Trong lĩnh vực đầu tư, có non không dưới hàng nghìn quyển dạy ta thuật chọn cổ phiếu, chọn thời điểm mua vào – song rất ít quyển trong số đó dạy ta biết thời điểm bán cổ phiếu lúc nào là hợp lý nhất.
Trích dẫn, lược dịch từ quyển Common Stocks, Uncommon profits, 1958 – ngài Phillip A.Fisher
Đặt mua ấn phẩm: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
Hai lỗi mà nhà đầu tư cá nhân thường gặp nhất trong đầu tư chính là việc chần chừ không chịu bán cắt lỗ, tự “đào hố chôn mình” trong một doanh nghiệp mà rõ ràng phần lí trí còn lại trong đầu ta biết rằng việc ta tiếp tục nắm giữ là sai lầm! Trường hợp ngược lại là do sợ hãi, do tâm lý đám đông, ta bán đi quá sớm một doanh nghiệp tuyệt vời – thậm chí dùng tiền đó mua vào một cổ phiếu tệ hại hơn, để rồi chìm trong tiếc nuối vô tận…
Chúng tôi cũng từng mất nhiều năm suy nghĩ về giải pháp triệt để cho vấn đề này. Nhưng càng quan sát và trải nghiệm, chúng tôi mới chợt ngộ ra một sự thật oái oăm rằng: (1) hầu hết những người viết sách về trading, kỹ thuật mua bán, thực ra đều không biết thời điểm bán lúc nào là hoàn hảo cả (2) trong khi đó, những nhà đầu tư thành công huyền thoại mà thực sự hiểu việc nên bán lúc nào, lại hầu như là những gã thụ động – chẳng bao giờ bán ra cổ phiếu!
Vì lẽ này, trong chương 6 quyển Common stocks, Uncommon profits, 1958, người mà ngài Buffett phải tự thú là một trong hai tượng đài, bên cạnh ngài Graham, đã thay đổi hoàn toàn tư duy của ông – ngài Phillip A.Fisher – đã khuyên rằng một nhà đầu tư cá nhân chỉ nên bán khi, và chỉ khi có 3 lý do sau:
3 lý do nên bán
1. Nhận định ban đầu về doanh nghiệp sai lầm
Nguyên nhân phải bán đầu tiên là do nhận định sai lầm của ta về doanh nghiệp: có thể lợi thế cạnh tranh của công ty không bền vững như ta nghĩ; có thể đạo đức ban lãnh đạo không tốt như ta nghĩ; có thể ngành nghề này mang tính chu kỳ, thay đổi nhanh chóng hơn nhận định ban đầu… Vì vậy, việc xử lý những sai lầm này thực ra đòi hỏi trí EQ – tức là khả năng kiểm soát bản thân nhiều hơn.
Ông cho rằng cái tôi (ego) trong mỗi con người chúng ta là thứ hại ta nhiều nhất. Ta không thể chịu được cảm giác mất mát nhỏ dù cho ta đã sai lầm quá rõ ràng! Và đây cũng chính là lý do mà hầu hết tài sản trên thị trường chứng khoán bị thổi bay ở việc nắm giữ những cổ phiếu tệ hại – những cổ phiếu mà lẽ ra ta có thể ngăn chặn từ sớm – nhiều hơn mọi sai lầm khác…
2. Nền tảng cơ bản của doanh nghiệp đi xuống theo thời gian
Trước thời đại công nghệ đổi thay nhanh chóng ngày nay, nhiều doanh nghiệp từng là số 1, chỉ vài năm sau đã lâm vào phá sản… Nếu nhà đầu tư cá nhân không theo dõi tình hình tài chính và kinh doanh của công ty kĩ lưỡng, thường xuyên (xin quý độc giả lưu ý rằng theo dõi kinh doanh – chứ không phải bảng điện) rất có thể anh ta sẽ chủ quan – bỏ qua những dấu hiệu rõ ràng trông thấy từ đối thủ cạnh tranh, ngành nghề bị lạc hậu hoặc ban lãnh đạo mới không đủ năng lực hoặc có integrity kém.
