Ta luôn nghĩ rằng mình đúng trong mọi trường hợp. Đôi khi ta chợt nhận ra mình bị kẹt trong một cuộc nói chuyện vòng quanh. Tìm ra được yếu điểm và sự khờ dại của kẻ đối diện, ta nóng lòng muốn nhảy vào cắt ngang họ, mà “dạy” lại cho họ rằng họ đang tin vào một điều ngu ngốc? Chuyện này thường gặp vô cùng, đó là khi ta trở nên mất kiềm chế với lòng tự hào luôn “chực chờ” bên trong cơ thể và khối óc đầy tự hào này của ta…
Đặt mua ấn phẩm đầu tư Golden Newsletter Vietnam: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
Trong quyển tự truyện của mình, ngài Benjamin Franklin – bậc công thần dựng nên Hiến Pháp Hoa Kỳ, nhà khoa học, kinh doanh, từ thiện và viết lách thông thái thuộc hạng huyền thoại nhiều thế kỷ qua – cũng phải thú rằng hồi còn trẻ ông tự hào cao lắm! Ông đọc từ thuở niên thiếu, đi phiêu lưu nhiều, viết bài luận, làm thơ; lập luận ông sắc vô cùng – khi ông đã cãi thì kẻ đối diện chỉ đành ngậm ngùi giữ quan điểm cho riêng mình. Về sau, ổng cảm thấy chẳng vui vẻ gì với chiến thắng đó nữa. Một người bạn của ông đã khuyên rằng: “Ben à, sao tánh mầy khó ưa thế! Cứ ai hễ ngược ý với mầy thì mầy cãi lại nẩy lửa. Như vậy thì có được gì đâu. Mầy thắng cũng không vừa lòng ai, mà nếu thua thì mầy thua thật rồi…“
Từ đó trở đi, ông thêm đức tính “Khiêm tốn” (humility) vào bộ 13 đức tính mà ông cần phải rèn luyện để trở thành một người mẫu mực mà ông mong muốn. Ông dẹp hết đi những từ như “rõ ràng” (clearly), “chắc chắn” (certainly), và khi có quan điểm trái chiều, ông tự nhận mình có thể sai trước – và ông nói rằng ý của người đối diện đúng lắm, nhưng trong trường hợp này ông nghĩ hơi khác.
Sau này gần lâm thế rồi, ông mới viết lại trong quyển tự truyện một câu châm ngôn mà răn dạy người đời phải nể phục vô cùng:
“Có lẽ trên đời này, không có lòng ham muốn nào khó kiềm chế như lòng tự hào của ta. Ngụy trang nó, đấu tranh với nó, dằn xéo nó, đập nó tan đi như ý bạn muốn, nó vẫn luôn sống chực chờ ở đó và chờ ngày xuất hiện. Bạn thấy đấy, nếu ngay cả khi tôi tự nhận rằng tôi đã vượt qua nó, thì có lẽ tôi lại tự hào (proud) về đức khiêm tốn của tôi mất rồi!”
Đến cả bậc thông thái nhất như vậy, đến cuối đời rồi vẫn còn nhận ông chưa khiêm tốn. Vậy thì làm sao một phàm nhân như ta biết mình có đang tự hào quá mức về bản thân hay không?
(1) Khi nhìn vào nội tâm ta: liệu ta có cho rằng tất cả thành công hay thành tựu mà ta đạt được từ trước đến nay là do một mình ta? Ta có nghĩ rằng mình luôn luôn đúng mà gạt bỏ người khác hay không?
Thực ra, hầu hết thành công của một người, nếu nhìn kỹ lại, là một chuỗi những sự may mắn (fortune) và cơ duyên đến khó tả. 90% thành công là do sự cần cù của ta, nhưng nếu ta không được đưa vào hoàn cảnh, thời thế phù hợp, hay những quý nhân đỡ đần ta không có ở đó, thì ắt hẳn ta đã không được như vậy! Vì vậy, khi ta thành công, hãy biết ơn sự may mắn và những người đã đồng hành cùng ta. Hơn nữa, đặc biệt khi thành công, ta luôn phải lắng nghe lời cảnh báo và lời khuyên từ người khác – nhiều khi ta đang ở trên đỉnh cao chót vót của sự may mắn, và khả năng cao cái phước đức ấy sẽ không kéo dài thêm nếu ta trở nên kiêu ngạo…
(2) Khi đối nhân xử thế: liệu ta có phán xét mọi người và coi ta cao hơn họ? Ta có thói quen thôi thúc ta đưa ra những lời khuyên “dạy đời” quá nhiều khi mà ta vẫn chưa hiểu rõ về người khác? Ta có biết lắng nghe và biết kiềm chế không ngắt lời người khác hay không?
Lòng tự hào khó kiềm chế vô cùng! Nhưng ắt hẳn ai trong chúng ta đều biết khi nào mình kiêu ngạo và có thể lựa chọn (choose to) điều chỉnh nó cho mình hay không. Rất nhiều câu chuyện ‘lên voi xuống chó” của những ngôi sao sáng rồi vụt tắt như Bill Ackman, Bill Miller hay nhiều tấm gương tỷ phú từng số 1 Việt Nam thuở trước còn ở đấy để ta ghi nhớ…
Do vậy, chúng tôi xin dừng bài học về câu châm ngôn sống này lại ở đây – chính chúng tôi cũng luôn phải rèn luyện đức khiêm tốn, kiềm chế căn bệnh tự hào “ngu ngốc” của loài người này liên tục! Vì có lẽ việc tập trung vào những kiến thức và kĩ năng mà ta còn thiếu sót (missing) là một lựa chọn hay hơn nhiều so với việc tự hào về những thứ mà ta đang có được…
Saigon, 14.11.2018, bởi Filólogos – Golden Newsletter Vietnam