Đầu tư giá trị vs. Toán học + Machine learnig – The Golden Newsletter Vietnam
5 replies
11/08/2021

Chào SAFE team, gần đây mình có đọc được cuốn The Man Who Solved The Market về một giáo sư toán học – Jim Simons, người đã sử dụng mô hình/ công cụ toán học từ đội ngũ các PhD Toán, Lý của mình để thiết kế giải thuật học từ dữ liệu quá khứ của phố Wall để từ đó dự báo về tương lai bởi ông không đồng ý với Market theory, khi theory này cho rằng: Dữ liệu quá khứ chẳng phản ánh được một phần của tương lai trên thị trường chứng khoán, vì mọi thứ đều có thể thay đổi. Kết quả là công ty của ông Renaissance Technologies đã perform vượt trội trên thị trường.
Cũng có người nhận định nếu Warran Buffett không có quá nhiều lợi thế về vốn và hình ảnh, bây giờ là một người mới toanh và được cấp 200 nghìn đô đến Phố Wall. Với “lối chơi” kiểu old-school, Warran sẽ thất bại ngay lập tức, vì không cạnh tranh được với đội highly educated hiện thời ở wall street.
Do đó, mình có hai câu hỏi:
1. BBT có cho rằng phương pháp đầu tư giá trị sẽ đến lúc phải thay thế bằng phương pháp khác khi với sự phát triển mạnh mẽ của AI, Machine learning sẽ học hỏi và “dự báo” thị trường chính xác hơn rất nhiều và đem lại lợi nhuận như TH ở trên, liệu đến một lúc nào đó ta phải chịu thua các mô hình học máy?
2. Liệu việc đánh giá value của một công ty và việc dùng mô hình dự báo thị trường cho kết quả rất tốt trong tương lai sẽ là hai đường thẳng song song hay sẽ có một thứ trội hơn lấn át thứ còn lại hay sẽ bổ trợ cho nhau?
Cám ơn SAFE team.

5 comments

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  • Mình thường xuyên nghiên cứu về AI và Machine Learning, mình có thể cung cấp góc nhìn của mình về vấn đề này như sau.

    Trước hết thì điều kiện cần để AI và Machine Learning có thể được áp dụng là phải có đủ data, với những vấn đề phức tạp như đầu tư thì mình cho rằng data cần phải được xử lý và phân loại thô theo nhiều tiêu chí như: kế hoạch phát triển của công ty, vị trí của kế hoạch trong nền kinh tế, các yếu tố kinh tế xã hội, thường thức về cuộc sống, thói quen sinh hoạt của người dân… Trong đó có những thứ mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày chúng ta nghĩ rằng là tất yếu ai cũng biết, nhưng vẫn cần phải bổ sung data cho AI. Đấy là 1 khối lượng công việc rất lớn, chưa kể đến việc các chương trình AI hiện tại đang quá thiếu dữ liệu để hiểu các nội dung Tiếng Việt chứ chưa nói cao hơn. Ngoài ra 1 lựa chọn khác là xây dựng bộ đọc hiểu Tiếng Việt của AI trước rồi cho AI đào dữ liệu từ Google, tuy nhiên phương pháp đó cũng có những khó khăn riêng.

    Còn nếu như chỉ sử dụng AI để phân tích đồ thị giá thì sẽ đụng những vấn đề cố hữu như giao dịch có trong sáng hay là sự thao túng, có sự phòng thủ nếu như tâm lý con người tác động vô không, còn nếu phân tích tâm lý con người thì lại cần thêm dữ liệu chứ mình tin rằng dữ liệu giao dịch là không hề đầy đủ để đánh giá tâm lý con người. Và kể cả những vấn đề trên thì vẫn cần thêm nhiều thông tin như kinh tế chính trị, thiên tai bệnh dịch… Vẫn có rất nhiều vấn đề không thể hiện qua đồ thị giá.

