Singapore: Nền kinh tế, thị trường chứng khoán và tầm nhìn cho Việt Nam – The Golden Newsletter Vietnam

Lược dịch & tổng hợp từ rất nhiều tài liệu khác nhau về Singapore, chủ yếu từ CIA, Worldbank, Singstats, Trade Ministry, SGX, báo cáo tư vấn, báo cáo phân tích & sách/bài phỏng vấn của các NĐT ngoại về Singapore

Bài viết trích từ ấn phẩm kỳ 29, “ấn phẩm Singapore” – độc nhất chưa từng có ở bất kỳ đâu tại Việt Nam, phát hành tháng 12.2019: https://newslettervietnam.com/an-pham-dau-tu-gia-tri-29/
Đặt mua ấn phẩm cũ của TGN: https://newslettervietnam.com/dat-mua-an-pham-dau-tu/

Nhiều độc giả – đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm ý tưởng đầu tư cho năm 2020 – mở chủ đề ấn phẩm 29 đặc biệt hôm nay ra xem, ắt hẳn sẽ phải thốt lên ngạc nhiên: “Phải chăng ban biên tập của Golden Newsletter đã hóa rồ hết rồi hay sao? TTCK Việt Nam còn đang giảm điểm, rất nhiều vấn đề bất cập ngoài kia, non một nghìn cổ phiếu chưa ai phân tích, hà cớ sao lại đi lan man sang thứ Đảo quốc Sư tử đã phát triển chín muồi? Chúng tôi không có nhu cầu đầu tư hay thậm chí cả việc đi du lịch sang Singapore!”

Vâng nếu có suy nghĩ vậy, mong quý độc giả hãy dừng lại đôi chút, hít thở một hơi thật sâu cho bình tĩnh, rồi lắng nghe chúng tôi giải thích như sau:

(1) Thực ra thứ ý tưởng đi ra ngoài lãnh thổ Việt Nam để phân tích, học hỏi, tìm kiếm những tinh hoa để “mang về” là một ý tưởng cội nguồn chúng tôi đã nẩy ra kể từ những ngày đầu lập nên dự án ấn phẩm, song vì quá bận rộn với chu kỳ deadline không dứt và hàng nghìn ý tưởng, chúng tôi đã lãng quên nó mất độ 2 năm nay.

Nay để tránh bị “chôn vùi ý tưởng”, chúng tôi xin công khai mục tiêu của S.A.F.E team ở giai đoạn thứ nhất trong vòng 3-5 năm tới là việc học hỏi từ những thị trường lân cận nhất đến Việt Nam, tức những quốc gia Đông Nam Á đã phát triển với quy mô lớn hơn chúng ta, bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Phillipines và Indonesia. Giai đoạn 2 sẽ là những quốc gia thuộc hạng “con hổ” mới nổi của Châu Á, tiêu biểu như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc & Ấn Độ. Giai đoạn 3 sẽ là việc học hỏi từ những thị trường đã rất phát triển trên toàn cầu, bao gồm Hoa Kỳ, Âu Châu, Canada và Úc.

Dù trong đợt vote ý tưởng (https://bit.ly/33oRBuw) vừa qua chúng tôi có đề cập đến chuyện nầy – rồi chỉ có 3% lượng độc giả tán thành, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện vì chúng tôi hiểu được giá trị & ý nghĩa của việc học hỏi các nước lân cận & toàn cầu to lớn như thế nào…

(2) Tại sao dù không có nhu cầu mua cổ phiếu ngoại quốc, chúng tôi phải nhọc công làm như vậy trong khi khối lượng công việc nội địa còn rất nhiều? Câu trả lời nằm ở sự tương đồng (relevations) của nước bạn mà chúng tôi muốn tìm kiếm, góp phần giúp chúng tôi nhận ra những dấu vết trong chính câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam.

 Nhiều nhà đầu tư cá nhân ắt sẽ khâm phục & ngưỡng mộ tầm nhìn cũng như sự kiên trì của một số nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã sinh lợi suốt 10 năm qua tại Việt Nam. Song thực ra điểm lợi thế của họ không nằm ở IQ hay công nghệ đắt tiền, mà chính nằm ở tầm nhìn vĩ mô rộng khắp toàn cầu và nền tảng kinh nghiệm quan sát sự tương đồng tại nhiều quốc gia mới nổi & rất nhiều cổ phiếu tiêu biểu suốt hàng chục năm qua. Họ theo dõi từ lúc chúng còn “sơ sinh” lớn thành những chú “hổ”, “kỳ lân” ngày hôm nay!

