẫn? Tại sao không sắp xếp lại tài chính để số ta chi tiêu ít hơn số ta kiếm ra, rồi ta lại đầu tư nó liên tục một cách kỷ luật?

Những việc đó ta kiểm soát được, và hoàn toàn có thể làm một cách hăng hái, nhiệt thành. Để kết lại cho kỳ 1 này, chúng tôi muốn trích lại câu châm ngôn mà chúng tôi rất tâm đắc từ ngài Buffett: “Nếu bạn biết cách chi tiêu ít hơn số bạn kiếm ra, rồi đầu tư nó một cách kỷ luật, kiên nhẫn, thì tất yếu bạn sẽ không thể nào “tránh” được sự giàu có trong tương lai.”                                                   

(Còn tiếp) Trích dẫn, bình luận thêm từ How to stop worrying and start living, 1948, Dale Carnegie (bản dịch bởi ký giả Nguyễn Hiến Lê)

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

CTKM Xuân Giáp Thìn 2024

Tình cảm quý độc giả 2023

Ap 74 chính thức phát hành!

Ấn phẩm mới phát hành
Ấn phẩm mới phát hành

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!