Tầm quan trọng của chỉ số tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư: ROE, ROA và ROIC – The Golden Newsletter Vietnam

Nếu được chọn chỉ một chỉ số tài chính để phân biệt giữa một doanh nghiệp tuyệt vời và một doanh nghiệp tệ hại, thì chúng tôi tin rằng không có chỉ số nào quan trọng hơn tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư (return on capital). Tỷ suất sinh lời có thể được sử dụng thông qua các chỉ số thông dụng như ROE (return on equity), ROA (return on asset) hay ROIC (return on invested capital).

Bài viết trong ấn phẩm kỳ XIII, phát hành tháng 8.2018
Đặt mua ấn phẩm cũ: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

Ví dụ về 2 nhà hàng

Thử tưởng tượng nếu bây giờ có hai nhà hàng được chào mời để quý độc giả đầu tư: nhà hàng thứ nhất tạo ra lợi nhuận 500 triệu đồng/năm trên vốn đầu tư ban đầu 1 tỷ đồng; nhà hàng thứ hai tạo ra 1 tỷ đồng lợi nhuận/năm – song đòi hỏi đến 10 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu, thì quý độc giả sẽ lựa chọn phương án nào?

Nếu là chúng tôi, chúng tôi sẽ lựa chọn nhà hàng đầu tiên – với lợi suất 50% mỗi năm trên vốn đầu tư dù cho con số lợi nhuận tuyệt đối có thấp hơn một nửa. Chúng tôi chọn nhà hàng này, bởi vì với 9 tỷ đồng còn lại, chúng tôi có thể kiên nhẫn lục tìm 9 nhà hàng tương tự như vậy để mua, và sẽ sinh lợi gấp 5 lần thay vì bỏ ra 10 tỷ để mua nhà hàng thứ hai, vốn chỉ có tỷ suất sinh lời vỏn vẹn 10% trên vốn đầu tư.

Đến đây ắt hẳn nhiều độc giả sẽ cho rằng ví dụ hai nhà hàng mà chúng tôi đưa ra quá “hiển nhiên” và “ngớ ngẩn”! Ấy vậy mà trên thương trường chứng khoán thực tế, khi bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, tâm lý xóa bỏ nghi ngờ để quyết định nhanh và tâm lý quá lạc quan, các nhà đầu tư cá nhân, thậm chí có cả chuyên nghiệp, thường xuyên quên đi những nguyên tắc về chọn doanh nghiệp sinh lời tốt trong kinh doanh, lao vào mua những cổ phiếu tăng trần xanh tím vài ba % – bất chấp hiệu suất sinh lời trên vốn tệ hại của chúng. VIC, MSN, FLC, HAG, SBT là những ví dụ điển hình mà chúng tôi quan sát thấy trong thời gian vừa qua.

Tầm quan trọng của tỷ suất sinh lời trên vốn

Trong quyển The little book that beats the market, 2007 của nhà đầu tư huyền thoại Joel Greenblatt, 1 trong 2 nhân tố quyết định nên “công thức thần kỳ” mà ông cho rằng sẽ chọn được một khoản đầu tư tuyệt vời – chính là chỉ số tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư này. Ông lập luận cho ta hay được chỉ số này vừa đơn giản, vừa ít rủi ro, lại vừa vô cùng hữu dụng – có thể giúp đánh bại nhiều quỹ đầu tư đại chúng chạy theo hiệu quả đầu tư ngắn hạn (short-term performance),

Trong bức thư thường niên năm 1995 của ngài Buffett gửi cho các cổ đông Berkshire Hathaway của mình, ngài Buffett đã từng nói: “Chúng tôi ưa thích những doanh nghiệp có thể tạo ra mức sinh lợi cao trên vốn đầu tư, và chắc chắn rằng nó có thể tiếp tục như vậy trong tương lai.” Ngài Munger và Buffett là một trong những người tiên phong trong việc đề cao tầm quan trọng của chỉ số này, như câu chuyện mua lại See’s Candies mà chúng tôi đã phân tích ở phần trên.

Về mặt logic, một công ty tạo ra mức ROE cao và bền vững (chúng tôi gọi vậy cho nhanh), sẽ chứng minh được hai việc: (1) nó là một mô hình kinh doanh tạo ra dòng tiền tốt hơn so với trung bình của nền kinh tế (2) nếu như nó giữ được mức ROE cao qua nhiều năm, chứng tỏ rằng công ty này đã giữ được mức tăng trưởng lợi nhuận khá tốt trong quá khứ.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân chúng ta phải cực kỳ cẩn trọng đối với mức ROE cao đột biến, bất thường trong một năm gần nhất do lợi nhuận tài chính, lợi nhuận khác hoặc các thủ thuật kế toán trích lập dự phòng và chi phí không đầy đủ.

