Cuộc đời và triết lý kinh doanh của ngài Henry Ford – The Golden Newsletter Vietnam
Trích từ ấn phẩm đầu tư giá trị V, phát hành 12/2017, Golden Newsletter Vietnam

Cách đây nhiều năm, hiếm có ai có thể tưởng tượng được làn sóng khởi nghiệp trong giới trẻ Việt Nam lại có thể bùng nổ như lúc này. Những câu chuyện thất bại, những tấm gương thành công, những chương trình truyền hình đầy hào nhoáng, …, đều đang thể hiện một tín hiệu rất tốt. Nhưng khi ngồi buông mình đọc quyển tự truyện của ngài Henry Ford rồi ngẫm lại thực trạng kinh doanh hiện nay, tôi lại nhận thấy một quy luật đang bị đảo ngược tại Việt Nam tương tự như ở Hoa Kỳ một thế kỷ trước…

Đó là thực trạng đồng tiền lại được đặt trước kết quả (!) mà một doanh nhân phải tạo nên từ sản phẩm của mình – thứ mà lẽ ra anh ta chỉ có thể nhận được sau khi phục vụ cho xã hội. Ấy vậy mà hiện nay, hầu hết các bạn trẻ, thậm chí cả các kênh truyền thông và quan điểm xã hội đều đo đạt giá trị của một doanh nhân khởi nghiệp qua số tiền mà họ huy động được. Doanh nhân trẻ A đã huy động được “5.5 triệu USD từ Hongkong, một thành công lớn”; “cô doanh nhân B thu hút được 2 tỷ đồng chỉ sau 45 phút thuyết trình”; “lần đầu tiên trong lịch sử, doanh nghiệp X của Việt Nam được ông lớn Google rót vốn”, v.v. Tất cả các thứ “sặc mùi vật chất” hào nhoáng ấy đều đang dần biến trở thành ước mơ, thậm chí là mục tiêu chính của đa số các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam.

Song ít ai biết rằng, một trong những tượng đài khởi nghiệp đầu tiên, ngài Henry Ford, đã phải làm việc mỗi buổi tối sau giờ đi làm công, 7 ngày trong tuần, trong hơn 10 năm, trước khi ông hoàn thiện được sản phẩm ôtô đầu tiên của mình. Thứ sản phẩm mà lúc đó ông thậm chí còn đang trong giai đoạn hoàn thiện, chứ đừng nói đến chuyện thu hút nhà đầu tư. Như vậy, triết lý kinh doanh đúng đắn mà câu chuyện thực về cuộc đời của ngài Henry Ford đã chứng minh là gì?

I. Một kỹ sư bẩm sinh với niềm đam mê không ngừng nghỉ

Đầu tiên, chúng ta phải tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời và hàng chục năm phấn đấu của Henry Ford trước khi chúng ta nhận xét về kết quả và triết lý kinh doanh mà ông đúc kết được.

Sinh thành ngày 30/7/1863 tại một nông trại nghèo nàn ở Michigan, Henry Ford đã quen thuộc với những công việc lao động chân tay vất vả tại nông trại gia đình ông. Ngay từ nhỏ, ông đã luôn muốn thay đổi cách thức hoạt động của một công việc nào đó theo hướng tốt hơn – tư tưởng cốt lõi của một doanh nhân chính nghĩa.

Chính suy nghĩ đó đã khiến ông đam mê ngành cơ khí, và nguời mẹ của ông đã thể hiện niềm tin rất lớn vào ông, luôn miệng nói rằng ông là một thợ máy bẩm sinh.  Mười lăm tuổi, ông nhận sửa các loại đồng hồ cơ khí trong làng miễn phí, và ông rất tự hào vì sự hữu ích của mình. Vài năm sau đó, ông học việc ở một đại lý cơ khí của hãng nổi tiếng Westinghouse.

Song Ford chỉ làm được gần một năm tại đó vì những người ở công ty này không cho rằng các thí nghiệm của ông với động cơ đốt trong có tí thực tiễn nào. Họ vẫn tin vào động cơ hơi nước là tốt nhất. Sau này khi lập công ty riêng, ông cũng ngại tuyển các chuyên gia có thái độ như ở Westinghouse vì ông hiểu rằng các chuyên gia là những người quá hàn lâm đến mức họ biết mọi lý do để không thử thực hiện một việc gì đó (!) Họ luôn nhìn thấy những giới hạn trong cơ hội.

Năm 1890, lúc 27 tuổi, sau khi cưới vợ và dành một vài năm thí nghiệm ở nông trại, Ford được nhận vào làm kỹ sư điện tại Detroit Company với mức lương rẻ mạt 45USD/tháng. Sau khi làm ca sáng chiều tại xưởng của công ty mới, hằng đêm và cả ngày thứ Bảy thay vì để nghỉ ngơi, ông đều mày mò làm việc với động cơ đốt trong mới. Ông luôn tin chắc về sự thành công và chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Không có công việc nào đi với niềm đam mê ông lại coi là vất vả.

