Hầu hết các nhà đầu tư giá trị đều không quan tâm đến công nghệ. Họ ưa thích những thứ tài sản hữu hình, suất sinh lợi trong quá khứ và những yếu tố cơ bản khác của doanh nghiệp như lịch sử, kênh phân phối, thương hiệu, v.v Ấy vậy mà khi đọc phần phỏng vấn của ngài Whitney Tilson với một trong những nhà bán khống nổi tiếng nhất giới Huê Kỳ – Jim Chanos, chúng tôi mới ngộ ra nhiều điều về thứ gọi là công nghệ đột phá – từ đó mới tránh được những cái “bẫy giá trị” (value traps) chết chóc trong tương lai…
Bài viết trích từ ấn phẩm XII, tháng 06.2018 và XIV kỳ tới, tháng 09.2018 – Golden Newsletter Vietnam
Đặt mua ấn phẩm: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
@Jim Chanos: “Một trong những địa bàn bán khống ưa thích nhất của tôi chính là những công ty bị lỗi thời vì công nghệ. Các nhà kinh tế học có một luận điểm vô cùng chính xác về lợi ích của những thứ gọi là công nghệ “hủy diệt” (disruptive techonologies) – nơi mà các tiến bộ về công nghệ và sáng tạo đã giúp loài người phát triển và tăng trưởng GDP một cách đột phá.
Tuy nhiên những tiến bộ đó cũng đồng thời tiêu diệt cả một ngành nghề liên quan đến nó. Công nghệ đột phá đã và sẽ luôn luôn có bản chất hai mặt như vậy. Bạn đã từng thấy máy tính cá nhân như Apple, Dell vào những năm 1980s, 1990s đã hủy diệt toàn ngành đánh chữ và máy tính cầm tay như thế nào.
Thời đại giờ đây – thời đại đầu thế kỷ 21 – chính là thời đại của số hóa (digital age). Trong khi nó tạo ra những ông lớn sinh lợi khổng lồ như Google, Facebook, Netflix, nó còn hủy diệt hàng nghìn những công ty bị lỗi thời khác. Những nhà bán lẻ đĩa nhạc là những người phải ra đi đầu tiên. Sau đó là những cửa hàng cho thuê băng đĩa phim ảnh. Những người bạn đầu tư giá trị của tôi mua phải Blockbuster Inc. (một chuỗi cửa hàng cho thuê băng đĩa thống trị thị trường Hoa Kỳ ngày ấy) đã sai lầm hoàn toàn! Những studios bán băng đĩa trực tiếp qua Walmart, đã giết chết các cửa hàng cho thuê băng đĩa – đó là thậm chí chúng ta chưa tính những loại phim ảnh vi phạm bản quyền (piracy) và các loại truyền hình trực tuyến theo yêu cầu.”
@S.A.F.E team: Ở Việt Nam cũng vậy, dù hiểu biết của chúng tôi về công nghệ cũng hạn chế và đang trong quá trình học tập, chúng tôi tin rằng rất nhiều nhà đầu tư giá trị đã sai lầm khi mua phải những công ty bị thu hẹp rõ ràng do sự đột phá về công nghệ!
Taxi truyền thống Vinasun (HOSE: VNS) là một ví dụ cụ thể. Con đường đi xuống của công ty này là rõ ràng, khi lợi thế cạnh tranh của công ty đã bị phá hủy hoàn toàn bởi thời đại smartphone và các dịch vụ gọi xe trực tuyến vừa tiện dụng, vừa có giá cả rẻ hơn như Grab, Go-Jek và nhiều hãng khác trong tương lai. Ngoài ra, ta thấy ở Việt Nam trước đây những ngành nghề khác đang sắp bị “hủy diệt” hoàn toàn như báo in truyền thống, viễn thông cáp đồng, bưu điện, cửa hàng bán lẻ dạng nhỏ lẻ như điện thoại, tạp hóa, điện máy, trang sức, quần áo cũng dần sẽ bị thay thế bởi các ông lớn am hiểu E-commerce, biết cách quảng cáo qua các phương tiện số hóa (digital marketing) và sử dụng bán hàng đa kênh (omni-channel) như một cách thức tiếp cận chuyên nghiệp. Ngoài ra, các phương tiện vận tải như tàu hỏa, xe khách cũng sẽ dần bị thay thế bởi hàng không. Các công ty logistics, cơ khí, sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ truyền thống cũng sẽ dần bị thay thế bởi các đơn vị ứng dụng robots và công nghệ cao.
