Tin tức T9.2019: NHNN giảm LS, FTM & “chiêu bài cũ”, dầu mỏ, WeWork – The Golden Newsletter Vietnam

…Chúng tôi ước tính có không dưới 10% công ty trên sàn hiện nay đang “kinh doanh giá cổ phiếu” của họ: bằng nhiều thủ thuật kế toán, marketing, thương lượng, họ thế chấp cổ phần đang nắm để vay margin từ các CTCK, sau đó họ dùng tiền tươi thóc thật từ các CTCK để mua lại “những tờ giấy cổ phần vô giá trị” mà chính họ tạo ra từ các tài khoản khác cũng thuộc sở hữu của họ, rồi họ rút tiền đi êm thắm, để lại hậu quả khôn lường…

Chuyển động tin tức trong ấn phẩm kỳ 27 – đã phát hành tháng 10/2019 vừa qua
Đặt mua ấn phẩm cũ: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

1> Ngân hàng Nhà nước giảm đồng loạt lãi suất điều hành, biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ khá “lộ liễu” nhằm ngăn cản đà suy thoái…

Thứ nhất, theo QĐ số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Thứ hai, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Như vậy, theo bước FED cũng như các NHTW lớn khác trên thế giới, Việt Nam cũng lựa chọn giảm lãi suất từ tốn 0.25% trong đợt tháng 9 vừa qua một cách cẩn trọng. Như đã phân tích ở nội dung đặc biệt “chiến tranh tiền tệ” ở trên, chúng tôi cho rằng việc phá giá, tăng cung tiền từ tốn đang là giải pháp tối ưu nhất để vừa tác động tâm lý tức thì – ngăn đà suy thoái, vừa giữ vững niềm tin giới kinh doanh/đầu tư. Song những NĐT giá trị tinh khôn ắt cũng nhận ra rằng đã có những rủi ro xuất hiện thì NHNN mới phải thực hiện biện pháp kích thích nầy…

2> FED ra tín hiệu giảm lãi suất lần hai – nhiều khả năng là 0.25% vào Q4.2019, tuy nhiên lại không muốn giảm thêm một đợt thứ ba nào cho đến hết Q1.2020

Thông thường chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua nghiệp vụ thị trường mở sẽ làm tăng giá USD, tuy nhiên so với mức “phá giá” trên 10% của các quốc gia Đông Nam Á hay Trung Quốc, Nga với cường độ cao thì mức giảm tối thiểu nầy, đồng thời lặng im trong 6 tháng tới thì chúng tôi cho đây là chính sách khá cẩn trọng (conservative). Đây cũng là lí do khiến USD – đồng tiền dự trữ quốc tế – lại tăng giá, khiến nhiều người bất ngờ…

Nhìn chung, đây là tín hiệu khá tích cực cho những nhà đầu tư nắm giữ tài sản như cổ phần/bất động sản vì định giá sẽ được cải thiện trong dài hạn. Quý độc giả hãy lưu ý cụm từ “trong dài hạn”, bởi vì với mức lãi suất nhỏ và cường độ thấp, hiệu ứng nầy có thể cần một thời gian chờ (delay) nhất định để phản ánh vào nền kinh tế Hoa Kỳ, cũng như sự “bắt chước” từ các nền kinh tế khác, bao gồm cả Việt Nam.

Do đó, chúng tôi nhắc đi nhắc lại về đức kiên trì, kiên nhẫn trong việc chờ đợi biên an toàn và các món hời sẽ “dâng đến tận đĩa” cho từng nhà đầu tư giá trị chúng ta…

3> Fortex (HOSE: FTM) giảm sàn gần 30 phiên, mất 90% vốn hóa – hàng loạt CTCK họp tìm cách giải quyết nợ vay margin: một chiêu thức xưa cũ được “xào đi xào lại”!

Sau sự kiện nóng nhất của case FTM tháng 09 vừa qua, nhiều quý độc giả có nhắn tin hỏi chúng tôi bình luận và cách để phòng chống các case như vậy trong tương lai

Nhìn chung, nguyên nhân lớn nhất nằm ở việc áp đặt chỉ tiêu tăng trưởng ở các CTCK dẫn đến kẽ hở cho vay margin khá tương tự với các case lừa đảo tín dụng ngân hàng, móc nối với cán bộ bên trong. Chúng tôi ước tính có không dưới 10% công ty trên sàn hiện nay đang “kinh doanh giá cổ phiếu” của họ: bằng nhiều thủ thuật kế toán, marketing, thương lượng, họ thế chấp cổ phần đang nắm để vay margin từ các CTCK, sau đó họ dùng tiền tươi thóc thật từ các CTCK để mua lại “những tờ giấy cổ phần vô giá trị” mà chính họ tạo ra từ các tài khoản khác cũng thuộc sở hữu của họ, rồi họ rút tiền đi êm thắm, để lại hậu quả khôn lường!

