Tâm sự môi giới – The Golden Newsletter Vietnam
2 replies
07/07/2019

Chào BBT!
Tôi là một môi giới ck, từ khi đọc ấn phẩm của Safe, tôi cảm nhận được rất nhiều tâm huyết và giá trị mà BBT gửi gắm đến độc giả. Tôi vô cùng cảm ơn về điều đó.
Nhưng cũng có một “tác dụng phụ” khác đi kèm. Kể từ khi tôi biết được Safe, từ một nv môi giới yêu nghề, tôi trở nên mất niềm tin vào con đường mình đang chọn.
Cụ thể như thế này,
Nếu phải đầu tư giá trị, việc lướt sóng về dài hạn là vô nghĩa, là một môi giới quan tâm đến khách hàng, tôi cũng khẳng định là về lâu về dài tiền của khách hàng tôi chung quy lại đã về con số bằng mức ban đầu, có người chỉ lãi ít, không bằng gửi tiết kiệm NH, có vài trường hợp bị âm tài khoản kể từ đợt giảm sâu t4/2018 đến giờ vẫn chưa gỡ gạc được hết – mặc cho chính tôi đã giúp họ x2 tài khoản từ trước đó. Từ đó tôi nghĩ rằng nếu thật sự nghiêm túc với lĩnh vực đầu tư, thì con đường đầu tư giá trị mới là đúng đắn nhất.
Nhưng khổ nỗi, nếu tôi tư vấn cho khách hàng theo trường phái đầu tư này, tôi sẽ không có phí hoa hồng, điều này chắc các bạn cũng biết.
Tôi thấy nhiều người khuyên tôi là chỉ cần tư vấn tốt cho khách có lãi thì là môi giới giỏi. Nhưng vấn đề là, thế nào là tốt? lãi được ban đầu xong sau này lại mất hết ư?
Giả dụ như thế này nhé:
Tôi tìm được 1 cổ phiếu, có tiềm năng tăng giá trước mắt, nhưng cổ phiếu đó lại ko đạt đủ trọn vẹn tiêu chí 4M, thế nên là một NĐT thông mình thì cần chọn cho mình 1 biên an toàn phù hợp. Nhưng vấn đề nảy sinh từ đây: khi tôi chọn 1 biên an toàn và bảo khách mình chờ đợi vùng an toàn đó, thì ngay hôm sau, giá cổ phiếu đã tăng nhiêu phiên liên tục. Vậy là chính cái biên an toàn đó đã làm tôi mất cơ hội khuyến nghị đầu tư cho khách hàng. Vậy thì tôi là một môi giới yếu kém? Trong khi đó, nếu như là trước đây, tôi đã khuyến nghị cho khách hàng mua cổ phiếu ngay với “cơ bản tốt + nền giá tích lũy chặt và có điểm break…” – cái mà tôi thường làm trước đây, có lúc được, lúc không.

Tôi đã nằm suy nghĩ rất nhiều, cách mà tôi làm cũng như các môi giới khác làm đều có hiệu quả cũng như hệ quả, sinh lời có, mà thua lỗ cũng vì thế mà ra. Thế nên tôi khẳng định lại một điều đó là chỉ có đầu tư giá trị, bỏ qua phần lớn cái gọi là cơ hội ngắn hạn, chọn mức biên an toàn phù hợp với tiêu chí 4M kỹ lưỡng. Về lâu về dài thì mới bền vững theo thời gian được.
Như vậy, nghề môi giới là nghề không nên tồn tại chăng? Vậy tôi phải làm thế nào đây? Tôi hoang mang quá, ai cho tôi lời khuyên được không?…

2 comments

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  • Xin phép được comment đồng cảm với vấn đề của bạn, vì tôi cũng là một người làm trong một công ty chứng khoán (nhưng không phải là môi giới).
    Chúng ta làm trong ngành nên đều hiểu rằng nguồn thu chính của ctck chính là phí giao dịch và lãi margin. Các công ty chứng khoán đều tập trung vào 2 nguồn thu này, mặc dù họ vẫn có những nguồn thu khác như hoạt động IB, phân phối trái phiếu, chứng chĩ quỹ,…
    Đối với MG như bạn, bạn lại càng được lợi hoa hồng khi KH giao dịch nhiều.

