Những triết lý cuộc đời từ tập truyện cổ Andersen – The Golden Newsletter Vietnam
Trích từ ấn phẩm đầu tư giá trị IV, tháng 09/2017 (https://newslettervietnam.com/tai-pham-dau-tu-gia-tri-iv-thang-092017/)

Hans Christian Andersen, một trong những ngòi bút thanh cao và tác động đến số đông người đọc nhất trong lịch sử, vốn sinh thành năm 1805 tại một gia đình nghèo Đan Mạch với bố làm nghề thợ giày và mẹ làm chân rửa bát thuê. Cuộc đời của ông cũng là một câu chuyện đầy màu sắc từ sự chê bai, khinh rẻ đến hàng chục năm nỗ lực phấn đấu, trải nghiệm những chuyến du hành đến khắp mọi miền trên thế giới và sự thành công nổi tiếng lúc cuối đời.

Do đó, dù là tác phẩm văn học, thơ ca hay những mẩu chuyện cổ tích ngắn, Andersen đều chạm đến lòng mọi người đọc từ trẻ đến già, đến mọi thế hệ với những hình tượng nhân vật đơn giản mà sâu sắc. Đã gần 200 năm kể từ ngày được viết ra,  những câu chuyện cổ tích mà ông viết không hẳn kết thúc có hậu như nhiều câu chuyện đương đại, song thường đem lại những bài học về triết lý cuộc sống mà mỗi người đều có thể tự liên hệ

1. Trang phục mới của hoàng đế (The emperor’s new clothes)

Tóm tắt: Ngày xưa có một vị hoàng đế giàu sang và quyền lực thích quần áo mới đến nỗi ngài luôn muốn mình là kẻ đầu tiên sở hữu. Một hôm, có hai người lạ mặt tự xưng là thợ dệt khoe rằng họ có thể dệt ra thứ vải độc nhất thiên hạ: loại vải này sẽ làm cho bất cứ kẻ nào ngu xuẩn nào cũng không thể nhìn thấy được nó, dù đứng rất gần. Hoàng đế mời hết tể tướng, và quan thần đến kiểm tra, kẻ nào cũng sợ lòi ra cái dốt và thói nịnh nọt nên đều khen lấy khen để về thứ vải độc nhất thế gian đó. Hoàng đế không tin được, nên đích thân tới xem – ngạc nhiên thay, ông ta cũng chẳng thấy gì cả nhưng sợ lộ rằng mình ngu xuẩn nên cũng khen lấy khen để dù hai kẻ thợ dệt kia chỉ giả bộ cắt chỉ và gấp vải trong không khí. Đến ngày diễu hành, hai tay thợ dệt mời Hoàng đế cởi trần truồng và xin phép mặc cho ngài chiếc áo đặc biệt. Ông đi ra ngoài phố, mọi người vì sợ lộ mình ngu xuẩn nên cũng tấm tắc khen vẻ đẹp của bộ áo mới. Cho đến khi một đứa trẻ la lớn lên: “Nhà vua cởi truồng kìa!”, mọi người mới vỡ lẽ về trò chơi khăm đầy tinh vi của hai kẻ thợ dệt nay đã cao chạy xa bay.

Câu chuyện bi hài này là một trong ví dụ kinh điển cho tâm lý bầy đàn và sự sợ hãi khi phải khác biệt của loài người. Thay vì tư duy độc lập cho chính mình, mọi người đều sợ hãi khi không được người khác công nhận và hùa theo một thứ phi khoa học mà những kẻ chơi khăm bịa ra (!) Vậy mà chúng ta thấy phổ biến ra sao trên thị trường chứng khoán khi những cá nhân mê muội cùng phản ứng thiếu suy nghĩ với một tin đồn hay những thông tin bất chính từ những kẻ muốn trục lợi?

