Câu chuyện rất đời, chân thực về Harry – trích tác phẩm kinh điển The Money Game – The Golden Newsletter Vietnam
Trích từ kỳ 69, Ấn phẩm chi phí ẩn của việc trading & tác phẩm kinh điển The Money Game 1968: https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-69/
Đặt mua ấn phẩm đầu tư giá trị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam – TGN: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

@S.A.F.E: Không ngoa khi nói tác phẩm The Money Game, 1968 bởi George Goodman (hình dưới, ông dùng bút danh ẩn là Smith Adam – nhại theo nhà kinh tế học với lý thuyết “bàn tay vô hình”) là một tác phẩm kinh điển cho ngành tài chính.

Nó kinh điển (classic) bởi vì (1) rất nhiều NĐT huyền thoại như ngài Buffett khuyến nghị mọi người nên đọc (2) nó tập trung vào thiên hướng kể chuyện hơn những nguyên tắc và số liệu khô khan/khó nhớ (3) nó được viết nên bởi một người thực sự đã trải nghiệm hàng thập kỷ, tiếp xúc hàng nghìn tấm gương người thực việc thực trên thị trường đầy khốc liệt (ông là một financial media host nổi tiếng với rất nhiều mối quan hệ, đồng thời có quản lý một partnership fund nhỏ cho riêng mình). Chính Goodman cũng đã viết trong quyển sách bày tỏ quan điểm tin rằng những câu chuyện (stories) về con người đã luôn dạy ông ghi nhớ nhiều hơn các nguyên tắc khô khan, thứ có lẽ chưa chắc đúng đắn trong tương lai khi cấu trúc nền kinh tế và thị trường tài chính thay đổi.

Tương tự như vậy, chúng tôi cũng luôn thích các câu chuyện người thực – việc thực, và trong số đó, chúng tôi ghi nhớ nhất câu chuyện rất đời, chân thực về Harry (người bạn mà tác giả giấu tên) – bởi vì nó làm chúng tôi nhớ đến những con người thực tế mà chúng tôi quan sát trong suốt nhiều năm tham gia thị trường của mình: họ là những người rất thông minh với IQ cao, tầm nhìn tốt, cùng mục tiêu làm giầu chính đáng, song trò chơi đòn bẩy vay nợ marginchuỗi các sự kiện xui rủi (bad lucks) liên tiếp đã quét sạch họ toàn bộ…

Chúng tôi hi vọng qua lời văn của tác giả Goodman và câu chuyện rất đời & chân thực về Harry, quý độc giả có thể liên hệ lại con đường đầu tư của mình và ghi nhớ cho bản thân. Hơn thế nữa, vì đây là tác phẩm quá kinh điển với rất nhiều câu chuyện hay, chúng tôi sẽ còn kể lại thêm nhiều câu chuyện khác cho chúng ta trong tương lai. Rất mong quý độc giả đón xem (*)

Trích dẫn, lược dịch và bình luận thêm từ Chương 7: Identity & Anxiety, tác phẩm The Money Game, 1968, bởi tác giả Smith Adam aka George Goodman

 

 

Giải pháp tốt nhất để tránh lòng tham và nỗi sợ hãi là hãy giữ cho mình một bản sắc/tự định hình cá nhân (identity) không thể bị ảnh hưởng bởi những nhiễu loạn của thị trường

@Tác giả George Goodman aka Smith, Adam – 1968: “Sự năng động của đất nước Hoa Kỳ chúng ta thật tuyệt vời, nhưng liệu mặt trái của nó có phải là những lo âu, áp lực (anxiety) đi kèm?

Đối với những người chơi chuyên nghiệp trên thị trường tài chính, thì mối nguy của nó là không thể tránh khỏi. Khi công việc bạn làm là kiếm tiền bằng mọi giá (@S.A.F.E: phố Wall), thì tất cả định hình cá nhân/bản sắc (identity) của bạn nằm ở số tiền mà bạn kiếm được. Vì lẽ đó, những lo âu và áp lực sẽ luôn đi kèm bởi vì bạn biết rằng bất cứ lúc nào, một rủi ro bất ngờ xảy đến và mọi thứ sẽ tan biến đi nhanh chóng như mây khói.

