Đánh giá cơ hội đầu tư cổ phiếu SHB – The Golden Newsletter Vietnam
1 reply
30/05/2018

Mình đang dự định đầu tư vào SHB một khoản khá lớn. Mình có phân tích như sau. Mong nhận được góp ý và phản biện của ban biên tập và các bạn! Cám ơn mọi người!

PHÂN TÍCH SHB

A. Phân tích định lượng nội tại và so sánh nghành:

I. Doanh thu 4 năm 2014 – 2017 tăng từ hơn 11.000 tỷ lên hơn 20.1 nghìn tỷ tương ứng mức tăng trưởng kép 22%
1. Lợi nhuận 2014 – 2017 tăng từ hơn 790 tỷ lên hơn 1500 tỷ, tương ứng mức tăng trưởng kép 25%. Nhưng đột phá nằm vào 2017 khi chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận 68% so với 2016
2. Biên lợi nhuận 4 năm ổn định dao động quanh mức 7.5%.
3. EPS 2017 = 1.42. Nghĩa là 10.000 vốn thì 1 năm làm ra 1420 đồng lãi.
4. PE hiện tại = 6.34. Nghịch đảo E/P (Earning to Price hay gọi là Earning power thể hiện suất sinh lợi trên giá chứng khoán) = 15.8% cao gấp đôi lãi suất ngân hàng hiện tại. Hiện là tỉ lệ rất tốt trong số các cổ phiếu niêm yết

II. Đánh giá giai đoạn dài hơn từ 2012 – 2017:
1. Thị phần huy động chiếm 2.4% toàn ngành. Nếu k xét đến big 4 VCB, BIDV, CTG, Agribank do có lợi thế về thương hiệu mác nhà nước, tâm lý dân nghĩ không sập được thì thị phần huy động của SHB đứng thứ 3 toàn ngành, sau STB, TCB. Vị thế không hề tệ.

2. Tỉ trọng trong doanh thu từ mảng cốt lõi là 75.1%, doanh thu dịch vụ chiếm hơn 20.5%. Cơ cấu thu từ dịch vụ chỉ đứng sau TCB, STB với tỉ trọng lần lượt là 23.3% và 30.4%. Định hướng 3 năm tới thu dịch vụ sẽ chiếm 40% tổng thu nhập. Bước đi chiến lược này được đánh giá cao do sẽ giảm phụ thuộc KQKD vào việc cho vay trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất ngày càng gay gắt. Bước đi chiến lược được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể như anh Hiển chia sẻ. SHB đầu tư 3 năm qua rất lớn vào hạ tầng công nghệ. SHB có hẳn 1 khối Marketing quy mô ngang khối CNTT. Chứ k chỉ là ban truyền thông thương hiệu như các ngân hàng khác. Thêm nữa Bancassurance hợp tác với Daiichi Life tương tự như cách Techcombank làm với Manulife cũng là 1 điểm sáng về thu phí dịch vụ và phí hoa hồng bảo hiểm. Điều mà quý 4 năm 2017 SHB làm khá tốt. Những hành động trên cho thấy quyết tâm mạnh mẽ đã thực hiện để đạt được mục tiêu chiến lược 40% thu từ dịch vụ

3. Điểm quan trọng tỉ lệ CARG – Tăng trưởng thu nhập lãi thuần 5 năm qua SHB đạt mức tăng trưởng kép 21.5%. Đứng sau VPB 47.4%, HDB 49.6%, TPB 63.1%. TPB thì là ngân hàng với thị phần huy động 0.9% và quy mô 124 nghìn tỷ nhưng đạt mức tăng trưởng kép khá tốt và đó là lý do đột phá khiến giá cổ phiếu lại được kéo lên cao như vậy. VPB và HDB thì có 2 con gà đẻ trứng vàng là FE Credit và HD Saison đóng góp rất lớn vào lợi nhuận những năm qua, khiến giá cổ phiếu cất cánh. SHB thì tháng 7 này sẽ bắt đầu chạy công ty tài chính tiêu dùng của riêng mình là SHB Finance – với dàn lãnh đạo bê từ Mcredit – thương hiệu cho vay tiêu dùng của MB Bank. Thì đây e cho có thể là động lực mới cho lợi nhuận của SHB trong nửa cuối 2018 và 2019. Việc Ngân hàng nhà nước sẽ siết chặt quản lý việc cho vay tiêu dùng thực ra là điều rất tốt. Nó giúp cho các công ty này tránh rủi ro tiềm tàng về nợ xấu và có một sân chơi có luật lệ rõ ràng hơn.