2. Chiếc rương bay (The flying trunk)

Tóm tắt: Chuyện kể về một chàng trai trẻ vốn xuất thân là con của một thương gia giàu có. Vì ăn chơi trác táng, hắn ta mất toàn bộ tiền bạc và chỉ còn tiền để mua một chiếc rương bay. Trong lúc bay từ trên trời xuống, vô tình hắn ta gặp công chúa xinh đẹp của vương quốc Thổ Nhĩ Kỳ và tự giới thiệu là một vị thần đến để cưới nàng. Bị mê hoặc bởi những câu chuyện phi thường, cả đức vua, hoàng hậu và công chúa đều đồng ý nhận hắn làm hoàng tử. Trong lúc chuẩn bị tiệc cưới, chàng trai trẻ khoe khoang rằng mình sẽ bay như một pháo hoa khắp lâu đài – tất cả người xứ Thổ đều thích thú và kỳ vọng vào màn trình diễn này. Nhưng ngạc nhiên thay, kẻ khoa trương với chiếc rương bay đã không bao giờ đến dự; hắn đã đốt trụi chiếc rương thần kỳ cùng với lửa pháo hoa và dành phần đời còn lại của mình để lang thang khắp nơi khoa trương với mọi người hắn gặp bên đường về câu chuyện phi thường ấy.

Khi ý chí để làm điều lương thiện thiếu sót, khi kỷ luật đạo đức ở một người trở nên hiếm hoi, hậu quả sẽ luôn nghiêm trọng đối với những người cả tin. Chính vì vậy, khi lựa chọn các khoản đầu tư, một trong những yếu tố mà chúng tôi đưa lên đầu chính là đạo đức (integrity) của ban lãnh đạo. Yếu tố đạo đức này được đánh giá dựa trên những gì họ đã làm được trong quá khứ, sự hứa hẹn có hiện thực và liệu lợi ích của ban lãnh đạo có khác biệt với cổ đông.  Vì chỉ cần thiếu sót yếu tố này, khoản đầu tư của ta khó có thể bền vững dù mô hình kinh doanh của doanh nghiệp có tốt đến cách mấy.

3. Chú lính chì dũng cảm (The brave tin soldier)

Tóm tắt: Ngày xưa có một chú bé nhận một bộ những 25 chú lính chì làm quà sinh nhật. Trong số ấy, có một chàng lính chì rất độc đáo vì bị mất một chân do lỗi sản xuất nhưng chàng ta vẫn luôn đứng rất hiên ngang. Hằng đêm, chú lính chì đã yêu thầm cô vũ công bằng giấy đối diện vì nàng có dáng điệu cũng một chân giống như anh. Một tên quỷ trong hộp bất thình lình hiện ra và nguyền rủa rằng mối tình trong mơ của chú lính sẽ thất bại. Sáng dậy, cậu bé đặt chú lính một chân bên cửa sổ, và gió đã quật chàng lính xuống. Chàng đã trải qua một hành trình khổ sở từ lúc bị những đứa trẻ cho trôi bồng bềnh giữa nước kênh, bị một con cá nuốt vào bụng và vô tình lại rơi về đúng chủ nhà xưa khi họ đến chợ mua cá. Cho đến giây phút cuối cùng, khi gặp lại tình yêu, chú lính chì bị một cậu bé hàng xóm quăng vào lò sưởi cùng với cô vũ công. Sáng hôm sau, cô người làm của cậu bé đã vô cùng ngạc nhiên vì nhìn thấy hình thù một trái tim bằng chì cháy sém bởi hai kẻ si tình.

Đây là một trong những câu chuyện tưởng chừng như có kết thúc bi kịch của Andersen – song lại đậm tính nhân văn sâu sắc. Ông muốn gửi gắm thông điệp về sức mạnh của tình yêu có thể giúp một người vượt qua giông tố bão táp cuộc đời như thế nào. Và hơn nữa, thay vì luôn than phiền, nếu chúng ta đón nhận nghịch cảnh một cách hiên ngang như chú lính kia, rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ đạt được mục tiêu sống của mình

