Vì sao giới báo chí & các cá nhân đang coi thường BYD, một tay chơi “low-cost producer” đích thực, vừa gia nhập thị trường EV Việt Nam? – The Golden Newsletter Vietnam
@Tổng hợp và nghiên cứu nhiều tài liệu từ HKEX Filings, websites & bài báo về công nghệ của BYD, đồng thời lược dịch nhiều bài phỏng vấn của cố ngài Munger về ban lãnh đạo BYD – cụ thể là CEO Wang Chuanfu

**********************

@S.A.F.E, T10/2024: Cách đây một vài ngày, trong một buổi tối dạo chơi trên đường phố Sài Gòn, chúng tôi chợt nhìn thấy vài chiếc Crossover SUV mang tên Atto 3 của BYD màu trắng, thiết kế thanh thoát khá ấn tượng chạy trên đường đầy bất ngờ…

Bên cạnh đó, chợt nhớ đến thương vụ x30-40 lần huyền thoại của ngài Buffett & Munger đầu tư vào BYD cho Berkshire Hathaway năm 2008 dựa trên sự giới thiệu của ngài Li Lu: https://finance.yahoo.com/news/charlie-munger-says-byd-best-094339069.html, chúng tôi không khỏi tò mò về lợi thế cạnh tranh vượt trội của tay chơi khổng lồ nầy và những dự định của họ tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung trong tương lai dài hạn!

Sau phân tích kĩ lưỡng, chúng tôi đưa ra quan điểm ngược chiều mạnh mẽ rằng giới truyền thông báo chí & các cá nhân nội địa đang lạc quan quá mức và đánh giá quá thấp (underestimate) việc gia nhập của BYD Company Limited (HKEX: 1211) – một gã khổng lồ có năng lực thực sự – vào Việt Nam một vài tháng trước vì 3 luận điểm sau:

  • Thứ nhất, chúng ta đang đánh giá quá thấp lợi thế cạnh tranh “low-cost producer” của BYD, một trong những tay chơi EV hiếm hoi tự chủ công nghệ pin LFP – “Blade Battery”, sở hữu mỏ Lithium khắp thế giới, thể hiện rõ ràng qua biên LN gộp và hiệu suất sinh lời trên vốn ROE vượt trội so với ngành (*)
  • Thứ hai, chúng ta đang đánh giá quá thấp năng lực tuyệt vời của ban lãnh đạo BYD, cụ thể là CEO Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) – người mà cố ngài Munger gọi là “Edison của Trung Quốc” (*)
  • Cuối cùng, chúng ta đang đánh giá quá thấp vị thế chính trị “con cưng chiến lược” của BYD đối với chính quyền TQ, khi họ đang là leader trong chiến lược 3 “mũi nhọn” xuất khẩu mới của TQ (*)
  • Kết luận: Mối họa của việc kinh doanh bằng truyền thông báo chí “ru ngủ” sai lầm. Tương lai dài hạn 5-10 năm tiếp theo cực kỳ nguy hiểm nếu VN tiếp tục coi thường BYD (!)

Chúng ta cùng lần lượt đi vào các luận điểm…

1> Chúng ta đang đánh giá quá thấp lợi thế cạnh tranh “low-cost producer” của BYD, một trong những tay chơi EV hiếm hoi tự chủ công nghệ pin LFP – “Blade Battery”, sở hữu mỏ Lithium khắp thế giới, thể hiện rõ ràng qua biên LN gộp và hiệu suất sinh lời trên vốn ROE vượt trội so với ngành

Như chúng tôi đã viết trong ấn phẩm kỳ 78 – Ấn phẩm ngành Thép Việt Nam ngược chiều phát hành T9/2024 vừa qua (https://newslettervietnam.com/an-pham-moi-phat-hanh/), lợi thế low-cost producer không tương đương với economies-of-scale, nơi bất cứ ai có quy mô vốn lớn cũng có thể làm được. Lợi thế cạnh tranh “low-cost producer”, nhà sản xuất chi phí thấp, phải đến từ việc sở hữu các bí quyết công nghệ hoặc một lợi thế nhất định nào đó trong quy trình sản xuất/cung ứng nguyên liệu/phân phối sản phẩm, dẫn đến giá thành sản phẩm thấp hơn đáng kể, và biên lợi nhuận cao hơn đáng kể so với các đối thủ cùng ngành (*)

