Bài học cuộc sống trích trong ấn phẩm Singapore – kỳ 29, tháng 12.2019 vừa qua: https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-29/
Đặt mua ấn phẩm cũ của TGN: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
Trong hàng nghìn quyển tự truyện của các vĩ nhân từ trước đến nay, quyển tự truyện huyền thoại “The Autobiography of Benjamin Franklin” là 1 trong 5 quyển mà chúng tôi cho rằng hay nhất mọi thời đại, và xứng đáng để mọi người ở mọi quốc gia, văn hóa học hỏi. Dù không phải là bậc doanh nhân giàu có nhất, nhà khoa học vĩ đại nhất hay một vị tướng binh bách chiến bách thắng, ngài Benjamin Franklin luôn là một trong những “founding fathers”, để lại rất nhiều tri thức, phát minh sáng tạo và tấm gương tinh thần phấn đấu giúp Hoa Kỳ phát triển như ngày hôm nay
Sinh ra trong một gia đình trung lưu bình thường, dũng cảm khám phá vùng đất mới và sống trên những nguyên tắc rất căn bản từ ngàn xưa: tiết kiệm, cần cù và khiêm tốn học hỏi từ mọi người, ngài Franklin quả là một tượng đài cho số đông chúng ta. Trong đó, nỗ lực rèn luyện 13 đức tính đáng quý (thirteen virtues) là một trong những bộ nguyên tắc mà ông vạch ra từ thời còn trẻ tuổi, khiến chúng tôi rất ngưỡng mộ và cố gắng thực hiện theo mỗi ngày…
Trích dẫn, lược dịch & bình luận thêm từ quyển tự truyện huyền thoại “The Autobiography of Benjamin Franklin”, 1771-1790, của chính ngài Franklin về cuộc đời & nỗ lực hoàn thiện bản thân của ông
Cách rèn luyện 13 đức tính đáng quý
@Ngài Ben Franklin, kể lại giai đoạn năm 1726 khi ông non 20 tuổi trong quyển tự truyện:
“Cũng vào thời gian nầy, ta bắt đầu công cuộc nhọc nhằn và táo bạo để đạt đến sự hoàn hảo về mặt đức tính (moral perfection). Ta mong muốn mắc ít lỗi nhất có thể, song càng đi sâu hơn, ta càng thấy rằng nhiệm vụ nầy khó hơn ta tưởng: trong khi tránh mắc một lỗi, ta lại dọn đường cho các lỗi nghiêm trọng khác bởi vì thói quen xấu sẽ luôn tận dụng những lúc ta không chú ý. Và bản năng của con người thì luôn mạnh hơn lý lẽ, ta nhận ra rằng muốn thay đổi đức tính, ta cần phải phá vỡ (broken) thói quen xấu, dọn đường cho những thói quen tốt hình thành và dần dà, ta có thể tin cậy vào bản năng ta đã rèn luyện được. Vì lẽ đó, ta đã luôn thực hiện phương pháp dưới đây cho đến lúc về già:
Với ý định đạt được tất cả 13 đức tính trên, ta biết rằng điều tốt nhất là tập trung rèn luyện từng đức tính một để tránh sự phân tâm, và khi đạt được chúng theo thứ tự, những đức tính tiếp theo sẽ ngày càng dễ dàng hơn đến đức tính cuối cùng. Chẳng hạn như sự “điều độ” sẽ giúp đầu óc ta minh mẫn hơn, dễ dàng cho ta trở nên chịu khó lắng nghe, “im lặng” học hỏi. Đức “trật tự” sẽ cho ta thời gian để “kiên định” với những mục tiêu. “Cần kiệm” & “chăm chỉ” sẽ giúp ta độc lập về mặt tài chánh, từ đó dễ trở thành một người “trung thực” và “công bằng” trong đối nhân xử thế…
Ta luôn giữ một cuốn sổ ghi ra 13 đức tính nầy, và theo dõi nó hằng tuần một cách nghiêm túc. Cứ mỗi lần vi phạm một đức tính nào, ta ghi chú lại và ghi nhớ trong đầu để sửa mình. Như thế mỗi tuần, ta cố gắng rèn luyện từng đức tính một và để cho 12 đức tính còn lại được hành động theo bản năng. Và như vậy, đến cuối năm, ta ngạc nhiên khi nhận thấy sự tiến bộ trên công cuộc hoàn thiện bản thân của mình – cũng giống như một người chăm sóc vườn cây, từ từ chăm sóc từng lứa cây non bị hư hại đi vậy.