Trong khoảng thời gian đó, ông thuyên chuyển sang công ty điện Edison, được thăng chức và tăng lương lên 125USD/tháng. Tuy nhiên, các vị giám đốc công ty Điện lại luôn coi thường ông vì các nghiên cứu ngớ ngẩn: “Điện là thứ chúng ta sẽ dùng, nhưng xăng thì không.” Họ trao cho ông cơ hội được giữ chức quản lý toàn bộ xướng sản xuất, với điều kiện ông phải từ bỏ động cơ chạy xăng để chuyên tâm cho công việc. Điều này đã làm cho Henry Ford đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan (dilemma) vô cùng khó khăn: chọn giữa công việc thu nhập cao – cơ hội thăng tiến rộng mở – hay niềm say mê ôtô chẳng có tương lai chắc chắn nào của mình. Cuối cùng, ông đã chọn ôtô và thôi việc – một quyết định tôi cho rằng rất dũng cảm. Sau này nhớ lại, Ford mới khẳng định rằng thật ra ông không có lựa chọn nào cả. Con tim ông đã luôn mách bảo với ông rằng ôtô chính là thứ sẽ giúp ông thành công!

Vào năm 1902, gần 40 tuổi đời và hàng chục năm thí nghiệm, Henry Ford bắt đầu thực sự tự thiết ký động cơ 4 xy lanh tại xưởng của mình trong bối cảnh ngành ôtô bắt đầu phát triển vượt bậc.  Lúc này, ông chẳng có một phút nào gọi là thảnh thơi, ông hoàn toàn chú tâm chế tạo động cơ chạy bằng xăng và làm ra chiếc xe có tốc độ nhanh nhất thế giới. “Một công nhân phải làm việc có giờ giấc, nếu không anh ta sẽ mệt mỏi. Nhưng nếu anh ta muốn tiến xa hơn, thì tiếng chuông báo hết giờ làm việc chỉ là dấu hiệu để anh ta tiếp tục suy nghĩ và thực hiện các dự định tương lai của mình.” – ông kể lại.

II. Từ “kẻ suýt vào tù” đến ông vua ngành ôtô

Bốn năm sau, công ty ôtô Ford ra đời mẫu xe đầu tiên Model A với giá 750USD, thấp hơn một nửa so với mức trung bình của thị trường, sở hữu chất liệu tốt, loại bỏ mọi chi tiết cồng kềnh, dễ sử dụng với mọi khách hàng, độ bền cao hàng chục năm – thậm chí không cần phải thay chi tiết máy mỗi năm – và sở hữu công suất 80 mã lực, cao gấp nhiều lần các dòng xe khác. Trong ngay năm đầu tiên, mẫu model A đã bán được 1,708 chiếc, và tăng trưởng 50% mỗi năm sau đó – thể hiện mức độ chất lượng và giá cả hợp lý mà sản phẩm của Ford đáp ứng cho thị trường.

Tuy nhiên điều này bắt đầu thu hút sự chú ý của các đối thủ cạnh tranh và những kẻ chơi xấu. 15/09/1909, hiệp hội các nhà sản xuất ôtô có bản quyền kiện lên tòa án quận Hoa Kỳ để chống lại Ford và công ty sản xuất “không giấy phép” của ông. Họ muốn công ty Ford bị phân tâm bởi các vụ kiện và lâm vào cảnh phá sản, còn Ford thì vào tù. Tuy nhiên, ngài Ford chưa bao giờ run sợ và ông luôn tin chắc rằng mình sẽ chiến thắng vì đối tượng ông phục vụ chính là cộng đồng xã hội. Bất ngờ thay, dù đối phương chi hàng triệu đô la, nhờ sự ủng hộ từ công chúng, công ty Ford đã trắng án vì ngành ôtô không nhất thiết phải có bản quyền sáng chế và càng được quảng cáo thêm thương hiệu.

Suýt vào tù và phá sản, giờ đây công ty của Ford thậm chí lại phát triển vượt bậc hơn bao giờ hết. Nhiều năm sau, ông ra đời Model T, bán hàng chục ngàn chiếc mỗi năm và chính thức trở thành ông vua ngành ôtô tại Hoa Kỳ. Thương hiệu ôtô Ford đã xuất khẩu sang khá nhiều các quốc gia khác, thậm chí phục vụ cho chiến tranh Thế giới thứ nhất. Ngoài ra, một điểm khiến Ford trở thành huyền thoại trong giới kinh doanh Mỹ lúc bấy giờ là bởi vì ông là người đầu tiên phát minh dây chuyền sản xuất tự động hóa, áp dụng tính chuyên môn hóa cho mỗi công nhân, từ đó giảm giờ làm của họ xuống 8h/ngày, 5 ngày trong tuần, và đặt ra mức lương tối thiểu – thứ vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay.

