Đặt mua ấn phẩm đầu tư giá trị Golden Newsletter Vietnam: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
“Those who cannot remember the past, are condemned to repeat it.” Lời cảnh báo sâu lắng, ấy vậy mà vô cùng chí lí của ngài triết gia George Santayana, là một trong những câu châm ngôn ấn tượng mà chúng tôi nhớ rõ nhất lúc mới chập chững học hỏi đầu tư giá trị, khi đọc đến những trang đầu tiên của tác phẩm huyền thoại “The Intelligent Investor”, 1949 của ngài Graham.
Khi ta càng trẻ tuổi, ta lại càng ít chú ý hơn đến những bài học đau đớn trong quá khứ, những bài học lịch sử muôn đời… Khi ta càng thành công nhanh chóng, ta lại càng ít chú ý đến những quy luật thăng trầm tất yếu của tâm lý con người, của xã hội – thứ đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ.
Mặc dù quá khứ không bao giờ lặp lại như một cỗ máy, nhưng nó vẫn có những quy luật nhất định, đặc biệt khi xuất hiện lòng tham và nỗi sợ hãi cố hữu của loài người chúng ta – tựa như câu châm ngôn thông thái của ngài Mark Twain: “Lịch sử thì ít bao giờ lặp lại chính xác, nhưng dường như nó vẫn vần vần giống nhau.”
Theo quan sát của chúng tôi, các trường đại học kinh tế, kinh doanh và các kênh thông tin ngày nay hình như chú trọng quá nhiều vào diễn biến hiện tại hơn phổ biến lối tư duy đúng đắn. Thậm chí họ còn tập trung dạy sinh viên cách tính toán, những mô hình định lượng, v.v để sau này gia nhập phố Wall, đi dự phóng lợi nhuận của doanh nghiệp hoặc dự phóng những điều gì đó mà chúng tôi cũng không chắc nữa (!)
Trong khi đó, ít ai thực sự bỏ công chia sẻ cho ta về những bài học lịch sử (historic tales), những câu chuyện sai lầm trong kinh doanh/đầu tư, những đợt bong bóng, sự điên rồ của đám đông, những thất bại trong chính sách, và tính chu kỳ (cyclical) của nền kinh tế và các kênh đầu tư. Những bài học rất thực, rất con người, rất đáng quý ấy lại bị bỏ lơ – để rồi một thế hệ khác lại tiếp nối, lặp lại đúng tâm lý con người của thế hệ trước ở một dạng thức khác, làm nên một “vần điệu bi thương” như ngài Mark Twain đã đúc kết mà toàn xã hội phải mất nhiều năm mới có thể hồi phục được . Họa chăng, tất cả có lẽ vẫn chỉ phụ thuộc phần lớn vào tinh thần tự cường, ham học hỏi ở mỗi người – mà hầu hết, ắt hẳn phải 80%, đều sau khi họ đã mắc sai lầm, có nhiều trường hợp mất phần lớn vốn liếng quý báu mới có được sự thúc đẩy, từ đó tỉnh ngộ để quay trở về với những bài học kinh điển…
Trên quan điểm hạn hẹp của chúng tôi, cũng tương tự như chúng tôi đã từng trả lời một độc giả nghi ngờ rằng liệu phương pháp đầu tư giá trị ở Hoa Kỳ có phù hợp ở Việt Nam (https://newslettervietnam.com/discussion-topics/dau-tu-o-viet-nam-co-giong-nhu-dau-tu-o-my/), hay liệu có một ai đó phản biện rằng liệu những bài học lịch sử có còn áp dụng được, chúng tôi tin rằng: (1) Triết lý đầu tư giá trị vẫn sẽ luôn đúng ở mọi thị trường, mọi kỷ nguyên: nếu bạn mua bất cứ thứ gì với giá cả thấp hơn giá trị thực đằng sau, hoặc bạn trả giá quá mức để có được nó một cách hưng phấn (có thể là giá trị thực ở thời điểm hiện tại, hoặc giá trị thực ở tương lai), thì nhất định sau một thời gian, giá cả thị trường của nó sẽ phải phản ánh giá trị thực đứng sau, cho dù đó là cổ phiếu, bất động sản, một món hàng xa xỉ hay cả tiềm năng của một con người vậy (2) Tâm lý con người – những bẫy tâm lý, cảm xúc “điên rồ” chi phối vào quyết định – đã và vẫn sẽ luôn chiếm đa số trong bất cứ thị trường nào, bất cứ thời đại lịch sử nào – cho dù là Việt Nam, Hoa Kỳ những năm 1930s hay nước Pháp cổ đại.
Lời cuối, qua câu châm ngôn đầy sâu lắng của ngài Santayana, chúng tôi hi vọng quý độc giả sẽ dần “tôn thờ” lịch sử, trọng những bài học trong quá khứ đáng nhớ để tránh phải lặp lại chính nó, đồng thời gợi ý giúp chúng tôi phần nào trong công cuộc tìm ý tưởng thuật lại những bài học lịch sử hay, từ đó chúng ta có thể dần dần xây những viên gạch mới, chắc chắn, cẩn trọng và khiêm tốn trên nền tảng mà những thế hệ trước đã vô tình để lại…
Saigon, đăng ngày 08.08.2019, bởi S.A.F.E Team – Golden Newsletter Vietnam