Khi đọc các bài báo về việc Ủy ban Châu Âu hay Hoa Kỳ áp mức thuế phòng vệ thương mại từ 25% đến 100% đối với xe điện đến từ Trung Quốc, trong đó dẫn đầu là BYD – với sản lượng ~3 triệu chiếc EV bán ra mỗi năm, gần 240k chiếc xuất khẩu trong năm tài chính FY2023 (tăng trưởng +334% so với cùng kỳ, link tham khảo: https://en.byd.com/news/byd-concludes-2023-with-record-3-million-annual-sales-leading-global-nev-market/), chúng tôi thoạt nghĩ rằng lợi thế của BYD có lẽ đến từ nguồn vốn equity hoặc debt financing giá rẻ từ NHTW Trung Quốc, đồng thời họ trả lương nhân công rẻ mạt hoặc tương tự như thế, v.v

Song sự thực không hề như vậy!

BYD không hề vay nợ nhiều – bảng cân đối kế toán của công ty cực kỳ vững mạnh với chỉ vỏn vẹn 10 tỷ RMB nợ vay ngắn hạn & 14 tỷ RMB vay dài hạn, với tỷ lệ debt/equity còn thấp hơn 20% trên nền vốn chủ 140 tỷ nhân dân tệ. Nếu chúng tôi tính cả lượng cash & securities on hand của công ty trên bảng cân đối trị giá ~70 tỷ nhân dân tệ, thì tỷ lệ net debt của BYD là con số âm, vì cash flows của họ là quá tốt!

Ngoài ra, trong vốn chủ chủ sở hữu 140 tỷ RMB của họ, đến một nửa 70 tỷ RMB đến từ lợi nhuận retained earnings tích lũy sau nhiều năm sinh lời đáng kể cho cổ đông, chứng tỏ một lần nữa rằng họ không hề nhận vốn equity giá rẻ từ bất cứ ai.

————————

Như vậy lợi thế low-cost producer của BYD là gì? Đó không đâu khác chính là nhờ công nghệ sản xuất pin Lithium suốt 30 năm qua đã cải tiến liên tục mỗi năm và lợi thế độc quyền sở hữu mỏ Lithium khắp thế giới (*)

Từ khi thành lập năm 1995 tại Thẩm Quyến – Shenzhen, Wang Chuanfu – nhà sáng lập & CEO BYD – một Thạc sĩ trong ngành kim loại màu tại Viện Nghiên cứu Kim Loại Màu Bắc Kinh, đã định hướng công ty sản xuất pin Lithium rechargable cho điện thoại cầm tay sau khi nhận ra đối thủ Nhật Bản chưa nhận ra tiềm năng của kim loại nầy. Sau nhiều năm là nhà sản xuất pin Lithium lớn thứ 2nd toàn cầu, năm 2002 công ty IPO trên sàn chứng khoán Hong Kong (HKEX), sau đó ít lâu mua lại cty sản xuất ô tô phá sản khác có tên là “Xi’an Qinchuan Automobile”, họ liên tục thử & sai với các dòng xe plug-in hybrid ban đầu và tối ưu công nghệ pin, copy đối thủ Tesla từ Hoa Kỳ. Link: https://en.wikipedia.org/wiki/BYD_Company

Và tất cả trở thành lịch sử kể từ năm 2020, BYD gây chấn động ngành xe điện toàn cầu với sản phẩm “Blade Battery” dựa trên công nghệ pin Lithium Iron Phosphate (LFP) thông qua cty con FinDreams. Loại Blade Battery mới này có giá thành thấp hơn đáng kể so với các đối thủ như CATL vì không cần kim loại màu quý hiếm như Nickel hay Cobalt, họ chỉ cần các loại nguyên liệu rẻ hơn, charge được nhiều cycles hơn song vẫn đạt được mật độ năng lượng (energy density) cao, giúp xe EV chạy được quãng đường xa hơn đáng kể so với đối thủ, trung bình >400km (*) Link tham khảo: https://www.bydbdautogroup.com/en/byd-blade-battery-en/, https://en.wikipedia.org/wiki/Lithium_iron_phosphate_battery

