1 case khác để so sánh với GDT – The Golden Newsletter Vietnam
10 replies
18/05/2018

Muốn viết bài lâu lắm rồi, mà mãi nay mới có dịp, hi vọng được trao đổi cùng với BBT về case này 🙂

Công ty thương mại cổ phần Nam Hoa (NHT)
Về ngành nghề, có thể thấy nét tương đồng với công ty Gỗ Đức Thành (GDT) đang niêm yết trên sàn HOSE (HSX) khi cả hai đều là công ty gia đình, sản phẩm chủ đạo của NHT tập trung chủ yếu vào 2 nhóm hàng là đồ chơi trẻ em và đồ trang trí chiếm tỷ lệ 75-80% trong cơ cấu doanh thu (2016-2017). Sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản và Châu Âu, những thị trường phải nói là khó tính. Đặc biệt hơn, NHT có 1 đặc điểm mà Warren Buffett rất yêu thích, đó là có “hào bao quanh”, là những lợi thế mà không phải công ty nào cũng sở hữu, đó là những tiêu chuẩn cụ thể về kiểm định chất lượng, đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng của thị trường nhập khẩu như EN71 (Châu Âu), ASTM (Mỹ), Japan toy safety standard – ST 2012 (Nhật Bản). Gỗ Đức Thành hiện chỉ mới có con dấu CE, nó không chứng nhận chất lượng mà chỉ có ý nghĩa đơn giản như thông báo đến các nhà chức trách EU rằng nó phù hợp với những quy định tại đây, một cách nói khác thì nó như là “hộ chiếu kỹ thuật” cho sản phẩm, chứ chưa chắc sản phẩm đó đã có chất lượng như tiêu chuẩn. Kiểu như bạn đủ chuẩn (hộ chiếu) để vào quốc gia của tôi (dấu CE), nhưng để được công nhận đạt chất lượng là công dân của tôi, bạn phải trải qua một kỳ thi nhập tịch, hay được hiểu trong trường hợp này là những bộ tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng. Về điểm này, có thể nói NHT đã có bước bỏ xa so với GDT.
Nguồn nguyên liệu: gỗ cao su, gỗ dẻ gai, gỗ sồi sấy, công ty không có nguồn rừng mà chủ yếu là mua lại gỗ đạt tiêu chuẩn để sản xuất, cách làm này tồn tại cả ưu điểm cũng như rủi ro. Ưu điểm là công ty không phải tốn nhiều chi phí để bảo quản hàng tồn kho gỗ, vốn là vấn đề đã gây nhức nhối cho nhiều nhà đầu tư Gỗ Trường Thành (TTF). Tuy nhiên rủi ro lại tiềm ẩn khi không chủ động về nguồn rừng, khi giá gỗ (đầu vào) tăng mà doanh thu (đầu ra) không thể tăng tương ứng sẽ ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận của công ty.
Doanh thu (2017) của NHT phần lớn là từ xuất khẩu, chiếm hơn 99% (171 tỷ so với 2 tỷ). Sự ổn định về mặt tỷ giá các đồng ngoại tệ với VND là một lợi thế với hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên khi nhìn vào 2 thị trường lớn là EURO và JAPAN, vốn là 2 khu vực chịu rất nhiều rắc rối địa chính trị trong thời gian gần đây cũng là một rủi ro đáng kể.