Mr. Willam Ingraham Russel, trong quyển tự truyện The Romance & Tragedy Of A Widely Known Businessman Himself, 1905, đã luôn là một người khát khao kiếm tiền và tự hào về nó. Ông ta kiếm được rất nhiều tiền, sau đó mất sạch, để rồi kiếm lại được nhiều hơn, xây một căn nhà đẹp, một thư viện to, và cuối cùng khuynh hướng liều lĩnh của ông ta đã làm ông ta mất tất cả một lần nữa. Lần lượt, bạn bè ông ta từ bỏ (deserted) ông ta hoàn toàn, không ai cho ông vay mượn nổi một số tiền rất nhỏ để được tại ngoại cho một lỗi vi phạm luật rất nhẹ. Cuối đời, ông ta cay đắng nhận ra chỉ còn một người phụ nữ nhỏ bé duy nhất chịu ở bên cạnh ông ta mà thôi.

***************

Những tâm lý mạnh mẽ nhất trên thị trường chính là lòng tham và nỗi sợ hãi. Trong một thị trường giá lên, bạn gần như cảm thấy cơn sóng thủy triều của lòng tham dâng lên khắp mọi nơi. Thường đâu đó mất khoảng 6-12 tháng từ vùng đáy của chỉ số chúng ta sẽ bắt đầu thấy chúng quay trở lại. Lòng tham sẽ xuất hiện phổ biến nhất khi mà bạn nhìn thấy những cổ phiếu mình không nắm giữ tăng giá mạnh mẽ. Sau đó, những người bạn/hàng xóm bên cạnh sở hữu một cổ phiếu gấp đôi giá; hoặc tệ hơn nữa, bạn nhìn thấy họ gấp bốn giá trong khi cổ phiếu bạn đang sở hữu mới chỉ tăng được gấp đôi!

Đây chính là thứ tạo ra đỉnh của thị trường bull-market (@S.A.F.E: rất hay, market cycles luôn tồn tại vì tâm lý loài người chưa tiến hóa xong). Tất nhiên nếu đúng theo lý thuyết thị trường hiệu quả – nơi mọi người đều hành xử lí trí, thì chẳng ai muốn mua ngay mức giá đỉnh cả, ấy vậy mà trong suốt quá trình thành lập thị trường, số người làm được việc đó đủ lớn để tạo nên một mức đỉnh giá với khối lượng rất lớn.

Câu hỏi tò mò được đặt ra là tại sao họ có thể làm được như vậy? Đó có thể một phần được giải thích về khái niệm lan truyền đám đông của Gustave Le Bon, 1895, khi mà mọi người rất sợ bị lệch nhịp so với những người còn lại. Thật sự thú vị khi nhìn thấy mục tiêu đầu tư và thời gian đầu tư của mọi người thay đổi ra sao theo biến động của thị trường. Những người ban đầu chỉ mong muốn lãi 50% trong 12 tháng sẽ chốt, song khi nhìn thấy bạn bè/hàng xóm lãi 100% trong 6 tháng, lại bắt đầu đuổi theo vì nhận ra hình như mình đang quá chậm. Và sớm muộn thôi, trò chơi rượt đuổi và so sánh sẽ sớm biến thành một lễ hội nhạc quá vui vẻ để bạn có thể ra về sớm.

Có lẽ giải pháp duy nhất để bảo vệ bạn khỏi những cuộc chơi định hình cá nhân thông qua con số trên tài khoản, chính là có một “identity” của riêng mình mà an toàn và không thể bị ảnh hưởng bởi bất cứ sự nhiễu loạn nào trên thị trường (*)

 

Những người sống chỉ vì con số trên tài khoản cũng có thể bị hủy hoại bởi chính nó

