Làm rõ hơn định nghĩa về đầu tư. – The Golden Newsletter Vietnam
9 replies
09/10/2018

Xin chào SAFE team.

Trong ấn phẩm số 15 (10.2018), SAFE team có trích dẫn định nghĩa về đầu tư của Mr. Graham với 3 tiêu chí:
“Hành động đầu tư là một hành động mà,
– Dựa trên những phân tích kĩ lưỡng,
– Phải đám bảo sự an toàn vốn và
– Hứa hẹn mức lợi nhuận đạt yêu cầu.
Hành động nào không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên gọi là đầu cơ.”

Xin được gửi tới SAFE team một số câu hỏi nhằm làm rõ hơn định nghĩa về đầu tư:

1. Thế nào là sự an toàn vốn? Đó là sự đảm bảo cho vốn gốc tránh bị thua lỗ hay là tránh bị mất vốn gốc?

2. Xóc đĩa vốn luôn được coi là đánh bạc với tỷ lệ thắng thua là 50/50 cho các con bạc với lời thì ăn gấp đôi, lỗ thì mất luôn vốn cược.
Nhưng nếu 1 ngày đẹp trời, nhà cái tuyên bố, lời thì ăn gấp 3 còn lỗ thì mất luôn vốn cược và chỉ dành cho duy nhất một người.
Người đó sau một hồi phân tích kỹ lưỡng biết được cứ trung bình 2 lần chơi thì mình sẽ thắng 1 lần (được 2 đồng) và thua 1 lần (mất 1 đồng) tức là vẫn lời ra 1 đồng sau 2 lần chơi nên quyết định tham gia. Vậy trong trường hợp này hành động của người đó có được coi là đầu tư không? Biết rằng nhà cái uy tín, không gian lận kết quả và mỗi lượt người chơi chỉ được chọn 1 trong 2 cửa chẵn hoặc lẻ.

Vẫn câu hỏi trên, nhưng xin được xét thêm với 1 trong các trường hợp sau:
– Người đó luôn đặt tất tay những gì mình có.
– Người đó mang theo 1 lượng tiền lớn để chơi, nhưng mỗi lần đặt cửa đều tay và chiếm khoảng 1% số tiền người đó mang theo ban đầu.

3. Cũng trong ấn phẩm số 15, có đề cập đến phân tích định lượng và phân tích định tính nhưng chúng lại dựa trên dữ liệu lấy trong quá khứ, tức là sử dụng những gì xảy ra trong quá khứ để dự báo tương lai. Hay kinh nghiệm của một nhà đầu tư chứng khoán lão luyện cũng vậy, sử dụng những “bài học” trong quá khứ để dự báo tương lai. Nếu một người thay vì đi phân tích định lượng định tính về doanh nghiệp đó lại chỉ phân tích về biến động của giá và khối lượng của CP DN đó trong quá khứ, trải qua một thời gian “Back Test” đủ lâu (khoảng hơn 10.000 giờ) anh tìm ra được một quy luật, một công thức để dự đoán “đường đi” của giá tương đối chính xác trong tương lai(tiêu chí 1), kết hợp với phương pháp quản trị rủi ro hợp lý (tiêu chí 2) và hứa hẹn 1 kết quả lợi nhuận tốt (do anh ta Back Test hàng trăm ngàn lần trong quá khứ và cho ra kết quả tốt) thì đó có phải là đầu tư không?

Rất mong được SAFE team giải đáp các thắc mắc.
Xin chân thành cám ơn SAFE team!

9 comments

Leave a Reply to S.A.F.E Team Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  • Câu hỏi của anh rất hay, mình có vài ý kiến thế này:

    1/ An toàn vốn theo mình nghĩ thì đó là đảm bảo an toàn cho toàn bộ phần vốn của nhà đầu tư, vì phân tích dù có chuẩn xác mấy thì vẫn không thể nào đúng toàn bộ được, chính vì thế mà SAFE team luôn kêu gọi mọi người hãy đa dạng hóa để quản trị được lương tiền đầu tư thua lỗ và lượng tiền có lãi của danh mục đầu tư.