4. Cô bé bán diêm (The little match girl)

Tóm tắt: Đầu không đội mũ, một cô bé bán diêm nghèo khó rảo bước trên đôi chân trần giữa mùa đông giá lạnh vì vô tình làm mất chiếc giày mà mẹ cô đã may cho cô. Cô bé mang theo bó diêm còn đầy trong người, đã hết ngày trôi qua mà vẫn chưa một ai thương tình mua cho cô bé một hộp diêm. Từ khắp các cửa sổ, những ngọn nến dần thắp lên và ôi chao, mùi thơm từ thịt gà nướng làm cô bé nhớ rằng đây là đêm giao thừa đây mà! Rồi cô bé ngồi xuống một góc tường giữa hai căn nhà, dần đốt lên những que diêm một với từng giấc mơ của cô. Cô bé mơ đến một lò sưởi ấm áp, rồi những dĩa gà nướng ngon lành, rồi cây thông rực rỡ màu sắc. Nhưng mỗi lần cô bé gần chạm được với nó, thì que diêm lại vụt tắt. Rồi cô nhìn thấy trong ánh lửa hình ảnh của người bà đã khuất; cô bé tội nghiệp đã khóc và đốt hết que diêm này đến que diêm khác để giữ lấy hình ảnh và nụ cười sáng tuyệt vời của người bà thân thương. Đến sáng, những người đi đường chợt nhìn thấy một cô bé bán diêm đã chết cóng vì lạnh giữa góc phố cô độc với một bó diêm đã đốt trụi – nhiều người nghĩ cô ta cố gắng sưởi ấm – nhưng không ai hay biết rằng cô đã trải qua đêm giao thừa đẹp nhất trong đời.

Nghĩ về sự bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội và những thân phận cơ nhỡ, tôi không thể nào hiểu được vì sao nhiều người trong chúng ta luôn cảm thấy bất hạnh thay vì biết ơn những may mắn (!) mà chúng ta có được cho đến ngày hôm nay. Câu chuyện đau lòng của Andersen đã lay động rất nhiều trái tim người đọc trên thế giới về lời kêu gọi cho sự sẻ chia sự giàu có khi dư thừa và sự nhiệt tình thúc đẩy hoạt động từ thiện cho những mảnh đời trẻ thơ đầy bất hạnh.

5. Chú vịt con xấu xí (The ugly duckling)

Tóm tắt: Chuyện kể về một chú vịt con với bộ dạng khác biệt với bầy vịt nơi nó sinh ra. Nó luôn bị chế giễu, chê cười và trách mắng vì làm xấu mặt đàn vịt trong gia đình. Vốn sinh ra đã “xấu xí”, chú vịt con này cảm giác mình không thuộc về nơi nào cả – và luôn chờ ngày tìm được một nơi đón nhận nó. Bị xua đuổi, bị săn bắt, bị hắt hủi trong giá rét, bị những kẻ ghen tỵ hãm hại, vào giây phút cuối cùng khi chú vịt con chuẩn bị từ bỏ và muốn kết liễu cuộc đời bằng cách dâng mình cho một đàn thiên nga. Bỗng nhiên chú ta nhìn vào hình ảnh phản chiếu dưới nước và nhận ra mình đã hóa thân thành một chú thiên nga lộng lẫy. Chú ta cất cánh cùng bầy thiên nga xinh đẹp lên trời cao. Ở dưới, những loài muông thú khác nhìn lên cất lời ngưỡng mộ vẻ đẹp và sự tự do của bầy thiên nga. Và lần đầu tiên trong đời, chú “vịt con xấu xí” ngày nào mới biết đến cảm giác của sự hạnh phúc.

Qua câu chuyện cảm động và có hậu này, Andersen đã gửi gắm cuộc đời của ông cũng như những tấm gương kiên trì vượt qua số phận khổ nhọc để tìm đến hạnh phúc. Ngoài ra, tôi cũng cảm nhận được bài học về niềm tin vào bản thân: không bao giờ từ bỏ cuộc sống và ước mơ (*) – dù mọi người xung quanh có chê cười và từ chối ta. Cũng như trên thị trường chứng khoán, ngài Graham đã kết luận cho quyển sách để đời của mình rằng: “Bạn đúng hay sai không phải do người khác đồng ý với bạn.”, bạn – và chỉ bạn – mới có khả năng đặt niềm tin vào chính mình trong những khoảnh khắc khó khăn của cuộc đời.

Lựa chọn, dịch thuật, tóm tắt và bình luận tập truyện cổ Andersen bởi S.A.F.E team

TGN_Skopos

Biên tập viên, Chuyên viên phân tích cao cấp, Người quan sát độc lập
skopos@newslettervietnam.com

View all posts

Ap 79 chính thức phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2024”

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!