Số phận đã đưa đẩy tôi đến gặp gỡ rất nhiều người kiếm được số tiền vô cùng lớn, từ hàng triệu đến hàng chục triệu mỹ kim trên thị trường chứng khoán. Trong số đó có Harry.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp thời trẻ, Harry rất muốn kiếm 10 triệu đô la (@S.A.F.E: chúng tôi quy số năm 1962 của tác giả theo lạm phát ra số ngày nay), và anh ta đã làm được. Mọi thứ trông có vẻ đơn giản, nhưng tất nhiên nó luôn đi kèm một điều kiện gì đó. Mọi người nghĩ rằng khi trở nên giàu có, người ta sẽ đạt được trạng thái thanh thản (serenity). Và đúng thật là vậy, khi có tiền, ta sẽ bớt nhiều mối lo đi và thanh thản hơn. Song cuộc chơi “sống vì con số trên tài khoản” sẽ không tha cho ta khi ta đạt 1 triệu USD, khi identity của bạn là “người đàn ông 1 triệu đô la”, sớm muộn sẽ có hàng tá người bạn gặp có identity là “người đàn ông 2 triệu đô la”. Và lẽ tất yếu bạn sẽ không dừng lại ở đó! (@S.A.F.E: Gần đây chúng tôi nghe NĐT giá trị Francois Rochon người Canada gốc Pháp nói rất hay về loài người, chúng ta là giống loài không bao giờ thỏa mãn (never satisfied), nó có mặt tốt là thúc đẩy xã hội, đi xe ngựa chán, chúng ta tạo ra ô tô, đi ô tô chán, chúng ta tạo ra máy bay, v.v tuy nhiên đi kèm với mặt tốt là mặt xấu, đúng như Goodman nói, chính là lòng tham không đáy, rất ít người có thể biết dừng lại mà không risk toàn bộ gia sản của mình vào những cuộc đua con số trên tài khoản).

Câu chuyện mà tôi sắp kể cho các bạn nghe về Harry không chỉ là vấn đề của riêng anh ta, mà là căn bệnh khắp phố Wall. Nơi mà những người sống chỉ vì con số trên tài khoản cũng có thể bị hủy hoại bởi chính nó, và điều đó thật là tệ hại khi con người ta lại để chiếc máy tính viết nên bia mộ cuộc đời muôn màu của mình bằng một con số vô tri vô giác.

***************

Tôi nhìn thấy Harry ngồi phía sau một quầy bar ở khách sạn Carlton House, anh chàng nầy có thể nói là một huyền thoại của thế hệ Wall Street lúc bấy giờ, có điều rằng anh ta nhìn vẻ ngoài không giống cho lắm; anh ta gầy, đầu hói, ăn mặc vest Dunhill và có vẻ như đang tìm sự thật dưới đáy cốc rượu Jack Daniel’s. Tôi đã không gặp Harry nhiều năm, thế nhưng chưa kịp chào hỏi vài câu, anh ta chỉ lắc vài viên đá trong ly rượu và thú nhận: “Tôi đã làm việc ấy lại lần nữa rồi.”

Đột nhiên anh ta hét lớn lên khiến cả phòng quay lại nhìn: Tôi đã làm lại lần nữa rồi. Tôi đã làm lại lần nữa rồi!

Sau đó Harry rút một tờ giấy trong túi anh ta ra đưa tôi nhìn, sau hàng loạt các dòng con số đỏ lòm, đến hàng cuối cùng, tôi nhìn thấy một con số 0.00 tròn trĩnh. Trong tiềm thức, tôi hiểu được rằng sau hai lần vượt mốc 1 triệu USD, anh ta đã làm mất tất cả gia sản của mình và trở về lại số 0 ban đầu.

– Tôi đã cháy túi hoàn toàn rồi bạn à.

Tôi trấn an anh ta rằng dù đã phá sản, anh ta đã từng gặp khó khăn như vậy và vẫn còn bộ não đầy kiến thức, kinh nghiệm nên sẽ tìm cách lấy lại được. Anh ta tự thú rằng rất khó để lấy can đảm bước ra khỏi giường, vứt bỏ bộ mặt nạ giấu đi cảm xúc thực sự và đi ra ngoài mỗi buổi sáng. Cũng như những người đàn ông vừa ly dị, vừa bị sa thải hoặc tấm thẻ “identity card” định hình nên con người họ trước xã hội bị vùi dập nghiêm trọng, tôi rất thấu cảm tâm trạng khi mà cái tôi (ego) của một người như bị búa đập tan thành cát bụi. Chẳng thể ra lệnh cho họ dừng suy nghĩ đó lại được cả, điều đó là vô nghĩa.

– Bây giờ tôi phải ra một quyết định quan trọng: rằng tôi có nên tiếp tục s.ống nữa hay không?

