Cách đây không lâu, trong ấn phẩm IX vừa rồi, chúng đã từng đề cập đến nhà quản lý quỹ William Henry (Bill) Miller và cú ngã của ông trong cơn sốt bất động sản tài chính năm 2007. Bây giờ nhìn lại để nói thì rất dễ, nhưng ở thời điểm của ông, không dễ gì để biết được “cái chết” đang đến cận kề như thế nào. Điều chúng tôi biết chắc là Bill Miller đã bị “sốc” trước cuộc khủng hoảng mà ông không lường trước được.
Chính vì lí do đó, chúng tôi sẽ đào sâu hơn cuộc đời thăng trầm của người này, đồng thời những nguyên nhân và bài học từ sai lầm của ông – cốt để nhà đầu tư giá trị chúng ta không bị vướng vào cạm bẫy đầy nguy hiểm như vậy…
Chuyện ngắn trích từ ấn phẩm kỳ X, tháng 05.2018 hơn một năm qua: https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-10/
Đặt mua ấn phẩm cũ TGN: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
I. Con đường đến Legg Mason Trust
Bill Miller vốn sinh thành vào năm 1950 ở North Carolina trong một gia đình tương đối khá giả. Cha ông làm giám đốc trạm xe của một hãng vận chuyển. Tuy vậy, ông này thường dành ra một khoản tiền tiết kiệm nhỏ mỗi tháng, để đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Được khởi nguồn cảm hứng từ người cha, mỗi buổi sáng, ông trộm tờ báo tài chính của cha, đọc về giá cổ phiếu cũng như hàng loạt các doanh nghiệp niêm yết trên đó. Niềm đam mê với chứng khoán của ông cũng từ đó mà trỗi dậy mãnh liệt. Đến năm 10 tuổi, Bill Miller đã đi làm vườn, cắt cỏ thuê cho các hộ hàng xóm để có tiền tiết kiệm. Ông tích góp được $100, và hỏi cha mình nên đầu tư vào đâu. Hai cha con sau khi suy nghĩ kĩ, đã đầu tư vào công ty viễn thông – radio RCA Communications. Đó là một khoản đầu tư tuyệt vời vào những năm 1960s.
Trong quá trình tìm đọc, Bill Miller đã học được triết lý đầu tư giá trị từ ngài Benjamin Graham. Thương vụ cổ phiếu RCA thành công đã khiến ông rất tự tin vào khả năng đầu tư của mình. Ông quyết định đi theo con đường đầu tư một cách nghiêm túc như nghề nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp bằng tiến sĩ chuyên ngành Triết học, vào năm 1977, ông ra đi làm trợ lý cho giám đốc một công ty sản xuất thép và xi măng lớn, chủ yếu làm quản lý ngân quỹ và tài chính cho công ty này. Ba năm sau, trong một dịp được làm việc với Chip Mason – giám đốc của công ty quản lý quỹ Legg Mason Trust, Bill Miller đã rất hào hứng. Ông Chip Mason này thấy Bill Miller tài, nên mới mời về làm chuyên viên phân tích cho đội ngũ của công ty. Ấy vậy mà Bill Miller lại từ chối, ông không muốn làm nhân viên, mà chỉ muốn làm giám đốc phân tích. Chip Mason đành nhượng bộ, sự nghiệp của Bill Miller bắt đầu thăng hoa.
II. 13 năm đánh bại thị trường
Phong cách đầu tư của ông dựa trên tầm nhìn về xu hướng phát triển của doanh nghiệp, ông không hề quan tâm định giá P/E cao hay thấp (thứ sẽ làm ông vấp ngã). Song cái hay của ông là dám đi ngược lại thị trường một cách mãnh liệt.
Dell Computer là một thành công vang dội của ông. Với P/E 12 lần vào giữa thập niên 1990s, nhiều nhà đầu tư giá trị không sẵn sàng mua, song ông lại tin tưởng vào xu hướng hội nhập máy tính của người tiêu dùng và lợi thế cạnh tranh của Dell. Ông bỏ vào đây 20 triệu USD. Sau bốn năm, khoảng này tăng đến 50 lần (!), giúp ông kiểm được gần 1 tỷ USD với lợi suất khổng lồ. Đây xứng đáng là một case tuyệt vời với giá hấp dẫn mà ông đã nắm bắt rất tốt.