(3) Tuy nhiên, quý độc giả hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ không “đem cả thế giới” vào ấn phẩm TGN đến mức bão hòa trong thời gian ngắn, mà chỉ làm đôi chút như một cơ hội đổi gió học hỏi mỗi năm một lần hoặc mỗi hai năm một lần.

Chúng tôi cho rằng việc liên tục dồn suy nghĩ vào một “chiếc hộp” quá lâu, liên tục, không có nghỉ ngơi, không có sự thay đổi, sáng tạo và học hỏi sẽ khiến tư duy chúng ta dần thu hẹp, bảo thủ và chậm chạp so với những đổi mới (innovations) đang diễn ra khắp toàn cầu.

Chính vì vậy, đây là 3 lý do chính khiến chúng tôi muốn biến ấn phẩm 29 cuối năm 2019 nầy là một ấn phẩm đặc biệt đi ra ngoài lãnh thổ Việt Nam đến “Đảo quốc Sư tử” Singapore – một quốc gia phát triển theo công thức thần tốc của riêng nó, và giờ đây cũng là nhà đầu tư FDI lẫn FII với lượng tài sản khá đáng kể tại Việt Nam.

Dù rằng chúng tôi còn xa mới là một chuyên gia, một nhà đầu tư chuyên nghiệp tại đây, hay thậm chí là một học giả chuyên về Singapore (xin mạn phép rào trước), chúng tôi cũng xin hân hoan chia sẻ với quý độc giả chúng ta một số góc nhìn sơ lược & cơ bản nhất của một nhà đầu tư giá trị về đặc điểm nền kinh tế, thị trường chứng khoán và những bài học tương đồng của Singapore dành cho Việt Nam.

I. Câu chuyện kinh tế/xã hội của Singapore

Nếu có một điều quý độc giả phải nhớ về Singapore, thì đó không đâu khác chính là: Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) – cố thủ tướng đã giành độc lập và vực Singapore lên từ một đảo quốc nhỏ bé giai đoạn rất khó khăn của những năm 1950s-1960s thành quốc gia phát triển bậc nhứt Châu Á.

Ngạc nhiên thay, tác động của ông lớn đến mức không chỉ giúp Singapore thành công, mà còn cả Trung Quốc đại lục của ngày hôm nay (!) Quá trình phát triển thần kỳ của Trung Quốc lên hạng cường quốc thế giới suốt 3 thập kỷ qua, hầu hết đều được học tập từ mô hình của Singapore.  Trong suốt quá trình điều hành của Lý Quang Diệu, có ít nhất 22,000 quan chức Trung Quốc sang thăm & học hỏi cách thức thu hút vốn FDI và các tập đoàn đa quốc gia, thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân và kiểm soát truyền thông tại Singapore – chủ yếu dưới thời chủ tịch nước Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping).

Cũng đồng tình về vấn đề nầy, ngài Charlie Munger trong một cuộc phỏng vấn tại ĐHCĐ 2019 của Berkshire đã nói rằng: “Nếu anh hỏi tôi 1 người nào đã giúp Trung Quốc thành công như hôm nay: thì đó không ai khác chính là Lee Kuan Yew của Singapore. Họ đã copy ông ta (They copied him)”. (https://www.youtube.com/watch?v=RFxXl9eAWV4, phút 24:00).

  • Lịch sử phát triển của Singapore trước 1965:

Để hiểu được điều kỳ diệu mà Lee Kuan Yew đã làm cho Singapore & cả Trung Quốc một cách gián tiếp, chúng ta cần quay lại một chút về lịch sử của quốc gia nhỏ bé nầy.

Quay ngược về thế kỷ 14, Singapore ra đời như một hòn đảo nhỏ/thị trấn nhỏ nằm giữa Biển Đông và eo biển Strait ngày nay. Nó có tên gốc là “Temasek” (tức thị trấn biển, và đây cũng là lí do khiến Tập đoàn Đầu tư Quốc gia Temasek Holdings có tên gọi nổi tiếng vậy), sau đó đổi tên thành “Singapore” (thành phố Sư tử) do một vị quân vương nhìn thấy một loài sư tử trên vùng đất.

Cho đến năm 1819, Sir Stamford Raffles – đại tướng thuộc Phòng Thuộc địa Anh Quốc – sau giai đoạn chiến tranh với Hà Lan tại bán đảo Malaysia, đã tìm ra Singapore và góp phần phát triển kinh tế tại đây. Ông thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân, buôn bán tự do và trường học – một trong những người sáng lập (founding father) nên văn hóa sử dụng Anh ngữ và tinh thần kinh doanh tồn tại hàng trăm năm tiếp theo. Ngày nay tên ông được đặt cho khu vực tài chính trung tâm của Singapore – “Raffles Place”.

