Trích đoạn: Thất bại đầu đời và giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc của ngài Graham – The Golden Newsletter Vietnam

Xuất thân khiêm tốn, đầy khó nhọc cùng nhiều lần tuyệt vọng rất “đỗi con người” của ngài Graham là một trong những lí do khiến chúng tôi vô cùng nể phục ông, bên cạnh việc ngưỡng mộ lòng hào phóng bậc nhứt phố Wall và việc ông sáng tạo ra cách tiếp cận hoàn toàn mới như “giá trị thực”, “biên an toàn” và “Mr. Market”, thậm chí rất nhiều ý tưởng tiên phong mà phố Wall ngày nay hưởng lợi (mà họ không hề biết ơn) như bộ phận phân tích chứng khoán “research”, nghiệp vụ arbitrage/special situations, hiệp hội CFA, thậm chí ngay cả mô hình quản lý quỹ hedge fund (limited investment partnership), vĩnh viễn thay đổi thế giới đầu tư non một thế kỷ sau…

Trích đoạn về hồi ức cuộc đời ngài Graham trong ấn phẩm kỳ 40 – đã phát hành tháng 11/2020 vừa qua (https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-40/)
Đặt mua ấn phẩm cũ: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

@Ngài Graham: “

(trích đoạn) …Tháng 06/1910, theo lời giới thiệu của giáo sư Weaver – nhằm giúp các chàng trai trẻ thành thị hiểu được tinh thần kỷ luật & đời sống hằng ngày của vùng nông thôn – tôi đăng ký làm thêm hè với tiền công $10 mỹ kim/tháng ở trang trại của Mr. Barman. Một ngày làm việc rất dài, từ 5:30 sáng đến mờ tối, bắt đầu từ việc vắt sữa bò, cho ngựa/gà/lợn ăn, và vô số các việc lặt vặt khác, bao gồm cả việc dọn chuồng phân. Dù cảm thấy việc đó rất cực nhọc và dơ bẩn, tôi tự tưởng tượng mình là Hercules đang phải làm công cho đức vua King Augeas. Tối tối đến tôi mang đèn dầu lên gác, tự tiêu khiển bằng những tác phẩm văn học Hy Lạp cổ điển. Tôi có rất nhiều thứ để cảm thấy hạnh phúc vào lúc ấy: những năm tháng nghèo khó kể từ khi bố tôi mất đã hình thành cho tôi một tính cách tích cực, giúp tôi coi trọng đồng tiền, tinh thần chịu khó làm việc dù cho đồng lương ít ỏi (work hard for small sums), và hơn hết, sự cẩn trọng cực độ trong mọi thói quen chi tiêu khác.

Một ngày nọ, anh trai tôi Victor gửi thư đến với cảm xúc ngắn gọn: ‘Hurray, hurray, chú đã thành công rồi! Đứng thứ 7th học bổng Putlizer cơ đấy!’ (@S.A.F.E: ngài Graham học vượt 3 cấp, 16 tuổi ông đã đạt điểm tốt nghiệp cao hàng đầu các trường công lập tại New York và ứng cử học bổng để vào học Đại học sớm). Cứ mỗi năm Putlizer sẽ cấp 20 suất cho những học sinh giỏi nhất của các trường công lập ở New York, và dù không được nằm trong top 3, tôi cũng đã khá vui với kết quả đó! Mọi người liên tục trấn an rằng tôi không còn gì phải lo nữa cả: học bổng sẽ trả $150 mỗi năm tiền học phí, $250 tiền sinh hoạt/năm suốt 4 năm, và tôi đã đặt kế hoạch lựa chọn trường Columbia Business School thay vì Harvard để gần gia đình của mình.

