Châm ngôn đầu tư: Người ta thường tính toán quá nhiều và suy nghĩ quá ít – ngài Munger – The Golden Newsletter Vietnam

Trong giới chuyên gia ở phố Wall, người ta thường chú trọng quá mức đến các mô hình tài chính của doanh nghiệp trên bảng tính Excel, các mô hình dự báo, cung tiền, GDP, đường cong lợi suất trái phiếu v.v mà quên việc suy nghĩ về những câu hỏi lớn, nhìn lại lịch sử, nhìn lại những nhân tố định tính vô cùng gần gũi ngay trước mắt ta, ngay trong cuộc sống hằng ngày của ta…

Đặt mua ấn phẩm: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

Khi ở trong một môi trường mắc sai lầm hệ thống, người ta quên đi những câu hỏi lớn (big question) đòi hỏi tư duy triết học sâu rộng. Chẳng hạn như: “Liệu việc dự đoán lợi nhuận doanh nghiệp hay chỉ số chứng khoán 1 năm tới là một điều khả thi?” – xét đến việc rất nhiều thống kê cho rằng 90% các dự báo của chuyên gia tại phố Wall luôn luôn sai lệch rộng so với thực tế. Nói cách khác, họ thường thực hiện vô vàn công việc vô thức mà quên tự nhắc bản thân rằng: dự đoán giá dầu, Index hay lợi nhuận của doanh nghiệp gần như là một điều bất khả thi, trừ khi gặp may mắn.

Người ta thường dự báo rất nhiều về doanh nghiệp qua những bảng tính Excel đầy phức tạp, rồi sử dụng những con số dự báo/kế hoạch đó làm tiền đề cho lập luận, cho quyết định đầu tư của hàng nghìn khách hàng. Ấy vậy mà những những yếu tố định tính (qualitative) như bản chất kinh tế của ngành nghề, chính sách quản lý ngành, lợi thế cạnh tranh, đạo đức của ban lãnh đạo và những rủi ro tiềm tàng – những yếu tố trọng yếu, gần gũi nhất đến giá trị của một doanh nghiệp, song không thể trình bày bằng con số được – thì họ lại bỏ qua một cách thiếu trách nhiệm.

Trong quyển Where are the customers’ yatchs, 1940 mà chúng tôi ưa thích, ngài Fred Schwed Jr. thông thái vốn đã chỉ ra căn bệnh này của những người ở phố Wall:

“Bạn không thể nói rằng con số là sự lừa dối. Những những con số trong các lập luận tài chính, dường như chỉ thể hiện được một phần sự thật, trong khi đó bỏ qua những phần khác, cũng giống như nhiều người mà chúng ta từng biết.”

Đặc biệt ở những thị trường mới nổi, hay một số ngành nghề đặc thù bất cân xứng về thông tin như bất động sản, ngân hàng, thì những con số công bố dường như là những con số mà người ta “muốn” chúng ta biết – trong khi sự thật vẫn còn là một dấu hỏi lớn…

Cũng đồng tình với quan điểm này, ngài Munger trong một buổi chia sẻ với sinh viên  năm 2007, đã để lại một câu châm ngôn – không chỉ về đầu tư, mà còn về cuộc sống – vô cùng ý nghĩa, dù cho nó có thể “động chạm” đến rất nhiều người:

“Người ta thường tính toán quá nhiều và suy nghĩ quá ít.”

Ấy vậy mà dù phê phán việc tính toán quá nhiều, song chúng tôi phải thú thực rằng sự căn cơ, lập kế hoạch, dự trù là vô cùng quan trọng. Đó là lý do hầu hết các doanh nghiệp đều có bộ phận tài chính làm nhiệm vụ lập kế hoạch ngân sách, thu chi, dự kiến số năm hoàn vốn. Song tính toán chỉ mới là điều kiện cần, chứ chưa thể là điều kiện đủ được (!)

Đến đây, nhiều quý độc giả sẽ hỏi chúng tôi rằng: như vậy ngoài việc tính toán thì tôi sẽ phải làm gì?  Vâng bước đầu tiên mà chúng tôi đã đề cập ở trên, chính là việc tự đặt cho mình những câu hỏi lớn, những nghi ngờ về thói quen hiện hữu của môi trường xung quanh (challenge the status quo). Rồi sau đó, dần dà, ta sẽ hình thành cho mình một mẫu hình tư duy (mental model, chẳng hạn như bộ tiêu chí 4M của ngài Phil Town) giúp ta tìm ra sự thật – thông qua những đầu mối, những dữ kiện tưởng chừng như là gần gũi và nhỏ nhặt nhất.

Saigon, 14.12.2018, bởi Filologos & Skopos

TGN_Filologos

Tổng biên tập, Cố vấn đầu tư cao cấp
filologos@newslettervietnam.com

View all posts

Ấn phẩm 78 sắp phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!