Đến năm 1869, kênh đào Suez được khai thông, rút ngắn tuyến hàng hải khổng lồ từ biển Đại Tây Dương & Địa Trung Hải xuống khu vực Đông Nam Á/Trung Quốc thay vì phải vòng qua mũi Hảo Vọng, Singapore trở thành tụ điểm giao thương tấp nập nhất toàn châu lục.

Singapore tiếp tục trở thành thuộc địa cho đến giữa thập niên 1950s: lúc một người thanh niên trai trẻ vừa du học từ Anh trở về mang tên Lee Kuan Yew – hay “Harry Lee”, một luật sư sắc bén, đồng thời năng động tham gia sáng lập Đảng mới với tên gọi  “People’s Action Party” (PAP), mong muốn tự vận hành đất nước, chấm dứt chế độ thuộc địa phân biệt chủng tộc, bất công, thất nghiệp tăng cao…

PAP nhanh chóng trỗi dậy cho đến đầu 1961-1963, giành được phần đông số phiếu ủng hộ của người dân Singapore và cầm quyền. Để mau chóng thoát khỏi ách thuộc địa, Lee đã sắp xếp một cuộc sáp nhập (merger) với đất nước to lớn láng giềng là Malaysia, trở thành liên minh “Federation of Malaysia” hùng mạnh.

Tưởng chừng như mọi chuyện sẽ suôn sẻ, oái oăm thay, đến tháng 09/1965, trước hàng loạt các cuộc biểu tình, đấu tranh sắc tộc giữa người Trung Hoa và người đạo Hồi của Malay, thủ tướng Malaysia lúc bấy giờ là Tunku Abdul Rahman, và dàn bộ sậu lãnh đạo hèn nhát, vì lo sợ bất ổn đã tuyên bố trục xuất (expel) Singapore ra khỏi Malaysia một cách bất ngờ chỉ sau 3 năm sáp nhập.

Sự thất bại của đợt sáp nhập làm cho Lee choáng váng! Cả cuộc đời trưởng thành của ông, ông tin vào đợt sáp nhập nầy, nó quyết định đến sự thành bại và độc lập của Singapore. Ấy vậy mà giấc mơ chỉ tồn tại được vài năm…

Ông buồn quá, kìm nước mắt mà công bố với toàn dân là từ nay chúng ta sẽ phải “bơi một mình”: một nền kinh tế heo hút, chẳng có một thứ tài nguyên nào, thiếu việc làm, thiếu an ninh quốc phòng, thiếu cả nước sạch (cho đến tận ngày hôm nay). Ông mất ngủ 6 tuần liền, chặn mọi cuộc điện thoại, cứ ở lì trong phòng như vậy – đến độ ngài Đại sứ quán Anh phải lo ngại tìm tới hỏi thăm.

Song nào đâu ông biết rằng chính thời khắc đó là vận may lớn nhất mà Trời già đã ban cho Singapore được!

  • Nền kinh tế Singapore & sự phát triển thần kỳ:

Điều gì có thể làm một quốc gia thậm chí nhỏ hơn cả TPHCM vượt lên từ khó khăn cùng cực như vậy, để trở thành quốc gia phát triển bậc nhứt Châu Á, GDP/đầu người cao top 3 toàn cầu? Lee Kuan Yew cho rằng bí quyết thành công của đất nước ông rất đơn giản: trở nên thực dụng (pragmatic), tìm ra những thứ nào hoạt động được và cứ thế đi theo nó vĩnh viễn!

Tưởng chừng việc bị trục xuất khỏi Malaysia đồng nghĩa với dấu chấm hết cho mọi hi vọng của Singapore, song đó lại là một ơn trên vô cùng! Qua một thời gian bình ổn, Lee và đội ngũ lãnh đạo nhiệt huyết của ông bắt đầu đi học cách phát triển kinh tế, quân sự từ chỗ cạn kiệt tài nguyên của Israel, Đài Loan. Và sau đó, Chính phủ của ông thực hiện một loạt các quyết định chính sách vô cùng đúng đắn đến mức nhìn lại ta tưởng chừng như họ thật may mắn, nhưng chúng tôi lại tin rằng vấn đề nằm ở việc ông biết được thứ nào sẽ hoạt động và đi theo nó!

