Gần đây trên mạng xã hội đang khá nóng về chủ đề dạy học (teaching), tự nhiên làm chúng tôi nhớ lên một người thầy vĩ đại của phố Wall – người đã “thầm lặng” đấu tranh vì một thứ gọi là chứng chỉ CFA suốt hàng chục năm, đặt nên tiêu chuẩn đạo đức thay đổi ngành tài chánh toàn cầu cho đến nay…Và người thầy vĩ đại ấy là ai? Xin mời quý độc giả xem lại câu chuyện lịch sử đầy thú vị, cảm động và tìm ra câu trả lời đầy bất ngờ ở cuối bài!
Câu chuyện lịch sử đầy thú vị, cảm động trích trong ấn phẩm đầu tư giá trị kỳ I, tháng 07.2017 của TGN
Đặt mua ấn phẩm đầu tư giá trị đầu tiên & duy nhất tại Việt Nam của TGN: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
Trong số 189,000 thí sinh tham dự kì thi chứng chỉ chuyên viên phân tích tài chính CFA (chartered financial analyst) đầu tháng Sáu vừa rồi trên toàn thế giới, tôi không nghĩ rằng có hơn 0.5% từng được nghe rằng chứng chỉ này vốn tên là “QSA” chứ không phải “CFA” như hiện nay.
Hơn thế nữa, 99.5% số người này cũng sẽ không quan tâm ý nghĩa gốc rễ của sự ra đời của nó là gì mà khả năng cao là họ chỉ chú ý đến cơ hội công việc cộng với mức lương thưởng hấp dẫn mà chứng chỉ này “hứa hẹn” sẽ mang lại. Vì lí do đó, hỡi các đọc giả và các bạn sinh viên đam mê tài chính thân mến, tôi xin bắt đầu kể lại quá trình hình thành “chiếc vé thông hành” nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính này bằng câu chuyện về một con người tận tâm đến kì lạ như sau…
I. Thập niên 1940, người thầy của phố Wall
Vào năm 1942, trong khi các nhà quản lý quỹ khác nghỉ hưu ở những bãi biển đẹp trong độ tuổi chín tuần của mình, một nhà quản lý quỹ đại tài, một triết gia, một người thầy tận tụy ở độ tuổi 48 vẫn đấu tranh cho thứ mà ông tin tưởng là sẽ nâng cao tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của giới chuyên gia tài chính lúc bấy giờ.
Tiêu chuẩn chất lượng mà ông muốn kiến nghị đến Hiệp hội các nhà phân tích chứng khoán New York (NYSSA) có tên gọi là QSA (qualified security analyst) – một chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp dành cho các chuyên viên phân tích & khuyến nghị chứng khoán trực tiếp với nhà đầu tư cá nhân.
Trong quyển sách nổi tiếng thế giới mà ông viết sau này – cụ thể là chương 9 – ông giải thích rằng sáng kiến này không có gì đặc biệt ngoài sự sao chép linh hoạt từ chứng chỉ hành nghề của giới kế toán và kiểm toán lúc bấy giờ: “CPA” (certified public accountant). Tương tự như các lĩnh vực như kế toán, y học, xây dựng, ông tin rằng các chuyên viên phân tích cần một “tấm huy chương” để chứng minh năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp trong bối cảnh suy đồi lúc bấy giờ tại thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, ông không hề hay biết rằng, bất cứ phát minh vĩ đại nào cũng sẽ bị không ít những “vật cản”; và đôi khi thứ vật cản ấy lại đến chính từ những con người vô cùng đáng kính trọng ở gần ta.
II. Sự đấu tranh không ngừng nghỉ
Đề xuất đầy ý nghĩa đó lại không hề là một quá trình nhanh chóng như mọi người tưởng tượng. Ba năm sau khi kiến nghị, 1945, NYSSA mới chỉ cân nhắc xem xét thay vì thông qua toàn phần. Và ông đã trình bày trên tờ nhật báo Analyst’s Journal để thuyết phục công chúng về những lợi ích của chứng chỉ QSA:
”…Khoảng 50 năm trước đây, những vị kế toán chuyên nghiệp cũng phải vật lộn với ý tưởng thành lập nên một tiêu chuẩn như thế này, và họ đã bị xem như là quá nghiêm trọng hóa vấn đề. Trớ trêu thay, cho đến nay mọi người lại xem nhẹ CPA như là một thứ thông lệ bình thường. Không cần phải là một nhà tiên tri cũng có thể nhìn trước được khi chúng tôi đã vượt qua được bước đầu tiên để thành lập tiêu chuẩn xét duyệt một chuyên viên phân tích chứng khoán, quy trình tự nó sẽ phát triển mạnh mẽ và sẽ không lâu sau trở thành thứ không thể thiếu đối với công chúng đầu tư.
