Chuyển động tin tức tháng 03.2019: Thời điểm nhạy cảm trước kết quả kinh doanh Q1 – The Golden Newsletter Vietnam

Trên quan điểm cá nhân chúng tôi, dù có thể sai, chúng tôi cho rằng các cá nhân chúng ta dành quá nhiều năng lượng & thời gian quý báu (energy & time) của mình để theo dõi Dow Jones mỗi tối, đọc các tin tức tích cực/tiêu cực rồi định hướng hoạt động đầu tư của mình tương ứng, đi tranh cãi với những người có góc nhìn trái chiều khác, v.v Chúng ta làm vậy chi cho mệt?

Chuyển động tin tức trong ấn phẩm kỳ XXI – đã phát hành tháng 04/2019 vừa qua
Đặt mua ấn phẩm cũ: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

1> Thị trường toàn cầu giằng co dữ dội trước các thông tin vĩ mô trái chiều. Chúng tôi không quan tâm mấy, điều chúng tôi đang chờ là kết quả kinh doanh Q1-2019 của các DNNY.

Đầu tiên là đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo ngược, sau đó đến việc FED quyết định không nâng lãi suất vì không muốn “đổ thêm dầu vào lửa”, sau đó tin tức Trung Quốc nhượng bộ Mỹ hơn trong cuộc chiến quyền lực quốc tế, rồi cuối cùng là số liệu PMI tháng 3 của Trung Quốc cao nhất lịch sử – tựu chung lại khiến hàng loạt nhà đầu cơ “đứng tim lên xuống” trong khi những NĐT giá trị vẫn ung dung…

Trên quan điểm cá nhân chúng tôi, dù có thể sai, chúng tôi cho rằng các cá nhân chúng ta dành quá nhiều năng lượng & thời gian quý báu (energy & time) của mình để theo dõi Dow Jones mỗi tối, đọc các tin tức tích cực/tiêu cực rồi định hướng hoạt động đầu tư của mình tương ứng, đi tranh cãi với những người có góc nhìn trái chiều khác, v.v Chúng ta làm vậy chi cho mệt?

chuyển động tin tức

Như ngài J.Bogle, Buffett và nhiều chuyên gia khác đã thống kê, về lâu dài, TTCK sẽ phải vận hành dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đứng sau. Vì lẽ đó, ta hãy tập trung vào kết quả kinh doanh của chúng – gần nhất là Q1/19, đặc biệt với các cổ phiếu mà ta nắm giữ.

2. Một vài công ty ngành vật liệu xây dựng lớn đặt kế hoạch DT & LNST 2019 thấp. Một phần vì họ thận trọng, phần khác vì họ tiếp xúc đầu tiên với nhu cầu suy yếu từ thị trường.

Đầu tiên, HPG – ông lớn Thép tiêu biểu của ngành VLXD, đặt kế hoạch LNST giảm 22%, song họ lại đặt KH doanh thu tăng rất mạnh từ dự án Dung Quất mới nhằm chiếm lĩnh thị phần.

chuyển động tin tức

Sau đó, các công ty dịch vụ xây dựng như CTD đặt kế hoạch cả DT & LNST giảm 15% (song điều nầy một phần tác động bởi Ricons như chúng tôi đã phân tích trong ấn phẩm XIX), HBC đặt kế hoạch tăng 16% LNST nhưng doanh thu chỉ tăng vỏn vẹn 1.6% – do lượng hợp đồng ký mới (backlog) suy yếu hẳn so với năm 2017-18.

REE cũng đặt kế hoạch hợp đồng ký mới cho dịch vụ cơ điện M&E giảm 20% sv cùng kỳ, cả doanh thu & LNST mảng nầy cũng được dự kiến sẽ đi ngang ngay cả trong trường hợp tốt nhất – trước bối cảnh dự án chung cư, nhà cao tầng mới tại TPHCM chững lại nhanh chóng.

Mặt khác, nhờ vào các động lực khác như đầu tư công, thị trường quốc tế, vẫn có một số công ty VLXD đặt KH tăng trưởng 15%-20% tốt trong năm 2019 như HT1, VCS, PTB. Song số này rất ít, âu là bởi vì ngành VLXD nước ta còn phụ thuộc quá nhiều vào BĐS nhà ở…

3. Tập đoàn đa ngành (chaebol) của Hàn Quốc – SK Holdings, cùng nhiều NĐT khác, sẽ rót 1 tỷ USD tiền mặt vào một holdings kim tự tháp khác với giá ngất ngưởng chỉ để đổi lấy 7.8% cổ phần (!)

SK Holdings – tập đoàn “chaebol” đứng vị trí thứ 3 Hàn Quốc, tiếp tục một thương vụ khổng lồ khác gây rúng động thị trường M&A Việt Nam vào cuối tháng 3 vừa qua theo Bloomberg.

Tháng 10 năm ngoái 2018, SK Investments Vina, một công ty con của SK Holdings đã bỏ ra 470 triệu USD để mua lại 9.5% cổ phần MSN tại mức giá ~[98.0], tương ứng P/E cốt lõi 33 lần với lượng cổ phần thiểu số đến mức thậm chí không đủ chân vào HĐQT (?)