Sau nhiều lần thử và sai, ông tìm ra công thức để phát triển nhanh nhất chính là đi việc đi chiêu mộ nguồn vốn FDI, công nghệ và văn hóa làm việc tiến bộ từ các Tập đoàn đa quốc gia ở các nước phát triển thuộc Thế giới thứ nhất (First World) như Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản. Thập niên 1970s, một loạt các ông lớn như Texas Instrument, HP, General Electric tham gia Singapore nhờ ưu đãi thuế và nhiều yếu tố khác. Chính phủ cũng tham gia kinh doanh, tạo việc làm bằng các hãng công nghiệp thép, hàng không, viễn thông mới như Singapore Airlines, Singtel, Neptune Orient Lines. Nhờ vậy, GDP từ 1965 đến cuối thập niên 1970s tăng trưởng kinh ngạc ~13%/năm (*)

Đến giai đoạn 1980s, ngoài bùng nổ công nghiệp hóa, Chính quyền Lee Kuan Yew nhận ra rằng phải có sự đa dạng hóa về dịch vụ – thứ nền tảng giúp Singapore hùng mạnh như ngày hôm nay (chiếm 70% GDP). Ông đặt mục tiêu biến đảo quốc của mình trở thành trung tâm tài chính của thế giới – “World financial hub” – với hàng loạt chính sách ưu đãi thuế, khuyến khích niêm yết, đào tạo nhân lực. Ngành bất động sản cũng được chú trọng với chính sách hỗ trợ mua nhà cho người dân Singapore. Ngành du lịch & giải trí (casino) cũng được thu hút đầu tư mạnh mẽ theo chuẩn quốc tế.

Bên cạnh các quyết định kinh tế đúng đắn, ông gầy dựng niềm tin với các NĐT nước ngoài và cư dân ở một chính phủ không tham nhũng – tăng lương cán bộ lên cao bằng giá thị trường để họ hỗ trợ toàn tâm toàn ý xây dựng đất nước. PAP phát triển hạ tầng đồng bộ trở thành “Thành phố Khu vườn” với hơn 400 công viên và hàng triệu cây xanh được chăm sóc mỗi ngày, một phần do quy mô Singapore khá nhỏ. Hệ thống tàu điện MRT (Mass Rapid Transit) được đầu tư phủ rộng ra mọi nẻo đường của Quốc đảo, sân bay Changi International Airport kết nối với 380 thành phố tại 90 quốc gia. Ông còn thực hiện chính sách gây rất nhiều tranh cãi là việc khuyến khích những cặp vợ chồng học cao (high-educated) cưới nhau, sinh con để tạo gene tốt, phát triển nhân lực Singapore sau nầy…

Sau đó mọi thứ chỉ còn là lịch sử! Chỉ vỏn vẹn 3 thập niên từ 1965 đến 1999, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Singapore lên đến ~8%, đạt mức bình quân đầu người cao nhất trong tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Chất lượng cuộc sống người dân ngang hàng với các nước phát triển. Nghĩ đến trung tâm dịch vụ tài chính tại Châu Á, người ta phải nghĩ ngay đến Singapore hoặc Hong Kong – một sự thành công quá diệu kỳ đến đỗi hàng chục nghìn cán bộ Trung Quốc phải nể phục mà đi sang học hỏi!

Theo nghiên cứu của chúng tôi từ nhiều tài liệu khác nhau, Singapore phát triển dựa trên 5 nhóm động lực chính – trong đó đa số đến từ các khối dịch vụ và DN FDI:

– Ngành cảng biển, hàng hải, logistics:

Theo số liệu của SGX, ngành nghề truyền thống nầy của Singapore đóng góp đến ~7% GDP, và là cảng biển bận rộn nhất thế giới. Ngoài việc trở thành cảng nối tiếp (transhipment hub) của gần như toàn bộ Á Châu sang Hoa Kỳ, Châu Âu và ngược lại, Singapore còn nổi tiếng với dịch vụ lưu trữ xăng dầu/khí đốt (LPG, LNG) cho ngành vận tải dầu khí toàn cầu. Các tay chơi lớn nổi bật trong ngành bao gồm Keppel Corp, Hutchison Port Holdings Trust (tỷ phú Li-Ka Shing), Cosco Shipping Int. & Sembcorp Marine.

– Ngành dịch vụ tài chính & bất động sản:

Singapore tự hào rằng họ là trung tâm tài chính/bất động sản số 2nd tại Châu Á chỉ sau Hong Kong.