Để định nghĩa cho lập luận dưới đây, một chuyên viên phân tích chứng khoán là người có vai trò trực tiếp tư vấn nhà đầu tư trong lĩnh vực mua và bán một chứng khoán cụ thể. Mệnh đề này sẽ loại ra:
(1) Những nhà thống kê/phân tích thứ cấp (junior) với vai trò chính chỉ là thu thập dữ liệu.
(2) Những chuyên viên phân tích kinh doanh/phân tích tài chính mà không liên quan trực tiếp đến chứng khoán
(3) Những giảng viên và nghiên cứu sinh
(4) Những chuyên viên phân tích vĩ mô/thị trường mà không trực tiếp liên quan đến khuyến nghị chứng khoán
Những lợi ích của hệ thống xét duyệt tiêu chuẩn có thể được tóm tắt như sau: những nhà đầu tư làm việc với một QSA sẽ biết được ít nhất anh ta đạt yêu cầu tối thiểu về kiến thức và năng lực chuyên nghiệp; họ cũng sẽ biết được rằng để giữ được chứng chỉ này, người QSA sẽ phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp; và cuối cùng, người QSA cũng sẽ được thuận lợi hơn trong công việc, mức thù lao và có được thêm động lực để gia tăng tinh thần chuyên nghiệp và đạo đức của anh ta…”
Mặc những lý luận tận tâm đầy thuyết phục đến đâu đi chăng nữa, vị chủ tịch già đáng kính của hiệp hội NYSSA – Lucien O.Hooper – lại phản bác đề xuất của người này một cách kịch liệt. Ông cho rằng có 06 lý do khiến đề xuất này là dư thừa (?!) và được tạo ra bởi những thành viên hiệp hội quá nghiêm túc và ảo tưởng: (1) chẳng ai thực sự có nhu cầu cho một mức chấm điểm cho các nhà phân tích, kể cả những vị khách hàng đòi hỏi (2) không nhiều những suy đồi trong nghề nghiệp đến mức đó (3) không tin rằng sự ra đời của chứng chỉ này có thể cải thiện được những vấn đề mà nó đưa ra (4) lãng phí thời gian và tiền bạc (5) thời điểm không hay khi những chuyên viên trẻ tuổi đang nhập ngũ (6) có chứng chỉ và xếp hạng trước khi học về quy tắc đạo đức là lời khuyên sai lầm. Một cách khách quan, không phải mọi nhận định của Hooper là vô lý. Song vị chủ tịch này đã bị mờ mắt bởi cái tôi thay vì chào đón những ý tưởng đầy giá trị như vậy. Và như các bạn đã biết, ông đã xem nhẹ tầm ảnh hưởng đến không ngờ của nó.
Cũng như mọi câu chuyện cổ tích với “nút thắt giữa truyện” đầy khó khăn, ý tưởng và đề xuất cao quý đó chìm dần trong lãng quên cho đến 10 năm sau vào năm 1953, hiệp hội NYSSA mới xem xét một đề xuất khác cho chứng chỉ chuyên viên phân tích cao cấp có thâm niên “Senior Security Analyst” và cũng vấp phải sự phản đối không ngừng nghỉ. Ngạc nhiên thay, họ bắt đầu xem xét lại ý tưởng về QSA trước đây khi thấy sự tương đồng giữa hai đề xuất, song sự xem xét đó cũng dừng lại và một lần nữa các đề xuất lại bị rơi vào lãng quên. Cho đến 10 năm sau lần thứ hai, 1963, tất cả hiệp hội các nhà phân tích trên khắp các bang của nước Mỹ mới tán đồng với ý tưởng QSA và thống nhất một chứng chỉ với tên gọi mới là CFA – và kể từ thời điểm ấy, mọi thứ bắt đầu thay đổi.