Ngoài việc tự chủ công nghệ với giá thành thấp hơn đáng kể so với đối thủ, BYD còn sở hữu hàng loạt mỏ Lithium mines ở cả Trung Hoa Đại Lục và khắp thế giới, bao gồm dự án Yichun, tỉnh Giang Tây non 4.2 tỷ USD (https://www.china-certification.com/en/byd-invests-4-2-billion-in-lithium-projects-in-jiangxi-province/), cùng một số dự án khác như Chile (https://en.byd.com/news/chinas-byd-wins-chile-lithium-extraction-contract/), Châu Phi (https://www.spglobal.com/marketintelligence/en/news-insights/latest-news-headlines/chinese-electric-vehicle-maker-byd-to-buy-6-lithium-mines-in-africa-8211-the-paper-70602057) cùng mối quan hệ cổ đông lớn với một trong những nhà cung cấp Lithium lớn nhất Trung Quốc (https://cnevpost.com/2022/12/08/byd-becomes-3rd-largest-shareholder-of-chengxin-lithium/), v.v

Những lợi thế này thể hiện rõ ràng qua biên lợi nhuận gộphiệu quả sinh lời trên vốn ROE vượt trội hơn hẳn so với trung bình ngành sản xuất ô tô dù cho giá bán thấp hơn – kể cả những DN sản xuất động cơ đốt trong ICE lâu đời (hình dưới, thống kê cực kỳ dầy công bởi BBT S.A.F.E chúng tôi):

Mức biên lợi nhuận gộp và độ cạnh tranh của BYD trên cao đến mức CEO Tesla Elon Musk phải thú nhận rằng nếu Mỹ và đồng minh Châu Âu không có hàng rào thuế quan, những tay chơi đến từ Trung Quốc – đặc biệt là BYD – sẽ đè bẹp các đối thủ khác một cách dễ dàng: https://www.reuters.com/business/autos-transportation/tesla-ceo-musk-chinese-ev-firms-will-demolish-rivals-without-trade-barriers-2024-01-25/.

Từng cười nhạo năng lực sản xuất/công nghệ của BYD năm 2011, giờ đây năm 2023 (sau 12 năm), Musk đã phải thú nhận rằng xe điện của BYD hiện đang cực kỳ cạnh tranh (hình dưới).

————————

Hiện BYD đang chào giá bán lẻ chiếc BYD Atto 3″ – mẫu xe CUV global bán chạy nhất toàn cầu của hãng – với bản base ở mức giá xấp xỉ 650 triệu VND tại Thái Lan, và 760 triệu VND tại Việt Nam chúng ta. Chúng tôi cho rằng mức giá trên còn quá nhiều dư địa để giảm với nguồn lực tài chính khổng lồ, gross margin ~20%, ROE ~24% để có một đợt bán phá giá xuống mức 500-550tr VND như kế hoạch của họ từng dự định làm ở Thái Lan. Link tham khảo: https://tuoitre.vn/thai-lan-dieu-tra-byd-giam-gia-xe-dien-khong-thay-day-sap-cong-bo-gia-ban-viet-nam-20240717165134539.htm

BYD Atto 3 có thiết kế chúng tôi cho là tương đối đẹp nhờ copy gần như toàn bộ từ chiếc Huyndai Tucson hoặc tương tự, trong khi mẫu BYD Seal lại copy trông khá giống với Tesla Model S.

Hơn thế nữa, trong năm 2025-2026 tại VN, BYD còn định ra mắt mẫu xe mini-van đa dụng (MPV) BYD M6 với giá cả dự kiến từ ~800tr VND, đảm bảo tính rộng rãi và khả năng vận hành. Link tham khảo: https://vnexpress.net/byd-sap-ra-mat-mpv-chay-dien-tai-viet-nam-4791677.html

Tuy nhiên với giá thành sản xuất quá cạnh tranh, công nghệ pin LFP Blade Battery vượt trội khiến xe có quãng đường chạy từ 410-480km/một lần sạc, khoang nội thất cao cấp so với tầm tiền và cảm giác lái mạnh mẽ, nếu như gã khổng lồ nầy sử dụng chiến lược bán phá giá còn đâu đó 500-550tr VND/chiếc cho các mẫu bán chạy như Crossover SUV & MPV trong tương lai dài hạn khi đặt nhà máy sản xuất ở VN, chúng ta nên bắt đầu lo ngại dần là vừa…