    Việc kiếm hoa hồng từ việc KH giao dịch nhiều không hề sai trái, cũng không hề vô đạo đức (các hoạt động này đều có pháp luật điều chỉnh mà :D). Tuy nhiên, mình nghĩ bạn hoàn toàn có thể vượt qua vấn đề này bằng cách hiểu rõ khách hàng của bạn:
    1. Khách của bạn thích đầu cơ hay thích đầu tư?
    2. Khách của bạn thích margin hay không thích margin?
    3. Khách của bạn thích lợi suất ổn định hay lợi suất nhanh chóng?

    Tóm lại, bạn cần hiểu rõ KH của bạn, giải thích cặn kẽ các khái niệm đầu cơ vs đầu tư cho KH của bạn, và để KH của bạn lựa chọn hướng đi của họ. Khi đó, bạn sẽ không cảm thấy áy náy với việc mình đã tư vấn theo hướng đầu cơ hay đầu tư.
    Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định lại mức thu nhập từ hoa hồng của bạn: Bạn có chấp nhận cắt giảm một phần hoa hồng để tư vấn cho KH của bạn theo hướng đầu tư hay không, bởi lẽ hoa hồng thực sự là rất cám dỗ, nó có thể cao hôn cả thu nhập cố định của bạn.

    Trên đây là một số ý kiến của mình, chúc bạn may mắn với con đường bạn chọn!

  • Vâng rất cám ơn chia sẻ chân thành và thực lòng của anh, rất mong được biết quý danh của anh…

    Trước đây chúng tôi cũng đã suy nghĩ về vấn đề nầy trên góc độ một bức tranh lớn khá nhiều, nên rất hiểu nỗi lòng của anh:

    (1) Anh đừng tự trách bản thân mà hãy nhận thức rằng đây được gọi là bản chất “mâu thuẫn lợi ích” (conflict of interest) cố hữu của ngành dịch vụ tài chánh – nơi người cung cấp dịch vụ nhận phí cố định mà không tương quan với chất lượng dịch vụ mà khách hàng nhận về. Đây là một vấn đề mang tính hệ thống (systematic), nên không chỉ anh hay chúng tôi có thể giải quyết ngày 1 ngày 2 được.

    Ngài Buffett thuở trẻ tuổi 20s cũng từng đau đáu về vấn đề nầy, khi những tư vấn đầy chất xám của ông không được trọng – người khác nghe xong giao dịch ở nơi khác, rồi ông chỉ nhận về mức hoa hồng còm cõi do các nhà đầu tư chỉ nắm giữ theo khuyến nghị của ông…

    (2) Như vậy đến đây anh sẽ hỏi, vậy thì tôi phải làm sao đây?

    – Cách thứ nhất, đơn giản nhất, anh từ bỏ công việc của mình. Tuy nhiên không phải ai cũng có thế làm việc nầy. Họ có thể rất đam mê lĩnh vực đầu tư. Hoặc họ có cả một gia đình phía sau để nuôi sống. Do đó cách nầy thoạt nhìn đơn giản nhưng không đơn giản – trừ phi anh có một hướng nghề nghiệp hoặc sở trường khác tốt hơn nhiều so với công việc broker thì chúng tôi hoàn toàn khuyến nghị anh hãy dũng cảm mà ra đi.

    – Cách thứ hai, anh sẽ cần phải hóa giải vấn đề một cách khôn ngoan trong khi vẫn giữ công việc của mình.

