Thẻ điểm nội tâm (The Inner Scorecard): Bài học từ cha ngài Buffett và triết gia Emerson – The Golden Newsletter Vietnam
Bài học cuộc sống trích trong ấn phẩm “chữ số la mã” cuối cùng – kỳ XXIV, tháng 07.2019: https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-24/
Đặt mua ấn phẩm cũ của TGN: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

Ấn phẩm trước, chúng tôi bàn về sự cô độc tất yếu trên con đường đầu tư giá trị trong bài viết Quan điểm ngược chiều rất kỳ công nhưng có lẽ chúng tôi cảm thấy vẫn chưa đủ… Hôm nay, tiếp nối chủ đề rất quan trọng mà ít người muốn nói đến đó, chúng tôi muốn bàn rộng ra lên tầm về cuộc đời, về một thứ triết lý sống gọi là Thẻ điểm nội tâm (The Inner Scorecard), hoặc nguyên gốc là Sức mạnh nội tâm (Self-Reliance) của ngài triết gia Ralph Waldo Emerson vĩ đại…

Trích dẫn, lược dịch & bình luận thêm từ quyển “The Snowball”, 2008, tác giả Alice Schroeder về cuộc đời ngài Buffett và tuyệt phẩm Self-Reliance”, 1841, của ngài triết gia Ralph Waldo Emerson

I. Tấm gương ngài Buffett

Thuật ngữ “Inner Scorecard” có thể nói được phát minh ra đầu tiên bởi ngài Buffett. Trong một lần hiếm hoi được phỏng vấn với tác giả quyển Snowball về trải nghiệm bị cười nhạo trong những năm bong bóng dot-com đạt đỉnh điểm cuối thập niên 1990s, ông mới nói về thuật ngữ nầy lần đầu tiên như chúng tôi sẽ thuật lại dưới đây:

@Alice Schroeder: “Suốt thập niên 1990s, cổ phiếu BRK của Buffett tăng trưởng kinh ngạc, đạt đỉnh ~81,000 mỹ kim một cổ phiếu vào 06/1998. Song đến 1999, Buffett nhận ra mình đang đứng trên một mặt phẳng đang chìm của các cổ phiếu không còn được ưa thích và buộc phải ngắm nhìn nhóm cổ phiếu dot-com bứt phá lên một cách kỳ diệu. E-Toys, hãng bán đồ chơi online, lỗ 123 triệu USD, doanh thu 100 triệu USD, ấy vậy mà được bán với mức vốn hóa 4.9 tỷ USD – cao hơn cả hãng Toys R US ở mức 3.9 tỷ USD với P/E chỉ bé hơn 10 lần.

Vào tháng 01/1999, nếu đầu tư 1 USD vào nhóm các công ty công nghệ trên sàn NASDAQ, cuối năm bạn sẽ có 25 USD. Trong khi đó, cổ phiếu Berkshire Hathaway giảm mạnh -30% xuống còn 56,100 USD, chỉ trong vòng chưa già 1 năm, vị thế dẫn đầu mà Buffett gầy công xây dựng cả cuộc đời mình bị nhấn chìm hoàn toàn… Cuối năm đó, các chuyên gia tài chính cười nhạo Buffett như một gã hết thời, một hiện thân của quá khứ. Trong đêm cuối cùng của thế kỷ già nua 20, các tờ báo lớn đăng tít: “Warren, có chuyện gì à? (What’s wrong, Warren?)” – châm chọc Warren & Berkshire đã vấp ngã chí mạng. (@S.A.F.E: sao chúng tôi cảm thấy các hành vi nầy cũng khá giống giai đoạn khoảng 1-2 năm hiện nay; sau nầy bất cứ khi nào quý độc giả cứ nghe rằng “đầu tư giá trị đã chết”, hoặc “P/E, P/B không có ý nghĩa gì cả”, hoặc “lần này sẽ khác, không còn rủi ro gì nữa” thì có lẽ lúc đó chúng ta nên mặc phao cứu sinh là vừa!)

Những dây thần kinh của Buffett đang gào thét thúc giục ông phải hành động. Nhưng không, ông không làm gì cả. Ông không hề có bất kỳ một phản ứng nào! Rất nhiều nhà đầu tư giá trị, nhà đầu tư huyền thoại khác đã phải bán cổ phiếu rẻ mạt của mình ra để mua vào cổ phiếu công nghệ tại mức giá đỉnh điểm để không trở nên ngu ngốc. Buffett không làm thế. Chính thứ ông gọi là Thẻ điểm nội tâm đã giữ cho ông không bị dao động.