2> Chúng ta đang đánh giá quá thấp năng lực tuyệt vời của ban lãnh đạo BYD, cụ thể là CEO Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) – người mà cố ngài Munger gọi là “Edison của Trung Quốc”

Gần đây nghe podcast cuối cùng của cố ngài Charlie Munger (đoạn clip dưới) – thứ mà chúng tôi sẽ bàn sâu trong kỳ 79 tới, chúng tôi rất tò mò thú vị khi ông liên tục ngợi khen CEO BYD Wang Chuanfu rằng ông ta có một năng lực tuyệt vời: nơi ông chỉ cần nhìn sản phẩm của đối thủ buổi sáng và buổi chiều đã có thể sản xuất ra một thứ tương tự!

Có thể ngài Munger hơi phóng đại một chút, song nhìn cách mà BYD liên tục học hỏi trong mảng EV, làm mới sản phẩm của mình từ 2004 -> nay, copy những điểm hay nhất của các đối thủ khắp thế giới như Tesla, Toyota hay Huyndai và làm tốt hơn, đến nay trở thành gã khổng lồ bán xe điện lớn nhất thế giới với volume ~3 triệu chiếc/năm (số liệu FY2023), chúng ta thực sự kinh ngạc trước năng lực quản trị của vị Chủ tịch nầy.

Sử dụng bộ 4 tiêu chí cho một ban quản trị tuyệt vời đối với Founder & CEO BYD – Wang Chuanfu, chúng ta có thể nhận thấy:

  • Track record returns cho cổ đông của ông ta là tuyệt vời một cách rõ ràng, với giá cổ phiếu tăng 24% CAGR từ năm 2008 đến 2024. Bên cạnh đó, hiệu suất sinh lời trên vốn ROE của DN luôn >20% một cách đều đặn trừ những năm khủng hoảng 2008-2009. Về năng lực phân bổ vốn (capital allocation), từ một nhà máy sản xuất pin điện thoại Lithium nhỏ năm 1995, ông liên tục mở rộng vào các mảng kinh doanh mới như EV năm 2004 khiến cả ngài Munger & Li Lu đều can ngăn nhưng ông vẫn kiên định. Đến năm 2016, BYD gia nhập vào mảng năng lượng tái tạo và đường sắt tốc độ cao SkyRail của Trung Quốc, và đây sẽ là lĩnh vực đem lại doanh thu khủng khiếp cho công ty trong tương lai!

  • Về tiêu chí skin-in-the-game, với lượng cổ phần A-Shares chiếm xấp xỉ 18% tổng SLCP đang lưu hành của BYD, thứ mà Forbes đang thống kê ở mức trị giá >20 tỷ USD, không có lý do gì để nghi ngờ việc gần như 100% tài sản cá nhân của Wang Chuanfu đang nằm ở BYD và đây là di sản để đời, thậm chí di sản của cả Trung Hoa mà ông ta dồn toàn tâm toàn lực vào trong nhiều năm nữa (hình dưới)…

(kỳ 2 tiếp tục tại đây)

  • Về tiêu chí đức tính trung thực & đáng tin cậy, dù không thể nào tiếp cận được để đánh giá như các ban quản trị ở Việt Nam, rất khó để chúng ta phủ nhận thành quả track record tuyệt vời cho cổ đông sau 22 năm kể từ khi BYD IPO năm 2002 của Wang Chuanfu. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của chúng tôi, điểm rất mạnh của Wang Chuanfu chính là đức tính khiêm nhường (humility) khó ai sánh bằng: ông ta luôn kín tiếng, “cúi đầu xuống làm việc”, liên tục lắng nghe khách hàng, cải tiến các sản phẩm của BYD từ pin Lithium cho đến các dòng xe điện thử & sai suốt từ 2004 (link tham khảo: https://www.renascence.io/journal/how-byd-enhances-customer-experience-cx-through-electric-vehicle-innovation). Cuối cùng, “con dấu” cho sự đáng tin cậy của ông ta không đâu khác chính là sự ngợi khen & đầu tư từ tập đoàn Berkshire Hathaway – vốn được lèo lái bởi hai người rất kinh nghiệm là ngài Charlie Munger & Warren Buffett. Với quá nhiều kinh nghiệm đầu tư & tiếp xúc các hạng người khác nhau, chúng tôi cho rằng cố ngài Munger hiếm khi nào nhìn người sai khi giới thiệu Wang Chuanfu cho ngài Buffett năm 2008.