    2/ Câu hỏi này làm mình thấy thú vị nhất, vì đây là một câu hỏi thuần túy lý thuyết và mình cũng xin nêu câu trả lời hoàn toàn lý thuyết
    Trường hợp 1: Chắc chắn không phải là đầu tư vì bạn đã dồn toàn bộ lượng tiền mình có vào lần này và xác suất thua của bạn là 50%, lý thuyết thì bạn hoàn toàn có thể “không được đầu tư nữa sau 1 lần thử đầu tư”.
    Trường hợp 2: 1 quy luật nữa mình muốn nêu ra ở đây đó là quy luật “đồng xu thì không biết nhớ”, những lần tung trước hoàn toàn không ảnh hưởng kết quả của những lần sau, về lý thuyết vẫn có thể thua cả 100 lần liên tiếp (mất sạch tiền), 100 lần tiếp theo thì lại cho kết quả ngược lại (bạn sẽ thắng liên tiếp nếu vay mượn tiền của ai đó để đánh), điều này hoàn toàn hợp lý vì khi số lần tung đồng xu tiến tới vô cùng thì xác suất sẽ tiến tới giá trị là 50%, không phải lần trước tung ra ngửa thì lần sau tung phải ra sấp… Bạn có chia lượng tiền ra 10000 lần thì cũng hoàn toàn có khả năng bạn thua cả 10000 ngàn lần liên tiếp trước khi tới lần thứ 10001 để bạn có thể kiếm lời.
    Câu hỏi này rất hay, vì nó gợi ý chúng ta 1 bài học kinh điển nhưng ít người hiểu được, đó là “rủi ro càng cao (50%), lợi nhuận càng lớn (66.7%)”, nhưng trước khi nhà đầu tư kiếm lời, họ phải đủ khả năng chịu được rủi ro đã, tránh gặp tình trạng chưa đến chợ đã hết tiền.

    3/ Câu hỏi này cũng rất hay; mình xin được khẳng định là cách làm như trên hoàn toàn hợp lý và khoa học, trong thời đại big data và siêu máy tính như hiện nay, việc này hoàn toàn là có thể, thậm chí không phải chỉ có 2 biến đơn giản như giá và khối lượng, số lượng biến có thể lên đến 20, 30 biến (1 số tổ chức còn xem thông số nhiệt độ trong ngày hay còn gọi là dự báo thời tiết để làm 1 biến nữa), phương pháp này gọi là data mining hoàn toàn khoa học và đã được ứng dung nhiều trên thế giới rồi ạ, ở Việt Nam thì chưa thấy quỹ đầu tư nào thực hiện theo phương pháp này cả, vì cách làm này không đòi hỏi chuyên gia tài chính mà chỉ cần các nhà khoa học thôi nên chắc không ai làm. :))

    Hi vọng những câu trả lời của mình sẽ làm bạn thỏa mãn.

  • Chào anh, rất mong được biết quý danh của anh.

    Anh Phí Trung cũng đã trả lời hoàn toàn rồi, chúng tôi không muốn bổ sung gì thêm.

    Song thú thực chúng tôi đọc vào cũng chưa hiểu ý anh muốn hỏi gì lắm về định nghĩa “đầu tư” (investment) nên nếu anh hỏi thẳng hơn một chút sẽ dễ dàng hơn. Chẳng hạn như về phương pháp mà anh đang dùng hay có gì anh không đồng tình với ngài Graham thì mong được anh chia sẻ…

    Cám ơn anh đã đọc kĩ và quan tâm đến dự án hữu ích này anh nhé!
    S.A.F.E team

  • Rất cám ơn anh Phí Trung trả lời một cách nhiệt tình!
    Sau khi đọc xong câu trả lời của anh, tôi vẫn còn cảm thấy một chút “lấn cấn” nên xin được tiếp tục nêu ra các thắc mắc và rất mong được anh cũng như các thành viên khác của SAFE Team giải đáp:

    1. Đa dạng hóa danh mục với nhiều cổ phiếu mà ta chỉ hiểu nó vừa vừa so với tập trung vào một đến hai cổ phiếu mà ta hiểu rõ ràng nó và mua vào ở mức giá cực kỳ thấp so với giá trị thực, vậy cái nào an toàn hơn?