Với 30 triệu cp FTM hiện đang nắm giữ bằng tiền margin của CTCK tại mức giá đỉnh [20-25], ban lãnh đạo công ty nầy đã có thể chia nhau xấp xỉ 30 triệu USD – quả thực kẻ “tội phạm cầm bút” (white-collar crime) luôn nguy hiểm hơn những kẻ “tội phạm cầm súng” là vậy!

4> Nhiều tin tức trái chiều thú vị trên thị trường dầu mỏ: drones tấn công, Saudi Aramco IPO

Ngày 14/09/2019, hai nhà máy lọc dầu ở Abqaiq và Khurais bị tấn công bằng máy bay không người lái (drones) khiến Arab Saudi tổn thất gần 6 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương ứng 50% nguồn cung sản xuất toàn quốc và 5% nguồn cung toàn thế giới. Ngay lập tức, dầu Brent và WTI tăng vọt 15% trong một tuần, lên mức cao nhất gần như 6 tháng qua.

Song, sau chỉ vài tuần, Arab Saudi công bố họ sẽ quay trở lại mức sản xuất bình thường vào cuối tháng 9, hoặc chậm nhất cuối tháng 11, cộng với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sụt giảm từ Trung Quốc, Hoa Kỳ trong căng thẳng thương mại, và trong dài hạn do sự cạnh tranh của xe điện khiến giá dầu tiếp tục quay về mức thấp. Hơn nữa, công ty mẹ Saudi Aramco của 2 nhà máy trên – nhà cung cấp dầu lớn thế giới – được định giá 2,000 tỷ USD, sẽ tiếp tục thực hiện bình thường kế hoạch IPO 5% giá 100 tỷ USD vào cuối năm 2019 nay, phá vỡ mọi kỷ lục.

5> Công nghệ và xu hướng mới trên thế giới: (a) Bài học của “kỳ lân gãy sừng” WeWork, bốn từ This time it’s different đã và sẽ luôn là bốn từ đắt giá nhất (b) Cuộc đua “ngân hàng số” tại Anh Quốc đang nóng hơn bao giờ hết (c) Xu hướng “super-app” không chỉ diễn ra ở ĐNA mà còn ở nhiều châu lục khác.

(a) Với bản chất là một công ty thuê văn phòng dạng B2B với giá sỉ rồi cho thuê lại B2C với giá lẻ, ấy vậy mà WeWork được cho là một kỳ lân công nghệ (?), và được định giá gấp hơn 26 lần doanh thu (??), bất chấp mô hình kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng mà không có rào cản, lợi thế hay bí quyết công nghệ nào!

Đối với các công ty BĐS cho thuê thông thường, định giá của chúng sẽ được tính dựa trên mức sinh lời cho thuê (rental yield), hoặc dòng tiền từ hoạt động cho thuê (FFO, funds from operation). Định giá là một vấn đề, WeWork còn có nguy cơ “sụp đổ” vì mất niềm tin: chủ yếu do hàng loạt các giao dịch với bên liên quan đến CEO Adam Neumann – ví dụ như mua lại BĐS rồi cho thuê lại công ty giá cao, trả lương ngất ngưởng, M&A tùy tiện, HĐQT không minh bạch, tất cả đều được tài trợ bởi nguồn tiền khổng lồ từ Softbank và giới đầu tư mạo hiểm. Một lần nữa, Too much money chasing too few deals – bảy từ tệ hại nhất trên thị trường – lại lặp nên bài học đau đớn cho ngài Masayoshi Son…

(b) Tại Anh Quốc, với sự phát triển của ứng dụng smartphone và hệ sinh thái thanh toán tự động, các fintech liên quan đến dịch vụ ngân hàng số (digital banking) đang phát triển hơn bao giờ hết, với lượng tiền gửi trên 1 tỷ USD, doanh thu hàng chục triệu USD… 5 startup nổi bật nhất bao gồm: Atom, Monzo, Revolut, Starling, Tandem. Với sự tiện lợi về mặt online, theo dõi hằng ngày cũng như tiết giảm chi phí nhân lực không cần thiết, chúng tôi cho rằng digital banking là xu hướng tất yếu trong 10-15 năm tiếp theo

(c) Mặc dù nghe đến thuật ngữ siêu ứng dụng (superapp), người ta thường nghĩ ngay đến Châu Á/Đông Nam Á như WeChat, Didi, Grab, Go-Jek với hàng chục ứng dụng/dịch vụ con trong một ứng dụng chung. Giờ đây, sau khi đạt được thị phần nhất định trong mảng truyền thống, nhiều công ty như PayTM (Ấn Độ), Movile (Brazil) hay Cabify (Tây Ban Nha) đang đa dạng hóa sản phẩm của mình theo mô hình super-app vô cùng thành công tại Châu Á!

Saigon, đăng lại ngày 30.10.2019 bởi Team S.A.F.E – Golden Newsletter Vietnam

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

CTKM Xuân Giáp Thìn 2024

Tình cảm quý độc giả 2023

Ap 74 chính thức phát hành!

Ấn phẩm mới phát hành
Ấn phẩm mới phát hành

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!