Nhìn sự bi quan, thểu não những nhà đầu tư cá nhân trước bối cảnh thị trường và thanh khoản giảm mạnh hiện nay, chúng tôi chợt nhớ về bài nói chuyện sâu sắc của ngài Peter Lynch tại National Press Club, Washington D.C năm 1994. Non đã 25 năm trôi qua, hay cũng có thể là hằng trăm năm tới, chúng tôi tin rằng cái bản tính loài người chúng ta – cho dù là ở Hoa Kỳ, hay Việt Nam, hay bất cứ thời đại nào – cũng khó mà thay đổi làm sao! Rất hiếm khi con người chúng ta có thể ở trạng thái cân bằng: một là ta quá lạc quan, tự tin vào bản thân; hai là ta quá bi quan, mất niềm tin, rồi ta lu mờ, tăm tối, bỏ qua tầm nhìn xa về một bức tranh lớn.
Vì vậy, ngài Peter Lynch đã đề ra một trong những giải pháp để tránh việc xúc cảm (emotions) gây ảnh hưởng đến tầm nhìn lớn mà chúng tôi cho là rất hay: ta nhất thiết phải học và trọng lịch sử (history). Từ đó, ta sẽ nhìn đời ung dung hơn, sẵn sàng hơn để đón chờ nghịch cảnh và cả những cơ hội bất ngờ ở phía trước…
Trích từ bài nói chuyện đặc biệt của ngài Peter Lynch tại National Press Club, Washington D.C ngày 07/10/1994 (cách đây 25 năm)
Đặt mua ấn phẩm: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/
@Ngài Peter Lynch: “Tôi tin rằng bất cứ nhà đầu tư nào trong chúng ta cũng nên học về lịch sử (history) bởi vì đây là một nhân tố vô cùng quan trọng. Lịch sử là như thế nào? Lịch sử cho ta biết rằng khi thị trường giảm, nó sẽ giảm rất nhiều!
Tôi xin đưa ra một loại toán thông kê vô cùng đơn giản: trong 93 năm qua (@S.A.F.E: ngài Peter Lynch phát biểu năm 1994, ngụ ý rằng ông đã thống kê TTCK Hoa Kỳ từ năm 1900 đến năm 1993), thị trường có 50 lần giảm từ -10% trở lên. Thay vì gọi đó là việc mất vô số tiền một cách nhanh chóng, người ta gọi đó là những “đợt điều chỉnh” (“correction”) một cách đầy hoa mỹ! Trong số 50 lần đó, có 15 lần thị trường giảm mạnh từ -25% trở lên, người ta gọi đó là thị trường con gấu (“bear market”).
Như vậy, cứ mỗi 2 năm một lần, ta sẽ gặp một cú điều chỉnh -10%, và cứ mỗi 6 năm một lần, thị trường sẽ phải giảm -25% hoặc hơn nữa. Đó chính là hạng lịch sử mà bạn phải biết! Với xác suất cao như vậy, bạn cần biết rằng thị trường chứng khoán sẽ giảm mạnh một ngày nào đó. Nếu bạn không nhận thức được điều này, thì nhất định bạn không nên nắm giữ cổ phiếu (!)
Chẳng hạn như bạn rất thích một cổ phiếu, bạn hiểu rõ về hoạt động kinh doanh của nó, bạn nhìn vào bảng cân đối kế toán của nó và biết rằng nó đang làm ăn tốt. Bạn mua nó ở giá [14] và nghĩ rằng giá trị thực của nó phải ở [22], song chẳng may nó giảm mạnh xuống giá [6]. Từ 14 đến 22, quả là một khoản lợi nhuận tốt. Từ 6 đến 22, đó hẳn là một khoản lợi nhuận tuyệt vời (exceptional)!
