Càng đầu tư dài lâu, ắt hẳn nhà đầu tư giá trị chúng ta càng nhận thấy được tầm quan trọng của việc đánh giá đúng đạo đức, tầm nhìn và năng lực của ban lãnh đạo (management) trong kết quả đầu tư. Nếu công việc đầu tư là một môn khoa học tự nhiên chỉ đơn thuần quay quanh những con số, ắt hẳn công việc nầy đã được giao cho máy tính, robot hoặc bất cứ thứ gì máy móc làm rồi (!) Và việc đánh giá ban lãnh đạo là một trong những rào cản lớn trong số đó, đặc biệt ở một thị trường còn sơ khai, cận biên (frontier) như Việt Nam…
Lấy cảm hứng từ câu châm ngôn của ngài Graham trong bản dịch Security Analysis kỳ 2 – ấn phẩm kỳ XVI, tháng 11.2018: https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-16/
Đặt mua ấn phẩm đầu tư giá trị của Golden Newsletter Vietnam: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
Bàn về vấn đề nầy, ngài Graham – ngạc nhiên thay, một bậc tiền bối về trường phái đầu tư định lượng – lại có một câu châm ngôn rất hay về hạng ban lãnh đạo lừa dối (unscrupulous management) mà chúng tôi ghi nhớ nhiệt thành trong suốt quá trình đầu tư của mình về sau:
“Bạn không thể lấy các con số định lượng làm lý do để tha thứ cho hạng lãnh đạo lừa dối (unscrupulous management) được; cách duy nhất để đối phó với các trường hợp này là hãy tránh xa bằng mọi giá!”
Theo lời của ngài Graham, ông muốn ám chỉ rằng nhà đầu tư cá nhân cần phải đặc biệt cẩn thận với những cạm bẫy đầu tư giá trị (value traps) tưởng chừng nhừ có P/E thấp, tâm lý chối bỏ thực tế quá đau đớn (psychological denial) khi không dám cắt lỗ những khoản đầu tư vào các công ty có ban lãnh đạo lừa dối tệ hại, một số khác thì quá tự tin (overconfident), bỏ qua mọi lời cảnh báo về đạo đức của ban lãnh đạo khi anh ta đang sinh lời lớn từ cổ phiếu… Tất cả những lý do trên có thể khiến ta mất một lượng vốn liếng khổng lồ, đặc biệt khi ta trả giá cho hạng cổ phiếu trên quá cao so với giá trị tài sản thực.
Nhiều năm kinh nghiệm đầu tư và quan sát, chúng tôi cho rằng không có trường hợp nào mà nhà đầu tư cá nhân thua lỗ nghiêm trọng hơn trường hợp có hạng lãnh đạo lừa lọc cả (!) Khi thị trường nhận thức được ban lãnh đạo công ty áp dụng các chính sách kế toán sai trái, “rút ruột” công ty hoặc bán tháo cổ phiếu phía sau (back door dump), nó dường như là một “con dấu” đóng chấm hết cho mọi uy tín và triển vọng tương lai sau nầy. Vì thế, nếu một cá nhân “ngây thơ”, phủ nhận mọi thực tế, nhiều khả năng anh ta phải chờ đợi một khoảng thời gian vô định mới có thể lấy lại được vốn liếng của mình, nếu không muốn nói là không bao giờ…
Đó là lý do mà một hệ thống sàng lọc, tư duy như bộ tiêu chí 4M của ngài Phil Town vô cùng hữu dụng – đây thực ra chỉ là một cách mà ngài Phil Town đơn giản hóa 4 câu hỏi trước mọi khoản đầu tư của ngài Buffett và Munger, chứ chẳng phải một sáng kiến gì ghê gớm (!) Chúng tôi không chối bỏ hay phê phán những phương pháp khác (chẳng hạn như CANSLIM), song nếu bạn không soi xét kĩ lưỡng bốn tiêu chí trên, trong đó nhân tố ban lãnh đạo thường xuyên bị bỏ qua (overlooked) nhất, một ngày nào đó bạn sẽ bị thị trường “vùi dập” mà không hiểu tại sao, thậm chí bạn còn nghĩ rằng đầu tư giá trị không phù hợp với mình, rồi bạn quay về với công việc lướt sóng hằng ngày, mua bán liên tục để cống nạp phí và lãi vay margin cho CTCK, sau một vài lần thua lỗ tiếp theo, bạn sẽ sớm rời bỏ thị trường mà tràn đầy thất vọng hơn bao giờ hết…
Lời cuối, rao giảng về tâm lý học hành vi loài người và đánh giá ban lãnh đạo thì nghe có vẻ dễ dàng, song việc thực hành là bước khó nhất! Chúng tôi cũng từng mắc sai lầm vài lần đó đây, nhưng chúng tôi đủ lí trí để hành động nhanh nhằm bảo vệ vốn liếng quý giá của mình: xin quý độc giả hãy nhớ rằng không có hạng cổ phiếu nào “bốc hơi” vốn hóa nhanh chóng bằng hạng công ty có ban lãnh đạo lừa đảo và không có uy tín.
Nhìn về phía trước, với các case của một công ty nông nghiệp mở rộng quá nhanh bằng nợ vay đã thất bại, một thương vụ IPO ngắn ngủi của một công ty truyền thông/media đã bị dập tắt bởi channel lớn nhất, một vài công ty chu kỳ có ban lãnh đạo lừa dối hay một số công ty holdings kim tự tháp “đa dạng hóa ngành nghề tệ hại đi” bằng lượng nợ vay khổng lồ, chúng ta sẽ còn thấy những bài học trên dài dài trên lịch sử phát triển của TTCK. Và những lúc ấy, chỉ có những nhà đầu tư giá trị nào đủ lí trí, khiêm tốn và hiểu đời, mới ngồi xuống một cách ung dung, khi mà anh ta nhìn tất cả chúng đến và lại đi như dòng đời vậy…
Saigon, 13.04.2019, bởi Filologos – Golden Newsletter Vietnam