  • Cuối cùng, chúng tôi cũng không rõ liệu BYD Co. Ltd có được văn hóa ủy quyền (decentralized) xuống từng cấp địa phương hay không. Song, chúng tôi nhớ trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance 1-2 năm gần đây tại Daily Journal Corp, cố ngài Munger đã từng thú rằng ông đã copy nghệ thuật quản trị của Wang Chuanfu cho tờ báo (hình dưới), ông nói rằng ông đã cho bớt số cổ phần của mình (xấp xỉ 1% đến 2%) tại Daily Journal cho các nhân viên để họ gắn kết lợi ích của mình với doanh nghiệp, từ đó đưa ra những sáng kiến số hóa và giúp công ty phát triển. Một cách làm khá hay khiến nhân viên BYD rất nể phục Wang Chuanfu và trung thành với công ty (*)

Như vậy, sau khi thỏa mãn 4 tiêu chí trên, không có lý do gì để Việt Nam chúng ta lại đánh giá quá thấp năng lực tuyệt vời đã chứng minh qua 30 năm, sự liên tục học hỏi và kiên định của đội ngũ lãnh đạo BYD – đứng đầu là Wang Chuanfu.

3> Cuối cùng, chúng ta đang đánh giá quá thấp vị thế chính trị “con cưng chiến lược” của BYD đối với chính quyền TQ, khi họ đang là leader trong chiến lược 3 “mũi nhọn” xuất khẩu mới của TQ

Điều mà chúng tôi tin rằng rất ít cá nhân ở VN biết đến đó chính là ngoài sự thật rằng Wang Chuanfu là một Thạc sĩ, thậm chí Tiến sĩ PhD về ngành luyện kim/kim loại màu/hóa chất, một doanh nhân tỷ phú USD tài năng, ông ta còn là Đảng viên Đảng CS TQ (CCP)!

Vị thế này khiến chúng tôi ngờ rằng BYD có khả năng cao chính là “con cưng chiến lược” của Chính quyền CCP trong chiến lược 3 mũi nhọn xuất khẩu mới, bao gồm: ô tô điện (EV), pin Lithium (cho cả thiết bị điện tử lẫn EV), năng lượng tái tạo – đặc biệt là pin mặt trời (solar panels).

Xe điện, pin lithium và tấm pin năng lượng mặt trời được xem là 3 “mũi nhọn” xuất khẩu mới của Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) trong năm 2023. Với việc BYD là low-cost producer đầu ngành cho 2/3 mũi nhọn, đồng thời Wang Chuanfu cũng là một Đảng viên lâu năm bên cạnh một số tỷ phú khác như Wang Jianlin (Dalia Wanda Group), không khó để suy luận rằng BYD là một trong những tay chơi được giao trọng trách tăng trưởng thị trường xuất khẩu global cho cả một đất nước.

Trong một bài phát biểu đầu năm 2024 vừa qua, TBT – Chủ tịch TQ Xi Jinping từng phát biểu ca ngợi “năng lực sản xuất” (manufacturing prowess) trong lĩnh vực xe điện & máy bay chở khách của TQ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng có dấu hiệu suy yếu (link tham khảo: https://tinyurl.com/4kbfndrw). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng chiến lược nầy phần lớn đến từ công sức của BYD.

