Chuyển động tin tức trong ấn phẩm kỳ 33 – đã phát hành tháng 04/2020 vừa qua: https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-33/
Đặt mua ấn phẩm cũ: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
1> Số liệu kinh tế được dự báo khá tồi tệ nếu dịch Covid-19 kéo dài trên 6 tháng: Hàng quán trả mặt bằng, 74% hộ kinh doanh nhỏ lẻ và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) có nguy cơ ngừng hoạt động, 40 tỷ USD nợ vay có nguy cơ trả không đúng hạn, tỷ lệ thất nghiệp – nợ xấu tiêu dùng tăng vọt và chuyến đi thực địa sơ lược của chúng tôi
Sau sự kiện bùng dịch đầu tháng 03/2020 bất ngờ vừa qua, hàng loạt các kịch bản kinh tế đều sai lệch và các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm DN vay nợ đòn bẩy cao và các DNNVV thiếu nguồn lực, đang là đối tượng chịu trận “đau đầu nhất”. Cụ thể:
– Một số doanh nghiệp đã ngấp nghé bờ vực phá sản do bảng cân đối kế toán thiếu lành mạnh. Case đầu tiên là CTCP Bao bì nhựa Sài Gòn (HNX: SPP) với khoảng nợ vay 740 tỷ trên vốn chủ âm -400 tỷ. Hơn nữa, hiệp hội BĐS TPHCM HoReA cũng kiến nghị trợ giúp từ Chính phủ với nhiều chủ đầu tư đang trong tình trạng mất thanh khoản dòng tiền. Vietnam Airlines (HOSE: HVN) ước lỗ ròng -2,400 tỷ Q1 và có thể lỗ lũy kế -20,000 tỷ nếu dịch kéo dài đến cuối năm 2020. Một con số thật đáng kinh hoàng (!)
– Theo khảo sát của VTV, nếu dịch Covid-19 kéo dài từ 6 tháng trở lên, 74% doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ sẽ buộc phải ngừng hoạt động – đó là con số rất lớn và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến GDP do khối nầy luôn là khối chủ đạo cho phát triển kinh tế. Một khảo sát của Ban phát triển kinh tế tư nhân cho thấy 60% DN, chủ yếu là quy mô nhỏ, tự nhận sẽ sụt giảm -50% doanh thu trở lên nếu dịch kéo dài. Báo chí thì ghi nhận rất nhiều cửa hàng (ngay cả trước lệnh buộc đóng cửa và giãn cách xã hội) đã phải trả lại mặt bằng do không đủ bù chi phí cố định.
– Theo tính toán sơ bộ của ngành ngân hàng, khoản vay 926,000 tỷ (~40 tỷ USD) có nguy cơ không trả nợ đúng hạn (một dạng vỡ nợ – default), chiếm 11% tổng dư nợ toàn ngành. Ngoài ra, nợ vay tiêu dùng cho mục đích mua nhà thế chấp, mua ô tô hoặc thẻ tín dụng lãi suất cao cũng là những đối tượng có nguy cơ biến thành nợ xấu nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt hoặc tình trạng giảm lương diễn ra cục bộ toàn quốc.
– Để kiểm chứng, trước khi có lệnh giãn cách xã hội, chúng tôi đã đi thực địa nhiều tuyến đường lớn tại TPHCM và nhận thấy chỉ có đâu đó 2%-3% cửa hàng phải đóng cửa, hầu hết đều rất nhỏ và có vị trí kém. Song các tuyến đường lớn và đắt đỏ (ví dụ Q1) thì tỷ lệ đóng cửa cao hơn, từ 5%-10%. Dù Chính phủ rất nỗ lực để có gói tín dụng, giảm thuế giảm chi phí và tích cực chống dịch, chúng tôi cho rằng chỉ với một bàn tay thì không thể cứu vớt được hết hàng triệu đối tượng, đặc biệt là nhóm vay nợ đòn bẩy quá lớn đang phải trả giá cho sự liều lĩnh của mình…
2> FED cắt giảm lãi suất về 0%, sử dụng chính sách tiền tệ ở mức tối đa, cam kết mua lại lượng lớn trái phiếu. Ngài Stephen A. Schwarzman, chủ tịch Blackstone nghi ngờ tính hiệu quả của chính sách
Ngày 16/03/2020, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có động thái mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ khỏi những tác động của dịch bệnh Covid-19: hạ lãi suất cơ bản thêm 1 điểm phần trăm, xuống gần mức 0% và hứa hẹn sẽ tăng lượng trái phiếu nắm giữ thêm ít nhất 700 tỷ USD. Như vậy hiện mục tiêu lãi suất cơ bản của Fed nắm trong khoảng 0% đến 0,25%, ngang với mức thấp kỷ lục năm 2015. Trong buổi họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhiều lần nhắc lại rằng Fed sẽ không áp dụng chính sách lãi suất âm như một số nước đang sử dụng.
