Chuyển động tin tức tháng 06.2019: Họp Quốc hội, thị trường BĐS, CW, ETF, Asanzo & Vietlott – The Golden Newsletter Vietnam

Trên quan điểm hạn hẹp của cá nhân, chúng tôi cho rằng những bất động sản có pháp lý đầy đủ, vị trí trung tâm đô thị thì xứng đáng có mức giá cao do có giá trị kinh doanh/tiện ích của nó… Tuy nhiên, chúng tôi phản đối sự “bơm thổi” những BĐS cao cấp ở vị trí xa xôi và BĐS condotel kém pháp lý, dư thừa, giá ngất ngưởng dọc các bờ biển rất nguy hại cho nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm vốn cho vay của các NHTM và cả vốn đầu tư khổng lồ của xã hội…

Chuyển động tin tức trong ấn phẩm kỳ XXIV – đã phát hành tháng 07/2019 vừa qua
Đặt mua ấn phẩm cũ: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

1> Quốc hội khóa XIV (2016-2021) kỳ họp 7 hoàn tất, nhiều vấn đề về pháp lý bất động sản, hạ tầng công, Luật Chứng khoán…

Một trong những vấn đề nóng nhất ở kỳ họp lần nầy là sự bất mãn về quy hoạch đất đô thị chưa hợp lý, cộng với khung pháp lý đã đi không kịp với sự phát triển kinh ngạc của các loại hình BĐS mới như condotel, officetel. Đặc biệt ở TP.HCM, hàng loạt các dự án chung cư cao tầng – thậm chí có số xây vượt diện tích cấp phép – đã biến tình trạng kẹt xe nơi đây ngày càng nghiêm trọng… Dù cho Bộ Xây Dựng hứa rất nhiều về việc cải thiện tình hình, ra khung pháp lý sớm, song hậu quả tất yếu cũng khó mà quay lùi được.

Tuy vậy, chúng tôi khá mừng rằng TTCK tiếp tục là tâm điểm của việc phát triển nền kinh tế Việt Nam. Nhiều đại biểu QH quan tâm đến cải thiện thị trường, lo ngại về tình trạng “đội lái”, “cổ phiếu rác”, gia tăng thêm chức năng hình sự cho UBCKNN. Với tiến trình sửa đổi Luật Chứng khoán như vậy, chúng tôi lạc quan rằng giai đoạn 10-20 năm tới thị trường ta sẽ dần bắt kịp về độ minh bạch đối với các TT phát triển.

Ngoài ra, các vấn đề về Đầu tư công, dự án trọng điểm Metro đội vốn, các BOT sai phạm sẽ được Kiểm toán Nhà Nước kiểm tra kĩ hơn, tránh tiêu cực về đội vốn do giải phóng mặt bằng…

2> Giá BĐS trung bình cao gấp 25 lần thu nhập năm bình quân. Tồn kho BĐS theo HoREA ~200 nghìn tỷ đồng, gấp 9 lần con số của Bộ Xây Dựng thống kê (?!)

Cũng tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên đại biểu QH chính thức nêu lên con số thống kê giá BĐS trung bình hiện đang cao gấp 25 lần thu nhập/năm bình quân của người dân, thuộc hàng cao nhất thế giới – chỉ sau các quốc gia “chật hẹp” như Hong Kong, Singapore.

Trên quan điểm hạn hẹp của cá nhân, chúng tôi cho rằng những bất động sản có pháp lý đầy đủ, vị trí trung tâm đô thị thì xứng đáng có mức giá cao do có giá trị kinh doanh/tiện ích của nó… Tuy nhiên, chúng tôi phản đối sự “bơm thổi” những BĐS cao cấp ở vị trí xa xôi và BĐS condotel kém pháp lý, dư thừa, giá ngất ngưởng dọc các bờ biển rất nguy hại cho nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm vốn cho vay của NH và vốn đầu tư xã hội.

Cứ sau mỗi chu kỳ “bơm thổi” rồi “đóng băng”, Chính phủ lại phải đi xử lý lượng nợ xấu khổng lồ cho cả ngân hàng lẫn các nhà phát triển mà ông chủ của chúng đã “kiểm đậm” (!) Nhìn thấy thực trạng nguy hiểm nầy, Hiệp hội HoREA công bố lượng tồn kho họ ước tính hiện đã lên đến ~202,000 tỷ đồng – tức xấp xỉ 10 tỷ USD – gấp 9 lần số liệu Bộ Xây Dựng công bố, và có nguy cơ tiếp tục tăng gấp đôi, gấp ba nếu chu kỳ vốn của nền kinh tế thắt chặt nhanh hơn dự kiến.

3> Covered Warrants – chứng quyền có bảo đảm – chính thức giao dịch. Liệu NĐT cá nhân có đang thiếu các trò chơi “đầu cơ ngắn hạn” đến như vậy??

Xét về định nghĩa, chứng quyền (warrants) là quyền mua cổ phiếu tại một mức giá thực hiện, khá tương đồng với quyền chọn (options). Song tại sao lại có từ “covered” ở trước? Để tránh trường hợp nhà tạo lập thị trường, tức là các CTCK ở đây, bị phá sản do liều mình đặt cược phái sinh sai, UBCK yêu cầu các CTCK phải mua vào cổ phiếu cơ sở để phòng ngừa (hedge) rủi ro nếu họ đặt cược sai.