Công ty cổ phần Nam Hoa vừa có sự điều chỉnh nhân sự khi thay chủ tịch HDQT là Ngô Văn Hòa (1952), đương nhiệm là ông Đoàn Hương Sơn (1973) trẻ hơn 20 tuổi, vị tân chủ tịch này sau khi tốt nghiệp đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc ở Unilever. Với kế hoạch kinh doanh trong năm 2018 khi đặt chỉ tiêu doanh thu nội địa cao hơn năm 2017 500% (11 tỷ so với 2 tỷ) là một bước để giảm bớt rủi ro từ hoạt động xuất khẩu, vốn đã chịu quá nhiều rủi ro, là một kế hoạch đáng trông đợi của ban lãnh đạo. Một vấn đề gây nhức nhối đó là đạo đức của ban lãnh đạo đã gây thiệt hại lớn cho cổ đông như trường hợp của APC thời gian gần đây, những yếu tố như trong năm 2017 hưởng lương HDQT là 400 triệu trên mức LNST là 51 tỷ, chia cổ tức 100% trong năm 2017, không phát hành cổ phiếu ồ ạt và thường xuyên, thông qua một số yếu tố có thể đánh giá đạo đức của ban lãnh đạo NHT là đáng tin cậy.
Cơ cấu tài chính của công ty (2017) cũng khá lành mạnh khi tổng nợ chỉ chiếm 23% trên tổng tài sản, BVPS là 15300, EPS là 9288, P/E =5, P/B = 3, ROE = 58%, biên lãi gộp đạt 44.5%, vốn chủ sở hữu năm 2013 chỉ là 26.5 tỷ, đến hết năm 2017 đã đạt 88 tỷ, những con số trên phù hợp với câu chuyện lịch sử của công ty khi giai đoạn 2010-2014, công ty hoạt động không có lãi, mọi chuyện chỉ thật sự khá lên từ 2016 và sang năm 2017 phải nói là năm bùng nổ của công ty, xu thế này theo tôi đánh giá sẽ còn kéo dài ít nhất là 2-3 năm nữa vì những lí do sau:
Hoạt động xuất khẩu ổn định. Trong năm 2016 công ty có giai đoạn không xuất hàng được sang Châu Âu do bên phía đối tác phải đợi tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho trong nước. Tuy nhiên chỉ kéo dài khoảng nửa năm là lại tiếp tục kí hợp đồng mới, điều này thể hiện tiềm năng tiêu thụ của thị trường là rất lớn và chưa phát triển đến mức bão hòa.
Xu thế tiêu dùng của người Việt. Theo thời gian mức sống của người dân được nâng cao, nhu cầu sử dụng sản phẩm nội thất trang trí từ sản phẩm thiên nhiên là gỗ sẽ tăng, ngoài ra các bậc phụ huynh khi chọn đồ chơi gỗ cho trẻ em sẽ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, những năm trước đây thị trường tràn ngập đồ chơi bằng gỗ từ Trung Quốc với chất lượng thấp. NHT với “hào bao quanh” là những tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của mình sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn. Điều này là cơ hội cũng là thách thức của công ty, phải làm thị trường như thế nào, định vị phân khúc sản phẩm cũng như thương hiệu của mình trên thị trường, từ đó chiếm lĩnh khách hàng nội địa, đây có thể là bước đi đúng đắn của NHT trong giai đoạn 2-3 năm tiếp theo.
Định giá: Phải nói rằng định giá là tùy theo quan điểm của từng cá nhân, đó là cả một nghệ thuật, tôi cho rằng giá trị hợp lý của NHT nằm trong khoảng (33.5 – 68.7). Giá hiện tại của NHT là 50, tương ứng tỉ lệ reward/ risk là 1.14, không còn hấp dẫn nữa. Nhà đầu tư có thể chờ đến khi tỷ lệ này tăng lên 2 lần, hoặc nếu muốn mua thì không nên giải ngân quá 10% danh mục để tránh rủi ro vi mô tốt nhất có thể.
PT – Personal investor.