Như vậy, việc duy nhất mà bạn cần làm là chờ đợi, tận dụng những thời cơ đó và hãy tin tôi, sẽ chẳng ai có thể dự đoán được nó cả. Những chuyên gia sẽ khoa trương suốt ngày suốt tháng rằng họ đã nhìn trước được những đợt giảm mạnh, mà đâu ai biết rằng họ đã dự đoán đến 53 lần (!) Vì thế, việc am hiểu rõ doanh nghiệp bạn đang nắm giữ có kinh doanh tốt hay không, rồi tận dụng sự bất hợp lý của thị trường là một nhân tố vô cùng quan trọng.”
@S.A.F.E team: Chúng tôi rất ít khi tin vào các thống kê của chuyên gia trong 10 mấy năm vỏn vẹn ở thị trường Việt Nam vì số mẫu ở đây quá ít để thậm chí có thể hình thành nên một quy luật. Ngay cả số 93 năm của ngài Peter Lynch cũng chưa hẳn là đúng nếu kỷ nguyên số hiện nay biến động nhanh hơn dự kiến, song có thể nói đây là một con số xác suất tham khảo qua gần 100 năm tâm lý thăng trầm của nhiều thế hệ đám đông trên TTCK vô cùng đáng suy ngẫm…
Nhìn lại thị trường Việt Nam, chúng tôi mới ngộ ra rằng việc nhận thức được “thị trường sẽ giảm mạnh một ngày nào đó” cũng đúng đắn vô cùng: trong 13 năm qua (chúng tôi chỉ bắt đầu tính từ 2006 do giai đoạn trước đó thị trường quá ít thanh khoản), chúng ta có 9 lần điều chỉnh -10% và 3 lần giảm mạnh hơn -25% (2008, 2012, 2018). Từ Q4-2012 đến Q1-2018, chúng ta phải thừa nhận rằng TTCK Việt Nam đã có một “cú chạy dài” 6 năm vô cùng mỹ mãn: chỉ số VNIndex đã tăng hơn gấp ba trong khi lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết chỉ tăng hơn gấp đôi một chút, trong đó quá nửa phần tăng trưởng đều đến từ các nhóm chu kỳ như ngân hàng – bất động sản – vật liệu xây dựng.
Đến đây ắt hẳn nhiều độc giả sẽ phản ánh rằng: “Biết lịch sử như vậy thì chúng tôi làm được gì bây giờ, dù gì thì thị trường cũng đã giảm hơn 25% rồi?!” Trong bản transcript trên, chúng tôi chưa đề cập đến một thống kê khác của ngài Peter Lynch qua 100 năm lịch sử của Hoa Kỳ: cứ mỗi 8-9 năm, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng gấp đôi (*) Và tương ứng như vậy, giá cổ phiếu sẽ tăng gấp đôi hoặc cao hơn sau những giai đoạn thị trường rơi vào bear market. Khi người ta bi quan, người ta luôn quên bức tranh lớn trong dài hạn rằng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết nói chung luôn luôn tăng trưởng vượt lạm phát và mọi kênh đầu tư khác.
Như vậy, phần việc còn lại của nhà đầu tư cá nhân là tìm một doanh nghiệp mà anh ta am hiểu theo một bộ tiêu chí (investment checklist) kĩ lưỡng, có triển vọng tốt, bảng cân đối kế toán lành mạnh, được điều hành bởi ban lãnh đạo đáng tin cậy, rồi tận dụng cơ hội từ những cơn bi quan sụt giảm mạnh của thị trường. Câu hỏi duy nhất mà anh ta cần hỏi bản thân là liệu mình có đủ kĩ năng để chọn lựa được một doanh nghiệp tốt, và giữ cái đức kiên trì, kiên nhẫn lâu dài hay không?
Saigon, 18.01.2019, bởi S.A.F.E team – Golden Newsletter Vietnam
Nguồn: https://www.c-span.org/video/?60722-1/us-economic-investments (Đoạn nói chuyện ở phút thứ 17:30)