Chuyện ngắn: Những hạng khách hàng ở phố Wall – ngài Fred Schwed Jr., 1940 – The Golden Newsletter Vietnam

Đối với thị trường Việt Nam, nơi mà độ phát triển đang còn thấp – tương tự Hoa Kỳ cách đây độ 100 năm, và hơn 90% giá trị giao dịch thị trường vẫn còn chiếm bởi số đông các nhà đầu cơ cá nhân, dù biết rằng tác phẩm Where are the customers’ yatchs của ngài Fred Schwed Jr. luôn mang giọng văn trào phúng, “động chạm”, gây chướng tai cho mọi người, song chúng tôi vẫn tin rằng đây là một trong những tác phẩm xứng đáng nhất để ta ngẫm lại, hiểu hơn về môi trường xung quanh và tự sửa mình…

Chuyện ngắn trong ấn phẩm đầu tư giá trị kỳ XVII – phát hành tháng 12.2018
Bài viết cũng được đăng lại trên báo Vietstock: https://vietstock.vn/2018/12/cau-chuyen-ve-cac-khach-hang-o-pho-wall-fred-schwed-junior-1940-3355-643771.htm
Đặt mua ấn phẩm mới & cũ: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

Lược dịch và tổng hợp từ tác phẩm huyền thoại “Where are the customers’ yachts”, 1940, của ngài Fred Schwed Jr.

I. Những hạng khách hàng ở phố Wall

@Ngài Fred Schwed Jr: “Có rất nhiều các hạng khách hàng bên cạnh những nhà đầu cơ cá nhân. Đầu tiên là các ngân hàng, công ty bảo hiểm; và họ là những khách hàng tốt nhất mà bạn có thể có. Chẳng những khối lượng giao dịch của họ lớn, mà họ còn chẳng bao giờ bị “call margin” nữa. Âu là bởi vì Chính phủ không cho phép họ được “sáng tạo” hết khả năng như các cá nhân cả.

Một vài loại khách hàng tốt tiếp theo là những gia tộc lớn, hoặc thậm chí là một vài bà dì giàu có. Đôi khi, các gia tộc này có thói quen giao một phần gia sản của mình cho một vài cậu trai trẻ quản lý. Việc đó làm các anh chàng này có một công việc ổn định. Song tốt hơn hết là anh ta nên lười biếng, bởi vì nếu anh ta nhiệt tình hơn một chút, chẳng hạn như muốn tăng gấp đôi tài khoản lên trong 6 tháng, thì có lẽ ngày tàn của gia tộc trên cũng sắp đến!

Còn lại, phần lớn khách hàng là các cá nhân, dao động từ những người giàu, doanh nhân đang phát đạt cho đến những thành phần thấp hơn. Ở tầng lớp đáy (bottom) của số đó, người ta thấy rất nhiều các tài khoản tí hon, trong đó chứa chan đủ cả sự hi vọng và tuyệt vọng. Những người này, với tài khoản ngân hàng gần như bằng 0 và chẳng có nổi một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, có thói quen nắm giữ vài nghìn mỹ kim giá trị cổ phiếu trong khi vốn chủ của họ chỉ vài trăm đồng vỏn vẹn.

Dù nhiều người phản biện rằng tại sao người giàu có thể dùng đòn bẩy margin mà người nghèo lại không?! Đây là một luận điểm hay, dù tôi không đồng ý với lập luận đó, nhưng cũng chẳng muốn bàn sâu hơn tại sao…

II. Làm sao để thu hút khách hàng?

Cách hay nhất để có một tập khách hàng giàu có, chính là sinh ra trong một gia đình như vậy! Nếu không được thế, thì một gã điển trai ở phố Wall đôi khi có thể cưới họ – thậm chí tôi biết có trường hợp ta chỉ cần quyến rũ họ đôi chút…

Còn lại những cách khác thì cũng giống như bác sĩ và luật sư tìm khách hàng cho họ vậy. Ta có thể lượn quanh và làm cho họ ấn tượng bằng những tài lẻ của ta. Chẳng hạn như, bạn có thể chơi một ván bài bridge thật hay, rồi tự khắc họ sẽ nghĩ bạn có khả năng xử lý các vấn đề phức tạp và rót cho bạn thêm nhiều tiền hơn. Lạ lùng thay, đôi khi ta còn có thể làm tốt hơn bằng cách chơi một trận golf hay, dù rằng điều này chỉ chứng minh được rằng bạn có một chiếc lưng khỏe và dẻo dai (!)

Những kẻ không phải dân chơi thì nên làm bản thân tỏ ra vẻ nguy hiểm mà khuôn mặt của họ cố gắng biểu hiện được nhất có thể. Hầu hết những ứng cử viên này đều khoe rằng bằng một cách bí hiểm nào đó họ bán hết trước một đợt sụt giảm mạnh. Có lẽ rằng đường phố ở khu Broadway luôn đông đúc là do khá nhiều môi giới thông minh chưa bao giờ sai trong nhận định của họ vậy.

III. Margin trading liệu có thú vị?

Những người Mỹ chúng ta ngày ấy coi đầu cơ đòn bẩy bằng margin là một phát minh vĩ đại cho giấc mơ giàu có: nếu ta bỏ ra 1,000 mỹ kim để mua được 100 cổ phiếu của United Steel, thì chẳng phải ta sẽ tốt hơn nhiều nếu cùng bỏ số tiền như vậy, ta lại mua được hẳn 200 cổ phiếu nhờ margin hay sao?