Ông còn nhiều khoản đầu tư có tầm nhìn vô cùng sâu sắc, như Google vào năm 2004, Amazon và America Online (AOL). Thành ra, sau khi tiếp quản quỹ đầu tư Legg Mason Trust, Bill Miller đã đánh bại thị trường S&P 500 trong vòng 13 năm liên tiếp (1993-2005), với lợi suất cao hơn khoảng 5%. Quỹ của ông từ đó mà phát triển vượt bậc, có đến gần 20 tỷ USD tiền của nhà đầu tư rót vào ông trong năm 2005-2006. Đây tưởng chừng như là niềm vui, song hóa ra lại là cái họa vô cùng lớn cho Miller.
III. Áp lực đánh bại thị trường và cú ngã
Trước đây chỉ quản lý từ 1-2 tỷ USD, nay có số tiền lớn như vậy đổ vào, áp lực duy trì kỷ lục đánh bại thị trường (winning streak) đè nặng lên vai Bill Miller hơn bao giờ hết.
Vào giai đoạn 2006 – 2007, khi mà bong bóng bất động sản – tài chính đỉnh điểm, bất cứ quỹ nào không có cổ phiếu lĩnh vực này trong danh mục thì y như rằng sẽ “ở đằng sau” chỉ số chung. Nó giống hệt giai đoạn hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam vậy: khi mà quỹ nào không nắm giữ các cổ phiếu vốn hóa lớn, định giá ngất ngưởng như VIC, MSN, GAS, VCB, BID, CTG, VJC thì sẽ chấp nhận thua thị trường trong ngắn hạn.
Thế nên từ đây Bill Miller bắt đầu rơi vào con đường sai lầm. Ông quên đi tầm nhìn dài hạn (!) đã giúp ông thành công trước đây. Ông đi ra ngoài các vòng tròn hiểu biết của ông (lĩnh vực về công nghệ, bán lẻ) mà ông lại mua mạnh vào ngành tài chính, công ty cho vay bất động sản nóng nhất ở thời điểm lúc bấy giờ như Bear Stearns, Fannie Mae, Freddie Mac và AIG. Những công ty này vô cùng thiếu minh bạch, định giá đắt đỏ và mang rủi ro chu kỳ rất cao – không phù hợp với phong cách nắm giữ 5-10 năm như Bill Miller từng làm với các khoản đầu tư trước đây. Ông không hiểu rõ về chúng, song lại đầu tư hàng chục tỷ USD.
Cuối năm 2007, khi thị trường sụp đổ, ông vô cùng bất ngờ và bị shock. Thậm chí cảnh ông bị châm biếm còn được đưa vào phim The Big Short, 2015 lúc ông đang cố gắng bảo vệ Bear Stearns. Lạ là khi các cổ phiếu này giảm gần 80%-90% từ mức gần 100 đô la còn dưới 10 đô la, ông lại còn tiếp tục mua vào mãnh liệt – ông cho rằng nhà đầu tư đang phản ứng thái quá?!
Và rồi quỹ Legg Mason bị rút vốn ào ạt, quỹ này trong năm 2007 – 2008 mất 50% tài sản ròng (NAV). Giá trị quản lý chỉ còn vỏn vẹn trên dưới 2 tỷ USD, bằng 1/10 so với trước đó. Bill Miller trở nên trầm cảm, đầu bạc, mắc bệnh béo phì và cuối cùng năm 2011, ông bị hội đồng quản trị quỹ cho miễn nhiệm. Mất đến 20 năm để làm nên danh tiếng, vậy mà “cú ngã” của ông đã phá hủy tất cả chỉ trong 1 năm hưng phấn nhất.
IV. Bài học đọng lại
Bill Miller từng được xem là một huyền thoại, ấy vậy mà nay không còn ai nhớ đến ông ngoài sự thất bại năm 2007. Năm 2016, quỹ ông tự lập nên giảm tiếp 20% do đặt cược sai vào giá dầu.
Như vậy, để không lâm vào phải kết cục tương tự, nhà đầu tư giá trị chúng ta cần: (1) có tầm nhìn dài hạn, không bị áp lực ngắn hạn làm lu mờ (2) không đi ra các lĩnh vực ta không hiểu, sốt nóng nhất (3) luôn luôn khiêm tốn và lắng nghe ý kiến trái chiều, kể cả khi ta đang ở đỉnh vinh quang. Có như vậy thì thành công ta mới bền lâu, mục tiêu tự do tài chính mới đến gần hơn được.
Saigon, đăng lại ngày 01.08.2019, bởi Europos & Angelos – Golden Newsletter Vietnam