————————

Một số người suy nghĩ chưa sâu đến đây sẽ phản biện rằng: “Doanh nghiệp được sự hỗ trợ của CCP thì có gì là hay?” Song xét đến 2 luận điểm đầu của chúng tôi, một DN vốn đã low-cost producer tự chủ công nghệ pin – họ đã sản xuất pin Lithium từ ngày đầu tiên thành lập 1995 suốt 30 năm qua, liên tục innovate, liên tục copy những thứ hay nhất của đối thủ, tự chủ cả đầu vào mỏ Lithium mines, thậm chí được quản trị bởi một ban lãnh đạo tuyệt vời thỏa đủ 4 tiêu chí, giờ đây còn được Chính quyền CCP hỗ trợ tận tình để tiêu diệt các đối thủ ngoại – bán phá giá/chiếm lĩnh thị phần, thì không khác gì con hổ vốn đã mạnh mẽ – nay còn được “chắp thêm cánh”, và còn trang bị thêm “thiết giáp tối tân”.

Đối với những DN mang tính chính trị dạng nầy, biện pháp bảo vệ đầu tiên mà chúng ta nghĩ ra trong đầu chính là hàng rào thuế quan (tariffs). Tuy nhiên, việc thực hiện các hàng rào thuế quan đối với những sản phẩm mang tính an ninh quốc gia và tương đối đầu vào cho nền kinh tế/sản xuất công nghiệp như luyện kim, năng lượng, lương thực, hóa chất, v.v còn có thể tương đối hợp lý, đối với một sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu như ô tô – xe điện, rất khó để tránh việc trả đũa (retaliation) mạnh mẽ từ quốc gia láng giềng nếu việc thực hiện là không cẩn trọng và hợp lý:

  • Nếu chúng ta đánh mức hàng rào thuế quan quá cao dạng +40%-60%-100%, việc trả đũa ngược lại sẽ là rất khủng khiếp lên các ngành nông nghiệp, thủy hải sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao sang TQ, đồng thời có thể sẽ có những rắc rối lớn về mặt đường biển, đường biên giới. Châu Âu đang có ý định áp thuế +38% đối với EV nhập từ China và đang chuẩn bị hứng chịu +25% thuế quan trả đũa ngược lại cho các hãng xe như Mercedes-Benz, Volkswagen, Stellantis N.V và sau này còn có thể là các nhóm công ty ngành xa xỉ như Hermès, LVMH, Kering – những nhóm DN hàng xa xỉ không thiết yếu vốn đang chịu rất nhiều khó khăn tại thị trường TQ. Link tham khảo: https://www.bloomberg.com/news/articles/2024-10-04/europe-readies-tariffs-on-flood-of-cheap-chinese-evs
  • Nếu chúng ta đánh mức hàng rào thuế quan tượng trưng dạng +10%-20%, có thể sẽ không mang tính hiệu quả vì BYD hoàn toàn có thể dumping thấp hơn nữa chỉ còn đâu đó 15k-20k USD/chiếc, tức 400tr-450tr VND/chiếc và ngay cả khi có thuế quan, xe của họ vẫn có thể có mức giá khá rẻ so với chất lượng (*)
  • Với vị thế nước nhỏ, không hề có sức mạnh dạng đồng minh NATO như Hoa Kỳ hoặc EU, rất khó để chúng ta dựng lên một hàng rào thuế quan hay chính sách quota hạn ngạch nhập khẩu thực sự hiệu quả vào “con cưng chiến lược” mũi nhọn của Bắc Kinh nếu không muốn bị trả đũa lại nghiêm trọng, nơi mà tổng (lợi ích – thiệt hại) cho nền kinh tế có thể là con số âm khổng lồ!

Giải pháp tốt hơn sẽ phải đến từ nội tại, sẽ phải đến từ việc DN nội địa chúng ta am hiểu khách hàng, đem lại giá trị thực sự bằng các sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh hơn…

Kết luận> Mối họa của việc kinh doanh bằng truyền thông báo chí “ru ngủ” sai lầm.
Tương lai dài hạn 5-10 năm tiếp theo cực kỳ nguy hiểm nếu VN tiếp tục coi thường BYD

Là một người con đất Việt, tất nhiên ai trong mỗi chúng ta đều không hề vui vẻ và có lợi gì khi BYD thành công, chiếm lĩnh thị phần ô tô nội địa nước nhà.

Ngay cả khi họ dự định đặt nhà máy FDI lắp ráp tại Việt Nam trong dài hạn 5-10 năm tới, lợi ích về việc làm cũng là rất hạn chế so với phần giá trị gia tăng khổng lồ nằm ở công nghệ pin LFP và mỏ khoáng sản Lithium quý hiếm họ nắm giữ ở nước sở tại.

