Gần đây, tôi quan sát thấy không chỉ bố mẹ mình mà còn rất nhiều người khác được nhân viên ngân hàng mời chào mua một thứ gọi là “Chứng chỉ tiền gửi”, điều đặc biệt là ngay cả khi khách hàng đang để tiền trong tài khoản ngân hàng dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất bèo bọt thì nhân viên ngân hàng vẫn mời chào mua chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất được hưởng lên tới 5 – 6%/năm rất hấp dẫn làm tôi không khỏi nghi vấn về việc tại sao các ngân hàng thương mại tự nguyện làm gia tăng chi phí vốn của mình làm gì?
Sau khi tìm hiểu tôi thấy rằng “có vẻ như” chứng chỉ tiền gửi mang dáng dấp của một TRÁI PHIẾU hơn là một sổ tiết kiệm, bởi mấy lý do sau:
Thứ nhất, khi muốn rút tiền trước hạn, ngân hàng không có trách nhiệm hoàn lại tiền gốc và một khoản lãi hợp lý cho khách hàng mà yêu cầu khách hàng chờ đợi người mua lại chứng chỉ tiền gửi của mình. Hoặc yêu cầu khách hàng vay tiền của ngân hàng bằng cách thế chấp chính chứng chỉ tiền gửi đó với lãi suất cho vay gấp tới 1,5 lần lãi suất khách hàng đang hưởng của chứng chỉ tiền gửi.
Thứ hai, sau vụ việc S** vừa rồi, tôi thấy Thống đốc có lên tiếng về việc Ngân hàng nhà nước sẽ đảm bảo thanh toán cho mọi khoản tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng thương mại trong mọi tình huống. Và tôi cho rằng khả năng cao “tiền gửi tiết kiệm” với “chứng chỉ tiền gửi” là không giống nhau. Ngoài ra, theo điều 17, Thông tư 48/2018/TT-NHNN thì việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền khi gửi tiền, vậy nên trong tình huống khủng hoảng, ai sẽ là người trả lại tiền gốc (và lãi) cho khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi đây?
Tất nhiên tôi không mong muốn những điều mình đang lo sợ là sự thật nhưng tương lai là bất khả đoán nên tôi nghĩ tốt nhất nên phòng ngừa cho những tình huống xấu nhất: liệu người mua chứng chỉ tiền gửi có mất tiền trong những tình huống khủng hoảng của hệ thống tài chính hay đơn giản chỉ là cần tiền gấp hay không? Mong được mọi người chỉ bảo thêm ạ.
Về cơ bản thì Chứng chỉ tiền gửi cũng giống như Trái phiếu. Sự khác biệt có lẽ chỉ là CCTG thì chỉ được phát hành bởi TCTD, còn Trái phiếu thì loại hình DN nào cũng được. Ngoài ra thì việc phát hành CCTG sẽ phải theo quy chuẩn của NHNN (ví dụ như tỷ lệ an toàn vốn) còn Trái phiếu thì phát hành theo quy chuẩn của Bộ Tài chính.
CCTG được xếp vào mục Giấy tờ có giá, cho nên về nguyên tắc trả nợ khi phá sản thì CCTG sẽ xếp sau Tiền gửi tiết kiệm, vì thế về lý thuyết, có thể nói CCTG ít an toàn hơn Tiền gửi tiết kiệm.
Cám ơn câu hỏi của bạn rất nhiều, tuy nhiên như đã trả lời trong ấn phẩm 62, T9/2022 vừa qua:
“Tuy nhiên chúng tôi không đồng tình với câu trả lời của anh Tranchibang:
(1) Chứng chỉ tiền gửi khác gửi tiết kiệm bởi vì nó không thể rút trước hạn, phải tìm người bán lại và ở Hoa Kỳ, nó có cả một thị trường thứ cấp gọi là “money market”.
(2) Chứng chỉ tiền gửi vẫn được bảo hiểm tiền gửi (insured) vì vậy nó không phải trái phiếu và có độ an toàn cao hơn trái phiếu. Bạn check lại Luật Bảo hiểm Tiền gửi nhé: https://tinyurl.com/y2usnvbx
(3) Nếu đó là tiền nhàn rỗi thì chúng tôi không khuyên bố mẹ bạn nên để không kỳ hạn với lãi suất 0.0x%? Ta không nên sợ hãi quá nhiều mà để tiền dưới “giường ngủ” tựa thập niên 1970s, 1980s.
(4) Tuy nhiên, chúng tôi đồng ý với bạn rằng rủi ro “vỡ nợ”, bank-run trong tương lai là vẫn có, nếu như các nhà điều hành VN không ghi nhớ bài học 2008 và có những giải pháp quản lý chặt chẽ hơn các bankers điên rồ. Như chúng tôi hay nói, rủi ro Thiên Nga Đen luôn có thể xẩy ra, chúng ta không nên sợ hãi, nhưng không bao giờ được lơ là cảnh giác bằng cách luôn luôn đọc BCTC và kiểm tra tài chính bank mình sử dụng!”
S.A.F.E