Phần giới thiệu dài dòng vậy, cốt để quý đọc giả thấy được rằng thời đại số hóa bây giờ công nghệ thay đổi rất nhanh. Nó không còn giống như hàng thập kỷ nông nghiệp/công nghiệp bền vững như trước nữa! Yahoo, Nokia mới đây còn là người đứng đầu, chỉ một thập kỷ sau, đã trở thành một công ty gần như “xác chết”. Do đó, ta phải chăm chỉ cập nhật thường xuyên các công nghệ mới, giữ đầu óc thông thoáng để chào đón các ý tưởng mới lạ. Có như vậy, ta mới không bị lâm vào các bẫy giá trị nguy hiểm như Vinasun, thậm chí có thể tìm được các “túi mười gang” đặc biệt nhờ tầm nhìn ngược chiều, xa hơn đám đông của mình:
(1) Dịch vụ truyền hình trả tiền trực tuyến (over-the-top – “OTT”)
Thay cho thói quen xem TV truyền hình cáp đã ăn sâu vào thói quen chúng ta, truyền hình trả phí Internet OTT tựa như Netflix của Hoa Kỳ đang bắt đầu nở rộ ở Việt Nam với sự gia nhập của FPT Play, Viettel NextTV, … Xu hướng này tạo sự tiện lợi trong thanh toán và chủ động để người dùng chọn nội dung, và sớm muộn cũng sẽ tiêu diệt các loại kênh TV truyền thống ngập tràn quảng cáo và những chương trình ta không ưa thích.
(2) Dịch vụ thanh toán tiện lợi qua điện thoại smartphone, thẻ
Dịch vụ tài chính công nghệ (fintech) cũng là một nơi có nhiều sự sáng tạo mới qua ví điện tử, thanh toán qua điện thoại QR code. Tại Trung Quốc và Hoa Kỳ, phần lớn các giao dịch thanh toán đã được thực hiện qua điện thoại thông minh một cách “kỳ diệu”. Tại San Francisco, tại cửa hàng bách hóa Whole Foods Inc. của Amazon, người tiêu dùng chỉ cần đưa hàng hóa vào giỏ của mình, thì tự động điện thoại smartphone có cài ứng dụng của Amazon Prime đã thanh toán món hàng ấy. Quả thực vô cùng phi thường!
Ngoài những dịch vụ như vậy, càng ngày người tiêu dùng chúng ta sẽ muốn thanh toán nhiều sản phẩm, dịch vụ online hơn. Chẳng hạn đối với truyền hình OTT, ta có thể ngồi ở nhà, nhập thông tin thẻ của mình và thanh toán trực tiếp với công ty nội dung để xem một bộ phim, hay một giải bóng đá ưa thích của mình một cách vô cùng tiện lợi.
Trong 10-15 năm tới, chúng tôi sẽ không ngạc nhiên khi các ngân hàng tại Việt Nam phải giảm chi nhánh và nhân sự để tập trung vào online. Tại Dubai và các tiểu vương quốc Ả rập, các ngân hàng nơi đây đã triển khai số hóa từ đầu 2018, cắt giảm mọi chi nhánh ngân hàng tốn kém chi phí thuê mặt bằng, nhân viên giao dịch. Thay vào đó, họ đi đầu trong việc thành lập các không gian giao dịch trực tuyến, bao gồm mở tài khoản, tra cứu thông tin, nộp tiền/rút tiền qua website hay ứng dụng trên điện thoại của mỗi khách hàng cá nhân.
(3) Robotics và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI)
Một xu hướng nữa là tự động hóa bằng robot với việc robot xe tự hành “AGV” bắt đầu được ứng dụng tại các kho hàng của Anh, Trung Quốc. Theo thống kê sơ bộ, năng suất của AGV bằng 10 công nhân lái xe bốc dỡ gộp lại , hiệu quả tăng 60% so với quy trình thủ công trước đây, thậm chí giúp công ty đó hoàn vốn sau 2 năm.
Các nhà bán lẻ thương mại điện tử (e-commerce) và các đơn vị chuyển phát nhanh như FedEx, UPS, DHL đang ráo riết tự động hóa quy trình kho hàng của mình bằng các robots và băng chuyền tự động hóa cao cấp. Xu hướng này vừa đẩy nhanh thời gian xử lý hàng hóa, vừa giúp giảm chi phí nhân công và tăng lợi nhuận một cách đáng kể – dù rằng việc này sẽ khiến hàng trăm nghìn công nhân phải mất việc, đòi hỏi họ phải có chuyên môn cao hơn về kĩ thuật để thực hiện các công việc cao cấp khác như sữa chữa, quản lý, duy trì các robots và băng chuyền tự động.
Nhắc đến robot, tháng 6 vừa qua công ty OpenAI (trí tuệ nhân tạo) của tỷ phú Elon Musk vừa đạt được thành tựu lớn khi chế tạo ra loài AI có thể hợp tác với nhau để chiến thắng một đội game thủ xuất sắc nhất thế giới. Dù chúng tôi không biết rằng thứ AI trên có thực sự hiệu nghiệm hay không, nhưng quan sát cách mà AI của Google Analytics và Facebook đã dùng thuật toán để học hành vi người tiêu dùng và phân bổ quảng cáo thích hợp mới thấy rằng khi các ông lớn biết cách sử dụng tiền để đầu tư vào công nghệ một cách đúng đắn, sẽ càng làm con hào lợi thế cạnh tranh (moat) của họ nở rộng ra một cách không có điểm dừng.
(còn tiếp – kỳ tới: công nghệ voice assistant, công nghệ internet 5G và IoT, ôtô tự lái nhờ “mắt thần”, co-working space, …)
Saigon, 31.08.2018, Angelos & Europos