Đó là một câu hỏi rất nghiêm trọng cho một cuộc gặp sau nhiều năm giữa hai người bạn, nên tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài order thêm một vài round rượu cho cả hai chúng tôi. Hỡi những kẻ háu thắng còn trẻ (gunslingers) ngoài kia, hãy ngồi yên xuống mà lắng nghe câu chuyện của Harry…

 

Harry mất tất cả lần thứ nhất: “Tôi chỉ muốn sống lớn hoặc không có gì, tôi không thể nào ở giữa được, tôi không muốn một ngày thức dậy 50 tuổi để rồi nhìn tài khoản nghỉ hưu chỉ non 120 nghìn USD!”

Tôi biết Harry vào 10 năm trước, khi anh ta mới chập chững vào nghề với công việc là phân tích chứng khoán (security analyst) cho một hãng investment bank lớn ở downtown New York. Anh ta cũng đồng thời quản lý một vài tài khoản nhỏ cho riêng mình với kết quả khá tốt. Khi mới bắt đầu, Harry chỉ có thể đi gặp các DN niêm yết nhỏ vì đó là vùng câu cá duy nhất còn sót lại cho người trẻ. Anh ta kiếm được chỉ vỏn vẹn $11,000 mỹ kim/năm và mức thu nhập thấp như vậy đã khiến cô vợ đầu tiên của anh ta ly dị vì thấy triển vọng tương lai tối tăm của anh ta. Tuy nhiên, ở bên trong, Harry rất tự hào vì anh ta viết những báo cáo về những cổ phiếu nhỏ độc đáo & được các partners của hãng cho phép ký tên riêng của mình lên đó.

Điều mà anh ta không biết, chính là đám mây của sự giầu sang đang chờ đợi anh ta rất gần sau đó, bởi vì anh ta đã ở đúng thời điểm và đúng khu vực tăng trưởng mạnh nhất của TTCK…

Đầu những năm thập kỷ 1950s, Harry chỉ tiết kiệm được mỗi $5,000 USD và thuê một căn hộ nhỏ 1PN ở West Village, Greenwich (khá xa New York). Anh ta cũng kiếm được ít lợi nhuận ở những cổ phiếu mà người khác cũng kiếm được chỉ ít lợi nhuận. Anh ta hẹn hò với một cô diễn viên Broadway nghiệp dư. Anh ta bơi khá nhiều. Mỗi cuối tuần mùa hè anh ta đều đi đến Fire Island để chơi cờ vua dưới nắng đẹp. Cuộc sống không dư dả nhưng không quá tệ, nếu không muốn nói là hạnh phúc (*)

Thế rồi người Nga phóng được vệ tinh Sputnik lên vũ trụ, và rồi tự nhiên tất cả doanh nghiệp nào liên quan đến ngành nghề sản xuất chip, thiết bị, hoặc bộ phận của máy tính (computer) trở thành cục cưng của phố Wall. Tất cả những ngành còn lại của TTCK đều chán chường và mệt mỏi, những chú hổ con mới của TTCK tìm ra lợi thế của mình ở những ngành tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Vì quá nhiều người thông minh hiểu được giá trị và doanh số bán xe của Ford, một công ty mới lạ như FXR trong ngành sản xuất “oscillator backward wave” có thể dễ dàng tăng từ 12 -> 60.

Harry đã ngay ở đầu của làn sóng đó. Anh ta vốn là người tò mò về khoa học, hơn thế nữa, anh ta còn gặp rất nhiều DN nhỏ dạng nầy. Anh ta bắt đầu đi thuyết trình cho khách hàng nghe về cách các bóng bán dẫn (transistors) sẽ thay đổi thế giới ra sao. Tất cả thành công của anh ta không phải chỉ từ may mắn; nếu nó thực sự vậy, anh ta đã sống cuộc đời thanh thản hơn. Mà hơn hết, anh ta đã có một tầm nhìn rất chính xác và đi trước thời đại.

