Trích đoạn: Tâm lý bị ảnh hưởng quá mức bởi cường quyền (authority misinfluence) sẽ làm chúng ta kém khôn ngoan ra sao, ngài Munger & S.A.F.E – The Golden Newsletter Vietnam
Trích đoạn trong bản in đặc biệt độc nhất của TGN “Tâm lý học hành vi sai lầm của loài người – ngài Munger”, phát hành nhiều năm trước (https://wp.me/pcnhon-L4)
Đặt mua ấn phẩm đầu tư giá trị đầu tiên & duy nhất tại Việt Nam – TGN: https://wp.me/Pcnhon-z1

@Ngài Munger: “Sống trong một xã hội giai cấp, loài người cũng như tất cả tổ tiên, đã được sinh ra để đi theo những người lãnh đạo – vốn là nhóm thiểu số.

Tự động phải theo đuôi như vậy, chúng ta thấy con người thường xuyên gặp sai lầm lớn khi vị lãnh đạo đó sai lầm rõ ràng, hoặc khi việc giao tiếp giữa lãnh đạo và cấp dưới bị hiểu sai hoặc gặp vấn đề trong truyền đạt.

Trong Thế chiến thứ 2, một phó cơ chiến đấu mới vào, vì muốn chiều lòng cơ trưởng, nên đã nghe lời người cơ trưởng răm rắp đến mức bỏ qua nguyên tắc an toàn, làm chiếc phi cơ đâm thẳng vào núi. Một lần khác, khi tôi đi câu cá ở thung lũng Colorado, người hướng dẫn (guide) đã kể tôi một câu chuyện rất thú vị. Một vị khách sang trọng đến câu cá nhưng không biết gì, ở đây người hướng dẫn là một dạng cường quyền đối với anh ta. Câu được một lúc, thấy cần động đậy, hướng dẫn viên la lên: “Cho nó cái cần câu đi. Cho nó cái cần câu đi.” Dù ý người hướng dẫn muốn vị  khách hãy thả lỏng dây để cá dính câu, vị khách ấy không hiểu vì sao lại thẩy luôn chiếc cần câu đắt tiền xuống biển khơi vạn dặm… Ví dụ này cho thấy sức mạnh của cường quyền trong một tình huống áp lực (stress) ra sao, khi mà não người chẳng còn suy nghĩ được gì cả.

Trong kinh doanh, một vị tiến sĩ Tâm lý học ngày ấy vô tình được giao chức CEO một công ty sản xuất. Sung sướng quá, ông xây một trụ sở văn phòng đắt tiền, rồi còn đúc hẳn một tầng hầm để rượu vang hảo hạn ở một tỉnh xa xôi. Rồi một ngày, cấp dưới ông ta báo lên rằng tiền mặt sắp cạn kiệt. Ông la lên: “Lấy tiền dự trữ trong quỹ khấu hao (depreciation) ra mà xài!” – mặc cho bản chất khấu hao là chi phí không bằng tiền, nằm ở khoản mục phải trả…

Tâm lý bị ảnh hưởng bởi cường quyền này mạnh đến mức mà người CEO này, cộng với nhiều trường hợp tệ hại khác, vẫn còn được yên vị ở những chức vụ quan trọng dù rằng việc phải thay thế họ là vô cùng rõ ràng!”

@S.A.F.E (cập nhật T8/2022): Ấy vậy mà quan điểm đại chúng hiện nay là gì: “Đừng dạy người giầu cách tiêu tiền”, hoặc “Mày là ai mà dám nghi ngờ quyết định của tỷ phú USD?” hoặc “Mua công ty bluechips vốn hóa hàng chục nghìn tỷ nầy thì dù mua ở bất cứ giá nào thì cũng không thể thua lỗ được”, v.v và v.v Đó đều là dấu hiệu của căn bệnh “bị ảnh hưởng quá mức bởi cường quyền”, dù ở trên ngài Munger ví dụ đến câu chuyện về thể chế (hierarchy) trong một tổ chức nhiều hơn.

Lằn ranh giữa việc tin tưởng một người có năng lực, khôn ngoan, hợp tình hợp lý, có track record, đã được thời gian kiểm chứng so với việc mù quáng tin tưởng mọi quyết định, mọi điều họ nói mà không có chút suy nghĩ, kiểm chứng, tư duy độc lập (independent), tư duy phản biện (critical) hay tư duy khuyển nho (cynical) nào là vô cùng mờ nhạt, chỉ cần vượt lên một chút đã đủ để biến ta trở thành một “loài cừu kém khôn ngoan”.