Ông lần đầu tiên kể lại thứ triết lý sống nầy sau đó vài năm – chừng cuối 2003, sau khi bong bóng dot-com đã vỡ tung:

@Buffett: ‘Lúc đó tôi cảm thấy như bất lực, nhưng câu hỏi lớn về việc người ta hành xử thế nào trong những thời khắc quan trọng nằm ở chỗ họ có một Thẻ điểm nội tâm (Inner Scorecard) hay một Thẻ điểm bên ngoài (Outer Scorecard).

Tôi luôn luôn truy vấn nó theo cách nầy: Nhìn rõ nhé! Anh có bằng lòng với việc anh có bản chất là người đáng yêu nhất trên đời, nhưng mọi người xung quanh nghĩ sau lưng anh là kẻ đáng ghét nhất thế gian? Hay anh muốn trở thành người được mọi người xung quanh yêu mến nhất trên đời, nhưng sâu trong thâm tâm, anh biết bản chất anh là kẻ tồi tệ nhất thế gian? Đó là một câu hỏi rất thú vị.

Trường hợp thứ hai nhé: Nếu thành tích của anh hoàn toàn bí mật, anh có muốn cả thế giới nghĩ rằng mình là một nhà đầu tư tài ba, trong khi tài khoản anh thua lỗ thậm tệ? Hay anh muốn bị mọi người khinh anh như một gã đầu tư tệ nhất thế giới, nhưng kết quả trên tài khoản đầu tư của anh thực sự thuộc hạng số một thị trường?

Trong việc dạy dỗ con cái, tôi cho rằng bài học chúng được dạy từ lúc còn rất, rất nhỏ sẽ ngấm vào chúng lâu nhất. Cha tôi (ông Howard Buffett) là người không theo chuẩn mực nào theo tư duy của xã hội cả, nhưng không phải là gã vô chuẩn mực. Ông đích thị là một người 100% theo trường phái Thẻ điểm nội tâm của Emerson.’

II. Thẻ điểm nội tâm vs Thẻ điểm bên ngoài

Vậy thì thẻ điểm nội tâm là gì?

  • Thẻ điểm nội tâm (Inner Scorecard) là một tấm thước đo giá trị bản thân, mục tiêu sống, quá trình phát triển, thành quả, vật chất, hạnh phúc – của riêng một người đối với chính anh ta. Nó có thể thay đổi theo thời gian, song nó không thể bị tác động bởi quan điểm của một nhóm người nào khác bên ngoài

Chẳng hạn như chàng trai trẻ Ford tin rằng nhiệm vụ sản xuất ra thứ ô tô chạy bằng xăng dầu giúp thay thế ngựa kéo, thay đổi cả thế giới – là đúng đắn, giúp xã hội tốt đẹp hơn, thì cho dù đối thủ, nhà cung cấp làm khó, hay người khác bàn ra bàn vào, anh ta cũng không hề lay chuyển. Hay trong khi ông Obama nghỉ hưu ở độ tuổi ngũ tuần, ngài Trump bắt đầu nhậm chức Tổng thống ở tuổi 70 bất chấp sự cười nhạo của cả nước Mỹ. Trong khi người khác nghỉ ngơi ở bãi biển, ngài Ray Kroc (mua lại & sáng lập McDonald’s) ở tuổi 54 vẫn còn đi bán máy trộn kem, mơ một ngày nào đó sẽ mở hãng kinh doanh thực phẩm ra toàn cầu. Ở nơi khác, nhiều người vô danh gian khổ làm đường, xây bệnh viện, có số cho gần hết tài sản xây trường học – chẳng có ai thấy, chẳng ai công nhận, chẳng ai biết đến, song họ vẫn thực hiện một cách vui vẻ. Tất cả những ví dụ đó đều là những người quan tâm đến Thẻ điểm nội tâm hơn Thẻ điểm bên ngoài.

  • Thẻ điểm bên ngoài (Outer Scorecard), trái ngược thay, lại là một tấm thước đo dựa trên các chuẩn mực của xã hội (nghề nghiệp nào mới vinh hiển, tuổi tác đến mốc bao nhiêu phải có gì, nhà cửa – xe cộ ra sao, sở thích có thời thượng không, con cái học trường nào), áp lực đồng cấp (peer pressure), hình ảnh của bản thân trong mắt mọi người, những lời ngợi khen hoặc những lời chê bai/chỉ trích đến từ một nhóm người khác – mà một người nhìn vào để định hình nên bản thân mình. Nếu một người có bản chất hoặc niềm tin trái ngược với Thẻ điểm bên ngoài, nhưng khi đã chọn nó, anh ta sẽ chú trọng vào quan điểm người khác nghĩ về mình nhiều hơn nhận xét của bản thân về chính mình