Về lĩnh vực ngân hàng & quản lý tài sản, bộ 3 ngân hàng có gốc Quốc doanh Development Bank of Singapore (DBS), United Overseas Bank (UOB) và Overseas-Chinese Banking Corp (OCBC) đã trở thành top đầu trong ngành dịch vụ tài chính và quản lý tài sản tại Châu Á trong hàng thập kỷ với các thương vụ M&A. Ngành ngân hàng của Singapore đóng góp đến >40% vốn hóa TTCK (khá giống Việt Nam) và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho quốc gia.

Mặc dù diện tích BĐS hạn chế, Singapore là thị trường BĐS lớn thứ 2nd Châu Á sau Nhật Bản với quy mô vốn hóa lên đến 150 tỷ USD nhờ việc phát triển chứng chỉ quỹ bất động sản (Real estate investment trusts – REITs) rất thông minh, thu hút nguồn lực từ toàn cầu. Các tay chơi lớn của họ như CapitaLand, Keppel Land, Mapletree, Ascott Holdings hay Ascendas Trust đã phát triển “vũ bão” ra toàn thế giới chính nhờ huy động vốn REIT, và chúng ta thấy hầu hết những cái tên nầy đang tung hoành tại Việt Nam một cách rất mạnh mẽ và uy tín!

TTCK Singapore (Singapore Exchange – SGX) đã phát triển theo hướng rất riêng bằng cách tự định vị mình là “Cánh cổng đến Châu Á” (The Asian Gateway) thông qua việc khuyến khích DN nước ngoài niêm yết và đầu tư – ưu đãi thuế. Họ còn phát triển đa dạng sản phẩm như thị trường ETF khổng lồ và phái sinh hàng hóa/ngoại tệ – thứ mà nhất thiết UBCK & Sở giao dịch chúng ta cần học hỏi (!)

– Ngành dịch vụ du lịch & giải trí (casino):

Singapore là thành phố du lịch thứ 5th toàn thế giới sau Bangkok, London, Paris & Dubai với 18 triệu lượt khách/năm. Khách du lịch đến đây chi tiêu ~20 tỷ USD năm 2018, trong đó đa phần là mua sắm, chỗ ở và một mảng đang phát triển rất nhanh gần đây là casino.

Nếu quý độc giả có ghé ngang tổ hợp “Marina Bay Sands” nổi tiếng của tập đoàn Las Vegas Sands (Mỹ) đầu tư tại Singapore, quý độc giả có thể ngỡ ngàng trước một “thung lũng” casino khổng lồ 15,000 m2 và hàng chục nghìn “con bạc khát nước” mỗi đêm. Ấy vậy mà ít ai biết rằng đây là casino lớn thứ 2 thế giới! Vâng đúng vậy, Marina Bay Sands là dự án đơn lẻ có vốn đầu tư lớn thứ hai thế giới lên đến 6 tỷ USD sau MGM Las Vegas. Một mình nó đóng góp non 1% GDP toàn Singapore, thật đáng kinh ngạc!

– Ngành sản xuất, xuất khẩu công nghệ cao cho DN FDI:

Mặc dù đóng góp 20%-25% GDP của Singapore, chúng tôi không đánh giá cao ngành sản xuất của quốc gia nầy do chủ yếu các hoạt động là gia công cho DN FDI với biên lợi nhuận mỏng dù doanh thu rất cao – khá tương đồng với cơ cấu GDP Việt Nam hiện tại.

Dù vậy, khối FDI đã là động lực chính giúp Singapore vực lên từ giai đoạn 1960s nhờ tạo việc làm, chuyển giao một phần công nghệ và tăng dự trữ ngoại hối Quốc gia. Singapore nổi tiếng với nhóm FDI sản xuất thiết bị điện tử như IBM, Micron; nhóm công nghệ sinh học như Merck hay nhóm hóa dầu như Shell, Exxon Mobil, Sumitomo.

Trung tâm đầu mối cho các startup công nghệ:

Đây là lĩnh vực tiềm năng mới trong vòng 10-20 năm tới mà Chính phủ Singapore đang định hướng phát triển. Các startup đặt trụ sở tại đây sau khi gọi vốn thành công đã phát triển đáng kinh ngạc, trở thành số 1 khu vực, lấn sân sang cả Việt Nam! Ví dụ như SEA (công ty mẹ Shopee, niêm yết NASDAQ, định giá 17 tỷ USD), Grab ($14 tỷ),  Ninja Van ($1 tỷ), Zilingo ($900 triệu), PropertyGuru (sở hữu trang batdongsan.com.vn nức tiếng, $500 triệu)