Đây là một thói quen hằn trong não bộ đã được ghi nhận kể từ thời kỳ tiền sử: khi mà các thành viên trong nhóm răm rắp vâng theo các trưởng nhóm, trưởng bầy đàn khi ra các quyết định săn bắn, khi trú ngụ, khi đối diện với nguy hiểm…

Quay lại tiêu đề chính ngày hôm nay, vì sao bẫy tâm lý bị ảnh hưởng quá mức bởi cường quyền, nói cách khác, mù quáng tôn thờ những người giầu có, cường quyền mà không có chút tư duy độc lập nào sẽ làm chúng ta kém khôn ngoan đi theo thời gian?

  • Thứ nhất, các doanh nghiệp, lãnh đạo cường quyền cũng chỉ là loài người (human). Mà loài người thì lịch sử hàng nghìn năm qua luôn luôn ra những quyết định sai lầm, kém khôn ngoan vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân tâm lý là chủ đạo.

Từ thời vua chúa La Mã/Hy Lạp cổ đại, từ Tây sang Đông, từ lịch sử Trung Hoa hàng nghìn năm trước cho đến các đợt bong bóng – đổ vỡ tài chính loài người ở khắp các quốc gia khác nhau như Tulippomania, Mississippi, South Sea, The Great Depression 1929, Dot-com, 2008, v.v, loài người – kể cả hạng cường quyền, tỷ phú, triệu phú và đại bộ phận khác – đều lâm vào các bẫy tâm lý mà ngài Munger đã chỉ ra. Chúng tôi còn nhìn thấy các hạng doanh nghiệp khổng lồ, “bluechips”, được mọi báo chí và phố Wall khuyến nghị trong một giai đoạn, sau đó chỉ 5-7 năm sau một chuỗi streak các quyết định ngớ ngẩn đã biến mất khỏi chỉ số nhanh chóng làm sao… Họ lặp đi lặp lại các sai lầm mà hàng loạt thế hệ trước đã mắc phải, dù nó ở các thể thức & nguyên nhân khác nhau.

Dường như loài người chúng ta vẫn chưa thay đổi mấy: chúng ta tràn đầy lòng ghen ghét/đố kỵ, tràn đầy nỗi sợ bị bỏ lại, sợ bị tước mất cơ hội, lạc quan quá mức khi thành công trong ngắn hạn, xóa bỏ nghi ngờ để quyết định nhanh, thúc đẩy bởi động lực tiền bạc ngắn hạn, v.v Đây là các bẫy tâm lý phổ biến ở mọi người trong chúng ta, kể cả các hạng tỷ phú, cường quyền. Đây cũng là lý do chúng tôi thường nói đùa rằng hình như loài người chúng ta “vẫn chưa tiến hóa mấy” về mặt tâm lý (cười)!

  • Thứ hai, mọi người thường quy các thành công trong quá khứ của các hạng doanh nghiệp, lãnh đạo cường quyền là do năng lực 100%, song các yếu tố rất quan trọng, thậm chí chiếm phần chủ đạo trong thành công đột biến mà họ không nghĩ tới là yếu tố thời điểm (timing), yếu tố quý nhân/đồng đội tốt bụng giúp đỡ (help) hoặc đơn thuần là sự may mắn (luck). Khi họ hết may mắn đi, hay nhiều người còn gọi là “hết phước”, thì mới lộ ra điểm yếu chí mạng.

Quý độc giả cứ nhìn lại bản thân mình và bắt đầu nghĩ thử xem yếu tố thời điểm (timing) đã cứu rỗi chúng ta như thế nào.

Thử tưởng tượng nếu chúng ta sinh ra cách đây 80 năm, nơi mà chiến tranh Pháp, Nhật, Mỹ – nạn đói, bom đạn hoành hành, thì liệu chúng ta có bao nhiêu % xác suất sinh tồn chứ đừng nói đển mức so đo nhau biệt thự, xe sang, con cái học trường quốc tế như ngày nay? Hay chúng ta sinh ra 80 năm sau nữa, thử nghĩ rằng liệu nền kinh tế và TTCK Việt Nam có còn đạt được mức tăng trưởng cao lần lượt >5% CAGR và >12% CAGR hay không? Đó là chúng tôi chưa tính đến các yếu tố khác như quý nhân phù trợ (ăn học đầy đủ, có vốn kiến thức & vốn liếng nhất định để bắt đầu kinh doanh, đầu tư gì đấy, v.v) và may mắn khi không bệnh tật mãn tính gì nghiêm trọng, sức khỏe tốt, mỗi sáng thức dậy đều tự do làm điều mình muốn, v.v Tất cả điều đó đã là một sự may mắn đến khủng khiếp (*)