4. OPEX ratio -Tỉ số giữa chi phí hoạt động trên tổng thu nhập của ngân hàng: Với SHB tỉ lệ này là 42.4% đứng thứ 2 toàn ngành. Chỉ sau Techcombank TCB với tỉ lệ nhỉnh hơn là 40.2%. Điều này cho thấy nỗ lực tái cấu trúc và quản lý công tác vận hành hợp lý đã mang lại kết quả là chi phí hoạt động của SHB là hiệu quả hàng đầu trong ngành.

5. Điểm dở trong nội tại: Thứ nhất là tỉ lệ đòn bảy Equity Multipler của SHB cao. 18.5 lần. Cao thứ 5 toàn ngành, chỉ sau mỗi Big 4. Thứ 2 là hôm qua có nghe nói về các dự án BOT mà SHB cho vay rất nhiều, chỉ sau BIDV. Các khoản vạy này sẽ không dễ thu hồi lãi và vốn. Với cả chắc chắn còn dư chấn còn lại của Habubank. Chắc chắn chưa sạch sẽ. Nhưng có vẻ như bán được khá cho VAMC và trích lập dự phòng ổn rồi.

B. Phân tích định giá và quan điểm đầu tư

1. Trong những năm rất khó khăn của SHB 2011 – 2014 là những năm đầu sát nhập Habubank với khối nợ xấu Vinashin, rồi nợ xấu Bianfishco, rồi 2011,2012 là đáy của khủng hoảng của VN, mà lãnh đạo SHB vẫn chèo lái cho nó k chết, và vẫn trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông đều với tỉ lệ từ 5-8% tùy năm. Tạm đánh giá ban lãnh đạo SHB và anh Hiển rất ổn. Anh Hiển cũng trực tiếp nắm SHB hơn 3% và T&T của anh cũng nắm hơn 13%. Đó cũng là dấu hiệu tốt cho thấy lãnh đạo tâm huyết.
2. P/E hiện tại của SHB là 6.x < 9.0 là tiêu chuẩn an toàn cho các nhà đầu tư năng động, đồng thời thấp nhất ngành
3. Giá trị sổ sách Book Value – BV = 12.640 đồng. Dẫn đến tỉ số P/BV hiện tại ở mức 0.71 < 1.2 – mức an toàn trung bình cho các nhà đâu tư năng động
4. PE và PB hiện tại như trên cho thấy một tỉ lệ Margin of Safety khá ổn. Hơn nữa 2018 – 2019 khả năng cao là những năm cuối của chu kỳ kinh tế, những năm sẽ chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc của ngành ngân hàng nói chung về doanh thu và lợi nhuận. Và điều đó dẫn đến tỉ lệ Risk / Reward của SHB là khá nhỏ. Tức là khả năng rủi ro sẽ thấp với tiềm năng có thể đạt được lợi nhuận cao khi đầu tư vào cổ phiếu này.

1 comment

Leave a Reply to Angelos Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  • Chào anh,

    Trước hết phải thú thực anh Skopos đang bận rộn hoàn thành ấn phẩm XI, nên dù kiến thức về ngành tài chính của tôi (Angelos) không thể so bì được, nhưng cũng muốn có đôi lời bình luận.

    Bài phân tích về SHB của anh khá toàn diện và đầy đủ, nhiều điểm tôi cũng đồng tình với anh – không cần phải bổ sung thêm nhiều.

    Về phần phản biện – dù tôi có thể sai,
    – Phần “những điểm dở nội tại” mà anh phân tích rất hay, đó cũng là risks mà anh nên xem xét
    – Yếu tố thứ hai là chu kỳ kinh tế, ở đây quan điểm chúng tôi hơi khác một chút. Đối với chúng tôi, năm 2017 vừa qua đã là một năm vô cùng vượt bậc của ngành ngân hàng, chúng tôi không cho rằng mức tăng trưởng này có thể kéo dài thêm một cách kì diệu như vậy nữa. Nếu để biết rõ hơn chi tiết, anh có thể chờ đợi ấn phẩm XI của chúng tôi.

    Lời cuối, như bài viết về “Ngành ngân hàng và mức định giá hiện tại”, anh Skopos có đề cập về SHB và rủi ro khi đầu tư vào cuối chu kỳ kinh tế, anh cần nhận thức rủi ro chôn vốn hoặc nợ xấu tiềm tàng bộc lộ, cho dù P/B của ngân hàng khá thấp. Đầu tư vào những cổ phiếu chu kỳ như tài chính, bất động sản, vật liệu xây dựng cần sự phỏng đoán chu kỳ kinh tế rất tốt, mà nhiều khi chính chúng tôi cũng không tự tin rằng chúng tôi có thể nhận định đúng vậy một cách bền vững lâu dài.

    Chúc anh luôn kiên định trên con đường đầu tư của mình!
    Angelos

CTKM Xuân Giáp Thìn 2024

Tình cảm quý độc giả 2023

Ap 74 chính thức phát hành!

Ấn phẩm mới phát hành
Ấn phẩm mới phát hành

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!