    2. Đồng ý với câu trả lời của anh Phí Trung trong trường hợp 1, với trò chơi có xác suất là 50/50 thì không một ai có thể thắng mãi cả, nên một khi thua là sẽ mất tất cả những gì mình đang có. Điều này lý giải tại sao, trong giai đoạn đầu của uptrend nhiều nhà đầu tư/đầu co có lãi rất đậm nhưng đến khi thị trường quay đầu thì lại mất luôn phần cả lãi thậm chí âm vào vốn cũng chỉ vì đặt cược tất tay.
    Còn trong trường hợp 2 thì đúng là đồng xu không biết nhớ, việc tung ra đồng xu ở lần này thì chẳng liên quan gì đến lần sau cả. Vậy nên có thể xảy ra trường hợp tung ra đồng xu 10.000 lần ngửa hoặc sấp liên tiếp, nhưng xác suất để xảy ra trường hợp này là bao nhiêu ạ? Nếu tính toán theo lý thuyết sẽ là 1/2^10.000 tức xấp xỉ =0, như vậy trường hợp này gần như không thể xảy ra. Xác suất này còn thấp hơn rất nhiều so với việc đầu tư giá trị cả 10 lần nhưng thua lỗ cả 10.
    Và tôi cho rằng, chỉ cần nhà đầu tư phân bổ vốn 1 cách thông minh cho mỗi lần cược, thì nhất định anh ta về lâu về dài sẽ chiến thắng vì giá trị kỳ vọng (Expected Value) của anh ta trong trường hợp này > 0.
    Và đầu tư giá trị cũng là 1 trong những phương pháp có EV>0 vì mua vào CP với giá rất rẻ thấp hơn cả giả trị thực khiến cho (1) xác suất tăng giá của cổ phiếu trong dài hạn càng lớn tức là tỷ lệ thắng (Win Rate) càng cao (tiêu chí 2 – xác suất thắng càng cao thì tỷ lệ thua càng thấp nên vốn càng được bảo đảm an toàn) và (2) lợi nhuận kỳ vọng (Reward) tức phần chênh giữa giá trị thực và giá mua vào càng lớn (tiêu chí 3).
    Phải nói rằng ý tưởng mua 1$ với giá 50 cent là ý tưởng đơn giản nhưng lại có giá trị vô giá!
    Câu hỏi đặt ra ở đây là, các hoạt động khác ngoài đầu tư giá trị nhưng có EV>0 cộng với một phương pháp quản lý vốn chặt chẽ thì có phải là hoạt động đầu tư không? Tôi rất mong có thể nhận được câu trả lời rõ ràng, phải thú thật là sau khi đọc xong câu trả lời của anh trong trường hợp 2 không biết là anh đang say “Yes” hay “No” nữa.
    Ngoài ra tôi xin được góp ý thêm về cụm từ “Rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn” mà nguyên bản chính xác của câu nói này là “Rủi ro càng cao, kỳ vọng về lợi nhuận càng lớn”. Rõ ràng là như vừa phân tích ở trên, mua được cổ phiếu giá càng rẻ bao nhiêu thì lợi nhuận kỳ vọng càng lớn bấy nhiêu.

    3. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm của anh Phí Trung. Sở dĩ tôi đưa ra câu hỏi này là vì lúc trước tôi có đọc được bài viết của SAFE Team “Vì sao phân tích kĩ thuật là một phương pháp phản khoa học?”, trong khi Giá và Khối lượng là 2 đối tượng chính mà PTKT nghiên cứu.
    Với kho dữ liệu khổng lồ hàng trăm năm của hàng trăm thị trường tài chính với vô số các loại hàng hóa, chỉ số, sản phẩm tài chính cộng với sự trợ giúp đắc lực của các siêu máy tính thì PTKT lại càng trở nên hiệu quả và hữu dụng hơn bao giờ hết. Có khó là khó ở chỗ là ta có tìm được một “thuật toán” logic và có siêu máy tính để “back test” được thuật toán đó không thôi!

    Rất mong SAFE Team đưa ra quan điểm rõ ràng về các vấn đề được đưa ra ở trên. Và một lần nữa xin được cảm ơn anh Phí Trung, hy vọng lần sau nếu anh hoặc một ai đó có trả lời thì nên nói rõ là câu trả lời của cá nhân hay đại diện cho toàn bộ SAFE team, vì dù sao tôi cũng gửi câu hỏi tới SAFE Team cơ mà!

    • Chào anh Đức,

      Tôi nghĩ có một sự nhầm lẫn ở đây, tôi chỉ là một độc giả trung thành của Golden Newsletter Vietnam mà thôi, không phải BBT đâu anh ạ 🙂

      Về câu hỏi thứ hai như ý tôi đã đề cập ở trên, đây chỉ là câu trả lời hoàn toàn mang tính lý thuyết do giả định mà anh đặt ra mà thôi (thực tế thì không có nhà cái nào chơi xóc dĩa mà không gian lận hoặc chỉ có 1 tay chơi cả). Nhưng về cơ bản, thực tế cũng sẽ diễn ra như ý anh đã diễn đạt ở trên nên có lẽ tôi xin dừng thảo luận câu hỏi này ạ.