Chẳng hạn như một CEO trẻ gần đây về bản chất: anh ta buôn lậu có tổ chức với quy mô hàng nghìn tỷ hàng hóa nguyên chiếc từ Trung Quốc, đánh lận câu chữ, xé mác để lừa dối người tiêu dùng; nhưng trên truyền thông suốt gần 10 năm qua, anh ta vẫn muốn giữ hình ảnh của mình là một doanh nhân thành đạt, tạo ra sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, làm chủ công nghệ, đầu tư cho giới trẻ tương lai, làm nên sản phẩm tử tế cho người Việt, v.v Cả thế giới có thể ngưỡng mộ anh ta, nhưng sâu trong thâm tâm chỉ có anh ta mới biết về bản chất mình đang làm gì… Hay số khác thì sẵn sàng vay nợ, mượn, làm mọi cách để mua một chiếc xe, một bộ quần áo, một chiếc đồng hồ thật sang để mọi người biết rằng mình giàu có; trong khi đêm về, chỉ có anh ta mới biết được điều kiện tài chánh mình như thế nào… Số còn lại thì làm mọi cách như nói dối, giả vờ bề ngoài để được ngợi khen, được vinh hiển trên mạng xã hội, khắp làng khắp xóm.

  • Chúng tôi không muốn ám chỉ rằng sống theo Thẻ điểm bên ngoài là sai trái trong mọi trường hợp. Bản chất là loài động vật xã hội (social animal), lòng hãnh tiến và khao khát được ngợi khen ở mỗi người giúp tạo động lực cho ta phấn đấu, cho toàn xã hội tiến lên. Nhưng nếu trong những thời khắc quan trọng hoặc quyết định quan trọng, ta lại chọn Thẻ điểm bên ngoài, ta đang chọn lấy con đường không bền vững – thứ mà chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn ở phần dưới.

III. Thẻ điểm nội tâm: tự do tài chánh & hạnh phúc bền lâu

Nếu hiểu đúng một cách tích cực, thẻ điểm nội tâm hay “self-reliance” là một cách sống văn minh – một cách sống từ thời Socrates (400 B.C), thời Lão Tử, từ các bậc triết gia huyền thoại, từ các danh nhân lưu truyền sử sách. Trên quan điểm hạn hẹp của chúng tôi, việc chú trọng hơn đến tìm hiểu niềm đam mê, vai trò trong cuộc đời và trải nghiệm trong nội tại hơn phải thay đổi vì những ý kiến bên ngoài sẽ giúp ta được 2 cái lợi rất thiết thực:

1> Thứ nhất, sống theo thẻ điểm nội tâm giúp ta có xác suất cao hơn để đạt được sự tự do tài chánh, bởi vì ta biết cách hạn chế chi tiêu vào những thứ không thực sự quan trọng.

Thay vì phải vay nợ/thẻ tín dụng để mua căn nhà rộng xa xỉ, mua một chiếc ô tô sang, đi du lịch đến những nơi đắt tiền, ăn những nhà hàng sang trọng, mua những vật phẩm, phụ kiện đắt đỏ – trong khi điều kiện tài chánh ta chưa cho phép, trong khi ta còn chưa có những khoản đầu tư, tích lũy, hoặc khoản kinh doanh bền vững – ta hoàn toàn có thể dẹp hết những thứ phù phiếm đó và để lại sự tôn trọng cho đúng 1 người mà thôi: đó là bản thân ta tự tôn trọng lấy ta. Như ngài Emerson đã nói: “Không có gì làm bạn cảm thấy bình yên được bằng chính bản thân bạn. Không có gì làm bạn ung dung tự tại bằng việc theo đuổi sự kỷ luật tột cùng.” Những người giàu có nhất về cả vật chất lẫn tâm hồn mà chúng tôi được biết đều không chú trọng nhiều đến những thứ xa xỉ, họ giữ cuộc sống của họ đơn giản hết mức có thể. Nếu có, họa chăng thứ đồ vật đó chỉ nhỏ bằng 1/1000 lần số tài sản ròng khổng lồ của họ, hoặc họ đã sống hàng chục năm phấn đấu rồi, bây giờ trải nghiệm chút hương vị phù phiếm đó xem sao mà thôi!

2> Thứ hai, sống theo thẻ điểm nội tâm giúp ta có xác suất cao hơn để đạt được niềm hạnh phúc bền vững, không bị phụ thuộc vào bất cứ định kiến nào, âu là bởi vì ta có ước mơ, có lộ trình, có kế hoạch, có thước đo riêng mà không ai có thể lay chuyển được. Song tại sao chúng tôi nói rằng việc chọn thẻ điểm bên ngoài sẽ là lựa chọn không bền vững?