    Đối với khách hàng: đúng như anh nói, và như nhiều thống kê mà chúng tôi đã đưa ra, chỉ có số rất, rất ít độ ~1% những kẻ giao dịch hằng ngày, hay lướt sóng thường xuyên mới có thể lãi được bền vững, do đó việc ta yêu cầu KH giao dịch liên tục sẽ rất khó để giữ mối quan hệ với họ dài lâu, dù ta có cố gắng cách mấy (âu là bởi vì xác suất mua phải cổ phiếu tệ hại rất cao, chưa tính đến mức thuế phí đắt đỏ). Vì lẽ nầy, học theo ngài Graham như chúng tôi đã viết trong ấn phẩm đầu tiên (https://newslettervietnam.com/nha-dau-tu-thong-minh-ky-1/), anh có thể khuyến nghị họ chỉ dành tối đa 10% danh mục cho hoạt động đầu cơ lướt sóng để “lấy cảm giác” mà thôi – đồng thời cũng hỗ trợ anh đạt doanh số, còn lại 90% danh mục phải tuân thủ triết lý đầu tư giá trị. Như vậy, thay vì “xoay” tài sản của một khách hàng lên đến 100%, anh phải kiếm ra 10 khách hàng mỗi người 10% như vậy – do đó chúng tôi không hề nói giải pháp nầy là dễ dàng, nhưng nếu anh thực sự đam mê, có uy tín, tận tâm với KH, chúng tôi nghĩ dần dần số KH của anh sẽ tăng lên hơn con số ví dụ của chúng tôi nhiều lần!

    Đối với công ty thuê anh: Chắc chắn các ông chủ sẽ không thể nào kiên nhẫn nhìn các brokers của mình phục vụ KH vài tháng liền với hoa hồng cõm cõi mà không gây áp lực được. Theo chúng tôi được biết, các brokers thường phải đạt một chỉ tiêu doanh số nhất định mới có thể được nhận lương cứng, thậm chí mức doanh số nầy còn tăng trưởng mỗi năm (!) Để tránh bị áp lực ngắn hạn quá mức dạng nầy, anh có thể thiết kế một chương trình dạng chia % lợi nhuận nếu anh tư vấn đúng cho 90% danh mục kia, tương tự như các hedge fund, như vậy anh đỡ bị áp lực thu nhập trong ngắn hạn, khách hàng cũng hài lòng. Ngoài ra, nếu CTCK anh vẫn tìm mọi cách gây áp lực quá lớn, anh có thể chuyển công ty khác với chỉ tiêu doanh số thấp hơn, chúng tôi thấy gần đây có nhiều CTCK ra đời với phí giao dịch 0 đồng, không đặt chỉ tiêu cho broker vài tháng đầu, họ tuyển số lượng MG rất lớn, anh có thể tham khảo thử…

    (3) Lời cuối, chúng tôi nói như vậy không có nghĩa rằng mọi brokers đều tệ hại hay toàn bộ ngành nầy xứng đáng để xóa bỏ. Có thể chúng sẽ bị xóa bỏ trong tương lai nào đó chúng tôi không rõ, nhưng đã tồn tại được hơn 100 năm ắt hẳn ngành dịch vụ tài chính nầy cũng tạo ra giá trị nhất định. Ngài Chris Gardner – người đàn ông sứ giả của hành trình mưu cầu hạnh phúc – cũng khởi đầu như một broker tại Dean Witter, giúp ông đổi đời nếu anh chưa biết. Sau nầy ông còn lập hẳn một hãng môi giới Garner Rich & Associates của riêng ông, anh có thể xem lại ấn phẩm 20 của chúng tôi về chuyện đời ông (https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-20/).

    Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là anh hãy chọn lấy con đường đúng đắn – tức đặt giá trị của khách hàng lên trên hết, và giữ lấy sự kiên trì để vượt qua được những thử thách trong ngắn hạn.

    Chúc anh luôn vững bước và sớm thành công trên con đường đầu tư & sự nghiệp của mình. Chúng tôi rất vui nếu có thể giúp anh được chút nào đó!
    S.A.F.E team

Ap 79 chính thức phát hành!

Trang “Ap cũ kỳ 78 đến 83”

Trang “Ap cũ kỳ 66 đến 77”

error: Content is protected !!