  • Một vài số liệu kinh tế của Singapore hiện tại:

Nhìn chung, với đặc điểm của một quốc gia phát triển thịnh vượng (developed country), Singapore có những số liệu khá tiêu biểu về mức tăng GDP tương đối thấp, chỉ xấp xỉ 3%, dẫn đến lãi suất, lạm phát giảm dần, đồng tiền mạnh trong khi mức thu nhập/đầu người “đáng mơ ước”. Tuy nhiên, ở đây có 3 điểm khiến chúng tôi thấy khá thú vị:

Thứ nhất chính là bậc xếp hạng tín nhiệm “triple-A” bởi cả 3 đơn vị S&P, Moody’s & Fitch đáng tự hào của Singapore mà chỉ hiếm hoi vài quốc gia có được. Trên thế giới chỉ có 11 quốc gia trong số gần 200 quốc gia được mức xếp hạng an toàn nhất nầy! Nó đòi hỏi một kĩ năng quản lý tiền tệ và tài khóa xuất chúng của Chính phủ với lượng nợ vay thấp, dự trữ ngoại hối rất cao và các hoạt động đầu tư công cực kỳ hiệu quả. Bên cạnh đó, chính sách chống tham nhũng (corruption) xuống mức gần như không có và một môi trường kinh doanh/đầu tư minh bạch là điểm cộng rất lớn để Singapore đạt được mức đánh giá cao như thế. Hiện bậc tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, tức chưa đủ an toàn, chỉ phù hợp cho hoạt động đầu cơ (speculative grade).

Thứ hai, chúng tôi khá ngưỡng mộ mức tài sản tài chính trung vị/đầu người trưởng thành (median wealth per adult) lên đến 97,000 USD của Singapore – trong khi tỷ lệ nợ vay/vốn chủ trung bình hộ gia đình chỉ 18%. Mức nầy cao top 13 thế giới, và gấp đến 26 lần so với Việt Nam chỉ vỏn vẹn ở mức ~3,700 USD/người trưởng thành (!)

Chúng tôi cho rằng với đức tính siêng năng, tiết kiệm có sẵn của người Trung Hoa (74% dân số Singapore) cộng với việc được giáo dục về tài chính tốt, đây quả thực là kết quả đáng học hỏi cho NĐT cá nhân Việt Nam chúng ta. Ngoài ra, chính sách thuế ưu đãi tối đa 20% TN cá nhân – không tính thuế tăng giá tài sản (capital gain tax) – cộng với chính sách thuế TN doanh nghiệp rất ưu đãi (miễn 3 năm đầu cho các startup, effective tax rate cho các năm sau chỉ độ 8.5%) – Singapore đã thu hút được rất nhiều người giàu từ khắp nơi trên thế giới đổ về, kéo mức tài sản tài chính trung bình lên đáng kể.

Cuối cùng, về mặt đối ngoại, các dữ liệu cho ta thấy rằng Trung Quốc thực sự là quốc gia có tầm ảnh hưởng nhất đến Singapore. Lịch sử về nguồn gốc dân tộc, mối quan hệ từ thời Chủ tịch nước Đặng Tiểu Bình cùng Đảng PAP cộng với lượng thặng dư thương mại khổng lồ từ Hong Kong mỗi năm, không nghi ngờ gì khi Singapore là người ủng hộ lớn nhất cho hoạt động ngoại giao của Trung Quốc tại khu vực APEC & khối ASEAN, đặc biệt là chính sách “The Belt & Road Initiative” (đường lưỡi bò) đầy tham vọng của gã khổng lồ “ngang ngược” nầy.

II. TTCK Singapore & Straits-Times Index

Tưởng chừng xếp hạng tín nhiệm cao, bền vững về mặt điều hành kinh tế và có tầng lớp cư dân giầu có, hiểu biết, ấy vậy mà TTCK Singapore cũng không thể nào tránh khỏi chu kỳ “bong bóng – vỡ tan” (boom-bust) căn bản mà bất cứ thị trường hay nền văn hóa nào cũng gặp phải.

Điều nầy càng làm củng cố hơn niềm tin chúng tôi về sức mạnh và sự trường tồn của triết lý đầu tư giá trị – bởi vì khi TTCK vẫn còn sự tham gia của con người, với bản chất luôn hành động phi lí trí theo cảm xúc, thì chừng ấy những NĐT giá trị tỉnh táo vẫn còn vùng đất màu mỡ để tận dụng. Quả câu châm ngôn: “Cycles are inevitable” của ngài Howard Marks mới thực chí lí là vậy!

