Định nghĩa thật sự về rủi ro của cổ phiếu (kỳ 1) – The Golden Newsletter Vietnam

Chuỗi bài viết Quan điểm ngược chiều thách thức những niềm tin, giả định và dự báo thịnh hành & sai lầm trên thị trường thông qua lập luận, logic và những góc nhìn rủi ro mà nhiều nhà đầu tư cá nhân bỏ qua

Link chi tiết bài viết trong ấn phẩm đầu tư

Khái niệm về rủi ro (risk) đã có từ rất lâu đời kể từ những bản trường ca The Odyssey của Homer vài trăm năm trước Công nguyên. Cũng như cách mà nó ra đời và được mọi người xem như một điều thông thường, rủi ro là một trong những khái niệm bị hiểu sai nhiều nhất trên thị trường tài chính – nơi mà những biến động, cảm xúc tâm lý và sự phức tạp hóa đã lấn án tất cả những lý lẽ cơ bản về kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, thế nào mới là định nghĩa đúng về rủi ro của cổ phiếu?

I. Những niềm tin đương đại sai lầm

Trước hết, dù chúng tôi không phải là những vị giáo sư, những nhà học giả được giải Nobel, song qua nhiều năm kinh nghiệm và học hỏi từ những bộ óc vĩ đại nhất trên thị trường tài chính thế giới, chúng tôi mạnh dạn cho rằng có 03 niềm tin đương đại sai lầm sau đang chi phối cách nghĩ về rủi ro cổ phiếu của các nhà đầu tư cá nhân – thậm chí cá những bạn sinh viên khối ngành kinh tế ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường:

<1> Rủi ro đồng nghĩa với biến động

Niềm tin này là một trong những vấn đề gốc rễ của thuyết CAPM (capital asset pricing model) để tính tỷ lệ chiết khấu cho bất cứ mô hình định giá cổ phiếu bằng chiết khấu dòng tiền (DCF) nào ngày nay. Trong thuyết này, rủi ro của một cổ phiếu càng cao khi mà độ biến động của cổ phiếu đó càng nhiều – tức là hệ số beta càng lớn.

Song liệu việc đo lường biến động đồng nghĩa với rủi ro có thực sự hợp lý hay không khi sự ổn định chưa chắc đã đạt yêu cầu an toàn cho nhà đầu tư? Chẳng hạn một nhà đầu tư nếu đứng trên góc độ đó cách đây nhiều tháng, sẽ cho rằng cổ phiếu SHB với mức giá dao động mạnh quanh mốc [4.5] sẽ rủi ro hơn nhiều lần so với cổ phiếu HAX với mức giá ổn định trên [70] trong khi chúng ta thấy một kịch bản hoàn toàn ngược lại (!) Hay một ví dụ khác về việc chúng ta luôn cho rằng thị trường cổ phiếu biến động nhiều và rủi ro cao, song thực tế việc đầu tư trái phiếu chính phủ hay gửi tiết kiệm ngân hàng được cho là an toàn cách đây 30 năm tính đến thời điểm hiện tại đều đem lại kết quả thậm tệ vì tình trạng siêu lạm phát của VNĐ.

Chúng tôi không cho rằng sự biến động không phải là rủi ro – xét đến những nhà đầu cơ dùng margin hoặc các nhà đầu tư dễ bị thị trường chi phối tâm lý. Tuy nhiên, việc đánh đồng toàn bộ rủi ro thành duy nhất một đại lượng là “độ biến động” đang quá đơn giản hóa vấn đề và làm các nhà đầu tư cá nhân bị lệch lạc ra khỏi tư duy về rủi ro kinh tế thực sự của doanh nghiệp và của nền vĩ mô sở tại.

<2> Rủi ro có thể lượng hóa được

 Với niềm tin sai lầm này, nếu chúng tôi chính thức hóa phản biện sau đây thành một nghiên cứu, chắc hẳn sẽ gặp vô cùng nhiều sự tranh cãi đến từ giới học thuật. Chúng tôi tin rằng bất kỳ lĩnh vực nào liên hệ tới xã hội học, tâm lý học hay cụ thể hơn là có sự tham gia của con người, những định lượng về toán học hay đại số chỉ có thể là công cụ, song không thể là câu trả lời cho mọi trường hợp được. Đó là bởi vì hành động của con người, phần lớn dựa trên cảm xúc, thay vì dựa trên lí  trí để mà các công thức của các nhà toán học thông minh có thể dự đoán chính xác như quy luật vật lý hay hóa học.

