Chào BBT,
Mỗi lần đến ngày 10 hàng tháng là tôi đều như cảm nhận được niềm vui nho nhỏ vì sắp được đọc số ra mới nhất của 1 tạp chí đáng tin cậy. Lần này cũng không ngoại lệ, tuy nhiên chỉ ít lâu sau niềm vui đó chợt tắt ngấm khi đọc đến phần trích dẫn & bình luận “Where are the customers’ yachts”, đoạn “…cũng giống như môn thiên văn học (astrology) vậy”. Tôi không khỏi bất ngờ, vì 2 từ vừa rồi có nghĩa khác hẳn nhau.
Giờ ngồi viết & suy nghĩ lại, tôi đoán rằng hẳn SAFE cũng ngờ ngợ đoạn trên nên có chèn thêm đóng mở ngoặc đơn vào để độc giả có thể nắm rõ ý hơn. Với vốn kiến thức có hạn của mình, tôi cũng muốn đóng góp một chút nhỏ bé để làm rõ vấn đề này. Theo nguyên bản tiếng Anh của tác phẩm thì astrology có thể dịch sang tiếng Việt là chiêm tinh học, hay tử vi. Môn này có tính chất mê tín & cùng 1 giuộc với bói toán là thứ mà nhiều người Việt vẫn quen thuộc. Có thể thấy astrology xuất hiện nhan nhản trên nhiều trang báo ngày nay, nhất là các kênh thông tin dành cho giới trẻ, với các từ dễ nhận ra như ‘kim ngưu’, ‘hoàng đạo’ hay ‘nhân mã’ v.v… Tử vi không dựa trên khoa học mà chuyên dự đoán tương lai, tính cách con người.
Ngược lại, thiên văn học là 1 môn khoa học thực thụ có sử dụng rất nhiều kiến thức toán học, vật lí, hóa học, địa chất… Tên tiếng Anh là astronomy, nó cũng có nhiều điểm chung với cosmology là vũ trụ học và astrophysics – vật lí học thiên thể. Những phát kiến lớn trong thế kỉ 20 & 21 thường có ứng dụng nhiều trong các môn khoa học này (tiêu biểu như thuyết tương đối nổi tiếng của Albert Einstein). Thiên văn học nghiên cứu các thiên hà, vì sao, hành tinh & mặt trăng của chúng; sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất như kính thiên văn James Webb chẳng hạn.
Trở lại với bài viết trên số 9, tôi đoán chắc rằng dụng ý của tác giả Fred Schwed jr. là nói đến thuật tử vi khi so sánh nó với món soi đồ thị của các chartists. Ở 1 nước có môn thiên văn học chậm phát triển như VN, tôi thấy nó có nhiều điểm chung với chứng khoán là thứ khá non trẻ & dễ bị hiểu sai cũng như nhầm lẫn giữa các khái niệm. Việc lẫn lộn giữa astrology với astronomy quả thực sẽ khiến nhiều người có ác cảm với môn khoa học này & khó mà giúp thúc đẩy nền thiên văn học tiến lên để ít nhất là vượt qua thuật chiêm tinh ở nước ta.
Vì ít lí do ở trên, rất mong SAFE sẽ có sự hiệu đính sớm về vấn đề này. Quả thực đây là lần đầu tiên tôi liên hệ với BBT 1 xuất bản phẩm về thứ tôi đọc, có lẽ cảm xúc lên cao là do tôi yêu thích Golden newsletter quá chăng?
Cảm ơn,
Long
Vâng lúc ấy chúng tôi muốn ám chỉ đến môn chiêm tinh học (dự đoán tương lai dựa trên các vì sao) và biết rõ rằng thiên văn học thuộc về phạm trù khoa học (science), ấy vậy mà vẫn viết sai sót mất. Rất cám ơn anh và mong anh thông cảm đừng mất đi niềm vui chỉ vì một lỗi dịch nhỏ anh nhé!
Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong kỳ sau, vốn sẽ chứa rất nhiều câu chuyện hay từ lịch sử của phố Wall và một bong bóng chứng khoán lạ kì, thuộc hạng sớm nhất trong lịch sử vào năm 1720 tại Pháp.
S.A.F.E team