Việc sống theo kỳ vọng của xã hội, theo kỳ vọng của những người xung quanh có thể giúp ta bình yên trong ngắn hạn, nhưng mỗi khi đêm về trong dài hạn, chỉ có ta mới hiểu được trái tim mình thuộc về đâu… Mua những đồ vật phù phiếm, được sự ngợi khen và ngưỡng mộ của người lạ có thể làm ta vui trong ngắn hạn, nhưng mỗi khi đêm về, tự nhìn mình trong gương, chỉ có ta mới là kẻ phán xét cuối cùng xem mình có xứng đáng hay không… Vội vã ráng kiếm thật nhiều vật chất, cạnh tranh quyền lực, ráng đạt được những thành tựu vật chất như các cột mốc mà xã hội kỳ vọng, chẳng mấy chốc nhìn lại, ta thấy đời mình trôi qua thật nhanh, mà xung quanh người thân và những trải nghiệm đáng nhớ đâu mất rồi…

Trước đây có một bạn trẻ từng hỏi chúng tôi rằng sao con đường đầu tư giá trị khó quá, nhìn xung quanh có rất nhiều người giàu chi hàng chục tỷ lướt sóng mà chẳng mảy may chi, nhìn lại mình mới tủi thân làm sao (!) Điều bạn trẻ đó thiếu chính là một thẻ điểm nội tâm – một thẻ điểm khách quan với những người xung quanh – giúp bạn ấy có được một niềm tin, một mục tiêu và một lộ trình từng bước, từng bước để đạt được sự tự do tài chánh mà mình mong muốn. Khi đã có một sức mạnh nội tâm & lòng kiên trì (persistence) bất diệt, tự khắc ta sẽ tự tìm ra con đường cho mình, đôi khi nó đến nhanh hơn ta tưởng – song điều nầy chúng tôi cũng không thể giúp bạn ấy được ngoài chính bạn.

IV. Thực hành sống theo thẻ điểm nội tâm

Tóm lại, chúng tôi xin mạn phép dẫn lời phần kết của ngài Emerson trong tuyệt tác Self Relianceông chỉ cho ta cách thực hành sống theo thẻ điểm nội tâm, góp phần đem lại sự tự do & niềm hạnh phúc muôn đời:

@Ngài Emerson: Thứ nhất, đừng đem những lời cầu xin thần thánh vụ lợi sai lầm làm hi vọng cho cuộc đời của mình. Những kẻ tuyệt vọng đi khắp nơi, ngoại quốc, vùng núi, vùng sông, tìm những vị thần ở xứ lạ, và lạc lối trong mê cung những thứ mê tín nhất. Caratach, trong vở kịch Bonduca của Fletcher, khi được hỏi về ý định của thần Audate, đã nói:

‘Ý nghĩa mà Ngài che giấu nằm ở chính những nỗ lực phấn đấu của ta.
Sự can trường của ta chính là vị Thần tốt nhất.’

Bí mật đến sự giàu có toàn diện nằm ở chính trong tay ta. Người được chào đón nhiều nhất ở xứ sở của những vị thần và cả xã hội chính là một người tự biết giúp lấy hắn (a self-helping man). Không có con đường nào là ngõ cụt với hắn cả.

Thứ hai, hãy là chính mình, không phải là một bản sao bắt chước của bất cứ ai, nhưng hãy là phiên bản tốt nhất của bản thân mình (best self). Món quà bạn được ban tặng từ thuở sinh ra sẽ là hành trang đi với bạn suốt cuộc đời và ngày càng tích lũy thêm, nếu cố gắng trở thành một người khác, bạn chỉ sở hữu một lát cắt nhỏ của họ mà thôi

Thứ ba, điều mà ta phải làm (lẽ sống) là thứ duy nhất ta quan tâm, không phải do người khác nghĩ gì. Tin vào suy nghĩ của bản thân, tin vào điều đúng đắn nhất theo trái tim của mình sẽ là con đường luôn luôn đúng cho mọi người – và điều đó thật tuyệt vời! Bạn sẽ luôn tìm thấy những người trong đời tự cho rằng họ biết nghĩa vụ của bạn tốt hơn chính bạn. Vì vậy bạn sẽ bị hiểu nhầm. Và liệu rằng việc đó tệ vậy sao? Pythagoras đã bị hiểu sai, và kể cả Socrates, Jesus, Luther, Copernicus, Galileo, Newton đều bị hiểu sai. Để trở nên vĩ đại chính là để bị hiểu lầm.”

(hết) dịch thuật và bình luận thêm bởi Team S.A.F.E, Saigon, đăng lại ngày 23.09.2019

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

CTKM Xuân Giáp Thìn 2024

Tình cảm quý độc giả 2023

Ap 74 chính thức phát hành!

Ấn phẩm mới phát hành
Ấn phẩm mới phát hành

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!