      Còn về câu hỏi số 3 thì tôi nghĩ có chút sự nhầm lẫn ở đây anh ạ, cái mà tôi vừa đề cập ở trên không phải là phân tích kỹ thuật mà nó thuộc về toán-tin ứng dụng, các biến số đầu vào có thể thuộc đa lĩnh vực và nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả đầu ra ở một mức độ tương quan khác nhau, ở mức độ đơn giản như ở Mỹ hồi thập niên 80s chỉ có vài biến số như giá và khối lượng, người ta sử dụng thuật toán Mạng neuron nhân tạo để nhận về kết quả là giá cổ phiếu ở ngày giao dịch kế tiếp, còn hiện nay thì không chỉ giá và khối lượng, các chỉ số thuộc lĩnh vực tài chính mà thậm chí có thể là dữ liệu về nhiệt độ trong ngày vốn không liên quan gì đến tài chính cả cũng có thể được sử dụng miễn là nó có thể hiện mức độ tương quan phù hợp với kết quả đầu ra anh mong muốn.

      Hi vọng làm anh thoả mãn với vài lời chia sẻ trên.

    • Chào anh Đức,

      Hình như câu hỏi của anh vẫn chưa rõ lắm; giờ anh bắt chúng tôi đoán ý anh thì hơi khó cho chúng tôi quá…

      Cụ thể rằng anh đang dùng phân tích kĩ thuật như thế nào? Anh đang đầu tư giá trị ra sao? Điểm nào anh chưa đồng tình về bài viết của chúng tôi? Rất mong anh chia sẻ câu chuyện của mình để cả chúng tôi và quý độc giả hiểu hơn. Có như vậy thì ta mới dễ dàng chia sẻ cho nhau được.

      Xin cám ơn anh trước rất nhiều!
      S.A.F.E team

        • Theo như Ben Graham định nghĩa trong cuốn Securities Analysis của mình thì ông chia đầu cơ ra làm hai loại: 1- đầu cơ thông minh 2- đầu cơ thiếu thông minh. Loại 1 là bạn chấp nhận rủi ro có thể giải trình được sau khi cân nhắc cẩn thận được các điểm lợi hại. Loại 2 là bạn chấp nhận rủi ro mà chưa nghiên cứu kĩ lưỡng nhé. Hai khái niệm Đầu tư của nhà phân tích vs đầu cơ thông minh rất dễ bị nhầm lẫn. Còn về trường hợp đồng xu thì anh đúng ở chỗ là xác suất để cược trượt 10000 lần liên tục là cực thấp . Tuy nhiên tôi không đồng tình với ý kiến của anh cho rằng là nếu phân bổ vốn thông minh cho các lần cược (thì về LÂU DÀI sẽ chiến thắng) vì anh chẳng thể biết chính xác được lần tung sau sẽ ra sấp hay ngửa để có thể phân bổ vốn. Anh đã nghe tới thuật ngữ hot hand fallancy chưa ạ ? Nó gần tương tự vs trò tung đồng xu này đấy ạ. Còn ý kiến về ptkt thì ý kiến của tôi là ntn: Như toán học vậy, một bài toán có nhiều cách giải hay. PTKT hay PTCB cũng có các hay riêng và cũng đã chứng tỏ được công dụng của mình . James Simons đã áp dụng ptkt rất thành công và tỷ suất sinh lời thật đáng nể . Tuy nhiên Anh nên cân nhắc kĩ rằng mình đang ở VN và anh sẽ không đủ nguồn lực vật chất (hoặc trí tuệ) để có thể áp dụng thành công như vậy . cái bbt muốn nói ở đây là tồn tại phương pháp giản đơn cho những người đơn giản để có thể đạt đến thành công là ptcb .

        • Vâng cám ơn chia sẻ rất thú vị của anh độc giả Lacoste

    • cái anh nói gọi là Quantitative analysis đang được các Quant Funds sử dụng rất nhiều, nó thiên về short-term, anh có thể google để xem thêm. Individual investor như chúng ta không thể cạnh tranh lại với các thuật toán, và computer power của các funds được.

CTKM Xuân Giáp Thìn 2024

Tình cảm quý độc giả 2023

Ap 74 chính thức phát hành!

Ấn phẩm mới phát hành
Ấn phẩm mới phát hành

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!