Đến ngày 28/08 khi kết thúc hè, tôi vội vã rời trang trại của Mr. Barman để về phỏng vấn tại văn phòng Putlizer Scholarships. Sau khi gây ấn tượng cho vị chủ tọa, tôi cảm thấy buổi phỏng vấn rất thành công và tin chắc rằng mình đã nhận được học bổng. Một tuần sau như hướng dẫn, tôi gọi lại thư ký của người phỏng vấn để nhận kết quả, cô ta trả lời máy móc kiểu doanh nghiệp vậy: ‘Rất xin lỗi, cậu đã không được chọn.’ Quá sốc đến mức không thể nói được một lúc, tôi hỏi thêm cô ta: ‘Vậy Fred Greenman có được nhận không?’ ‘Greenman? Có, cậu ta được nhận!’

Đây là tin còn tệ hơn cả sự thất vọng: tất cả ước mơ và niềm vui đột nhiên biến mất khỏi đời tôi! Tất cả kế hoạch trước đây tan biến, kể cả Harvard hay Columbia đều quá xa vời so với tài chính của gia đình. Cả mẹ và các người anh của tôi đều phủ nhận thực tại tương tự như tôi vậy, họ không thể hiểu được tại sao Benny của họ đứng thứ 7 toàn danh sách, lại có thể bị từ chối học bổng trong khi vô số những học sinh có thành tích phía dưới khá xa lại được chọn?

Sau khi hết sốc một thời gian, mẹ tôi trở về con người thực tế và dũng cảm ngày nào. Bà bảo nếu tôi không thể đến Columbia học, thì chí ít cũng cần vào College City of New York (@S.A.F.E: CCNY, dạng như trường cao đẳng). Dù tôi nhập học sau đó, nhưng trái tim tôi vẫn nặng trĩu. Vì sao ư? CCNY không thể có nhiều giáo sư giỏi và nổi tiếng như Columbia được; học phí ở đây được miễn hoàn toàn, do đó có khá nhiều sinh viên tệ và kém chất lượng xung quanh tôi; cuối cùng, sinh viên tốt nghiệp ở đây sẽ gặp bất lợi lớn trong cơ hội nghề nghiệp so với các trường hạng nhất “Ivy League”. Việc chấp nhận học ở đây đồng nghĩa với việc tôi đã chấp nhận thất bại, và nó càng kéo dài thêm sự trầm cảm trong tôi. Đỉnh điểm là một hôm tôi quên khóa tủ locker, hai cuốn sách tôi phải trả tiền mua đã bị trộm mất. Cảm thấy ghê tởm và chán nản tột cùng vì không còn tiền mua sách, tôi đã đi đến quyết định cực độ: tôi sẽ nghỉ học cao đẳng và kiếm một công việc!

Công việc đầu tiên của tôi là lắp ráp nút bấm cho các loại chuông cửa nhà. Có khoảng 6 cậu nhóc trạc tuổi tôi quanh chiếc bàn, với nhiều bộ phận chuông để lắp ráp lại. Chúng tôi bắt đầu từ 7:00 sáng đến 5:30 chiều, xấp xỉ 55 tiếng một tuần. Để tránh chán nản với công việc quá căn bản, tôi đã rèn làm thơ (poetry) trong lúc làm việc, đôi khi nhẩm lại tác phẩm Aeneid huyền thoại để tự tách rời mình ra khỏi cuộc sống chán nản. Chỉ sau hai tuần, tôi đã cảm thấy quá đủ với công việc máy móc này và tìm cơ hội khác.

Tìm mục “Boys Wanted” khác trên tờ Sunday Times, tôi thấy có một tiệm cơ khí điện thoại nhỏ cách khá xa New York, trả lương $20 mỹ kim/tháng hấp dẫn. Đến ngay vào sớm thứ 2 đầu tuần, vị chủ tiệm Mr. Loeffler vô cùng ngạc nhiên với thành tích học tập của tôi, nhưng ông không muốn hỏi sâu vì sao tôi lại nghỉ học đi làm, ông chỉ thắc mắc rằng liệu tôi có thể tự học và điều hành máy ép/khoan được không, tôi trả lời có và được nhận vào ngay lập tức.