III. Một kết thúc có hậu
Ngày 15/06/1963 – sau hơn 20 năm đấu tranh, kì thi xét duyệt chứng chỉ CFA đầu tiên đã được tổ chức thành công tại Đại học bang California Los Angeles (UCLA) với sự tham dự của hơn 300 thí sinh đến từ nhiều tổ chức tài chính khác nhau Thú vị thay, những thí sinh tham dự đều là những quý ông đầy thâm niên trong lĩnh vực phân tích chứng khoán – họ ăn vận những bộ comple vô cùng lịch sự khi tham dự kì thi (như quý đọc giả có thể thấy trong hình). Trong số ấy, người nhỏ tuổi nhất trong kì thi là 45 tuổi; có 30 người đã 66 tuổi và có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề. Và bi hài thay cho luật nhân quả, một người 66 tuổi khá quen thuộc trong số đó lại chính là vị chủ tịch già đáng kính Lucien O.Hooper – một thời phản đối kịch liệt nay phải “nai lưng” học hành và thi cử vất vả như bao thí sinh khác (!)
Vào những năm tiếp theo, kì thi tiếp tục thu hút hơn hàng nghìn thí sinh đăng ký mỗi năm, trong đó có cả những người trẻ tuổi và đứng tuổi trong nghề. Irving Kahn, nhà đầu tư huyền thoại lớn tuổi nhất thế giới (109 tuổi, ông mất năm 2015), cũng là người nhận chứng chỉ vào kì thi thứ 2 của CFA.
Hệt như tầm nhìn vượt thời gian của con người tận tâm đề xuất, chứng chỉ CFA vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay và trở thành “tấm vé thông hành” không thể thiếu đối với mỗi chuyên viên phân tích. Và con người tận tâm ấy, không ai khác, chính là Benjamin Graham – người cha đẻ, người thầy vĩ đại của triết lí đầu tư giá trị mà chúng tôi luôn kính trọng và theo đuổi.
IV. Kết luận
“Cám ơn cho câu chuyện tuyệt vời, thưa ngài. Vậy còn ý nghĩa gốc rễ của CFA mà ngài khoa trương đầu bài viết là gì?” – nhiều đọc giả sẽ hỏi tôi. Nếu hiểu rõ được tính cách và con người của Benjamin Graham, người đọc sẽ nghiệm được lí do gốc rễ mà ông muốn thành lập nên tiêu chuẩn này: đó chính là yếu tố “đạo đức nghề nghiệp”. Graham chưa bao giờ đánh giá thấp IQ của phố Wall, tuy nhiên ông luôn cảm thấy phải có trách nhiệm với sự bất công quá lớn đối với tầng lớp những nhà đầu tư cá nhân và ông luôn đấu tranh không ngừng nghỉ để bảo vệ số đông này.
Trong khi nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn phàn nàn rằng tại sao môn Đạo đức nghề nghiệp (Ethics) trong CFA học để làm gì vì chúng quá “sáo rỗng”, tôi muốn kết thúc câu chuyện có hậu này bằng một lời nhắn nhủ mang đậm triết lí về nhân quả: có thể tiền bạc và địa vị sẽ đến trong ngắn hạn, song những điều thiện và những thứ thực sự đem lại giá trị cho người khác mới là đích đến cuối cùng cho hai từ “hạnh phúc” trong cuộc đời. Và dù cho gần đây chứng chỉ CFA ngày càng xa dần với ngày đầu thành lập – dần thiên theo hướng kiến thức, lí thuyết và thậm chí sẽ hướng tới công nghệ (big data), những bài học về đạo đức vẫn luôn là bài học quan trọng nhất, như là lí do gốc rễ mà nó được tạo ra vậy!
Saigon, đăng lại ngày 20.12.2019, bởi Filologos & Angelos – TGN
P/S: Đối với các quý đọc giả nào tò mò về kì thi đầu tiên, xin vui lòng trải nghiệm bài kiểm tra thứ nhất năm 1963 của hiệp hội CFA dưới link này và gửi cảm nhận về cho chúng tôi.
www.cfainstitute.org/Timeline%20Documents/firstcfaexam.pdf
Câu chuyện rất thú vị, cái kết có hậu cho vị chủ tịch Lucien O.Hooper :))
Vâng cám ơn lời ngọi khen của anh, câu chuyện rất có hậu cho những nỗ lực của ngài Graham và chúng ta đã nhìn thấy tầm ảnh hưởng của chứng chỉ CFA đến ngày nay như thế nào…