Châm ngôn sống: Luyện tập tạo nên sự vĩnh viễn – The Golden Newsletter Vietnam

“Luyện tập không tạo nên sự hoàn hảo. Luyện tập tạo nên sự vĩnh viễn”. Chúng tôi không nhớ rõ rằng mình đã đọc câu châm ngôn này ở đâu, có thể từ nhà đầu tư huyền thoại – ngài Joel Greenblatt – hay một quyển sách nào đó, song bài học mà nó để lại quả thực đã luôn đi theo chúng tôi từ đó đến nay…

Bình luận thêm từ bài viết trong ấn phẩm kỳ XIV– phát hành tháng 09.2018
Đặt mua ấn phẩm: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

Khi chúng tôi đọc được câu này, chúng tôi thích nó ngay lập tức.

Người ta thường nói rằng “Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo.” Chúng tôi lại bạo dạn nghĩ rằng mục tiêu của luyện tập không phải là sự hoàn hảo, mặc dầu ta muốn kĩ năng của mình tốt hơn. Mục tiêu của sự luyện tập thực sự lại nằm ở hai việc:

(1) Thứ nhất, luyện tập thường xuyên tạo cho ta một thói quen tốt, thứ sẽ giúp ta trong dài hạn.

(2) Thứ hai, luyện tập một kĩ năng trong một khoảng thời gian dài (10,000 giờ chẳng hạn) sẽ vĩnh viễn thay đổi các hạt và các phản ứng trong hệ thần kinh của ta. Từ đó, ta không cần phải suy nghĩ quá nhiều để thực hiện một công việc nào đó, bởi vì nó đã trở thành trực giác, trở thành “bộ dụng cụ”, khiến ta trở thành đỉnh cao trong lĩnh vực của mình.

Vì vậy, luyện tập không phải là thứ bạn làm khi đã thành công. Nó là thứ bạn buộc phải làm để khiến mình trở thành bậc xuất chúng!

—————————-

Chúng tôi biết rằng nhiều độc giả đến đây, sẽ phản biện rằng: Có rất nhiều người ngoài kia đi làm công chăm chỉ hằng ngày, ấy vậy mà có tiến xa được đâu. Ta phải làm việc thông minh chứ không phải chăm chỉ!”

Chúng tôi cho rằng nhận định này có phần đúng – chúng tôi cũng tin rằng một người nếu có tầm nhìn và định hướng bản thân tốt, sẽ có khả năng thành công cao hơn so với những người đồng trang lứa. Song nếu ta hiểu sâu và tổng thể hơn, thì ta lại thấy quan điểm “Work smart > work hard” sai lầm vô cùng! Đó là bởi vì: (1) Liệu anh có chắc rằng tất cả những người làm công ngoài kia đều chăm chỉ hay không, họ dành bao nhiêu thời gian để rèn giũa kĩ năng, bao nhiêu thời gian để giải trí? (2) Nếu anh không chăm chỉ thử nhiều cách làm để hiểu sâu, thì làm sao anh biết được đâu mới là cách làm thông minh? (3) Nếu anh không chăm chỉ một cách đều đặn, anh có chắc rằng anh sẽ thông minh hơn những đối thủ cạnh tranh chăm chỉ đều đặn khác trong vòng 10 năm tới hay không?

Ngay cả ngài Buffett, được nhiều người cho là thông minh bậc nhất và có óc tính toán thiên bẩm, thật ra bắt đầu kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi ông 30 tuổi, tức gần 20 năm sau khi ông mua cổ phiếu đầu tiên cho mình vào năm 11 tuổi. Trải qua gần 20 năm ấy, đọc tiểu sử của ông, chúng tôi mới thấy ông siêng năng khôn cùng: ông đọc báo cáo tài chính gần như mỗi ngày sau khi đã thấm nhuần triết lý của ngài Graham. Ông năng đi gặp ban lãnh đạo, thăm trụ sở công ty, trò chuyện với bề trên, đọc sách, đọc tạp chí chuyên ngành, đọc tin tức kinh tế lịch sử, đến mực ngài Munger phải mệnh danh ông là “cái máy học” (a learning machine).

Như vậy, ta còn chờ gì mà không bắt tay vào mà luyện tập bền bỉ ngay đi, dù là rèn luyện thể chất, trí tuệ hay kĩ năng công việc của mình…

Saigon, 12.09.2018, S.A.F.E team

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

CTKM Xuân Giáp Thìn 2024

Tình cảm quý độc giả 2023

Ap 74 chính thức phát hành!

Ấn phẩm mới phát hành
Ấn phẩm mới phát hành

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!