Dù vậy, đức tính “trật tự” khiến ta dằn vặt rất nhiều vì bận rộn, thời gian đảo lộn, những vật dụng thì để lung tung. Nhiều năm chật vật với nó, ta dần nhận ra rằng “một chiếc rìu bị trầy xước” đôi khi là chiếc rìu tốt nhất. Ta đành chấp nhận ta là con người không hoàn hảo, bởi vì nếu một con người quá hoàn hảo, anh ta sẽ gây ra sự thù ghét và ghen tỵ, dẫn đến bất lợi cho anh ta. Vì vậy, một người am hiểu sẽ cho phép một vài điểm yếu đặc trưng của bản thân, anh ta sẽ làm bạn với mọi người thực dễ dàng! Do đó, mặc dù nhìn chung ta không bao giờ đạt được sự hoàn mỹ mà ta ngắm đến, và thậm chí còn ở dưới rất xa mức đó, nhưng với nỗ lực hoàn thiện mình không ngừng nghỉ, ta đã trở thành một người có những đức tính tốt hơn rất nhiều, và hạnh phúc hơn rất nhiều so với việc ta không nỗ lực cải thiện, và để những thói quen xấu và bản năng lấn chiếm lấy đầu óc. Cũng giống như những nghệ nhân bắt chước theo những bản dịch/bức tranh hoàn mỹ, mặc dù họ không bao giờ đạt được sự tuyệt đỉnh của phiên bản gốc, nhưng sau một thời gian nhìn lại, chính đôi bàn tay của họ đã ở một đẳng cấp khác, âu bởi vì chúng được thui rèn một cách vô hình bởi sự nỗ lực (endeavor).
Danh sách 13 đức tính của ta đầu tiên chỉ bao gồm 12 đức tính, song người bạn ở Quaker của ta đã góp ý rằng anh ta thấy sự cao ngạo (pride) của ta trong những đối thoại thường xuyên – dường như ta luôn không thỏa mãn nếu như lý lẽ của ta không được đồng ý. Vì vậy, ta muốn chữa căn bệnh ngu ngốc và hào nhoáng nầy hết mức có thể! Học theo Luật của Junto, ta cấm bản thân sử dụng những từ khẳng định quan điểm bất di bất dịch như “rõ ràng”, “chắc chắn”, “không nghi ngờ gì nữa”, v.v mà thay vào đó, ta tập dùng những từ ngữ mở hơn, như “tôi quan sát thấy”, “tôi hiểu rằng”, “tôi tưởng tượng rằng”, v.v Khi một người khác đưa ra quan điểm ta cho rằng sai, ta cản bản năng của mình ngắt lời họ, mà từ tốn lắng nghe, rồi ta cho rằng quan điểm của họ đúng ở nhiều trường hợp, nhưng “trường hợp này, tôi nghĩ hơi khác”. Ta quan sát thấy những buổi nói chuyện trở nên vui vẻ-thoải mái hơn, và nếu như đôi khi rốt cuộc quan điểm của ta là sai, khi tự nhận lại ta cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Sau 50 năm sau, lúc đề xuất các chính sách mới trong Nghị viện, mặc dù ta không phải là người diễn thuyết giỏi, ít khi nào lựa từ ngữ hay, ấy vậy mà ta vẫn được “ghi điểm” đáng kể.
Có lẽ trên đời này, không có lòng ham muốn nào khó kiềm chế như lòng tự hào ngu ngốc của loài người. Ngụy trang nó, đấu tranh với nó, dằn xéo nó, đập nó tan đi như ý bạn muốn, nó vẫn luôn sống chực chờ ở đó và chờ ngày xuất hiện. Bạn thấy đấy, nếu ngay cả khi tôi tự nhận rằng tôi đã vượt qua nó, thì có lẽ tôi lại tự hào về đức khiêm tốn của tôi mất rồi!” (newslettervietnam.com/cham-ngon-song-long-tu-hao-cua-loai-nguoi-va-su-kiem-che-benjamin-franklin/).”
@S.A.F.E team: Chia sẻ về cách thức hoàn thiện bản thân của ngài Franklin kết thúc ở đó. Trên quan điểm riêng của chúng tôi, chúng tôi ưa thích bài học về đức tính “im lặng”, “cần kiệm”, “trung thực”, “thanh tịnh” và “khiêm tốn”. Trong số nầy, bài học về đức khiêm tốn (humility) là vô cùng quan trọng cho mỗi người chúng ta, đặc biệt là những NĐT mới tham gia TTCK. Nhiều bậc huyền thoại như ngài Ray Dalio hay Steve Schwarzman, sau nhiều sai lầm mất cả gia tài, mới rút ra rằng quan điểm của bản thân không bao giờ đúng 100% trong mọi trường hợp được (!) Do đó việc khiêm tốn hiểu rằng ta có thể sai, từ đó quản trị rủi ro một cách chắn chắn/kỷ luật, đồng thời quan sát môi trường xung quanh, lắng nghe quan điểm ngược chiều sẽ giúp ta tránh được những sự thua lỗ khôn lường. Một thập niên qua, chúng tôi đã thấy hàng chục nghìn tỷ đồng “bốc hơi” một cách cay đắng vào những case rủi ro quản trị, bẫy giá trị hay mua các cổ phiếu chu kỳ định giá ngất ngưởng tại giai đoạn hưng phấn cuối (late cycle) mà lẽ ra có thể tránh được nếu nhà đầu tư chịu lắng nghe, cẩn trọng một chút. Càng tồn tại trên thị trường lâu năm, ắt hẳn ta sẽ càng thấy rằng đức khiêm tốn – dẹp bỏ “lòng tự hào ngu ngốc” – mới thực quan trọng & khôn ngoan làm sao…
dịch thuật và bình luận thêm bởi Team S.A.F.E, Saigon, đăng lại tối muộn 26.06.2020