Chúng tôi thường thấy điều này chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản (vd: VPI, SDI năm 2017), ngân hàng (VPB, TCB năm 2017), hay các công ty thường xuyên định giá lại các công ty thành viên (CII), hoặc các công ty chu kỳ (HSG). Tầm nhìn tỷ suất sinh lời theo một chuỗi thời gian, qua các chu kỳ kinh tế, một cách bền vững là vô cùng cần thiết.

Cách tính tỷ suất sinh lời trên vốn

Phải thú thực đã có rất nhiều độc giả hỏi chúng tôi cách tính ROIC như thế nào là chính xác nhất? Chúng tôi xin mạn phép trả lời bằng một câu hỏi ngược lại: tại sao chúng ta phải tính toán ra một con số “cực kỳ” chính xác?? Về mặt bản chất, ROIC là chỉ tiêu quan trọng, nhưng cũng chỉ là một bộ phận cấu thành trong đánh giá tài chính – vốn chỉ là một chữ M trong bốn chữ M toàn diện mà ta cần phân tích về một doanh nghiệp. Do đó, ta chỉ cần biết rằng doanh nghiệp đó có sinh lợi vượt trội, trong một chuỗi thời gian đủ bền vững hay không thì đã là đạt yêu cầu. Vì thế, trong các tính toán nhiều năm qua, chúng tôi chia ra hai loại như sau:

Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp ít nợ vay, nhiều tiền mặt, chúng tôi thường sử dụng trung bình ROE 3 năm, hoặc 5 năm như một thước đo hợp lý, đặc biệt với các ngành sinh lời tốt như sản phẩm tiêu dùng, y tế, dịch vụ tiêu dùng.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp nhiều nợ vay, thì sử dụng chỉ số ROIC sẽ hợp lý hơn – đồng thời kiểm tra xu hướng ROA qua nhiều năm xem có bền vững hay không. Chúng tôi thường dùng lợi nhuận ròng/(vốn chủ + nợ vay – tiền mặt) để tính ROIC. Nhiều chuyên gia sẽ phản biện nếu có nợ vay thì dùng EBIT*(1-t)/(vốn chủ + nợ vay) sẽ hợp lý hơn. Song chúng tôi thường tính công thức trên để cẩn trọng và đơn giản hơn, do nhiều doanh nghiệp hiện nay thường vốn hóa chi phí lãi vay và có thuế suất khá phức tạp.

Với tỷ suất ROIC trung bình của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam nằm trong khoảng từ 12%-14% và lợi suất tiền gửi tiết kiệm là 7%, chúng tôi cho rằng một doanh nghiệp tốt (good business) nhất thiết phải có ROIC tối thiểu 20%, trong khi một doanh nghiệp thuộc hạng vượt trội (outstanding business) thường có ROIC trên 30%.

Nếu chúng ta đã hiểu được tầm quan trọng của tỷ suất sinh lời, thì từ nay ta sẽ phân loại doanh nghiệp vượt trội/tốt/xấu rõ ràng với đôi mắt logic hơn. Ta sẽ không còn dễ dàng bị tâm lý bằng chứng xã hội (social proof) lừa gạt. Ta sẽ nhìn rõ hơn sai lầm của đám đông. Ta không còn bị ảnh hưởng từ các báo đài, các quỹ đầu tư, và các CTCK “sặc mùi” mâu thuẫn lợi ích. Rồi từ đó ta tư duy lí trí hơn, mỉm cười ung dung tự tại…

Saigon, đăng lại ngày 12.03.2019, bởi Skopos – Golden Newsletter Vietnam

TGN_Skopos

Biên tập viên, Chuyên viên phân tích cao cấp, Người quan sát độc lập
skopos@newslettervietnam.com

View all posts

3 comments

  • ad ơi cho mình hỏi nợ vay ở đây là gồm cả nợ ngắn hạn + nợ dài hạn hay là 1 trong 2 loại vậy

  • Hi ad, trên public information về BCTC (vi du cafef website ) thường mình chỉ thấy có ROE, ROA…, xin hỏi là làm sao để biết được ROIC? Thanks

    • Bạn vào trang cophieu68. gõ mã CP rồi tìm trong mục Tăng trưởng tài chính sẽ có ROIC nhé.

Kỳ 78 chính thức phát hành!

Ấn phẩm 78 sắp phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!