Xin chào BBT,
Khi định giá công ty để mua, thì ngoài biên độ an toàn là cảm quan cá nhân, phương pháp hiện tại chủ yếu mình vẫn đang dùng là DCF (với các factor ở mức tương đối bảo thủ/conservative).
Tuy nhiên đọc nhiều bài trả lời/phân tích của BBT thì thấy BBT lại không có thiện cảm với pp DCF này – liệu các bạn có thể chia sẻ giúp mình vì sao các bạn không dùng/thiện cảm với pp DCF? Và nếu được có thể chia sẻ thêm các pp mà cá bạn hay dùng để định giá công ty?
Một vài pp mình thấy hay phổ biến như P/E, P/B thì mình chưa thấy thuyết phục lắm vì sổ sách kế toán và các con số dự phóng mình thấy quá nhiều rủi ro, biến động và khó đưa vào một frame kỹ hơn như DCF.
Hy vọng sẽ nhận được trao đổi nhiều hơn từ phía các bạn,
Cám ơn nhiều & chúc BBT một tuần mới hiệu quả!
Hải Linh
Mình thì cũng không xài những mô hình định giá phức tạp, như DCF thì cũng không quá cần thiết trong đầu tư trừ khi bạn làm analyst phải có con số cụ thể để trình sếp hay ra báo cáo cụ thể.
Mình chỉ xài PE, PB thôi nhưng nó cũng không đơn giản, E thì cũng phải nghiên cứu để dự đoán eps trong nhiều năm tới, B thì cũng phải tính toán kĩ 5 năm sau nó sẽ là bao nhiêu. Nên nếu tính kĩ ra thì nó cũng như DCF hay các phương pháp khác, quan trọng là số liệu đầu vào và tầm nhìn, khả năng nhìn thấy sự phát triển của doanh nghiệp những năm tới.
Cám ơn bạn, do mình không dùng P/E, P/B nên không biết – theo như bạn nói thì cũng không hề dễ và cũng khá phức tạp, vậy chắc mình cũng stick với DCF mình đang làm, vì mình quen hơn (mặc dù mình chỉ là NDT cá nhân) – cám ơn bạn nhiều nhé. HL
Vâng cám ơn câu hỏi hay của anh Hải Linh, mong anh thông cảm vì vài tuần vừa qua bận rộn dự đại hội cổ đông và nghiên cứu nhiều cổ phiếu, chủ đề cho tương lai nên chúng tôi trả lời muộn mất…
(1) Chúng tôi không có thiện cảm với phương pháp DCF của giới đầu tư, đặc biệt là giới analyst ngoài kia, chủ yếu vì 2 nguyên nhân sau:
– Phụ thuộc chủ quan dự phóng tăng trưởng tương lai của người dự phóng. Khi họ đang nắm giữ cổ phiếu hoặc chịu lệnh cấp trên, thường họ sẽ rất lạc quan mà bỏ qua các rủi ro cạnh tranh, thực thi của ban lãnh đạo mà “vẽ thẳng” một đường trên Spreadsheet.
– Độ nở (elasticity) của con số terminal value – thứ chiếm đa số giá trị chiết khấu của doanh nghiệp lại phụ thuộc quá nhiều vào độ lệch chỉ 0.1% terminal growth (g) là rất lớn khiến thay đổi gần như toàn bộ quyết định đầu tư. Thường những analyst lạc quan sẽ cho con số g nầy khá cao để tăng định giá. Trên quan điểm cá nhân chúng tôi, có rất ít cơ sở để áp đặt con số terminal growth g, cho cả doanh nghiệp chu kỳ hay doanh nghiệp kinh doanh ổn định thông thường.
(2) Tuy nhiên, nhiều trường hợp như các cty bất động sản, dự án lớn, v.v như anh thấy đòi hỏi người định giá bắt buộc phải sử dụng DCF đơn thuần bởi vì anh ta không thể thực hiện các phương pháp khác, do đó giải pháp tốt hơn như cách anh đã làm chính là cực kỳ cẩn trọng (conservative) trong khâu dự phóng, thậm chí loại luôn yếu tố terminal value bằng exit value hoặc con số logic khác tương tự.
(3) Cuối cùng, như nhiều lần chúng tôi nhấn mạnh, định giá chính xác là điều bất khả thi và không cần thiết, bởi vì biên an toàn (margin-of-safety) mới là thứ quyết định đối với một nhà đầu tư giá trị đích thực.
Với riêng chúng tôi, chúng tôi dùng nhiều phương pháp định giá khác nhau cho tùy mô hình kinh doanh khác nhau (như ngài Munger nói: a complex tools for different cases) – trong đó có cả DCF nếu buộc phải làm vậy – như các DN BĐS nhà ở hay BĐS khu công nghiệp, hay điện lực nếu có thể dự đoán được tương đối, song chúng tôi thường sử dụng nhất phương pháp owner earnings và “mua rất rẻ”, cả hai đều đáp ứng được nguyên tắc biên an toàn và giúp chúng tôi có được kết quả khá mỹ mãn trong quá khứ với rủi ro thua lỗ rất thấp, trừ một số case sai lầm do các rủi ro ngoài dự tính như rủi ro quản trị (management risks).
Hi vọng chúng tôi trả lời sơ vậy anh đã rõ rồi. Cám ơn câu hỏi hay của anh và chúc anh luôn thành công trên con đường đầu tư của mình!
S.A.F.E
Cám ơn SAFE team đã trả lời cụ thể, như thế mình cũng hiểu sự khác biệt của pp DCF mình dùng với DCF các bạn khác dùng rồi. Thú thật là mình cũng mix tùm lum lên hết, nên công ty nào càng thỏa mãn nhiều điều kiện và có mức giá tốt (MOS hợp lý) thì càng có nhiều khả năng mình sẽ mua. Chúc các bạn một kỳ nghỉ lễ hiệu quá!. Thân, HL