Đến cuối tháng 3 vừa qua, SK tiếp tục gây “sốc” khi quyết định bỏ ra gần hơn 1 tỷ USD – ít nhất 25,000 tỷ theo tờ trình – để mua lại vỏn vẹn 7.8% cổ phần của VIC (quyền biểu quyết rất bé), vốn đang được bán với mức P/B điều chỉnh 8.6x, trong khi dòng tiền tự do âm nghiêm trọng 1-2 tỷ USD/năm và nợ vay bằng 200% vốn chủ điều chỉnh (!)

Quả thực cá nhân nhỏ bé chúng ta khó hiểu được động lực sau việc mua lượng % cp ít ỏi tại mức giá “tên lửa” đó. Song từ đây mới thấy nể phục câu chuyện Việt Nam hấp dẫn những NĐT nước ngoài “lắm tiền” làm sao…

4. Dịch tả lợn châu Phi (ASF) hoành hành gần 30 tỉnh, song đã có dấu hiệu được khống chế ở các tỉnh phía Bắc

Mới bắt nguồn từ cuối năm 2018 ở Châu Phi lan sang Trung Quốc, trong 2 tháng vừa qua, dịch tả lợn châu Phi đã nhanh chóng lan rộng khắp 28 tỉnh thành Việt Nam, khiến hàng chục nghìn con lợn bị tiêu hủy.

Dù vậy, điều đáng lo ngại không phải là lượng lợn bị tiêu hủy, mà thay vào đó chính là tâm lý người tiêu dùng (consumer awareness) tiêu cực, gián tiếp tác động đến giá xuất chuồng và giá bán lẻ. Hiện Masan Nutri-Science (MNS) và Dabaco (DBC) đều đã đặt kế hoạch kinh doanh 2019 thận trọng vì dự kiến KQKD nửa đầu 2019 sẽ tương đối ảm đạm do dịch tả ASF.

Tuy nhiên, đến ngày 29/3 vừa qua, một vài xã ở tỉnh Hưng Yên và Long Biên, Hà Nội đã công bố hoàn toàn khống chế được dịch. Giá xuất chuồng phía Bắc đã tăng lại ~40,000đ/kg. Song chúng tôi cho rằng phải mất ít nhất vài tháng nữa tâm lý người tiêu dùng mới có thể ổn định lại được.

5. NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 43, siết chặt hoạt động cho vay tiền mặt tiêu dùng của các công ty tài chính

Chúng tôi cho rằng hành động nầy của NHNN là rất kịp thời và hợp tình hợp lý, xét đến việc chu kỳ của ngành tài chánh đang đến giai đoạn cuối…Cụ thể, dự thảo nầy chia tách hoạt động cho vay tiêu dùng ra thành 2 loại: (1) giải ngân gián tiếp – tức cho vay để KH mua sắm, bên NH giải ngân cho nhà cung cấp (2) giải ngân trực tiếp – tức cho vay tiền mặt.

Đối với loại cho vay tiền mặt thứ 2, NHNN đề xuất tỷ trọng cho vay tiền mặt trong dư nợ cho vay của các công ty tài chính tối đa là 30% – một biện pháp ràng buộc cần thiết. Như đã phân tích case VPB cách đây gần 1 năm, đến 70% thu nhập lãi từ hoạt động cho vay tiêu dùng của NH nầy đến từ hoạt động cho vay tiền mặt và cho vay tiền mặt chéo nhằm đảo nợ, tạo ra rủi ro nợ xấu rất lớn!

Ngoài ra, việc cho vay tiền mặt không TS đảm bảo ắt sẽ dẫn đến các phương pháp đòi nợ gây hệ lụy từng bị phản ánh năm vừa qua tại VPB, nên chúng tôi đánh giá rất cao động thái của NHNN.

6. Theo Savills. thị trường BĐS căn hộ TPHCM giảm mạnh hơn 50% YoY về cả nguồn cung lẫn lượng giao dịch Q1/2019

Theo Savills, thị trường TPHCM chứng kiến mức mở bán mới thấp, chỉ hơn 4.500 căn hộ, giảm -38% theo quý và giảm -27% sv cùng kỳ. Căn hộ hạng C chiếm đa số nguồn cung mới với 85% thị phần, chủ yếu tập trung tại các quận ngoại thành như Quận 8 và 9.

Quan trọng hơn, lượng giao dịch chỉ đạt 6.400 căn, giảm -42% theo quý và giảm -52% sv cùng kỳ. Điều nầy do (1) kỳ nghỉ Tết năm 2019 kéo dài hơn mọi năm (2) năm 2018 đã bùng nổ với con số rất cao (3) tâm lý và nguồn lực của nhiều nhà đầu cơ đã suy giảm nhanh chóng. Do đó chúng tôi cho rằng phân khúc căn hộ tại TPHCM sẽ khó tăng giá mạnh như giai đoạn 2016-2017 mà có thể sẽ chùng xuống đáng kể…

Song, một xu hướng tích cực rằng sự quan tâm của các NĐT nước ngoài vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hạn ngạch 30% dự án căn hộ luôn được lấp đầy, trong đó gần 90% là các NĐT Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Saigon, đăng lại ngày 19.04.2019, bởi S.A.F.E team – Golden Newsletter Vietnam

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

CTKM Xuân Giáp Thìn 2024

Tình cảm quý độc giả 2023

Ap 74 chính thức phát hành!

Ấn phẩm mới phát hành
Ấn phẩm mới phát hành

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!