Và lý lẽ tương tự với những hạng doanh nghiệp, lãnh đạo cường quyền – chúng tôi không muốn “bash” họ rằng họ hoàn toàn may mắn 100%, chắc chắn họ là những người rất thông minh, nhạy bén với cơ hội, làm việc chăm chỉ – song các yếu tố về thời điểm, quý nhân, đồng đội và may mắn giúp họ sống sót được đóng góp tỷ trọng lớn là không thể chối cãi. Vì vậy khi nhìn đến thành công của một người, chúng ta cần phải xét toàn diện mọi yếu tố chứ không thể giả định ngay, đồng thời khi quyết định tin tưởng họ, thì ta cần phải nhìn xem động thái tiếp theo trong tương lai của họ đã được suy tính khiêm tốn, logic, cẩn trọng và khác biệt so với số đông hay chưa…

  • Cuối cùng, việc mù quáng tin tưởng, thờ phượng những người giầu có, cường quyền sẽ làm chúng ta trở nên chủ quan, lười biếng tư duy, vật chất hóa, và trở nên kém cỏi trước những rủi ro không thể lường trước được.

Ngoài việc bỏ qua bản chất loài người, yếu tố may mắn/thời điểm/quý nhân của hạng cường quyền, sự mù quáng do “authority misinfluence” gây ra sẽ làm ta có thói quen lười biếng tư duy, động não, “khuyển nho”, nghi ngờ và đánh giá các mặt khác nhau của một quyết định quan trọng. Chúng ta sẽ chủ quan, cho rằng mình “bất khả xâm phạm” và nhận lấy kết cục đau đớn ngay sau đó nhanh chóng.

Như đã trích một đoạn câu chuyện rất hay trong ấn phẩm kỳ 59 T6/2022 vừa qua, Michael Moritz – đồng sáng lập Sequoia Capital – cho rằng mình sống sót được 40+ năm qua là nhờ ông & đội ngũ luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn sợ phá sản mà cân nhắc mọi rủi ro ngược chiều, mọi quyết định sai lầm có thể nhấm chìm công ty bất cứ lúc nào. Một số NĐT giá trị huyền thoại mà chúng tôi từng nghiên cứu qua còn thổ lộ rằng họ có hẳn căn phòng hay bức tường gọi là “Wall of Shame”, nơi họ treo những bài học sai lầm để nhắc nhở họ mỗi sáng rằng họ có thể ngu ngốc lại bất cứ lúc nào!

Mặt khác, trong một xã hội kinh tế thị trường ngày nay, chúng ta không thể lảng tránh chủ đề tiền bạc, vật chất và xu hướng xã hội muốn tập trung đến nó. Song nếu một người quá tôn thờ vật chất dẫn đến mù quáng thì anh ta sẽ rất rủi ro, trong đó có nguy cơ biến thành “loài cừu” bị người khác thao túng không hơn không kém. Để thay lời kết, chúng tôi xin trích lại một đoạn phản biện chúng tôi rất thích thú của tác giả lớn tuổi Đặng Hoàng Giang, ông viết chương “Sự khốn cùng của tư duy triệu phú” trong quyển “Bức xúc không làm ta vô can”, 2015, như sau:

@Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: “…T. Harv Eker, tác giả cuốn Những bí mật của tư duy triệu phú, hướng dẫn bạn đọc cài đặt tư duy của người giàu bằng cách đặt tay lên tim và nói: tôi là một người đón nhận tuyệt vời, tôi sẵn sàng và rộng mở đón nhận lượng tiền khổng lồ đến với cuộc đời tôi. Sau đó hãy chạm nhẹ lên đầu và nói: tôi có tư duy triệu phú. Nghĩ giàu làm giàu không yêu cầu bạn lao động vất vả hay có tài năng xuất chúng, chỉ cần bạn rất, rất mong muốn trở nên giàu có, thế là đủ. Một thanh niên trên mạng đặt ra mục tiêu sau năm thứ nhất có 100 triệu VND, sau năm thứ hai có 1 triệu USD, sau năm thứ 10th có 1 tỷ USD (?!) Sự khốn cùng của tư duy triệu phú là ở chỗ nó làm cho tê liệt khả năng tư duy độc lập, phản biện và ý thức xã hội, những điều đang thiếu nhất ở Việt Nam. Nó không dẫn đến Khai sáng và Minh triết. Đám đông đi theo nó vừa giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích của mình, tin tưởng rằng mọi đúng đắn, chính nghĩa và đạo đức nằm ở những kẻ giầu có mà họ thờ phượng…”

Saigon, đăng lại một chiều mưa 09.08.2022, bởi S.A.F.E team – TGN

 

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

Tình cảm quý độc giả 2023

Ap 74 chính thức phát hành!

Ấn phẩm mới phát hành
Ấn phẩm mới phát hành

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!