3. Có cơ hội khác tốt hơn hẳn
Cuối cùng, ngài Fisher cho rằng một nhà đầu tư chỉ nên bán ra khi anh ta chắc chắn rằng anh ta có một cơ hội tốt hơn đang chờ đợi ngoài kia. Nhiều doanh nghiệp sau thời gian tăng trưởng mạnh, cũng sẽ có xu hướng chậm lại, nhường cơ hội lại cho các công ty còn non trẻ với triển vọng vô cùng tiềm năng. Tuy nhiên, khi ra quyết định này, nhất định một nhà đầu tư cá nhân phải vô cùng chắc chắn rằng phân tích của mình là chính xác – trước khi anh ta hối hận về quyết định vội vã của mình (!)
Thời điểm bán một doanh nghiệp tuyệt vời?
Đến đây nhiều độc giả sẽ hỏi chúng tôi: “Vậy thì trường hợp khi định giá công ty đã tăng quá cao thì sao?”
Về vấn đề này, chúng tôi xin mượn lại câu châm ngôn của ngài Munger khi bàn về các phương pháp đầu tư: “Nếu bạn mua một doanh nghiệp bởi vì nghĩ rằng nó rẻ (undervalued), thì bạn phải luôn phải lo lắng về việc bán nó khi nó chạm giá trị thực. Việc này khá khó. Song nếu bạn có thể tìm ra một doanh nghiệp tuyệt vời với giá vừa phải, bạn chỉ cần ngồi đợi trên cái mông của mình mà thôi… Đó là một điều tuyệt vời!” Về sau giới đầu gọi vui phương pháp nầy của ông là “sit-on-your-ass investing”
Nhìn lại lịch sử nhiều năm, qua nhiều thập kỷ, chúng tôi mới nhận thấy rằng việc tìm ra một cỗ máy sinh lãi kép (compounding machine) đều đặn qua một thập kỷ là vô cùng hiếm hoi. Chúng ta đã từng thấy những case như VNM, DHG, CTD, MWG, PNJ với tỷ suất ROE đều đặn 30%-40% qua xấp xỉ 10 năm qua đã vươn lên từ quy mô vừa và nhỏ đến quy mô tỷ USD ngày nay như thế nào (*)
Cũng bàn về vấn đề này, ngài Phillip A.Fisher đã ví von trong quyển sách để đưa ra một câu châm ngôn kết luận huyền thoại: “Hãy tưởng tượng vào ngày tốt nghiệp đại học của bạn, bạn được chọn 1 trong 3 người sinh viên cùng lớp, và đưa cho anh ta 10 lần số tiền anh ta kiếm được trong năm đầu tiên ra trường. Song vào mỗi năm tiếp theo trong cả cuộc đời anh ta, bạn sẽ nhận được 25% số thu nhập mà anh ta tạo ra mỗi năm. Bạn bắt đầu phân tích triển vọng, khả năng kiếm tiền của từng người và lựa chọn người mà bạn tin rằng có triển vọng nhất.
10 năm sau, người mà bạn đang chọn trở thành ngôi sao trong tập đoàn, anh ta được chủ tịch chú ý và có khả năng thăng tiến đáng kinh ngạc! Liệu rằng nếu một kẻ nào đó trả giá 600% cao hơn số tiền mà bạn trả ban đầu để bạn bán lại hợp đồng này, thì bạn có bán đi hay không? Có lẽ bạn sẽ quát thẳng vào mặt kẻ nào dám tư vấn điên rồ để bạn bán đi hợp đồng béo bở trên để thay bằng hợp đồng của 2 anh chàng sinh viên còn lại, người mà chẳng hề tăng nổi thu nhập của mình sau 10 năm.
Vì lẽ đó, nếu việc nghiên cứu đã được thực hiện đúng đắn trước khi mua cổ phiếu, thì thời điểm bán cổ phiếu đi – gần như là không bao giờ!”
Saigon, 29.11.2018, bởi Angelos & Skopos – Golden Newsletter Vietnam