    Tóm gọn lại thì hoàn toàn có thể dùng AI để thực hiện việc đầu tư giá trị, nhưng để thực hiện cần 1 số vốn khổng lồ, cần những bộ não tài năng trong lĩnh vực AI. Sau đó vẫn cần chi trả chi phí thường xuyên để bộ máy đó vận hành liên tục. Thứ mà đầu tư giá trị tiết kiệm hơn rất rất nhiều. Đó là chưa kể đến tính khả thi của dự án đó, nhiều trường phái kinh tế đã chỉ ra rằng việc kiểm soát toàn bộ thông tin gần như là không thể. Và các nền kinh tế toàn trị như chế độ cũ Liên Xô hay kinh tế bao cấp đã chứng minh điều đó khi họ không thể đánh bại thị trường tự do và sụp đổ…

    1 vấn đề khác là quy mô đầu tư ở Việt Nam có vẻ chưa đủ để áp dụng AI vào, ít nhất là ở mảng đầu tư doanh nghiệp niêm yết, chúng ta chỉ có 1800 công ty niêm yết, và rất nhiều trong số đó là những công ty gần như không có tương lai, với vài trăm công ty còn lại thì việc phân tích đầu tư không yêu cầu tốc độ xử lý lên tới hàng tỷ phép tính của AI.

    Hiện tại mình cũng ứng dụng công nghệ vô đầu tư, nhưng chỉ gồm 2 thứ, 1 là dùng AI để tách text và các số liệu từ báo cáo tài chính, 2 là 1 phần mềm đơn giản để theo dõi những công ty trong watch list của mình và chờ khi chúng đến vùng giá hời hoặc thông báo khi có thông tin mới về công ty. Mình không thấy có thể hoặc đáng giá để ứng dụng nhiều hơn nữa xét đến chi phí và nhu cầu thực tế.

    Ngoài ra cá nhân mình cho rằng, đầu tư theo cách này hay cách khác chỉ là sự quản lý nguồn lực kinh tế, nếu như xã hội chi tiêu quá mức cho công nghệ đầu tư hoặc đầu tư, thì chúng ta sẽ sớm đối diện với 1 cuộc khủng hoảng hàng hóa hoặc là trì trệ trong việc tạo ra những nhu cầu mới.

  • Em có một số suy nghĩ về câu hỏi của anh như sau ạ:

    – Đầu tư giá trị là một phương pháp, một lựa chọn để các NĐT có thể cân nhắc và áp dụng. Vì nó là một lựa chọn, nên sẽ không có cái gọi là “phải thay thế”, vì không ai áp đặt mình phải dùng pp này hay pp kia để đầu tư cả. Do vậy, nó cũng có thể trả lời một phần cho câu hỏi thứ hai của anh (hay nhưng để trả lời đủ thì em nghĩ cũng khó)

    – Em nghĩ 2 phương pháp này hoặc 1 phương pháp mới khác sẽ là những đường song song với nhau, có thể đường “đậm”, đường “nhạt”. Còn để so sánh thì như a thấy là cần cùng mốc thời gian, 2 quỹ hoặc 2 cá nhân khác nhau dùng 2 phương pháp như anh nói thì mới thấy hiệu quả được. Tại sao Jim Simons lại có thể outperform thị trường như vậy? Bởi chính ông, đội ngũ của ông, và phương pháp ông chọn.
    Nhưng đối với NĐT cá nhân, nhỏ lẻ thì việc áp dụng nó không đơn giản vì nhiều lý do như anh Bảo cũng đề cập.

    Bên cạnh đó, em thấy giả định “nếu Warren Buffett…” kia khá là ba chấm, có lẽ tại chính chữ “nếu” đó. Warren Buffett có lợi thế về vốn và hình ảnh? Nhưng lợi thế đó từ đâu mà ra?
    Warren Buffett sẽ thất bại? Sao lại thất bại? Hiệu quả đầu tư kém hơn đội highly educated mà giả định có nói hay thất bại cái gì?

    Và một điều khác cũng cần nhớ là ngày xưa Warren Buffet học cũng “bá” lắm anh,…

  • Quan điểm của mình thì ngắn gọn thôi : công nghệ nên là phương tiện để đạt được thành tưu hơn là thay thế cho tư duy để đạt được thành tưu đó. Bạn không thể so sánh hiệu quả của 2 trường phái khác nhau được.

