Nhiều năm sai lầm, chúng tôi dần hiểu được quy luật tất yếu rằng: trong đầu tư, hay trong cuộc sống đi chăng nữa, ta phải học cách chấp nhận thất bại/sai lầm như một nhân tố tất yếu. Điều đó không có nghĩa rằng ta bất cẩn, vô trách nhiệm. Mà ta phải dám chịu rủi ro, song biết giới hạn chúng một cách thông minh…
Bài viết được trích từ ấn phẩm đầu tư giá trị kỳ XIII – phát hành tháng 08.2018
Đặt mua ấn phẩm: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
Ngài Peter Lynch, trong quyển One Up On Wall St, đã từng có một câu châm ngôn vừa khiêm tốn, vừa chí lí vô cùng: “Trong lĩnh vực đầu tư này, nếu anh giỏi, anh sẽ đúng được 6 lần trên 10 lần. Anh sẽ không bao giờ đúng được 9 lần trên 10 lần cả.”
Thậm chí, chúng tôi nhận thấy rằng chỉ cần 1 hoặc 2 lần ta “rất” đúng thôi, hay còn gọi là các “túi năm gang/túi mười gang”, thì cũng đủ để có thể làm nên một kết quả phi thường!
Câu châm ngôn này thật ra hữu dụng và thâm thúy vô cùng, nếu nhà đầu tư cá nhân chúng ta có đủ trải nghiệm và thất bại trên thị trường:
- Thứ nhất, một nhà đầu tư kinh nghiệm sẽ hiểu rằng anh ta phải kiên nhẫn. Đó là do không bao giờ anh ta có thể sinh lợi trên mọi cơ hội, mọi lúc, mọi nơi được. Một tay chơi Poker lão luyện, cũng hiểu rất rõ bài toán về xác suất này: hắn ta không bao giờ đặt cược vào mọi ván bài, mọi thời điểm, mà chỉ chơi những ván mà hắn chắc thắng nhất, với những đối thủ mà hắn có thể thắng được nhiều nhất.
- Thứ hai, đối với những cổ phiếu mà ta thấy ta đã sai lầm rõ ràng, thì hãy mau chóng cắt lỗ (cut loss) nhanh đi! Chúng tôi từng thấy trên thị trường chứng khoán, nhiều cá nhân thông minh, tính toán phi thường, ấy vậy mà đều chịu thua lỗ thảm hại âu cũng bởi vì cái tánh cố chấp của họ: một, họ không tin rằng họ đã sai; hai, họ hi vọng rằng cổ phiếu có thể quay lại mức giá “tên lửa” mà họ đã sai lầm mua phải; ba, họ chối bỏ thực tại quá đau đớn, bám víu vào tất cả những điều tích cực mà họ muốn nghe thay vì nhìn nhận khách quan về doanh nghiệp. Rất nhiều cổ phiếu không hề đáp ứng chữ cái M nào trong bộ tiêu chí của ngài Phil Town, thậm chí có rủi ro đạo đức quản trị rất lớn như FLC, HAG, HQC, ITA, các công ty thủy sản … đều là nơi mà rất nhiều cá nhân bỏ hết vốn liếng của họ chôn vùi vĩnh viễn thay vì chịu cắt lỗ đúng lúc…
- Cuối cùng, nếu ta tìm được một doanh nghiệp tuyệt vời, có triển vọng lớn, được bán với giá hấp dẫn, thì hãy nhanh nhẹn đầu tư và theo đuổi khoản đầu tư đó đến cùng thay vì kiếm lợi một vài % trong ngắn hạn. Đây chính là điểm khác biệt mà những nhà đầu tư thành công tột đỉnh như Peter Lynch khác với người bình thường: họ chỉ cần đúng 4,5 lần trong 10 lần đầu tư, song họ sinh lợi hàng nghìn % nhờ đức kiên nhẫn của họ. Họ sẵn sàng nắm giữ doanh nghiệp rất lâu, từ 5-10 năm, và dành phần lớn danh mục của họ trong các “túi mười gang” này. Tuy nhiên ở đây, chúng tôi cần phải cảnh báo các nhà đầu tư cá nhân một điều rằng kỳ vọng của chúng ta phải thực tế. Liệu rằng một doanh nghiệp đã lớn đến mức 3-10 tỷ USD như VNM, HPG, VIC, SAB có thể tăng năm đến mười lần hay không, khi mà dân số và chi tiêu của người dân có giới hạn? Liệu rằng một công ty trong một ngành nghề ít tăng trưởng, quy mô nhỏ có thể tăng hàng nghìn % hay không khi mà thậm chí doanh thu của công ty còn bị thu hẹp? Để tìm được một cơ hội tuyệt vời, ta phải đánh giá khách quan 4 tiêu chí M của ngài Phil Town, đồng thời am hiểu rõ triển vọng ngành nghề của doanh nghiệp và cập nhật quan điểm ngược chiều liên tục.
Do đó, trong đầu tư, việc ta sai lầm là vô cùng phổ biến. Nhờ vậy, ta càng phải học cách khiêm tốn, chấp nhận thất bại tất yếu, sau đó hành động nhanh chóng, đồng thời biết cách trân quý nhưng cơ hội đầu tư quý báu, thay vì mất kiên nhẫn, kiếm lợi nhỏ nhặt với tầm nhìn đầu tư hạn hẹp.
Saigon, 29.08.2018, Skopos
Tôi mới biết đến The Golden Newsletter Vietnam và nhóm S.A.F.E thời gian gần đây. Là một người tạm gọi là đang theo đuổi phương pháp đầu tư giá trị tôi cảm thấy rất thích thú với những bài viết có tính chuyên môn và trách nhiệm của các bạn. Trong hai năm 2016, 2017 tôi cũng kiếm được khoản kha khá so với số vốn đầu tư bỏ ra, một tỉ lệ lợi nhuận mà tôi tương đối hài lòng. Số lợi nhuận đó tôi kiếm được bằng cách đầu tư thận trọng dựa trên các nguyên tắc cơ bản kiểu như Graham, Buffet… tất nhiên trong thị trường giá lên thuận lợi. Tuy nhiên tôi đã đánh mất toàn bộ số lợi nhuận đó vào năm 2018, trong một thời gian ngắn. Thị trường lao dốc chỉ là một phần lí do, lí do chính là tôi đã vi phạm nhiều nguyên tắc đầu tư. Hiện nay tôi không còn đầu tư bất kì một cổ phiếu nào nữa nhưng vẫn theo dõi thị trường. Theo tôi thì thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào downtrend và nó sẽ không sớm kết thúc. Ấn phẩm của các bạn là một kênh tham khảo giá trị cho những nhà đầu tư cá nhân như tôi tiếp tục trau dồi học hỏi đầu tư giá trị ở một nơi vô cùng hỗn loạn như thị trường chứng khoán. Chúc các bạn tiếp tục có những bài viết chất lượng hơn nữa.
Rất cám ơn những chia sẻ vô cùng chân thành từ anh,
Đọc qua, chúng tôi biết anh là một người từng trải trên thị trường, và thực sự khách quan khi nhìn lại sai lầm của bản thân. Chúng tôi cũng từng trải qua giai đoạn như vậy nên rất đồng cảm.
Chúng tôi cũng rất vui khi được anh ngợi khen và ủng hộ, chúng tôi sẽ tiếp tục ở đây lâu dài để phục vụ các đọc giả trên chốn thương trường đầy cạm bẫy và lừa lọc này.
Chúc anh thành công trên con đường đầu tư của mình!
S.A.F.E team
Cảm ơn các tác giả vì bài viết hữu ích này!