Harry đã nói với tôi rằng máy tính sẽ thay đổi thế giới, nhưng mô hình kinh doanh hiện tại của nhiều DN thiếu một bộ phận link ở giữa để thực hiện công cuộc chuyển đổi số đó. Chẳng hạn, một người đến đổ xăng ở Exxon Mobil, làm sao để máy tính có thể đọc được thẻ tính tiền và lượng xăng anh ta đổ – chẳng lẽ phải thuê một nhân viên nhập liệu? Và như vậy, Harry đã vô tình gặp được một nhà sáng tạo chiếc máy có thể đọc được chữ và số. Nhà khoa học đó tên Dave Sheppard, và ông ta đã đặt tên cty mình là Intelligent Machines. Harry đã đầu tư rất sớm vào cổ phiếu đó trước khi nó lên sàn (OTC), và hơn thế nữa, trong quá trình cổ phiếu tăng, anh ta tiếp tục cầm cổ phiếu đi thế chấp để vay và mua được nhiều hơn – hay “vay margin”. Khi Intelligent Machines bán cho Farrington, một hãng máy tính lớn hơn, cổ phiếu đó tăng mạnh từ $10 -> $260, và Harry ngay lập tức có 250k USD trong tài khoản, gấp 50 lần số tiền ban đầu (*)

Tôi cũng được Harry giới thiệu cơ hội này, tuy nhiên tôi không đủ liều lĩnh để vay margin mua thêm khi cổ phiếu tăng mạnh, và lại tiếp tục vay nhiều hơn nữa khi giá phía sau tăng mạnh thêm (@S.A.F.E: margin nở ra thêm, hay còn gọi là “vay margin gấp thếp”). Bởi vì nếu bạn có $70, sau đó vay $30 thêm để mua lượng cổ phiếu trị giá $100 (@S.A.F.E: hay tỷ lệ margin 7:3, tức nợ chỉ <50% vốn chủ), chẳng hạn vô tình khi cổ phiếu giảm -30%, bạn vẫn còn $40 vốn liếng để cho ngày mai. Tuy nhiên nếu cổ phiếu tăng lên $130, và bạn lại vay tiếp trên đó để mua thêm lượng cổ phiếu lên $200 chẳng hạn, sớm muộn thôi, nếu cổ phiếu giảm -50% nhanh chóng trong một cú downward bump bất ngờ, thì ngân hàng đầu tư sẽ đến và bán giải chấp, lấy đi toàn bộ vốn liếng bạn làm được từ trước đến nay về còn 0.00, dù bạn đã từng vất vả bao nhiêu hay may mắn bao nhiêu trước đó đi chăng nữa.

Harry biết rất rõ rủi ro này, tuy nhiên anh ta nhìn nhận rằng cuộc đời rất ngắn ngủi, và anh ta không muốn sống ở giữa, anh ta chỉ muốn lớn lên triệu phú đô la hoặc không còn một xu dính túi:

“Có gì khác biệt cơ chứ, giữa 20 nghìn đô hay 60 nghìn đô trong tài khoản?” – Harry lý luận – “Anh chỉ mua được thêm một vài thứ hơn là cùng. Nó không đủ để mua sự tự do. Anh sẽ vẫn là một nô lệ của đồng lương, vẫn phải đi làm cả đời. Vì vậy tôi cần một cú quantum jump. Chúng ta đến Wall Street này để làm gì? Để kiếm rất nhiều tiền. Nếu như anh pick được một cổ tăng 3 lần, anh bỏ vào 10k USD, như vậy anh có 30k USD. Xin chúc mừng! Rất nhiều người tương tự như vậy cảm thấy mình khôn ngoan và cười khẩy kể về việc kiếm được 10k USD chỗ này, 20k USD chỗ kia. Tuy nhiên một ngày khi già 50 tuổi họ tỉnh dậy, họ chỉ nhìn thấy $120,000 trong tài khoản nghỉ hưu của mình; và họ là con người như vậy, những người vô dụng với chỉ non 120k USD trong tài khoản!” (@S.A.F.E: có thể thấy rất rõ cách Harry đang ngụy biện cho hoạt động đòn bẩy của mình như thế nào)