III. Bài học về triết lý kinh doanh “đích thực”

Do không có nhiều giấy mực, chúng tôi chỉ có thể tóm tắt ngắn gọn cuộc đời chăm chỉ, kiên định và phi thường của ngài Henry Ford như vậy. Tuy nhiên, nếu xét khoảng thời gian mà Ford bỏ ra cho ý tưởng của mình, cho đến mục tiêu chính yếu mà ông đặt ra, chúng ta mới thấy quy luật kinh doanh ngày nay đang bị đảo ngược, chạy theo vật chất ngắn hạn một cách đáng buồn… Quay lại câu hỏi đầu bài, triết lý kinh doanh đúng đắn mà Henry Ford muốn nói là gì?

(1) Khởi nghiệp kinh doanh phải bắt đầu với mục tiêu là đem lại giá trị cho xã hội. Nói cách khác, sản phẩm/dịch vụ mà một doanh nhân trẻ làm ra cần phải đáp ứng nhu cầu, giải quyết một vấn đề hay cải tiến một công việc mà trước đây chưa ai có thể làm tốt hơn. Nó không nhất thiết phải là ý tưởng hoàn toàn mới mẻ, song nó phải phục vụ xã hội, rồi lợi nhuận sẽ đến sau đó. Điều này hoàn toàn trái với lại tư tưởng kiếm tiền/huy động vốn cho bản thân mà đa số giới khởi nghiệp hiện nay đang mơ ước.

(2) Bất cứ doanh nhân nào cũng phải trải qua giai đoạn “sống một mình” với dự án riêng của mình. Dù cho tất cả những người xung quanh, thậm chí cả những người có vị thế cao hơn người doanh nhân đó không tin tưởng vào sản phẩm/dịch vụ mà anh ta đang làm ra. Anh ta cần phải có niềm tin vào tầm nhìn của bản thân và giá trị mà anh ta sẽ làm ra cho xã hội. Đây chính là giai đoạn khó khăn nhất của bất kỳ công ty mới thành lập nào, và đó là mấu chốt khiến 90% từ bỏ, và chỉ còn 10% ở lại thành công. Anh ta phải khởi đầu với mục tiêu đúng, sau đó kiên trì với nó qua thời gian dài.

(3) Một doanh nhân chăm chỉ, luôn bận rộn suy nghĩ để phát triển sớm muộn sẽ thành công. Một người chỉ làm việc trong giờ hành chính sẽ chỉ hoàn thành trách nhiệm của mình và có tiềm năng hạn chế. Một người nhàn rỗi và một người bận bịu về lâu về dài sẽ nhận được kết quả khác nhau – đó là quy luật tất yếu của cuộc sống.

(4) Sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao với giá phù hợp sẽ đạt quy mô lớn hơn nhiều. Henry Ford không tin vào sự xa hoa với giá cả quá đắt đỏ. Nếu doanh nhân có tầm nhìn, sản phẩm vừa tốt vừa có giá hợp lý có thể đạt quy mô toàn cầu.

(5) Sản phẩm tốt là sản phẩm có thể sử dụng lâu bền, phục vụ số đông dân cư. Ford luôn chỉ trích các doanh nghiệp sản xuất cẩu thả, mỗi năm thay đổi mẫu mã liên tục để bán hệt như bán thời trang vậy. Ông đề cao sự bền bỉ của sản phẩm, nhờ vậy, khách hàng có được trải nghiệm tốt sẽ tìm đến thương hiệu của công ty và mua với số lượng lớn hơn.

(6) Luôn đối xử tốt với đội ngũ nhân viên và nhà cung cấp của bạn. Lí do khiến công ty của Ford có thể bền vững hàng trăm năm là do hệ thống quản lý của ông luôn đứng trên góc độ của nhân viên. Đãi ngộ đúng với năng lực, trao quyền tự chủ và luôn giữ uy tín thanh toán với các nhà cung cấp, Ford đã tạo nên lợi thế cạnh tranh vô hình khổng lồ.

(7) Luôn phải cải tiến liên tục quy trình và cách thức làm việc để tăng năng suất, tiết kiệm chi phí. Một tư duy kinh doanh cuối cùng mà chúng tôi khá nể phục chính là sự không bằng lòng với hiện tại và liên tục cải tiến quy trình kinh doanh của Ford. Nhờ vậy, ông đã phát minh ra dây chuyền tự động hóa đầu tiên, thay đổi bộ mặt của toàn bộ ngành sản xuất.

Trích dẫn, dịch thuật, và bình luận thêm từ quyển “Henry Ford: My life and work, 1922” bởi Angelos

TGN_Angelos

Biên tập viên, Trưởng bộ phận Marketing
angelos@newslettervietnam.com

View all posts

Ap 79 chính thức phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2024”

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!