(Cập nhật dịp World Cup Qatar Q4/2022) Như ngài Munger đã nói, nếu bạn không hiểu được toán xác suất căn bản Fermat/Pascal, bạn sẽ đi trên đường đời như một kẻ mất một chân trong một cuộc thi đá vào mông vậy (a one-legged man in an ass-kicking contest, cười) (*)
Áp dụng toán xác suất cho bộ môn cá độ bóng đá, chúng tôi càng thấy đó là lí do chính khiến hầu hết các con bạc đều thua trong dài hạn: nếu như một tay bạc đúng, hắn chỉ sinh lời được đâu đó với tỷ lệ 0.7-0.8-0.9 trên 1 đồng vốn (tức 70%-90% lợi nhuận), nếu chỉ cần hắn sai, dù chỉ một bàn hay một tình huống sai lầm của trọng tài, hắn sẽ mất -100% vốn liếng, một tỷ lệ reward/risk tệ hại mà không ở đâu sánh bằng – đó là chúng tôi chưa tính đến các rủi ro gian lận, dàn xếp tỷ số (match-fixing) khác (!)
Trong đầu tư cũng vậy, những NĐT giá trị thành công nhất chúng tôi biết chỉ tham gia các trường hợp có tỷ lệ reward/risk cực kỳ cao, chẳng hạn như upside 150%-300%, trong khi downside chỉ -20% hoặc tối đa -30% nhờ biên an toàn “margin-of-safety” khổng lồ; hơn thế nữa, họ còn dự trữ vô số biện pháp để bảo vệ downside như lợi suất cổ tức tiền mặt “dividend yield” cao, để dành khoản tiền mặt tương đối để gia tăng cổ phiếu, dòng tiền đều đặn để gia tăng cổ phiếu, v.v Cũng như triết lý Dhandho Investor của ngài Mohnish Pabrai, một học trò lâu năm của ngài Munger: “Nếu sai tôi chỉ mất chút ít, còn nếu đúng thì tôi sẽ được rất nhiều!“
Ngược lại, trò chơi với suất sinh lời chỉ +70% đến +90% trong khi mất -100% vốn liếng ngay lập tức sau một đêm dù chỉ dự đoán sai một bàn hay một tình huống trọng tài sai lầm, có thể khẳng định đây là trò chơi làm nghèo dài hạn (a poverty game in long-term)! Thật đáng tiếc khi thuở trung học cơ sở hay trung học phổ thông, ít trường học nào lại dạy những toán xác suất rất căn bản này để phòng tránh được việc hàng vạn gia đình phải khổ sở trả nợ, tán gia bại sản sau mỗi dịp sự kiện bóng đá khổng lồ tưởng chừng như vô hại, giải trí cho người dân trên toàn thế giới…
—————
(Bài viết gốc T6/2018) Đến hẹn lại lên, cứ giai đoạn giữa năm này sau mỗi 4 năm, chúng tôi lại chứng kiến một kỳ World Cup thú vị, cạnh tranh được đón chờ bởi những người đam mê bóng đá. Dù trên báo chí tràn ngập những thông tin về cầu thủ, về cách những đơn vị trung gian như FIFA, truyền hình, quảng cáo kiếm tiền, song ít ai đề cập đến số người bị mất tiền vì trò cá cược đỏ đen: số vô danh, nghèo khổ, ngập trong nợ nần đang hiện diện ở mỗi con phố, nẻo thôn, và hộ gia đình Việt Nam chỉ vì một sự kiện giải trí xa xôi như vậy…
Cá cược có phải là để “cho vui” hay không??
Với sự phát triển của Internet, điện thoại thông minh và giao dịch thanh toán online đáng kinh ngạc, chưa bao giờ chúng tôi thấy “căn bệnh” đỏ đen cá cược của người Việt – lại thịnh hành như hiện nay.
