Những bất cập trong cách báo cáo kết quả kinh doanh tại thị trường Việt Nam – The Golden Newsletter Vietnam
Bài viết trích từ ấn phẩm đầu tư giá trị IV – phát hành tháng 9.2017
Đặt mua ấn phẩm cũ: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

Khi mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 và quý 4 gần đến, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng mong chờ những cập nhật nhanh chóng và rõ ràng đến từ cả hai phía doanh nghiệp và kênh truyền thông báo chí. Song với một kẻ nhiều năm chuyên “đi săn lùng” cổ phiếu như chúng tôi, việc cảm thấy mất thời gian khi đọc những bản cập nhật rập khuôn một cách sai lầm là vô cùng phổ biến.

Sau khi dành nhiều thời gian lướt qua các bài viết trên, điều mà chúng tôi rút ra cuối cùng – ngạc nhiên thay – lại là sự miêu tả lại những con số vô tri vô giác (!) mà rất hiếm khi có chút phân tích và so sánh nào xác đáng. Có thể nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ cảm thấy vấn đề này bình thường, vì họ có thể tự đào sâu hơn để tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu đi xa hơn đến thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, nơi sở hữu chuẩn mực minh bạch phát triển nhất của thế giới, chúng ta sẽ nhận thấy một tư duy hoàn toàn khác biệt …

I. Vì sao các báo cáo kinh doanh ở Việt Nam rất khó để mường tượng?

Cách đây vài ngày, chúng tôi lướt qua một mẩu tin nhỏ trên một tờ tạp chí chứng khoán nổi tiếng: “XYZ hoàn thành 90% kế hoạch lãi trước thuế sau 9 tháng“. Với tiêu đề như vậy, một người đọc bình thường đã cảm thấy khó dự tính được liệu XYZ có tăng trưởng hay không. Đi sâu hơn, bài báo viết rằng: “9 tháng đầu năm nay, công ty ước đạt doanh thu 2,902 tỷ, lợi nhuận trước thuế 95 tỷ, đạt lần lượt 90.7% và 90.5% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra cho cả năm 2017″. Thoạt nhìn, báo cáo như vậy khá chi tiết; song đáng tiếc thay, một nhà đầu tư sẽ rất khó để đánh giá công ty XYZ trên liệu có hấp dẫn để đào sâu trong hàng nghìn cổ phiếu trên sàn. Cái anh ta thực sự cần là con số EPS cụ thể, giá cổ phiếu và chỉ tiêu tăng trưởng của công ty so với cùng kỳ năm trước – không phải những con số tuyệt đối vô tri vô giác và kế hoạch mà ban lãnh đạo công ty tự đặt ra.

Mặt khác, nếu nhìn vào một bản tin cập nhật kết quả kinh doanh tiêu biểu trên Bloomberg, ta sẽ nhận thấy một báo cáo nhỏ vô cùng chất lượng giúp người đọc hình dung được công ty mục tiêu đang làm gì, ví dụ như: “Amazon có doanh thu Q2-2017 tăng trưởng 25% trong khi lợi nhuận sụt giảm mạnh. Earning-per-share là 40 cents trên một cổ phiếu đã pha loãng, so với $1.78 cùng kỳ. Amazon CFO Brian Olsavsky giải thích rằng chi phí bán hàng công ty tăng mạnh 28% do tập trung vào nội dung video, song từ chối đưa ra con số cụ thể. Amazon CEO Jeff Bezos tiếp tục thúc đẩy chất lượng dịch vụ đến khách hàng bằng thương vụ mua lại Whole Foods Inc trị giá 13 tỷ USD. Giá cổ phiếu Amazon hiện đã giảm $23 xuống $1,017 sau kết quả kinh doanh trên…”

Chúng tôi hiểu rằng yêu cầu quá cao đối với một bản tin cập nhật ngắn là khá phi thực tiễn, đặc biệt khi độ minh bạch của thị trường Việt Nam chưa cao. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng một bài cập nhật đạt yêu cầu của nhà đầu tư phải đáp ứng được ít nhất bốn tiêu chí sau: (1) phải trình bày được con số tương đối – bao gồm earning per share (2) phải trình bày được số liệu so sánh với cùng kỳ năm trước, thể hiện rõ sự tăng trưởng bằng phần trăm (3) phải giải thích được vì sao tăng/giảm mạnh một cách xác đáng (4) phải nêu được một vài dự định và chiến lược tăng trưởng tương lai của công ty nếu có:

Báo cáo Việt Nam Báo cáo tại TTCK Mỹ
Dùng số tuyệt đối (doanh thu, lợi nhuận, sản lượng, cổ tức) Có số EPS rõ ràng đến từng cent một, doanh thu, lợi nhuận
Dùng % kế hoạch đề ra – một con số vô dụng – để so sánh So sánh cụ thể % với cùng kỳ, với đối thủ cạnh tranh và với cả dự phóng của các analysts
Không giải thích vì sao tăng/giảm một cách cụ thể Tiếp cận ban lãnh đạo doanh nghiệp để giải thích sự biến động các khoản mục lớn
Không đề cập đến chiến lược tăng trưởng trong tương lai Có cả dự phóng kinh doanh từ ban lãnh đạo và kế hoạch tăng trưởng trong tương lai

Với số lượng chứng khoán ngày càng nhiều mà cơ hội đầu tư lại ngày càng ít do thị trường đang ở vùng giá cao, một nhà đầu tư tiêu biểu sẽ không có nhiều thời gian để tự kiểm tra lại những con số được đưa ra một cách thiếu trách nhiệm. Những nhà đầu tư thông minh sẽ cần ngay các con số như EPS, ROE, tăng trưởng để tính ra tỷ lệ P/E hay tương tự nhằm sàng lọc các cơ hội đầu tư một cách nhanh chóng. Nếu đọc báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty Hoa Kỳ trong nhóm Dow Jones 30, quý đọc giả sẽ nhận thấy các tiêu chí chúng tôi đưa trên được đề cập ngay từ trang đầu tiên(*), thậm chí các nhà báo không cần phải suy nghĩ để đưa lên phương tiện đại chúng.

Ở đây, chúng tôi còn có một quan điểm ngược chiều khá mạnh mẽ rằng con số kế hoạch (plan) mà thị trường Việt Nam thường dùng khá “vô dụng” vì nó thể hiện ý chí chủ quan của ban lãnh đạo thay vì thực tại doanh nghiệp. Thay vì dùng con số này, chúng tôi tin vào sự so sánh với cùng kỳ và cần lời giải thích xác đáng từ ban lãnh đạo nếu kết quả kinh doanh sụt giảm tạm thời.

Ngoài ra, hiện nay chúng tôi còn nhận thấy khá nhiều doanh nghiệp, có thể lên tới 2/3 số doanh nghiệp, đang giải trình kết quả kinh doanh cho Sở giao dịch chứng khoán HOSE & HNX và cổ đông rất thiếu trách nhiệm. Họ chỉ mô tả lại những con số mà ngay cả một cỗ máy cũng có thể đọc được. Chẳng hạn như nếu lợi nhuận sau thuế của một công ty A sụt giảm 20%, ban lãnh đạo sẽ giải trình với Sở giao dịch rằng: “Lợi nhuận sau thuế giảm vì doanh thu bán hàng giảm, chi phí tăng”, hay “giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu”, hay thậm chí là do “lợi nhuận bán hàng cao hơn năm trước” (?!) Chúng tôi cảm thấy khá khó hiểu khi họ cho rằng những lời giải thích trên có bất cứ ý nghĩa nào với nhà đầu tư.

Đến lúc này, những con số về sản lượng, giá bán, tình hình cạnh tranh, biên lợi nhuận, chi phí bán hàng, marketing cần được công bố rõ ràng thì các vị kế toán trưởng lại “tung hỏa mù” một cách dư thừa cho các cổ đông.

II. Một số đề xuất của chúng tôi và cách nhà đầu tư cá nhân tự rút ra kết luận cho mình

“Như vậy, một nhà đầu tư cá nhân như chúng tôi phải đối phó như thế nào với thực trạng rập khuôn khó lòng thay đổi trong sớm chiều như trên?” – các quý đọc giả sẽ hỏi chúng tôi. Do điều kiện chưa thể minh bạch như các quốc gia phát triển trong ít nhất vài năm tới, chúng tôi xin đưa ra 2 đề xuất sau:

(1) Đề xuất cho các nhà đầu tư cá nhân:

Thứ nhất, luôn chú trọng tư duy về con số tương đối

Khi đầu tư, chúng tôi không quan tâm mấy đến những con số nghìn tỷ doanh thu mà báo chí thường dùng; ngược lại, con số % tăng trưởng hai chữ số mới là thứ chúng tôi ưa thích.