Chính vì lí do đó, trong lĩnh vực kinh tế học và thị trường tài chính – nơi mà sự tham gia của con người là thiết yếu và vô cùng mạnh mẽ, những mô hình toán học phức tạp – và sau này có thể là những trí tuệ thông minh nhân tạo (AI): đã, đang và sẽ thất bại trên thị trường tài chính theo dự đoán của chúng tôi. Nhìn về lịch sử sụp đổ Long-term Capital Management của Myron Scholes & Robert Merton năm 1998 hay việc các tay đại số (quants) của phố Wall hoàn toàn “mù mịt” với rủi ro khủng hoảng 2008, nhân tố con người và những gì thực sự đang diễn ra với nền kinh tế và doanh nghiệp bị bỏ qua bởi những mô hình học thuật trên máy tính. Điều này đang ngày càng lớn dần lên với môi trường công nghệ cao hiện tại, nơi mà những sự kiện như thiên nga đen (black swan) có thể xảy ra bất cứ lúc nào và làm phá sản những chiến lược đầu tư máy móc với đòn bẩy tài chính lớn.

Ba người đạt giải Nobel sáng lập ra Long-term Capital Management

<3> Rủi ro cao đồng nghĩa với lợi nhuận cao

“High risk – high return” – rủi ro cao, lợi nhuận cao – không chỉ là thành ngữ phổ biến nhất tại thị trường Việt Nam mà còn cả ở phố Wall của Hoa Kỳ. Tuy nhiên quan điểm này chỉ đúng một phần, và đa số nhà đầu tư cá nhân hiện nay tin vào nhận định này đang đẩy bản thân vào tình huống nguy hiểm vì chưa hiểu rõ về mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận tiềm năng.

Chúng tôi khẳng định mạnh mẽ rằng trong triết lí đầu tư giá trị, rủi ro và lợi nhuận tiềm năng là một mối quan hệ ngược chiều chứ không phải thuận chiều như niềm tin thông thường. Những đối tượng chọn lựa phương pháp đầu tư rủi ro cao sẽ nhận được kết quả đầu tư thua thiệt tương xứng trong dài hạn. Cũng giống như trong trò chơi bài Texas Holdem’ Poker nổi tiếng, chiến lược liên tục đặt cược hết số tiền (all-in) với quân bài yếu hơn cộng với số tiền trong pot không đáng kể trong dài hạn sẽ làm người chơi mất hết số vốn vì xác suất thua cuộc nhiều hơn số tiền tiềm năng mà người chơi có thể kiếm được. Tương tự vậy, việc nhà đầu tư cá nhân thường xuyên trả một mức giá cao bất thường cho các cổ phiếu đầu cơ sẽ làm anh ta khánh kiệt vì xác suất chiều tăng thấp vô cùng so với chiều xuống.

“Vậy thì tại sao những quỹ đầu tư mạo hiểm, những nhà đầu tư “kền kền” lại đạt được lợi nhuận phi thường?” – nhiều đọc giả sẽ hỏi chúng tôi. Đó là bởi vì chúng ta đang nhầm lẫn giữa rủi ro thực sự và sự không chắc chắn (uncertainty). Những quỹ đầu tư mạo hiểm hay nhà đầu tư chủ động luôn tìm kiếm những cơ hội đầu tư với lợi nhuận tiềm năng rất cao so với cái giá họ phải trả; sự không chắc chắn lại chính là người bạn tốt nhất của họ. Cũng như những doanh nhân khởi nghiệp như Bill Gates, hay Steve Jobs, họ chưa bao giờ trả một mức giá quá cao để phát triển doanh nghiệp của họ mà chỉ bắt đầu ở một xưởng garage nhỏ. Trên thị trường chứng khoán, việc yêu cầu rủi ro thấp và biên độ an toàn cho mọi khoản đầu tư không đồng nghĩa với việc lợi nhuận tiềm năng thấp; và đó là triết lý nền tảng mà chúng tôi muốn đưa đến các nhà đầu tư cá nhân – cũng như quy tắc số 1 của ngài Buffett: “Đừng để mất tiền” vậy.

(còn tiếp kỳ 2)

Filologos

TGN_Filologos

Tổng biên tập, Cố vấn đầu tư cao cấp
filologos@newslettervietnam.com

View all posts

Ấn phẩm 78 sắp phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!