10 comments

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  • Theo minh thi P/B đã quá cao, công ty không còn định giá rẻ nữa rồi.

  • Chào anh, rất mong được biết quý danh của anh.

    Bài phân tích của anh khá đầy đủ, áp dụng tiêu chí 4M của ngài Phil Town rất tốt – có lẽ chúng tôi còn không hiểu rõ Nam Hoa Trading bằng anh. Chúng tôi rất thích phần định giá khách quan và phần phân tích lợi thế cạnh tranh với những điểm mới mẻ mà anh đưa ra.

    Nếu được chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm và bổ sung rủi ro nếu có. Không biết nếu chúng tôi mạn phép “trộm” bài viết này của anh để đưa vào ấn phẩm các kỳ tiếp theo thì có được không nhỉ? Anh có thể cho chúng tôi quý danh qua email hoặc inbox fanpage hoặc tại đây cũng được.

    Chúng tôi mong chờ hồi âm từ anh. Rất hi vọng anh có thể phát huy khả năng phân tích và đóng góp ý tưởng hay như thế này trong tương lai anh nhé.
    S.A.F.E team

  • Hiện tại cổ phiếu NHT không thực sự hấp dẫn nhưng mình sẽ xếp vào list cần chú ý của bản thân.
    Một bài viết tuyệt vời, rất cảm ơn bài phân tích rất giá trị của bạn nhé!

  • Mến chào BBT, lúc nãy mình có trả lời nhưng lại thấy không hiện lên, nên mình post lại 1 lần nữa vậy 🙂

    Mình sẽ gửi bản word cho ban biên tập, không biết gửi sang mail nào thì ban biên tập nhận được sớm nhất nhỉ?

    Về NHT cũng như GDT hay các công ty sản xuất gỗ khác, có 1 vài đặc điểm trong mô hình kinh doanh mà mình muốn đề cập ở đây, hi vọng được BBT góp ý thêm:
    1/ Hàm lượng chất xám kết tinh trong sản phẩm không cao, hay nói dễ hiểu hơn là công nghệ để tạo hình từ gỗ thành phẩm ra sản phẩm đồ chơi không quá phức tạp. Những yếu tố công nghệ khác có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm như độ bền, độ an toàn thì hầu như không được dân ta quan tâm nhiều ở thì hiện tại.
    2/ Do các sản phẩm từ gỗ từ lâu được mặc định là hàng thủ công mỹ nghệ nên có lợi thế về giá bán, đó là bán sản phẩm với giá rất “vô chừng”. Bạn làm ra sản phẩm giá 50k, có thể bán 80k, 100k hay thậm chí 200k cũng được, miễn là đẹp.

    Sản phẩm không quá khó làm, ưu thế cạnh tranh chỉ áp dụng được với những xứ sở có đời sống vật chất đã phát triển cao, sản phẩm lại được bán với giá vô chừng cho nên mình mới đề cập trong bài viết đó là rất khó để làm thị trường cũng như định vị thương hiệu của công ty trên thị trường trong nước là vì lẽ như vậy.

    Thân ái.

  • Cảm ơn anh vì bài viết rất hay, và thú vị. em cảm thấy hiểu thêm đc vài yếu tố về GDT mà trước đây mình chưa rõ.
    Có điều, em muốn chia sẻ vài điểm mà có thể anh chưa thấy rõ về các khía cạnh lợi thế khác của GDT.
    Đầu tiên, việc GDT không sử dụng gỗ rừng cũng là một lợi thế khi những năm gần đây chính phủ vn đã bắt đầu cấm khai thác gỗ rừng. Đó là lý do mà năm 2017 giá gỗ cao su đã tăng đột biến. điều nữa, , giá gỗ trong thành phần chi phí của GDT chỉ chiếm 35% giá thành, do đó, mặc dù có thể ảnh hưởng về giá đầu vào nhưng không phải là một nguy cơ lớn đối với GDT. Bằng chứng là mặc dù giá gỗ cao su đã tăng hơn 60% từ đầu năm 2017 nhưng 2 quý cuối năm GDT vẫn chỉ bị sụt giảm biên lợi nhuận gộp là 3% từ 37% xuống mức 34%.
    Nếu nói rằng, công ty khó chủ động về nguyên liệu đầu vào, và đây là yếu tố bất lợi so với doanh nghiệp khác thì chưa hẳn là đúng hoàn toàn. Bởi vì xét đây là khó khăn chung của toàn bộ ngành sx gỗ, và xét thêm GDT đã có một quá trình phát triển công ty khá dài, trên 25 năm thì có lẽ khả năng cung ứng nguyên liệu ở các nhà cung cấp sẽ đảm bảo hơn nhiều. Điều này đã được xác thực bởi chính chủ tịch HĐQT gô đưc thành trong đợt họp dhcd vừa rồi. Bà Liễu nhẫn mạnh việc thiếu nguyên liệu là thách thức nhưng cũng là cơ hội để GDT tranh thủ có thêm các đơn hàng mới mà các cty khác hiện tại chưa đáp ứng được.
    Một yếu tố em cảm thấy GDT khá linh hoạt trong việc sử dụng gỗ nguyên liệu để sx cũng như tìm kiếm đơn hàng mới. Chẳng hạn, trong năm 2017 vì giá gỗ cao su tăng cao, công ty đã chủ động tăng cường sx các sp đồ gỗ nội thất, và doanh thu mảng này đã tăng mạnh so với cùng kỳ.
    Điều nữa, việc so sánh GDT và NHT em nghĩ sẽ là hợp lý hơn nếu doanh thu, lợi nhuận của GDT thiên về mảng sx đồ chơi cho trẻ em như NHT. Mảng đồ chơi gỗ đc GDT phát triển sau này, nên việc NHT có lợi thế hơn về mảng sp này là chắc chắn.
    Các sản phẩm đồ gỗ nhà bếp một thời đc GDT cho rằng ” một mình một ngựa ” trong nước,bởi các doanh nghiệp khác khó có thể sx các loại sp đa dạng, nhiều mẫu mã như GDT. Lợi thế đó em nghĩ rằng vẫn đc GDT tận dụng, bằng chứng là GDT đã giữ đc biên lợi nhuận trên 35% trong nhiều năm qua, với doanh thu đong gop phần nhiều ở mảng nhà bếp.