Cùng với mức P/E 18x, một nhà đầu tư năng động sẽ hứng thú với câu chuyện của công ty dịch vụ hàng hóa hàng không Sài Gòn (UPCOM: SCS) tăng trưởng 130% CAGR dù lợi nhuận chỉ 240 tỷ hơn là tăng trưởng 9% CAGR của Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) dù quy mô lợi nhuận gần 1000 tỷ đồng.

Thứ hai, luôn đặt câu hỏi tại sao cho các biến động bất thường

Mặc cho các doanh nghiệp hiếm khi giải thích cụ thể, các nhà đầu tư cá nhân có thể tự suy xét dựa trên báo cáo tài chính, báo cáo phân tích của CTCK hay nhiều nguồn khác nhau. Dù sao đi nữa, việc giữ vững tư duy về nguyên nhân gốc rễ cho sự biến động kết quả kinh doanh giúp nhà đầu tư tránh khỏi những cạm bẫy trong lợi nhuận hay việc bỏ qua bức tranh dài hạn chỉ vì những sụt giảm trong ngắn hạn.

(2) Đề xuất cho báo chí, doanh nghiệp, Sở giao dịch:

Đối với báo chí, cần dựa trên góc độ của nhà đầu tư cá nhân

Một mặt, nhà đầu tư cá nhân sẽ không muốn đọc quá dài dòng. Mặt khác, anh ta cũng không muốn mất thì giờ với một đoạn văn miêu tả mà anh ta có thể tự làm được. Anh ta cần báo chí làm rõ và tiện dùng hơn những con số như earning per share, tăng trưởng và một vài giải thích nhờ vào mối quan hệ với doanh nghiệp của báo chí.

Đối với doanh nghiệp, cần làm tròn trách nhiệm minh bạch

Cách đây vài năm, khi lần đầu tiên đọc báo cáo thường niên của nhóm cổ phiếu hàng đầu tại thị trường Mỹ, chúng tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi tất cả các thông tin – từ triển vọng ngành, danh mục sản phẩm, đến rủi ro và giải trình kế hoạch tương lai – đều chi tiết đến mức thán phục.

Dù Việt Nam chưa có nhiều điều kiện về nhân lực, song công tác IR cần được làm tròn trách nhiệm ít nhất sao cho nhà đầu tư hiểu được công ty đang hoạt động như thế nào và lí do tại sao có những biến động bất thường – thứ mà nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn còn đang trốn tránh.

Đối với Sở giao dịch, cần siết chặt tiêu chuẩn công bố thông tin

Chúng tôi đánh giá rất cao kế hoạch trao chức năng hình sự cho Ủy ban chứng khoán. Động thái này sẽ gia tăng yêu cầu về minh bạch và giảm thiểu các giao dịch nội gián. Ngoài ra, cần có biện pháp xử phạt hành chính và xây dựng một bộ khung mẫu (form) cho việc công bố như form 10-Q, 10-K tại thị trường chứng khoán Mỹ.

III. Kết luận

Có lẽ các đề xuất của chúng tôi sẽ mất thời gian khá lâu mới có thể trở thành hiện thực và việc xếp thị trường Việt Nam ngang hàng với Âu Mỹ là phi thực tiễn. Song xu hướng này là tất yếu trong bối cảnh Việt Nam muốn nâng hạng thị trường cũng như đang tồn tại quá nhiều sự bất cân xứng thông tin cho các nhà đầu tư cá nhân,

Lời cuối, tư duy đầu tư là tối quan trọng, cả trong cách báo cáo, phân tích cũng như khi chúng ta quyết định mua bán một cổ phiếu. Cũng như ngài Buffett từng nói: “Triết lý đầu tư là việc hiểu rằng sở hữu cổ phiếu là sở hữu một phần của doanh nghiệp đứng sau, chứ không phải một mẩu giấy để trao tay.”

Angelos

TGN_Angelos

Biên tập viên, Trưởng bộ phận Marketing
angelos@newslettervietnam.com

View all posts

Ap 79 chính thức phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2024”

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!