Xin thưa là không! Tôi chẳng có cách gì để thuyết phục được quý vị ngoài việc khuyến nghị một câu rằng: hãy thử vay margin đi! Hãy dùng tiền thật, đầu cơ thật với số vốn của chính mình làm ra, để bạn hiểu rằng mất một lượng tiền lớn sẽ cảm thấy như thế nào. Có những thứ mà ta không thể giải thích đầy đủ bằng lời, hay bằng hình ảnh cho một người “còn trinh tiết” được.

khách hàng ở phố Wall

Cũng như Mr. Eddie Cantor từng kể lại tình huống của mình với hãng môi giới nhiều năm trước: “Họ bảo tôi mua cổ phiếu này cho tuổi già đi. Quả thật đúng như vậy! Chưa đầy vài tuần, tôi đã biến thành một lão già không hơn không kém!”

Thật dễ dàng để chốt lời được một khoản nhỏ. Ấy vậy mà việc cắt lỗ một khoản, dù nhỏ cách mấy, hầu như đều chỉ mang tính ý định mà thôi. Thường xuyên thay, người khách hàng sẽ nhìn thấy anh ta quăng hết khoản tiền này đến khoản tiền khác vào một cổ phiếu tệ hại, cho đến khi anh ta hoàn toàn cạn túi…

Làm gì khi đê vỡ: Nếu bạn là khách hàng bị nhận margin call, có một vài việc bạn có thể làm, nhưng tất cả đều chẳng hay ho gì.

Việc đầu tiên, có lẽ hay nhất, đó chính là nhấc điện thoại lên, gọi cho môi giới và bảo hắn hãy dùng một chiếc dây thừng để leo hay làm thứ gì mà hắn có thể tưởng tượng ra, song bạn sẽ không gửi thêm bất cứ đồng nào! Hắn sẽ bán cổ phiếu của bạn, và bạn còn lại ít tiền đến nỗi chỉ đủ để làm mồi lửa nấu cơm… Còn nếu như vừa bán xong mà cổ phiếu chợt tăng trần, thì cách tốt nhất là bạn nên dừng hẳn việc đọc các loại nhật báo tài chính đi.

Cách thứ hai là ráng gom góp và gửi vào thêm. Cách này sẽ hiệu quả, nhưng cũng là cách mà nhiều kẻ sắp tự tử thường làm (!)

Cách thứ ba thì phổ biến hơn, đó là tuyệt chiêu “đi thẳng vào rừng”, biến mất không một tăm hơi. Cách này thì các môi giới cũng sẽ bán đi giống cách đầu. Nhưng điểm khác biệt là với cách một, bạn còn một ít tiền; còn với cách này, thì thậm chí bạn sẽ nợ hãng môi giới một ít sau đó…

IV. Căn bệnh kiếm tiền hằng ngày

Tôi từng biết một trader thông minh thuộc hạng bậc nhứt, ông ta kiếm ra 7.5 triệu USD vào đỉnh điểm năm 1929, rồi về nhà đem cho vợ mình 1.5 triệu đô la trái phiếu Chính phủ. Ông nói rằng: “Khoản này bây giờ là của em. Nó sẽ đủ cho ta sống cả đời sung túc. Anh sẽ đầu cơ khoản còn lại. Nếu có một ngày anh quay lại đòi số tiền này, thì em biết chắc là anh điên rồi!” Hệt vậy, 6 tháng sau, ông ta bị call margin và cần số tiền đó để cover cho khoản đầu cơ 6 triệu mỹ kim của mình. Vợ ông chần chừ không chịu đưa, nhưng cuối cùng ông đã vô cùng thuyết phục, ít nhất là chỉ trong một thời gian ngắn sau đó…

Tất cả những hạng khách hàng trên đều bị một căn bệnh là sợ nắm giữ tiền (rhinophobia). Đối với họ, việc nắm giữ một số dư tiền mặt trong tài khoản là không thể chịu nổi. Nếu thị trường tăng mạnh thì sao? Họ sẽ bị bỏ rơi lại với đống tiền “dơ bẩn”.

Xã hội chúng ta không thể nào chấp nhận được một sự thật rằng rất ít người trong chúng ta có thể kiếm được hàng nghìn mỹ kim mỗi ngày. Một người bán hàng giỏi, một vận động viên nổi tiếng, có thể kiếm được chừng ấy. Nhưng chắc chắn không có nhiều nhà đầu cơ cá nhân đạt được con số ấy một cách bền vững.

Anh ta cầm theo một lượng vốn, vay margin, xoay vòng nó trên sàn hằng ngày và nghĩ rằng đó là một công việc uy nghi tựa như những công việc khác. Có lẽ qua những phần trên, tôi cũng đã phần nào nhấn mạnh rằng việc làm khách hàng ở phố Wall chẳng có gì thú vị như mọi người tưởng cả. Rất nhiều thống kê qua một giai đoạn dài đã chứng minh cho điều này.”

Saigon, 24.12.2018, dịch bởi Europos & Angelos

 

TGN_Europos

Biên tập viên, Du học sinh
europos@newslettervietnam.com

View all posts

1 comment

  • Thật thú vị. Bệnh “sợ nắm giữ tiền” cũng thật giống với “nhàn cư vi bất thiện”. Chẳng lẽ ta có tiền lại ngồi không nhàn rỗi mà đợi tiền về ư. Chi bằng hãy làm điều gì đó.

    Ở Việt Nam mình, có lẽ mọi người hay dùng “Truyện ngắn” hoặc “Một câu chuyện nhỏ” 🙂

    Thân mến,

Kỳ 78 chính thức phát hành!

Ấn phẩm 78 sắp phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!