Theo một thống kê không chính xác, hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người đàn ông trong độ tuổi lao động ở khắp các tỉnh thành, trong đó đa số là trụ cột chính của gia đình, đã từng ít nhất một lần tham gia cá độ với tiền mặt (cash) trên các trang website, có thể trực tiếp, hoặc có thể thông qua các môi giới tại các quán cafe, quán nhậu phổ thông lề đường. Quá nửa trong số đó còn tham gia thường xuyên, với kì vọng đổi đời nhanh chóng, hoặc gỡ lại số tiền đã bị mất trong vô vọng…
Nhiều người nghĩ rằng cá cược vị chi thì chỉ để cho vui, bấy sao mà nghiêm trọng? Chúng tôi thì tin rằng trò chơi này cũng là căn bệnh ung nhọt nhức nhối tựa như ma túy hay bất kỳ trò giải trí nghiện ngập nào khác. Những chuyên gia tâm lý ở Mỹ đã nghiên cứu thấy rằng những thú tiêu khiển như thế này làm kích thích một hạt trong thùy não ta, gây ta hưng phấn khi thắng, cay cú khi thua, có năng lượng tột độ đến mức không thể nào kiểm soát bằng lí trí được. Ban đầu thắng vài lần do may mắn, ta sẽ nghĩ mình giỏi – kiếm tiền sao dễ dàng! Rồi dần dà ta thua liên tiếp, mà đổ cho vận xui, xong vay nợ người thân, vay không được, lại quay sang giới cho vay nặng lãi, từ người “cho vui” vượt lằn ranh mỏng manh, trở thành con nghiện cá cược lúc nào không hay được.
Nhiều tấm gương người thực, việc thực từ thịnh vượng thành kẻ trốn nợ, gánh nặng cho vợ con
Nhiều người thì nghĩ rằng “mình hoàn toàn có thể kiểm soát bản thân, mình đang thịnh vượng như thế này cơ mà“! Hơn mấy mươi năm quan sát vừa qua, chúng tôi từng chứng kiến những tấm gương cay đắng khôn xiết. Họ đã “say” trong cơn nghiện cá cược đến mức tán gia bại sản, ngay cả khi đang có công việc kinh doanh vô cùng thịnh vượng. Chúng tôi biết rất rõ những người này, vì họ từng là người thân quen của chúng tôi – dù nhìn cảnh đời xót xa, nhưng không ai có thể vực họ dậy trở lại được.
Một người từng là chủ một công ty thầu xây dựng có tiếng ở TPHCM những năm thập niên 1990 với những công trình công cộng quy mô lớn. Tưởng rằng số tài sản không dưới 7 căn biệt thự trị giá hàng nghìn cây vàng (hơn 100 tỷ đồng hiện tại) sẽ làm gia đình ông phú quý suốt đời. Ấy vậy mà chỉ vỏn vẹn 5 năm cá cược bóng đá, người này đã mất sạch số tài sản trên, bị đòi nợ đến mức phải trốn lên rừng biệt tăm một mình khi đã chạm mốc 70 tuổi.
Người khác thì là viên chức Nhà nước, có “sân sau” là các cửa hàng bán lẻ đồ chơi, đồ mỹ nghệ doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, ấy vậy mà chỉ 2 năm đánh bạc và cá cược ở Campuchia, người này giờ cũng đã mất sạch hơn 10 tỷ đồng, phải cậy nhờ gia đình trả nợ giúp, rồi hằng tháng trích lương vỏn vẹn vài triệu đồng ra trả góp dần khi đã qua độ tuổi 50 xế chiều.
Một người bạn đồng nghiệp khác của chúng tôi, từng là trưởng phòng (manager) trong ngân hàng với mức lương vài chục triệu đồng/tháng, vô cùng dư dả để nuôi vợ con. Ấy vậy mà anh ta lại chán ghét công việc, thời gian rảnh rỗi hay ra quán cafe vỉa hè mở báo bóng đá, cập nhật các trận đấu rất nhiệt thành. Thường xuyên, các đồng nghiệp bắt đầu thấy anh ta đi làm mặt mũi bầm dập, mắt thâm quầng vì mất ngủ, lo âu. Sau này nghe kể lại, thì đã hay anh ta bị ngân hàng đó đuổi việc vì biển thủ tiền dự án với đối tác. Anh này làm vậy vì quá túng thiếu – nợ cá độ bóng đá hàng trăm triệu với “xã hội đen” – may không bị ngân hàng này tố tụng hình sự. Mấy tháng trước, lâu sau thời gian biệt tăm, tự nhiên anh ta nhắn tin hỏi mượn chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng rồi trả vài ngày sau, chúng tôi đành từ chối trong một sự thương cảm day dứt cho vợ con người bạn cũ này.