Triết lý của Loeffler là không bao giờ mua ngoài thứ gì mà mình có thể tự sản xuất được. Ông nhập các linh kiện ở dạng thô sơ và rẻ mạt nhất, sau đó tự khoan, ép, tạo hình, lắp ráp và hoàn thiện đến thành phẩm. Chúng tôi tham gia vào tất cả các công đoạn, và tôi có thể tự hào nói rằng mình đã làm các công việc đó rất tốt! Càng ngày đôi mắt và các ngón tay của tôi ngày càng tinh xảo và làm việc hiệu quả. Một lần tôi còn có thể diễn giải cách hoạt động của máy cho một khách hàng nhờ đọc bản thiết kế trong lúc rỗi. Tại thời điểm đó, tôi đã là cánh tay phải đắc lực của Mr. Loeffler.

Dù vậy, trong thời gian làm việc, tôi vẫn không quên được lời hứa gia nhập Columbia School với mẹ mình. Mùa thu năm 1910, tôi viết thư xin học bổng lần 2 nhưng bị từ chối vì họ không tuyển sinh giữa mùa. Do đó, tôi lại tiếp tục viết thư khác vào tháng 4/1911 để xin học bổng vào tháng 9 cùng năm, nhưng mãi vẫn không có hồi âm…

Giữa sự tuyệt vọng không có hồi dứt, vài tuần sau đó, đích thân ngài hiệu trưởng Frederick Keppel (hình dưới) của Đại học Columbia viết thư lại cho tôi, ông nói có việc cần gặp tôi gấp, và hẹn tôi ở nhà ông chiều hôm sau khi tôi xong việc tại xưởng. Với trái tim đập loạn nhịp vì hồi hộp, tôi đánh chuyến xe lửa đến nhà ông và lên gác. Ông là một người cao lớn, điển trai và vô cùng lịch lãm, mời tôi tách trà, ông thú thật với tôi:

– Cậu biết không, Grossbaum, tôi thành thật xấu hổ về sự sai sót của phòng Văn thư. Họ đã nhầm lẫn cậu thành một gã họ hàng xa khác tên Louis Grossbaum đã nhận học bổng vào học kì trước đó, vì vậy họ đã quyết định bỏ qua cậu, trao giải thưởng cho người tiếp theo dù sự thật rằng cậu đã chiến thắng học bổng Pulitzer từ năm ngoái rồi!

Ông tiếp chuyện bằng việc nói rằng chương trình học bổng vẫn đang mở ra cho tôi, tài trợ toàn bộ học phí & sinh hoạt phí, bắt đầu vào mùa thu trong vài tháng tới. Tôi phải kiềm bản thân khỏi bật khóc ngay lúc đó:

Điều nầy thật tuyệt vời! Nhưng, nhưng, nhưng tôi đã mất cả 1 năm trong tuyệt vọng thưa ngài…

– Đúng vậy, đúng là vậy. Song tôi đã đỡ cảm thấy tội lỗi hơn nhiều khi biết cậu chỉ mới 17 tuổi vì học vượt cấp. Chính kinh nghiệm bươn chải của cậu ở các tiệm cơ khí và máy móc sẽ khiến cậu trưởng thành hơn rất nhiều so với vô số các sinh viên đồng lứa. Và nếu cậu cố gắng, chỉ cần 3 năm nữa là cậu sẽ ra trường được thôi.

Buổi phỏng vấn kết thúc ở đó. Tôi trở về nhà với niềm vui sướng như được tái sinh trở lại. Mẹ tôi đón tôi ở cửa, bà không thể nào kiềm chế bản thân vừa gạt nước mắt vừa lặp đi lặp lại liên tục: ‘Mẹ sẽ không thể nào tha thứ được họ vì đã làm Benny của mẹ đau đớn quá nhiều…”

Saigon, đăng lại ngày 31.12.2020, bởi S.A.F.E team – TGN

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

Ấn phẩm Kỳ 79 (Bản cắt)

Trang “Ấn phẩm cũ 2024”

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!