    Cuối cùng, cảm ơn anh đã chia sẻ những thông tin thú vị.

    • thanks bạn đã góp ý, thực sự thì 2 công ty này hoạt động ở 2 thị trường khác nhau, chỉ đến năm 2018 này NHT có ý định tăng doanh thu từ thị trường nội địa nên nghĩ sẽ có chiến tranh với GDT nên mới viết 1 bài về NHT thôi, cũng không có khuyến nghị đua lệnh hay sao cả mà chỉ là 1 góc nhìn cá nhân thôi mà. Hi

  • Dear phước hậu,

    thanks bạn đã góp ý, mình nghĩ rằng đầu tư cần sự linh hoạt và sáng tạo, tại sao chúng ta có tỷ số PEG mà không thể có chỉ số PBG nhỉ? Nếu mọi người tinh ý sẽ thấy mình đề cập đến con số tăng trưởng vốn chủ sở hữu, là những gì thực sự mà cổ đông sở hữu, con số này tăng trưởng 35% cagr/ 4 năm, nếu P/B = 3 thì PBG theo cách tính tương tự PEG sẽ là 0.081, theo mình cảm nhận về con số này thì giá vẫn chậm hơn so với tăng trưởng vốn chủ sở hữu bạn ạ.

    Doanh nghiệp tăng trưởng thì phần thưởng lớn nhất phải thuộc về cổ đông của doanh nghiệp đó.

    • Một phân tích khá chi tiết và có cái nhìn sâu về doanh nghiệp. Rất cám ơn tác giả. Cám ơn bạn Cảnh Linh đã đưa ra những nhận xét thêm về GDT. Rất mong đón nhận thêm những bài viết hữu ích như trên.

  • Mình thấy bài viết trên góc độ thận trọng và giá trị, tuy nhiên mình bổ sung thêm chút về quan điểm “hào bảo vệ” là các chứng chỉ mà các nước cấp cho NHT để được nhập hàng vào!!! Thực ra đây là giấy thông hành nó có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp khác ở Việt Nam muốn gia nhập thị trường Japan hay EU. Nhưng đối thủ cạnh tranh của NHT là các DN sản xuất đồ chơi ở EU &Japan chứ không hẳn là DN việt khác.

    Dù mình chưa xem về NHT nhưng mình nghĩ nghiên cứu thêm về thị trường xuất khẩu đồ chơi mảng mà NHT đang xk sẽ bổ sung nhiều yếu tố định tính hơn nhằm tránh rủi ro, mặc dù việc này không hề dễ dàng vì ngoài VN

    Thân ái

  • Hello,

    Mình thấy gần đây, giá cổ phiếu của NHT giảm khá mạnh, ko biết chủ topic có update gì về case này ko?

    Thanks

Kỳ 78 chính thức phát hành!

Ấn phẩm 78 sắp phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!