Chào Ban Biên Tập và chúc mọi người năm mới vui vẻ, thành công !
Gần đây mình có khá hứng thú đến MPC vì vị thế của nó trên ngành tôm và kế hoạch rất tham vọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong các ấn phẩm gần đây mình có thấy BBT cảnh báo khá nhiều về những rủi ro bản chất của ngành thủy sản, và bản thân mình cũng không an tâm lắm về cơ cấu cổ đông quá cô đặc và nặng tính gia đình của MPC. Nhưng mình nghĩ điều này sẽ được cải thiện khá nhiều nếu việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài thành công. Vậy không biết góc nhìn của BBT về case này như thế nào? Liệu những kì vọng tương đối “sáng lạng” này có đủ để chấp nhận các rủi ro hiện tại nói trên không?
Xin cảm ơn BBT !
Vâng xin chào anh, thay mặt BBT đang bận rộn tôi Angelos cũng xin chúc anh một năm mới hạnh phúc và ngày càng thịnh vượng hơn trên con đường đầu tư của mình anh nhé!
Trước hết xin thú trước với anh rằng vòng tròn hiểu biết về ngành tôm, thủy sản của chúng tôi hữu hạn, nên nhất thiết phải nghiên cứu kĩ mới có thể đánh giá với anh về triển vọng của MPC như anh mong chờ được…
Ở đây chúng tôi chỉ xin bàn sơ về vấn đề sở hữu (ownership) trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Về bản chất, một doanh nghiệp có nhiều đối trọng (opposing sides) trong quản trị, sẽ có xu hướng minh bạch hơn và an toàn hơn cho các cổ đông trong quyết định đầu tư, phân phối vốn và hoạt động kinh doanh thường ngày. Chính vì vậy, anh có nhận định hay rằng cơ cấu cổ đông cô đặc như vậy là rất rủi ro (!)
Song, chúng tôi mạn phép cho rằng việc ta hi vọng vào một bên nước ngoài mua lại công ty sẽ giúp công ty minh bạch hơn sẽ dễ đưa ta vào tình thế rủi ro hơn thoạt nghĩ (!) Khi một bên khác mua lại công ty để nắm chi phối với định giá cao, động lực để họ chia bớt lợi nhuận cho các cổ đông nhỏ lẻ là rất thấp. Thậm chí nhiều trường hợp để lại di sản xấu qua việc chuyển giá, bán tháo cổ phiếu, trích hoa hồng, v.v
Trong ấn phẩm XIX vừa qua, BBT có chỉ ra rằng một trong 5 loại cổ phiếu cần tránh nhất là các công ty bị nước ngoài chi phối, tôi xin trích dẫn lại: “Nhìn chung, do sự thiếu tin tưởng vào thể chế, động cơ tư lợi, mô hình kinh doanh phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, đa số các công ty có ông chủ ngoại ở nước ta đều tiềm ẩn rủi ro rất lớn về việc chuyển giá, giao dịch nội bộ, thậm chí làm giả số liệu để bán được cổ phiếu ra nhanh chóng” Tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp đạt hiệu quả gián tiếp như Honda, Heineken, song chúng tôi không rõ rằng tương lai của MPC sẽ như thế nào nếu bị nước ngoài chi phối – và đơn vị đó sẽ là ai?
Dù vậy, đây cũng chỉ là quan điểm riêng của chúng tôi và có thể sai lắm. Chỉ có thời gian mới là câu trả lời đúng được! Chúng tôi xin kết lại rằng nếu anh thực sự thoải mái với khoản đầu tư, lúc đấy anh hãy quyết định. Trực giác của chúng ta luôn có sức mạnh nhiều hơn ta nghĩ – nhiều lần chúng tôi đã trải nghiệm điều này. Như ngài Benjamin Franklin đã có câu châm ngôn khá thâm sâu và ngắn gọn: “When in doubt, don’t”
Angelos