Ấy vậy mà ngài Steve Schwarzman, chủ tịch huyền thoại lĩnh vực private equity của Blackstone Group, lại nêu quan điểm nghi ngờ tính hiệu quả của chính sách cắt giảm lãi suất. Ông cho rằng lãi suất thấp đang gây tổn thương các tổ chức tài chính và những người tiết kiệm, khiến họ không còn thu nhập khả dụng để chi tiêu, thúc đẩy kinh tế. Trong khi đó dịch Covid-19 gây sụt giảm doanh thu sẽ khiến họ khó có động lực để đăng ký một khoản vay mới, ngay cả khi mức lãi suất rất thấp.
3> Giá vàng biến động mạnh trong vùng 1,500-1,700USD/oz, giá dầu WTI giảm sâu có lúc xuống ngưỡng $20, Whiting Petroleum phá sản. Một tháng điên rồ của thị trường hàng hóa!
Suốt tháng 02/2020, vàng tăng ngày qua ngày đều đặn cho đến đỉnh 1,670USD/oz ngày 01/03/2020, vàng trong nước lúc bấy giờ tăng vọt lên 49tr/lượng (ask), thúc đẩy làn sóng đổ xô đi mua vàng của nhiều cá nhân. Đúng 2 tuần sau, ngày 15/03/2020, giá vàng lại giảm mạnh -10% về 1,500USD/oz, làn sóng người đổ xô đi mua trên lại tranh nhau bán cắt lỗ (!) Đến đầu tháng 04/2020 nay, vàng lại tăng trở lại lên mức gần 1,700 USD/oz. Thật “nực cười” làm sao…
Trong khi đó, với lo ngại nhu cầu máy bay và đi lại giảm do lệnh phong tỏa ở nhiều quốc gia, cộng với cuộc chiến tăng sản lượng OPEC-Russia ở thời điểm không thể xấu hơn, giá dầu WTI giảm mạnh một mạch -60% từ $53 xuống $21/thùng. Nhà sản xuất đá phiến nhỏ Whiting Petroleum của Mỹ đã nộp đơn bảo hộ phá sản. Ngài TT Trump cho biết đang thương lượng với OPEC & Nga để trợ giúp ngành dầu khí đá phiến của Mỹ.
4> Hết Bình Ba (Châu Đức, BRVT) rồi đến Thạch Thất (Hà Nội), những chiêu trò sốt đất ảo đánh vào “tâm lý FOMO” của chúng ta
Tương tự như “chiêu trò” của các cổ phiếu penny thao túng trên TTCK, sau khi có tin tức một tập đoàn lớn thực hiện dự án tại gần đó được tung ra, các tay làm giá BĐS nhận ra đây là một cơ hội kiếm lời không thể tốt hơn! Sau cuộc thổi đất huyện Bình Ba, Châu Đức, Bà Rịa – VT lên gấp 2, gấp 3 trong vòng chưa đầy 5 ngày, thu hút đám đông khổng lồ tứ phương rồi “nguội lạnh” bất ngờ, ta lại tiếp tục thấy cơn sốt đất ở Thạch Thất, Hà Nội cũng chỉ diễn ra trong vòng 10 ngày rồi biến mất tương tự.
Trao đổi với những nhà đầu tư BĐS kỳ cựu, chúng tôi nhận được câu trả lời rằng thường giai đoạn cuối chu kỳ BĐS, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều các “chiêu trò” dạng nầy ở những khu đất vùng ven xa xôi, pháp lý kém để những tay thao túng bán ra, thu về tiền mặt với lợi nhuận khổng lồ. Các NĐT cá nhân phải cực kỳ cẩn trọng với những bài báo chí, môi giới “giăng ra” bẫy tâm lý “FOMO” kinh điển. Cơ hội & lợi nhuận chỉ thực sự đến với những nhà đầu tư kiên nhẫn, lí trí.
5> Chuỗi café Luckin Coffee của Trung Quốc, một startup định soán ngôi Starbucks, bị điều tra vì khai khống doanh thu, cổ phiếu giảm -90%
Như chúng tôi đã từng nói ở nhiều ấn phẩm trước, trên kinh nghiệm chúng tôi, không có cổ phiếu nào làm tài sản ta “bốc hơi” nhanh bằng các cổ phiếu rủi ro quản trị. Sau bài báo cáo due diligence rất hay của Muddy Waters Research, một hãng chuyên điều tra các case fraud của Mỹ, chuỗi café Luckin Coffee đã chính thức bị điều tra vì tội khai khống lượt khách, giá bán sản phẩm, thổi phồng 60%-70% doanh số báo cáo. Đó là ta chưa tính đến các giao dịch phải thu, phát hành cổ phiếu bất thường ra các SPV tại các thiên đường thuế Caymans của nhóm ban điều hành.
Sau báo cáo của Muddy Waters, một số nhà bán khống lỗi lạc như Jim Chanos cũng tham gia và chốt lời ở mức giảm 70%. Dù bán khống là lĩnh vực gây tranh cãi, nó là một động lực ngược chiều rất tốt cho sự minh bạch của thị trường – tạo động lực loại ra những case lừa đảo và vai trò “thám tử”. Bán khống sẽ là chủ đề thú vị cho ấn phẩm kỳ 34 sau của chúng tôi!
Saigon, tối muộn ngày 16.04.2020, đăng lại bởi S.A.F.E team – TGN