  • Nếu tôi nhớ ko nhầm thì RenTec nổi lên vì high-frequency trading và lợi nhuận họ kiếm đc đa số bằng cách này, nhưng đây là grey area về luật vì HFT có thể bị coi là thao túng thị trường, và đa số các vụ HFT bị khui ra đều xử khá nặng

  • Vâng cám ơn câu hỏi thú vị của anh, chúng tôi cũng có nghiên cứu sơ qua chủ đề nầy nên mạn phép trả lời một chút…

    1. Liệu phương pháp đầu tư giá trị có bị thay thế?

    Chúng tôi xin khẳng định luôn rằng hướng tiếp cận giá trị (value approach) sẽ tồn tại hàng trăm năm nữa chừng nào loài người còn tồn tại. Bởi vì nó quá hợp lý trong cả cuộc sống, kinh doanh hay đầu tư, kể cả đầu tư BĐS hay private equity (không tính cổ phiếu thường niêm yết common stock), đặc biệt là triết lý “margin of safety” vĩnh hằng mà ngài Graham đã phát hiện ra. Mỗi thời kỳ, sẽ có những business model khác nhau trỗi dậy, chẳng hạn như 1800s là đường sắt, 1900s là công nghiệp, cuối thế kỷ XX là máy tính, dot-com, đầu thế kỷ 21 là công nghệ, biotech, v.v Song hướng tiếp cận đó vẫn không hề thay đổi, nhiều bài học về Mr. Market, margin-of-safety, hay cách phân tích định tính một công ty như của ngài Phillip A. Fisher đã viết lại tựa “chân lý” vẫn còn được nhiều NĐT trẻ ứng dụng vô cùng thành công.

    Tóm lại, anh cần phân biệt rõ giữa hướng tiếp cận (approach) và chiến lược (strategy). Chiến lược có thể không còn hiệu quả sau một thời gian ngắn, song triết lý & hướng tiếp cận thì không bao giờ thay đổi.

    2. Chúng tôi nghĩ là hai đường song song. Bởi vì đó vừa là hướng tiếp cận khác nhau, vừa là chiến lược khác nhau.

    Nhiều người đọc xong quyển đó cũng muốn trở thành một “Jim Simons” thứ hai, nhưng trên thị trường chỉ có vài công ty chiếm đến 90% thị phần, bao gồm Renaissance, D.E Shaw, Two-Sigma hay Citadel Securities cùng một vài ngân hàng đầu tư khác như Morgan Stanley, Goldman Sachs.

    Nếu anh đọc kĩ sẽ thấy chiến lược của Jim Simons rất đặc thù, ngắn hạn, sử dụng các sản phẩm đặc biệt (basket options, shadow banking leverage, high-frequency trading) như các anh ở trên nói, thứ mà NĐT cá nhân hoặc quỹ nhỏ không thể có được. Vì vậy, ông ta rất kín tiếng, gần như cả đời chỉ có 1-2 cuộc phỏng vấn, bởi vì có sự cạnh tranh thì ông ta mất ngay lợi thế arbitrage. Ngoài ra, nhiều lần ông ta nhấn mạnh về yếu tố chi phí (costs) trong trading ngắn hạn. Với lợi thế edge chỉ 1%-2%, nếu anh không kiểm soát chi phí tốt thì thậm chí sẽ lỗ luôn, hoặc lợi nhuận không đáng kể. Còn bí thuật để họ kiểm soát costs là gì thì chỉ có họ mới biết.

    Nếu anh thích thì cứ thử nghiệm, đừng nghe chúng tôi, có thể anh sẽ rất thành công nếu tìm ra được một chiến lược arbitrage đặc biệt.

    Chúng tôi xin mạn phép trả lời sơ vậy. Chúc anh vững bước trên con đường đầu tư của mình.

    S.A.F.E

Ấn phẩm 78 sắp phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!