Căn bệnh ở một góc độ lớn hơn và trách nhiệm của cơ quan quản lý
Những người chúng tôi biết tán gia bại sản như vậy, hoàn cảnh vẫn còn không thể nào bằng những hộ nghèo khó vùng thôn quê có những người chồng, người cha thiếu trách nhiệm. Trên khắp các mặt báo trong suốt 10 năm qua, người ta thấy không nớt các bài báo về những con nợ cá động bóng đá: người thì làm liều cướp bóc, biển thủ tiền, vướng vòng lao lý; người thì hành hạ, đánh đập vợ con – những người đã tảo tần bên họ suốt bấy năm qua – đến tử vong; thanh niên trẻ tuổi lỡ dại mất hàng tỷ đồng thì tự vẫn trong sự thẫn thờ của bố mẹ; những người lao động khác thì suốt đời làm lụng để trả lãi vay, chứ đừng nói đến nợ gốc cho những tay “giang hồ” xóm quê suốt quãng đời còn lại.
Vì không phải trình độ dân trí đồng đều ở mọi nơi, nếu chúng tôi là thành viên trong cơ quan quản lý của Nhà nước, dù chúng tôi sai đi chăng nữa, chúng tôi sẽ:
(1) Cấm triệt để mọi hoạt động cá cược, bất chấp online hay offline. Nói một cách khác, không bao giờ hợp thức hóa trò giải trí nghiện ngập này bằng mọi giá, đặc biệt thanh tra kĩ hơn vào những dịp lớn như World Cup, Euro mỗi hai năm.
(2) Siết chặt các đơn vị trung gian thúc đẩy trò này, bao gồm cả các công ty tài chính cho vay nặng lãi, tiệm cầm đồ và những quán cafe hoạt động ngầm.
(3) Áp dụng trả phí truyền hình những sự kiện lớn như World Cup, Euro tựa như các nước phát triển (Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), tránh để những người lao động ở thôn quê tiếp xúc với cám dỗ, bị mồi chài bởi các tay cho vay địa phương.
(4) Tăng cường tuyên truyền đến mọi người về “căn bệnh cá cược” chắc chắn sẽ dẫn đến kết cục tán gia bại sản trong dài hạn, nuôi béo những tay trung gian hút máu thường dân một cách hiểm ác.
Kết luận
Ngày xưa ông bà ta đã răn dạy lại câu thành ngữ qua bao đời: “Cờ bạc là bác thằng bần”. Quả thực không sai tí nào! Nếu ta đã biết rằng với những trò đỏ đen này, xác suất thắng của ta trong dài hạn gần như bằng zero – những kẻ gian lận ở khắp mọi nơi, vậy thì hà khất lại lao vào như loài thiêu thân vậy?!
Saigon, 18.06.2018, Filologos & Angelos
Tham khảo thêm các bài báo trước đây:
https://tuoitre.vn/ca-do-bong-da-que-toi-nguoi-mat-vo-ke-vo-tu-1311507.htm
https://news.zing.vn/banh-xac-vi-ca-do-kieu-nhai-xuong-o-world-cup-2014-post431598.html
https://www.vietnammoi.vn/truoc-gio-bong-lan-hay-xem-chuyen-thuc-cua-mot-gia-dinh-bi-huy-hoai-vi-ca-do-110564.html
http://kenh14.vn/nguoi-dan-ong-doan-tuyet-bong-da-vi-mat-trang-khi-ca-do-ke-lai-quang-doi-buon-tui-2018061511382621.chn