  • Chu kỳ lịch sử của TTCK Singapore:

TTCK Singapore thực ra được Chính phủ nước nầy thành lập vào năm 1973, khi Singapore vừa bị trục xuất khỏi Malaysia dẫn đến việc hình thành hai Sở Giao Dịch “Stock Exchange of Singapore” và “Bursa Malaysia Bhd” của ngày hôm nay. Đến năm 1999, SES sáp nhập với Trung tâm lưu ký & bù trừ Singapore để hình thành nên “Singapore Exchange Holding Company”, gọi tắt là SGX, hiện nay đã niêm yết công khai trên TTCK.

Tuy nhiên, chỉ số đại diện cho TTCK Singapore nổi tiếng toàn cầu mang tên “The Straits-Times Index” (STI) lại có nguồn gốc từ năm 1966, bao gồm 50 cổ phiếu tiêu biểu chiếm đến 78% vốn hóa thị trường – tương tự như Dow Jones Industrial Average của Hoa Kỳ hay chỉ số VN-30 đầy biến động của Việt Nam chúng ta (!) Sau nhiều lần đổi công thức tính, đến năm 2008, FTSE cùng với SGX và Singapore Press Holdings đã hợp tác để tái cơ cấu lại chỉ số, giảm từ 50 cổ phiếu xuống còn 30 cổ phiếu như ngày hôm nay, với các tập đoàn quy mô lớn và kinh doanh hiệu quả nhất tại Đảo quốc nầy (bảng dưới).

Giai đoạn phát triển thần tốc 1973 – 1996: sau giai đoạn tách khỏi Malaysia khó khăn thập niên 1960s, TTCK Singapore tăng mạnh mẽ gần 25 lần từ mức Index 100 điểm lên ~2,500 điểm cuối năm 1996. Đây là “thời điểm vàng” cho các nhà đầu tư chứng khoán tại đây với hàng loạt công ty gốc Nhà nước mạnh mẽ trong ngành Ngân hàng, BĐS, dịch vụ, sản xuất, công nghệ tăng trưởng hai chữ số liên tục trong non hai thập kỷ. Chúng tôi tin rằng Việt Nam cũng đang ở trong một thời kỳ đầy cơ hội hệt như vậy khi TTCK chúng ta chỉ mới “chớm nở” từ giai đoạn 2005-2006.

Khủng hoảng tài chính Châu Á 1997: Sau khi cơn sốt đầu cơ bất động sản/chứng khoán bằng nợ vay nóng sốt, cộng với dòng vốn FII nóng từ Âu Mỹ rút từ các nước mới nổi về sở tại, đồng baht Thái (THB) sụp đổ, hàng loạt các doanh nghiệp khắp Đông Nam Á phá sản, khiến nỗi sợ hãi lan rộng sang toàn Châu Á, trong đó có Singapore…

Do nền kinh tế và khối doanh nghiệp Singapore có tỷ lệ đòn bẩy rất thấp và một đồng SGD mạnh, chính phủ nước nầy chỉ phá giá nhẹ -20% để “hạ cánh mềm” và không có bất cứ động thái nào để “cứu” TTCK. Cuối 1998, Straits-Times Index giảm non -60% từ đỉnh 2500 điểm xuống còn dưới 1,000 điểm. Vâng thưa quý độc giả, nếu như có bất cứ người nào dám nói rằng VN-Index sẽ giảm -60% từ đỉnh 1,200 điểm năm 2018 vừa qua thì ắt sẽ bị cho là “điên khùng”, “chim lợn” (?!) Ấy vậy mà khi khủng hoảng xẩy đến, ngay cả một TTCK phát triển-minh bạch như Singapore, thì ta thấy rằng không có điều gì là không thể.

Bong bóng dot-com Hoa Kỳ 2000-2002: Tưởng rằng đã hồi phục được từ khủng hoảng Châu Á 1997 – STI bật lại 2,500 điểm chỉ sau 1 năm (!), song do phần lớn GDP của Singapore phụ thuộc vào việc gia công thiết bị bán dẫn (semiconductors) cho Hoa Kỳ, đến cuối năm 2000, STI tiếp tục lao dốc theo TTCK Hoa Kỳ, mất hơn -50% vốn hóa.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008: Cuộc khủng hoảng nhà đất/trái phiếu thế chấp tại Hoa Kỳ 2008 là cuộc khủng hoảng tiêu cực nhất trong lịch sử Singapore (-65%). Đảo quốc nầy là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng của cơn bão do danh mục đầu tư quá lớn vào thị trường nhà đất Hoa Kỳ của GIC, Temasek Holdings và hàng vạn người dân Singapore thông qua việc mua trái phiếu MBS/CDO mà DBS, Lehman, Meryll Lynch chào bán tại đây.