***************

Khi đạt được thành công lớn đầu tiên, Harry bắt đầu nhận được lượng following khá đông từ thị trường. Anh ta du hành khắp các bang của Mỹ trong thập niên 1960s để thuyết trình về tiềm năng của máy tính đọc chữ, khả năng xử lý thông tin và việc nước Mỹ đang ở bờ vực của sự đột phá công nghệ chưa từng có trong lịch sử. Harry không chỉ nói suông, anh ta còn đem lượng cổ phiếu mới mua của mình để thế chấp ở các ngân hàng đầu tư và mua thêm (@S.A.F.E: Hoa Kỳ không có nhóm CTCK mà chỉ có investment banks như JPMorgan, Goldman Sachs, Lehman Brothers, v.v). Các bài diễn thuyết của anh ta được giới đầu tư chuyên nghiệp, có cả những tỷ phú USD với danh tiếng khổng lồ ngồi nghe, nhiều người trong số khán phòng khi hết buổi còn đi lên sờ vào tay áo anh tựa như một vị “thánh sống” vậy!

Cứ mỗi vài ngày, tài sản ròng Harry tăng không ngừng nghỉ. Mặc dù vay ngân hàng, giá cổ phiếu của anh ta tăng mạnh hơn nhiều so với lãi vay & đóng góp vào lợi nhuận khổng lồ cho Harry. Một ngày nọ, Harry gọi tôi để khoe rằng: “Tôi đã đạt 992,000 USD trong tài khoản rồi bạn à. Nếu không có gì bất thường, 10:30 AM sáng ngày mai tôi sẽ chính thức trở thành triệu phú. Một triệu đô la, một triệu đô la chỉ trong 2 năm, anh tin nổi không?” (@S.A.F.E: ~10 triệu USD ngày nay, tầm 230-240 tỷ VND).”

Ngay khi đạt mốc triệu phú, Harry bắt một chuyến xe đến Dunhill, may những bộ vest đắt tiền. Sau đó, anh ta đến J.S Inskip để mua một chiếc Rolls-Royce màu đỏ nhung với một quầy bar ở phía sau – chiếc Rolls-Royce đắt đỏ và custom-made đến mức tên của Harry nằm ở cánh cửa ghế lái. Tiếp theo, anh ta mua tiếp một chiếc du thuyền (yatch) 46ft cỡ nhỏ để cuối tuần tiệc tùng dễ dàng hơn. Tạm biệt căn hộ 1PN ở West Village chật chội – hôi hám, anh ta chuyển đến đại lộ Fifth Avenue sang trọng với căn hộ thông nhau co-op lớn, và nội thất tiện nghi tựa phòng reception ở một hãng PR lớn, với kính mạ chrome và những chiếc ghế da nhập khẩu từ tận Barcelona.

Với chiếc xe, căn hộ và du thuyền sang trọng đó, các cô gái xinh đẹp tràn đến lũ lượt – từ tiếp viên hàng không, cho đến y tá, nhà tâm lý học, có cả diễn viên; nhiều lúc đến thăm Harry, tôi cứ tưởng đây là cung điện ăn chơi của tỷ phú Hugh Hefner tạp chí Playboy không chừng.

Có một vài quan điểm ở nước Mỹ chúng ta cho rằng đồng tiền sẽ hủy hoại đạo đức của một người, hay không có tài sản lớn nào là không có tội lỗi phía sau cả. Tuy nhiên quan điểm đó đã không đúng với Harry, tựa như lời của Bishop Lawrence nói: anh ta trở nên vui vẻ/yêu đời hơn, và hào phóng hơn đối với tất cả mọi người. Harry trở nên mềm lòng khi một số người thân và người bạn cần vay tiền. Anh ta còn lập ra một foundation từ thiện để hỗ trợ các nghệ sĩ nghèo khó, vô danh và sưu tầm những bức tranh quý. Hơn thế nữa, đối với các nhà khoa học máy tính ở RCA, Syvania hoặc General Electric ra khởi nghiệp riêng, Harry còn dùng tiền của mình để giúp họ vốn seeding ban đầu cho những sáng chế mới, đổi lại nếu công ty của họ thành công, anh sẽ sinh lợi lớn ở khoản cổ phần mạo hiểm của mình…

(kỳ 1 kết thúc ở đây)

(còn tiếp kỳ 2) Saigon, đăng lại ngày Thứ Hai 23.10.2023, S.A.F.E team – TGN

 

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

Add comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ấn phẩm 73 sắp phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!