Trích đoạn trong bản in đặc biệt độc nhất của TGN “Tâm lý học hành vi sai lầm của loài người – ngài Munger”, phát hành nhiều năm trước (https://wp.me/pcnhon-L4)
Đặt mua ấn phẩm đầu tư giá trị đầu tiên & duy nhất tại Việt Nam – TGN: https://wp.me/Pcnhon-z1
@Ngài Munger: “Một loài vật thông qua chọn lọc tự nhiên để tiến hóa, ắt hẳn sẽ có động lực rất mạnh với thực phẩm khi chúng thấy thực phẩm đầu tiên. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn kịch liệt (conflict) khi đồ ăn được nhìn thấy trong tay một con vật khác cùng chủng loài. Đây có lẽ là một trong những nguồn gốc quan trọng nhất của xu hướng tâm lý ghen ghét luôn nằm sâu thẳm trong mỗi con người.
Tâm lý ghen tỵ khá phổ biến, và vô cùng cực đoan khi ta nghe các câu chuyện thần thoại, tôn giáo, văn học mà ở đó đầy rẫy sự chém giết và bi thương. Vị thánh Moses thậm chí còn căn dặn trong 10 điều răn cho những tội lỗi của con người – trước cả khi Đức Jesus sinh ra – rằng: ‘Ngươi không được phép ham muốn nhà người ta, vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất kỳ vật gì của người ta.’
Tâm lý đố kỵ này còn cực đoan trong thời đại thông tin hiện đại. Chúng ta thấy những đồng nghiệp/lãnh đạo cấp cao của những ngân hàng ghen ghét nhau ra sao khi biết được lương thưởng của nhau. Nhiều hãng luật, vì sợ chuyện này, nên quyết định trả tất cả thành viên hội động quản trị mức lương như nhau, để tránh gây mâu thuẫn lâu dài. Như Warren đã quan sát cuộc đời và chia sẻ một cách thông thái nhiều lần: “Không phải lòng tham thúc đẩy thế giới, mà là sự đố kỵ (It is not greed that drives the world, but envy).”
@S.A.F.E: Câu chuyện huyền thoại về cái chết của Chu Du trong quyển Tam Quốc Diễn Nghĩa vẫn luôn là bài học vô cùng quan trọng đối với lịch sử Trung Hoa và cả Việt Nam. Chính sự đố kỵ, không biết mình biết người, đã khiến nhiều người đầu óc hẹp hòi chúng ta sống khổ hạnh.
Điều này không chỉ đúng trong cuộc sống, mà còn đúng trong lĩnh vực đầu tư – vốn gắn liền mật thiết với tiền bạc. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chúng ta nhìn thấy những gã hàng xóm kiếm tiền tỷ dễ dàng nhờ đầu cơ cổ phiếu, mua nhà mua xe, tự nhiên thấy chợn lòng… Rồi trở nên mất kiên nhẫn, lao theo các con sóng đầu cơ đầy rủi ro, quên đi nguyên tắc an toàn vốn đã theo đuổi bấy lâu nay…
Như ngài Buffett từng có một câu châm ngôn đầy triết lý: “Nếu bạn luôn so sánh mình với kẻ khác, bạn sẽ luôn luôn thua cuộc. Ấy là bởi vì sẽ luôn có người giỏi hơn bạn, hoặc sẽ có cả những kẻ gian lận nữa!”. Nhiều người sinh ra may mắn hơn ta, có điều kiện tốt hơn ta; cũng có nhiều người có khả năng phi thường, với ý tưởng kinh doanh và khả năng ứng dụng tuyệt vời; thậm chí có cả nhiều kẻ còn dùng nhiều thủ thuật ma mãnh để giàu lên chóng vánh. Nếu suốt ngày tự so mình với những người đó rồi đâm ra chán nản, ta sẽ chẳng có động lực phấn đấu chi hết. Mấu chốt ở đây chính là mục tiêu và kế hoạch của riêng ta.
Để thành công bền vững và giữ được sự kiên nhẫn trên thị trường, theo kinh nghiệm của chúng tôi: ta nên đặt một mục tiêu sinh lợi hợp lý, không quá cao: có thể là xấp xỉ 15%–20% một năm (CAGR) song duy trì nó được trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, ta cần duy trì một kênh tạo tiền mặt tốt: có thể nhờ việc làm, bất động sản cho thuê, hoặc một cơ sở kinh doanh nhỏ. Mục tiêu nhất quán và kênh tạo tiền mặt tốt sẽ giúp ta kiên nhẫn, tự đánh giá tăng trưởng của bản thân, đồng thời hưởng được kỳ quan lãi kép. Rồi không sớm thì chầy, ta sẽ đạt được vị thế tự do tài chính của top 2% số người đứng đầu của xã hội.
Saigon, đăng lại tuần “đen tối” T6/2022, bởi S.A.F.E team – TGN