Tuy nhiên, ta không thể nào để sự thiên kiến (bias) đó khiến não bộ chúng ta đóng lại, coi thường một đối thủ thực sự có năng lực như BYD!

Giới kinh doanh tập đoàn và báo chí Việt Nam thường có thói quen “ru ngủ vô cùng sai lầm (!) Nơi chúng ta tự huyễn hoặc với nhau rằng bất cứ sản phẩm nào chúng ta tạo ra đều tuyệt vời, đều có sức cạnh tranh hàng đầu thế giới – dù các dữ liệu thực (facts) về doanh số, biên lợi nhuận gộp, tăng trưởng thị phần và suất sinh lời trên vốn ROIC/ROE hoàn toàn chứng minh điều ngược lại.

Nhìn thử xem:

  • Thị phần điện thoại Xiaomi ngày nào đang chiếm bao nhiêu % thị phần smartphone VN khi chỉ mới gia nhập non 7-8 năm trước? Ngay cả đối với các đối thủ nặng ký như Apple, Samsung?
  • Nhìn xem nền thương mại điện tử “e-commerce” của nước nhà chúng ta đang bị độc chiếm bởi Shopee, TikTok Shop, Lazada, và sắp tới sẽ là Taobao (đi gián tiếp thông qua các nền tảng logistics) ra sao?
  • Và bây giờ BYD vừa gia nhập chúng ta được 3 tháng, vì điều gì mà chúng ta tin rằng mình có thể chống lại sức mạnh của nó trong dài hạn 5-10 năm nữa, khi chúng tôi còn cho rằng năng lực tài chính, vị thế chiến lược chính trị, chất lượng sản phẩm & giá cả của BYD còn mạnh hơn Xiaomi và các đối thủ software kia hơn nhiều lần?

Ngay cả đối với Elon Musk, và gần đây là Ủy ban Châu Âu, cũng không còn dám khinh thường BYD một lời nào nữa, thì bằng lý lẽ gì giới báo chí & các cá nhân lại tự tin đánh giá thấp một gã khổng lồ hàng đầu thế giới như vậy (?)

————————

Lời cuối, nếu có một thứ chúng ta cần học hỏi từ đội ngũ lãnh đạo BYD nói chung và Nhà sáng lập kiêm CEO Wang Chuanfu nói riêng, thì đó chính là đức tính khiêm nhường (humility), “cúi đầu xuống làm việc” khó ai sánh bằng: họ liên tục lắng nghe khách hàng, liên tục cải tiến sản phẩm, kiên trì/kiên định với mục tiêu chất lượng sản phẩm dù cho thời gian yêu cầu có là ~20 năm đi chăng nữa! Đội ngũ của Wang Chuanfu từng sai lầm vô số với các chiếc xe điện BYD plug-in hybrid đầu tiên suốt từ năm 2004 đến năm 2009, song đã không ngần ngại học hỏi từ Tesla, Toyota, Huyndai bất chấp bị Elon Musk cười nhạo, và giờ đây có thể nói BYD đang đi đầu trong công nghệ pin LFP, với giá thành sản xuất vượt trội hơn bất cứ đối thủ nào.

Nếu các DN Việt Nam nào thực sự khiêm nhường, biết lắng nghe nhu cầu thực sự của khách hàng, biết học hỏi các đối thủ mạnh hơn, biết kiên nhẫn/kiên trì cải tiến sản phẩm, đem lại một sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, thì chúng tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể có cửa cạnh tranh được, đơn giản bởi vì người tiêu dùng Việt Nam luôn thông minh, luôn biết so sánh chất lượng vs giá cả. Còn nếu chúng ta tiếp tục với mối họa kinh doanh truyền thông theo kiểu “ru ngủ” như hiện tại, thì tương lai dài hạn 5-10 năm tiếp theo sẽ rất chông gai, nếu không muốn nói là trên bờ vực…

Saigon, một buổi chiều ngẫu hứng Thứ Tư ngày 16.10.2024, độc nhất bởi S.A.F.E + Thành viên mới

 

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

Add comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Kỳ 78 chính thức phát hành!

Ấn phẩm 78 sắp phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!