Kính gửi ban biên tập S.A.F.E,
Tôi là Phúc, tôi vừa mới đọc xong ấn phẩm XI mà ban biên tập (BBT) gửi, cảm ơn BBT đã dày công để đưa ra định giá cho các cổ phiếu trong VN30, tôi có 1 vài góp ý sau, rất mong được thảo luận cùng BBT.
Về cách định giá, trong ấn phẩm BBT có nói như sau :
“Thứ hai, về phương pháp định giá, như đã giải thích trong bài viết “Nhà đầu tư thông minh kỳ 5” trong ấn phẩm số V, chúng tôi sử dụng suất sinh lợi trung bình (average earning power) cho các công ty chu kỳ và tỷ suất PEG ratio đối với các công ty tăng trưởng đều. Khoảng giá trị thực ở vùng cao hay thấp tùy thuộc vào chất lượng công ty theo tiêu chí 4M trên và đánh giá triển vọng tương lai trên quan điểm của chúng tôi.”
Theo tôi thì phương pháp định giá trên chỉ nên dùng với các công ty thiên về sản xuất, như GAS, KDC, DHG… đối với các công ty chuyên về tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán như VCB, MBB, SSI, BVH… thì định giá theo P/B, đối với các công ty về bất động sản như VIC thì nên dùng phương pháp định giá theo RNAV, đối với các công ty đa ngành như REE, FPT… thì nên định giá từng phần, thì sẽ cho kết quả chính xác hơn.
Tôi rất đồng ý với BBT về việc đưa ra vùng giá trị thực và biên an toàn để lựa chọn mua cổ phiếu, vì vậy tôi nghĩ, để mua được cổ phiếu tốt thì trước tiên phải lựa chọn được phương pháp định giá tốt, tôi không nghĩ rằng một phương pháp định giá có thể dùng cho tất cả các loại cổ phiếu.
Ngoài ra, tôi thấy BBT tính trọng số G trong phương pháp định giá theo PEG bằng cách lấy tăng trưởng EPS trong 5 năm, theo tôi thì không nên lấy tăng trưởng EPS mà nên lấy tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (có loại trừ yếu tố bất thường), sẽ cho kết quả chính xác hơn, vì EPS bị ảnh hưởng bởi việc phát hành thêm, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, ví dụ như FPT chia cổ tức bằng cổ phiếu đều đặn 15% mỗi năm thì nếu công ty tăng trưởng ở mức tương đương 15% mỗi năm sẽ cho ra kết quả là EPS không tăng trưởng.
Cảm ơn BBT, chúc S.A.F.E team luôn khỏe mạnh và ngày càng cho ra nhiều ấn phẩm chất lượng.
Vâng rất cám ơn những góp ý vô cùng giá trị của anh Phúc,
(1) Về phương pháp sử dụng average earning power, chúng tôi sử dụng phương pháp để định ra vùng giá trị thực tương đối chính xác của các doanh nghiệp. Đúng như anh nói, những phương pháp như P/B hay định giá tài sản sẽ phù hợp hơn với các công ty ngành tài chính & bất động sản.
Tuy nhiên, phương pháp P/B khi đầu tư chúng ta chỉ có thể xác định giá hiện tại là khá rẻ (chẳng hạn như P/B <1.2x cho một công ty tài chính sinh lợi tốt, có thương hiệu mạnh) - chứ việc xác định giá trị thực là rất khó. Vùng P/B bao nhiêu là hợp lý??
Mức P/B hợp lý này phụ thuộc rất nhiều vào chủ quan của nhà đầu tư cá nhân, chưa kể rằng book value của khá nhiều các ngân hàng và công ty bất động sản ở Việt Nam bị thổi phồng bởi các thủ thuật kế toán rất nhiều. Còn phương pháp average earning power có mốc tham chiếu là lãi suất phi rủi ro (interest yield) và loại trừ được yếu tố chu kỳ (cyclical) khá hợp lý. Vì vậy chúng tôi buộc phải dùng phương pháp này để định giá toàn bộ các công ty chu kỳ của VN30-Index.
Dù sao đi nữa, như đã viết trong ấn phẩm XI, ngay cả khi chúng tôi đã nới lỏng rất nhiều các tiêu chuẩn về định giá (ví dụ như chúng tôi sẵn sàng mức số nhân trên 20x P/E cho một số doanh nghiệp có thương hiệu lớn), chúng ta thấy giá cả mà toàn bộ giới đầu tư đã phải trả cách đây vài tháng vẫn còn rất xa so với giá trị thực của chúng.
(2) Về tăng trưởng, ý này do giấy mực hạn chế nên chúng tôi không giải thích rõ, thật ra chúng tôi sử dụng tăng trưởng LNST trung bình 3 năm so với giai đoạn 5 năm trước anh nhé (chúng tôi viết EPS cho dễ hiểu và ngắn gọn). Chẳng hạn như trung bình LNST ba năm 2015 - 2017 so với trung bình giai đoạn 2010 - 2012. Cách này chúng tôi học từ ngài Graham, nhằm loại bỏ các thu nhập bất thường và nhìn theo một chuỗi thời gian dài hơn.
Cám ơn anh lần nữa và chúc anh thành công trên con đường đầu tư của mình!
S.A.F.E team