Đến giữa năm 2009, Chính quyền ông Lý Hiển Long (Thủ tướng đương nhiệm, con trưởng ông Lee Kuan Yew) phải đưa ra gói kích thích táo bạo nhất Châu Á – 20 tỷ SGD, non 6% GDP để trợ cấp lương người lao động, hoàn thuế thu nhập, thuế BĐS và đầu tư công. Đến cuối năm 2010, kinh tế Singapore tăng trưởng trở lại 3% và đi vào ổn định cho đến ngày hôm nay, dù rằng mức đỉnh 3,800 điểm Straits-Times Index năm 2007 vẫn chưa thể nào quay lại được…

  • FTSE Straits Times Index 30:

Như quý độc giả thấy, nhìn chung các cổ phiếu thuộc nhóm STI nổi bật nầy đến 60% vốn hóa phụ thuộc vào nhóm ngân hàng, bất động sản (Big 3 ngân hàng DBS, OCBC, UOB và Big 5 Developers như CapitaLand, Keppel, Mapletree, Ascendas & City Developments) – nhóm ngành chu kỳ đặc trưng, tiềm ẩn rủi ro vô cùng trước các đợt khủng hoảng – một bức tranh tương tự như chính TTCK Việt Nam chúng ta. Một điểm chung khác chúng tôi nhận thấy khá đặc biệt chính là sự đóng góp của rất nhiều DN có gốc Nhà nước (Temasek nắm giữ) – chẳng hạn như các NH, cty BĐS, cty dịch vụ độc quyền tiêu biểu như Singtel, Singapore Airlines hay chính Sở GDCK Singapore Exchange đầy thú vị (!) Điểm khác biệt lớn khiến nhóm STI bền vững hơn VN30 của Việt Nam chính là hoạt động đầu tư toàn cầu của họ rất mạnh, giúp họ phân tán được rủi ro tập trung vào một vùng lãnh thổ nhỏ bé.

Cuối cùng, với tăng trưởng LNST xấp xỉ 8%-10%/năm, ROE ~14% và LS cổ tức 4%, trong khi mức P/E lên đến 18.1x, P/B 1.7x mà chỉ số lại phụ thuộc lớn vào nhóm NH-BĐS, chúng tôi cho rằng thời kỳ tăng trưởng nhanh của Singapore đã trôi qua, thay vào đó các sản phẩm mới như REITs cổ tức cao, ETFs toàn Châu Á hay các kỳ lân công nghệ có lẽ sẽ trở thành động lực chính trong dài hạn…

III. Kết luận

Bài phân tích đặc biệt đi ra ngoài lãnh thổ VN của chúng tôi hôm nay xin được kết thúc tại đây. Singapore, với nguồn tài nguyên & sức cầu nội địa hữu hạn, đã tận dụng nguồn lực bên ngoài thông qua thu hút FDI & phát triển ngành dịch vụ theo cách thức rất riêng bằng chính sách đúng đắn của Lee Kuan Yew & PAP. Vì thế, chúng tôi, những NĐT giá trị dài hạn, không trông mong rằng Việt Nam sẽ trở thành Singapore trong 20-30 năm tới, hoặc tương tự vậy. Song chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cách mà doanh nghiệp, hay Chính phủ chúng ta có thể học tập “công thức thần kỳ” của Singapore để nhân rộng quy mô (scale up) thị trường tài chính lên một cách đáng kể!

Bên cạnh đó, những cá nhân nghi ngờ triển vọng dài hạn của việc đầu tư cổ phiếu có thể nhìn ra quốc tế nhiều hơn để trân trọng “giai đoạn vàng” của Việt Nam hôm nay. 30 năm đời người là khoảng thời gian dài đến khủng khiếp, song đối với vị bô lão Singapore đã vượt lên từ những ngày nghèo nàn, khó khăn của thập niên 1960s-1970s, 30 năm trôi qua quả nhanh như một cái chớp mắt, với những thành tựu thực diệu kỳ làm sao…

Saigon, đăng lại ngày 12.12.2020, bởi S.A.F.E team – TGN

TGN_S.A.F.E Team

Đội biên tập S.A.F.E

View all posts

Ap 79 chính thức phát hành!

Trang “Ấn phẩm cũ 2024”

Trang “Ấn phẩm cũ 2023”

error: Content is protected !!