Trên lý thuyết, options/warrants là một khoản đầu tư có rủi ro thua lỗ bị hạn chế ở giá quyền, song lại có lợi nhuận tiềm năng vô hạn. Nhưng trong giai đoạn thử nghiệm nầy, CWs chỉ được giao dịch với thời hạn chỉ 3 tháng/6 tháng ngắn ngủi; ngoài ra, cổ phiếu cơ sở chỉ xoay quanh nhóm bluechips VN30, nên cơ hội trên quan điểm của chúng tôi không thực sự lớn.

Do đó, dù nhiều người hay so sánh CWs với việc mua cổ phiếu cơ sở, họ không nhận ra rủi ro khổng lồ: nếu đến ngày đáo hạn, giá cp cơ sở cho CW không tăng đủ mức hòa vốn, họ sẽ mất trắng toàn bộ vốn liếng của mình! Cho nên, chúng tôi khuyến nghị mọi cá nhân không nên bỏ quá 1%-2% danh mục cho “trò chơi lướt sóng” thuần túy nầy…

4> Quy mô chứng chỉ quỹ ETF thụ động nội địa (không bị giới hạn room) của VFM tăng trưởng kỷ lục, báo hiệu trước cho xu hướng “passive investing” thay thế các quỹ tương hỗ!

Kể từ khi thành lập năm 2014, sau 5 năm, tài sản quản lý của quỹ ETF nội địa VFMVN30 (HOSE: E1VFVN30) của VFM tăng trưởng ~100% CAGR từ mức 202 tỷ đồng lên 6,330 tỷ đồng hiện tại một cách kinh ngạc (!) Với lợi thế không bị giới hạn bởi room ngoại và phí giao dịch thấp, E1VFVN30 đã thu hút rất nhiều dòng vốn ngoại, đặc biệt từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ & Châu Âu.

Trước bối cảnh kết quả đầu tư (performance) của các quỹ mutual funds ngày càng thua kém thị trường chung, trong khi phí quản lý cho bộ máy hằng năm lên đến 2%-3%/NAV, ETF gần như là sự thay thế tất yếu.

Song, điểm yếu của ETF là cơ chế mua các cổ phiếu vốn hóa lớn mà không cần biết định giá của chúng – trái ngược với triết lý đầu tư giá trị. Do đó NĐT cần phải chọn thời điểm giá thấp, hoặc áp dụng “dollar cost averaging” – thứ chúng tôi đã bàn trong mục Thảo luận (https://newslettervietnam.com/discussion-topics/hoi-ve-quy-etf-vn30/).

5> Báo Tuổi Trẻ gây sốc với loạt phóng sự điều tra Asanzo, gây hoang mang nơi niềm tin của hàng triệu người tiêu dùng…

Báo Tuổi Trẻ đã thực hiện một cuộc điều tra chúng tôi cho là rất kĩ lưỡng và chặt chẽ. Họ theo dấu container chứa hàng nguyên chiếc mà Asanzo nhập khẩu lậu qua hàng loạt các công ty “ma”, sau đó lắp ráp lại tối thiểu tại xưởng, xé mác “Made in China” rồi dán mác “Made in Vietnam”, lừa dối người tiêu dùng có quy mô, tổ chức suốt 7 năm qua, thu lợi hàng nghìn tỷ… Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra chỉ đạo cho các Bộ điều tra và trình chính thức hạn chót ngày 30/07.

Dù nhiều người nói rằng với mức giá rẻ mạt đó thì không lạ gì đây là hàng Trung Quốc, chúng tôi cho rằng sự lừa dối nầy thực sự gây hoang mang, ảnh hưởng rất tiêu cực đến hàng Việt Nam –  đặc biệt là nhóm hàng điện tử, điện máy, gia dụng. Và dù yêu mến hàng Việt Nam cách mấy, có lẽ người tiêu dùng chúng ta đành phải tự bảo vệ mình bằng việc chọn sản phẩm có thương hiệu, có bề dày lịch sử vậy…

6> Nhiều đại lý, điểm bán xổ số điện tử Vietlott bất ngờ đóng cửa do doanh số ế ẩm, một tin buồn hay thực ra là tin vui?!

Sau một thời gian tăng trưởng nóng cuối 2017 – đầu 2018, Vietlott đã bắt đầu rơi vào tình trạng ảm đạm. Cả năm 2018, có trung bình đến hơn 30% số đại lý không phát sinh doanh thu. Có khá nhiều nguyên nhân được đưa ra, bao gồm: (1) Hoa hồng đại lý chỉ 4%-5%/tờ vé 10 nghìn, quá thấp (2) Các đại lý không có chuyên môn về xổ số (3) Người trúng thường giấu mặt, khiến người tiêu dùng không tin tưởng.

Thay vì buồn bã, chúng tôi cho rằng đây là tin rất tốt! Dân trí của nước ta đã ngày càng cải thiện: giờ đây nhiều người biết rằng xác suất 1/8 triệu của Vietlott là quá khó để có thể trở thành hiện thực. Những NĐT giá trị huyền thoại thành công được là nhờ họ luôn đưa cho mình những xác suất tốt (good odds). Hơn nữa, như ngài Emerson đã nói: “Sự can trường của ta là vị Thần tốt nhất!”- chỉ có lao động mới có thể đem lại may mắn bền vững cho ta mà thôi

Saigon, đăng lại ngày 17.07.2019 bởi S.A.F.E team – Golden Newsletter Vietnam

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

CTKM Xuân Giáp Thìn 2024

Tình cảm quý độc giả 2023

Ap 74 chính thức phát hành!

Ấn phẩm mới phát hành
Ấn phẩm mới phát hành

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!